Các 'quan' VFF chưa biết đến 'văn hóa từ chức'?

13/09/2011 07:55
Đỗ Âu
(GDVN) - Bầu Kiên chỉ nói những điều mà ông bức xúc. Nhưng phản ứng của các quan chức VFF trong buổi Lễ tổng kết giải mới thật đáng buồn.

Sau bài phát biểu “lịch sử” mà chúng ta ai cũng đã biết, chỉ có Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đứng lên thừa nhận những sai sót cũng như phản biện ý kiến của bầu Đức Kiên. Còn những người còn lại, họ lặng lẽ rời khỏi phòng họp mà đến cả những phóng viên có mặt ở đó cũng không hay biết.

Thực sự nếu như những người đứng đầu BTC V-League, và đứng đầu VFF, có trách nhiệm và thực sự quan tâm tới giải đấu của mình cũng như những lời bàn tán của người trong cuộc lẫn khán giả, họ sẽ ở lại để bào chữa cho những điều mình làm hoặc thừa nhận sai lầm để đưa ra giải pháp.

Chọn cách cúi gằm mặt và lặng lẽ rời phòng, các quan chức VFF đã tự thừa nhận rằng bản thân họ không phải là những người tận tụy vì bóng đá nước nhà thậm chí là thiếu tận tâm.

Ngẫm chuyện ở ngoài

Việc Bộ trưởng Tái thiết thảm họa Nhật Bản Ryu Matsumoto từ chức vì lời lẽ không đúng mực chỉ 1 tuần sau khi đảm nhiệm công việc cho thấy, cái nhìn của những người Nhật về hành động từ chức khác xa người Việt lắm. Người Nhật vốn tôn trọng danh dự, và đối với họ danh dự xấu không thể đi cùng với chức vụ cao vì nó khiến công chúng cảm thấy bất công cho những ai tài đức vẹn toàn.

Giám đốc Công ty điện lực Tokyo Akio Komiri khóc sau khi rời phòng họp báo, một ngày sau vụ rò rỉ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Giám đốc Công ty điện lực Tokyo Akio Komiri khóc sau khi rời phòng họp báo, một ngày sau vụ rò rỉ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Thế nên các ông quan Nhật, nếu chưa chịu từ chức thì sẽ bị ép phải từ chức chứ không chờ đến lúc bị bãi nhiệm. Một samurai đã mất chủ sẽ tìm cách báo thù cho chủ, dù được hay không thì anh ta cũng sẽ mổ bụng tự sát để bảo toàn danh dự.

Ở bên Anh, Garry Cook, Giám đốc điều hành của Man City không chờ đến tận lúc bị nhận trát đuổi việc mới ra đi. Cook trước đó đã ở Mỹ, và vì biết mình không còn mặt mũi nào để trở lại nên đã bỏ việc bằng e-mail.

Tất cả đến từ một cái bức thư điện tử quái ác được cho là gửi từ ông giám đốc điều hành đầy kiêu ngạo tới mẹ của Nedum Onuoha đang bị ung thư. Bức thư với nội dung miệt thị đã khiến người mẹ kia sốc nặng. Khi chuyện bị vỡ lở trên báo chí, người ta đã đòi Cook phải từ chức vì hành động đáng chê đó, cho dù vẫn chưa đủ chứng cớ để buộc tội. Ngay cả ông giám đốc điều hành cũng ra sức phủ nhận hành động của mình.

Nhưng Garry Cook ít ra cũng biết đường mà xin lỗi nạn nhân của lá thư vì sự cố đáng tiếc trên. Và cho dù chưa ai chứng minh được Cook có tội, ông đã xin thôi việc. Đối với Cook, công việc ở Man City mang lại nguồn thu nhập đáng kể chẳng thua gì khi ông còn ở hãng Nike. Nhưng đi cùng với nó là trách nhiệm, là đòi hỏi phải bảo vệ hình ảnh của CLB mình đang làm việc, của những ông chủ đang trả lương cho mình.

Một khi đã không làm tròn công việc, Cook tự thấy mình đã không xứng đáng với mức lương ấy, thì tốt nhất là ra đi cho lòng thanh thản. Khi tâm hồn đã không còn tập trung thì sẽ chẳng làm được việc gì.

