Công Vinh cần Hà Nội T&T, Hà Nội T&T cần Công Vinh

22/09/2011 08:58
Theo SGGP
Công Vinh ở lại Hà Nội T&T có lẽ là câu chuyện “vì ta cần nhau” hiếm hoi của bóng đá Việt.
Câu chuyện gia hạn hợp đồng của Lê Công Vinh và Hà Nội T&T cũng kết thúc có hậu khi Công Vinh sẽ thuộc về đội bóng thủ đô trong 3 năm nữa, 3 năm đẹp nhất của đời cầu thủ. Đấy có lẽ là câu chuyện “vì ta cần nhau” hiếm hoi của bóng đá Việt.

Những đồn thổi về các “chiêu” thổi giá của Công Vinh thực ra cũng đừng nên nhìn dưới góc độ tiêu cực. Một cầu thủ nhận thức rất rõ giá trị của mình như Công Vinh thì đương nhiên có quyền “làm giá”, miễn sao điều đó không vượt quá các khuôn khổ của đạo đức. Trong trường hợp của Công Vinh, đấy là chuyện bình thường của cái mà chúng ta vẫn hay nói “bóng đá thị trường”.
Ở lại Hà Nội T&T là điều khôn ngoan của Lê Công Vinh. Ảnh: Quang Minh
Ở lại Hà Nội T&T là điều khôn ngoan của Lê Công Vinh. Ảnh: Quang Minh

Vấn đề là Công Vinh đã quyết định ở lại. Chúng tôi tin, Công Vinh có thể tìm được một bến đỗ mới với giá tiền nhỉnh hơn Hà Nội T&T một vài tỷ đồng. Nhưng anh đã có một sự lựa chọn khôn ngoan, ít nhất là với đẳng cấp cùng những trải nghiệm của một người từng là cầu nối để đưa Quang Hải vào Sài Gòn với giá 10 tỷ đồng. Công Vinh không phải là Quang Hải. Thêm 1 hay nhiều tỷ đồng thì cũng không khiến anh giàu hơn, cũng như có thiệt thòi một chút về tài chính tại Hà Nội T&T thì anh cũng không nghèo đi vậy. Cái Công Vinh cần là một nơi mà thương hiệu cá nhân của anh được ổn định.

Ở Hà Nội T&T, Công Vinh có điều đó.

Với Hà Nội T&T, có người cho rằng, họ đã có một thương vụ thành công. Cái đó cũng còn tùy. Không lẽ một người như bầu Hiển lại vui mừng reo lên hớn hở khi “trả giá” với Công Vinh để tiết kiệm được vài tỷ đồng. Thành công hay không ở thương vụ này, nằm ở sự đóng góp của Vinh trong tương lai. Nếu tiền đạo này không giúp cho họ có thêm một chức vô địch, tiết kiệm vài tỷ đồng cũng chẳng để làm gì.

Nhưng có một điều chắc chắn, Hà Nội T&T có thứ họ cần. Không phải là tiền bạc. Không phải vì có sự phục vụ của Công Vinh. Quan trọng hơn hết, họ đã giữ được “thương hiệu” cho tập thể đội bóng.

Chính xác là như vậy và chúng tôi tin, cũng vì thế mà bầu Hiển mới có cuộc gặp với Công Vinh ở phút 90+. Giữ lại được Công Vinh không chỉ thêm một chân sút mà là để ngăn chặn những cuộc ra đi vì đồng tiền. Hà Nội T&T từng có tiếng là đội bóng biết cách tiêu tiền, họ không thể để cầu thủ đi chỉ vì …thiếu tiền. Công Vinh ở lại, nhiều người khác sẽ phải nghĩ lại. Chẳng ở đâu có thể cho họ danh vọng lẫn tiền bạc một cách ổn định (chứ chưa hẳn đã nhiều hơn) như tại Hà Nội T&T. Vì thương hiệu của một “đại gia”, bầu Hiển mới ra tay vào phút chót.

Ở Công Vinh, Hà Nội T&T cần một sự bảo chứng. Họ đã có.

Trong một mớ hỗn độn suốt nhiều năm qua của bóng đá Việt Nam, câu chuyện Bầu Hiển + Hà Nội T&T + Công Vinh hẳn nhiên trở nên sống động và là ví dụ hay nhất của một cách làm bóng đá “vì ta cần nhau”. Cái khái niệm “màu cờ sắc áo” tưởng chừng đã không còn, nay dần trở lại theo một góc độ riêng đó là “thương hiệu tập thể + cá nhân”. Công Vinh sẽ đá vì Hà Nội T&T bởi đội bóng càng thành công, giá trị của anh càng lớn. Công Vinh có thể kiếm tiền nhiều hơn ở một nơi khác nhưng chắc chắn, bài học của Quang Hải, Tài Em ở Navibank Sài Gòn hay Việt Thắng tại Ninh Bình đã khiến anh nghĩ khác.

Xung quanh câu chuyện giữa anh và Hà Nội T&T, ít ra bóng đá Việt Nam cũng đã có một ví dụ mới mẻ để dần đi vào khuôn khổ. Ở câu chuyện đó, đội bóng không còn là “chùm khế ngọt” nữa và chính đội bóng cũng không còn phải sẵn tìm danh vọng dựa trên kỷ lục của các bản hợp đồng mà là chính tài năng của cầu thủ đó.
Theo SGGP