Văn hóa cổ động viên Việt Nam

Cổ động viên Việt Nam ích kỷ nhất thế giới?

14/11/2012 07:25
Hà Đinh
(GDVN) - Rất nhiều những cổ động viên bóng đá Việt Nam đến sân chỉ để thể hiện mình thay vì cổ vũ cho những đội bóng mà mình hâm mộ.
LTS: Cổ động viên là cầu thủ thứ 12 của đội bóng, thậm chí còn hơn thế. CLB Borussia Dortmund (Đức) luôn có lượng fan xấp xỉ 80.000 tới sân Signal-Iduna Park bất kể trận nào. Napoli trước đây tụt xuống giải hạng Ba Italia cũng vẫn lôi cuốn được 5-6 vạn khán giả. Ở Việt Nam, Mỹ Đình, Hàng Đẫy... từng có thời là những chảo lửa nóng rãy mỗi khi đội tuyển Việt Nam chơi hay, nhưng tới lúc kết quả không tốt, các cầu thủ lại trở thành mục tiêu để chỉ trích. Hướng tới AFF Cup 2012, tuyển Việt Nam hơn lúc nào hết cần một lực lượng CĐV hùng hậu nhưng chuyên nghiệp và vững tin vào đội tuyển để có thể chinh phục chiếc cúp vàng lần hai.

Trong những trận đấu của đội tuyển Việt Nam ở VFF Cup 2012 diễn ra trên sân Thống Nhất vừa qua, khán giả xem truyền hình không khó để nghe được những lời lẽ chướng tai từ phía những cổ động viên có mặt trên sân dành cho trọng tài, huấn luyện viên, cầu thủ đội khách cũng như cả với cầu thủ chủ nhà…

Ở Việt Nam, thất bại rời sân mà nhận được những tràng pháo tay động viên của khán giả là chuyện hiếm...
Ở Việt Nam, thất bại rời sân mà nhận được những tràng pháo tay động viên của khán giả là chuyện hiếm...

Khi Phan Thanh Hưng phối hợp cùng Quốc Anh ghi bàn trong trận thắng của tuyển Việt Nam trước người Mã trên đất khách, trên khắp các diễn đàn và trang mạng xã hội đều tung hô cầu thủ người Đà Nẵng như là linh hồn, một thủ lĩnh mới ở tuyến giữa của đội tuyển Việt Nam. Nhưng khi được HLV Phan Thanh Hùng tiếp tục đặt niềm tin cho ra sân trong những trận đấu tại VFF Cup, Thanh Hưng không còn giữ đươc phong độ ấy nữa và chơi rất nhạt nhòa. Ngay lập tức, Thanh Hưng nhận được rất nhiều lời lẽ xỉ vả và chỉ trích của rất nhiều những cổ động viên được cho là ‘nhiệt thành’ có mặt trên sân Thống Nhất. Không chỉ thế, các cổ động viên ‘nhiệt thành’ ấy còn không ngần ngại buông những lời lẽ chỉ trích HLV Phan Thanh Hùng ưu ái đưa cháu mình vào sân.

Bóng đá là môn thể thao vua được hâm mộ bậc nhất ở Việt Nam, nhưng để làm vừa lòng cả triệu người hâm mộ ấy thì quả là bài toán khó. Không nói đến những fan hâm mộ chân chính, có rất nhiều người coi những khán đài là nơi để thể hiện cái ‘chất’ của mình. Họ không hẳn đến sân để cổ vũ, để thưởng thức một trận đấu mà chỉ lợi dụng bóng đá để thể hiện cái tôi của mình. 

Thắng thì họ tung hô thế này thế kia, còn khi thi đấu không đúng phong độ thì họ chửi rủa, mạt sát, văng ra những từ ngữ khó nghe hay ném tất cả những gì có thể xuống dưới sân… cho hả cơn tức của mình mà không chịu hiểu rằng chẳng có bất cứ đội bóng nào trên thế giới có thể duy trì phong độ tốt trong thời gian dài được, phải có lúc thăng, lúc trầm, lúc hay, lúc dở... Đội tuyển Tây Ban Nha là số 1 thế giới, 2 lần vô địch EURO, 1 lần vô địch World Cup trong giai đoạn 2008-2012 nhưng kẹp giữa đó là thất bại tủi hổ tại Confeds Cup 2009.

Những cổ động viên 'phong trào' ấy hàng tuần vẫn bỏ ra rất nhiều tiền và thời gian để được xem những giải đấu hàng đầu thế giới như Ngoại hạng Anh, La Liga, Champions League… nơi mà ngay cả khi đội nhà thua nhưng lại vẫn nhận được sự cổ vũ rất nhiệt và những tràng pháo tay không ngớt, nhưng họ lại chẳng học hỏi được  gì từ những cổ động viên chuyên nghiệp bậc nhất thế giới ấy. Đến bao giờ ở Việt Nam mới thấy được hình ảnh như những cổ động viên của Liverpool luôn hát vang ca khúc ‘You'll never walk alone’ dù đội nhà phải nhận hết thất bại này đến thất bại khác... mùa này và thậm chí sau 11 vòng Premier League chỉ có được 12 điểm, ngang bằng số điểm mà đối thủ M.U có được chỉ sau 4 trận Champions League.

* Nếu bạn là một CĐV bóng đá Việt Nam và có ý kiến bình luận/phản biện... bài viết này, hãy gửi cho Báo Giáo dục Việt Nam qua hộp thảo luận cuối bài (Gõ tiếng Việt có dấu)! Mọi ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng sẽ được báo đăng tải đầy đủ! Trân trọng cảm ơn!
Hà Đinh