Xét chuyện ở Việt Nam

Nếu mà lấy những ví dụ từ Nhật và Anh để làm hình mẫu học tập, thì quan chức VFF không có đủ cả danh dự lẫn tinh thần tập thể và thái độ chuyên nghiệp.

Bài phát biểu của bầu Kiên thực ra không đưa được cái gì mới ngoài ý tưởng “Super Liga”, một ý tưởng mà nếu hiện thực hóa sẽ có thể khiến VFF sụp đổ. Nhưng dư luận thì hả hê, bởi ông chủ tịch HN.ACB đã nói ra những gì mà người ta chưa dám đứng lên nói, không được nói, hoặc đã nói nhưng chưa bao giờ được công bố rộng rãi.

Cú đánh của bầu Kiên chẳng khác gì "động đất" với VFF.
Cú đánh của bầu Kiên chẳng khác gì "động đất" với VFF.
Trong buổi Lễ tổng kết, ông Lê Hùng Dũng đã yêu cầu Thường trực VFF nên đưa việc thay cả Trưởng BTC giải lẫn Chủ tịch Hội đồng trọng tài QG vào Hội nghị BCH. Một ngày sau, Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi nói lấp lửng rằng mình đã hoàn thành tốt công việc của mình nên "có thể nghỉ".
Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng yêu cầu đưa việc thay ông Dương Nghiệp Khôi và Nguyễn Văn Mùi ra Hội nghị BCH
Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng yêu cầu đưa việc thay ông Dương Nghiệp Khôi và Nguyễn Văn Mùi ra Hội nghị BCH
Ông Khôi quyết không nghỉ, và nếu bị buộc thôi việc thì cũng sẽ "xung phong làm việc khác" chứ nhất định không về vườn. Và ông vẫn nằng nặc rằng mình cùng ê-kíp đã làm việc tốt. Khi được chất vấn rằng, "sao V-League vắng khán giả thế?", tức thì, quả bóng trách nhiệm được đổ sang cho đội tuyển quốc gia tập trung nhiều, làm lịch thi đấu rời rạc...
"Tôi đã hoàn thành tốt công việc của mình nên có thể nghỉ".
"Tôi đã hoàn thành tốt công việc của mình nên có thể nghỉ".
Và hãy xem chuyện của Hàn Quốc

Khi vụ scandal dàn xếp tỷ số của 9 cầu thủ Hàn Quốc bị phát hiện, người ta đã thấy những cái cúi đầu đáng xin lỗi đáng để VFF học tập.
Các quan chức LĐBĐ Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi công chúng sau vụ scandal dàn xếp tỷ số.
Các quan chức LĐBĐ Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi công chúng sau vụ scandal dàn xếp tỷ số.
Những quan to của LĐBĐ xứ Hàn cúi đầu để tạ lỗi với nhân dân. Họ tạ lỗi vì họ đã không cẩn thận, để cho những kẻ làm ăn phi pháp biến trận đấu bóng đá thành những trò diễn kịch lừa bịp, và họ đã vô tình mang những trò bịp đó ra diễn để người hâm mộ mua vé vào xem. Họ tạ lỗi vì đã bán những trò bịp cho CĐV, đã đánh cắp cả tài sản lẫn niềm tin của người hâm mộ bóng đá.
Lần gần nhất lãnh đạo VFF xin lỗi người hâm mộ cả nước là sau thất bại của ĐT U23 tại SEA Games 25.
Lần gần nhất lãnh đạo VFF xin lỗi người hâm mộ cả nước là sau thất bại của ĐT U23 tại SEA Games 25.

Ở Việt Nam, tước vị quan trọng đến nỗi con còn ghi chức vụ của bố lên tấm thiệp cưới. Và bởi thế, còn xa mới có cái gọi là "văn hóa từ chức".

Thế nên chúng ta chỉ cần đòi hỏi ở các quan VFF “văn hóa xin lỗi” và “văn hóa sửa sai”. Nhưng đến giờ mà họ vẫn còn chưa thực hiện cái văn hóa thứ nhất thì làm sao mà tin được họ sẽ thực hiện cái văn hóa thứ hai?

Đỗ Âu