Những 'ông bầu' tỷ phú của bóng đá Việt Nam (phần 1)

08/09/2011 12:10
Theo PLXH
Nhằm góp phần tổng kết diện mạo công tác xã hội hóa bóng đá đỉnh cao của Việt Nam, xin giới thiệu với bạn đọc về các "bầu" thành danh của BĐVN.
Đoàn Nguyên Đức: Người của những thương vụ táo bạo

Nếu cần chọn ra một ông bầu bóng đá tiêu biểu bậc nhất trên nhiều phương diện, thì tôi có thể quả quyết đấy chính là Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. So với những ông chủ khác đang nổi đình nổi đám gần đây như Đỗ Quang Hiển, người được xem như "sếp sòng" của cả 2 CLB Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng, chưa hẳn mức độ đầu tư của bầu Đức đã lớn bằng. Nhưng từ góc độ của 1 trong 2 người cùng với "đại gia" khác là Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm, ông Đoàn Nguyên Đức chính là người đã trực tiếp tham gia, mở lối cho xu thế đầu tư thương hiệu thông qua bóng đá của Việt Nam.
Những 'ông bầu' tỷ phú của bóng đá Việt Nam (phần 1) ảnh 1
Ông Đoàn Nguyên Đức với Phó thủ tướng Lào.
Sinh năm 1962 tại Bình Định, cuộc đời Đoàn Nguyên Đức đã trải qua nhiều thăng trầm. Nhưng những cơ duyên trong đời cùng với ý chí làm giàu chính đáng, vị doanh nhân họ Đoàn đã tạo nên những bước phát triển về sự nghiệp đáng kinh ngạc. Bắt đầu là một xí nghiệp tư doanh sản xuất đồ gỗ (chủ yếu là bàn ghế) đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Hoàng Anh đã liên tục phát triển nhờ những quyết định đầu tư táo bạo của ông. Nhưng nói như bầu Đức, chính thương vụ đầu tư vào bóng đá đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông. Năm 2001, ông chủ Đoàn Nguyên Đức cùng Giám đốc Sở TDTT Gia Lai lúc ấy là ông Phạm Văn Tuấn (nay là Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT) cùng ký vào văn bản thỏa thuận tiếp nhận lại đội bóng đá Gia Lai. Có lẽ ở thời điểm ấy, dù có tầm nhìn xa và tâm huyết đến đâu, người đứng đầu của ngành TDTT tỉnh miền núi Tây Nguyên cũng không thể tưởng tượng được rằng đấy lại là bản thỏa thuận mang ý nghĩa vô cùng lớn lao, ảnh hưởng tới sự phát triển không chỉ của bóng đá tỉnh nhà mà còn tạo thành bàn đạp quảng bá rộng rãi thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai và tạo nên động lực phát triển rất lớn đối với kinh tế xã hội của cả tỉnh.

Mời được chuyên gia bóng đá lão làng Nguyễn Văn Vinh về làm giám đốc kỹ thuật, bầu Đức - một người "ngoại đạo" theo đúng nghĩa của ngành TDTT lúc đó - mau chóng hiểu rõ cần phải làm gì để tạo nên thay đổi về chất của CLB bóng đá. Trước mùa giải hạng Nhất 2001-2002, cả làng bóng đá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á ngỡ ngàng trước thông tin "Zico Thái" Kiatisuk sẽ đầu quân cho đội bóng phố Núi với mức lương tới 10.000 USD - kỷ lục thật sự không tưởng đối với BĐVN tại thời điểm đó (các đội V.League "bạo chi" nhất hồi ấy cũng chỉ dám bỏ ra khoảng 2.000 USD mỗi tháng cho một ngoại binh). Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ ấy, không đầy 1 năm sau, Hoàng Anh Gia Lai giành vé thăng hạng V.League. Và cũng không cần thêm ngần ấy thời gian, ngay trong mùa đầu tiên "tham chiến" tại giải đấu cao nhất của hệ thống bóng đá VN, họ đã vươn hẳn lên giành ngôi vô địch. Liên tiếp vô địch V.League 2 mùa liên tiếp (2003-2004) đã củng cố vững chắc vị thế của Hoàng Anh Gia Lai, mặt khác cũng giúp thương hiệu này góp mặt trong hàng ngũ các đại gia về sản xuất đồ gỗ gia dụng cũng như lấn sân vào các lĩnh vực khác trong ngành xây dựng.
Những 'ông bầu' tỷ phú của bóng đá Việt Nam (phần 1) ảnh 2
Ông Đức và GĐKT Nguyễn Văn Vinh.
Năm 2007, ông bầu Đoàn Nguyên Đức tạo thêm một cú chấn động thứ hai khi ký hợp đồng thoả thuận 3 bên với CLB lừng danh Arsenal (Anh) và "lò" đào tạo bóng đá trẻ JMG toàn cầu của cựu danh thủ người Pháp Jean Marc Guillou, khai trương Trung tâm bóng đá HA.GL - Arsenal JMG tại khu Hàm Rồng, trở thành lò đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên theo hình thức đầu tư "buôn tận gốc, bán tận ngọn". Quả thật, với những ai am tường bóng đá Việt Nam thì chỉ cần bầu Đức còn "máu" bóng đá, thì tương lai của HA.GL sẽ còn được đảm bảo vững chắc.

Võ Quốc Thắng và dấu ấn của "thầy Tô"

Khác với Đoàn Nguyên Đức, bầu Thắng (SN 1967) bắt tay vào làm kinh tế trên nền tảng sẵn có từ sản nghiệp gia đình: thay thế bố, ông Lê Quốc Tâm, đảm trách vai trò Chủ tịch Phát triển thương hiệu Gạch Đồng Tâm. Tuy nhiên, giống như bầu Đức, Võ Quốc Thắng tận dụng rất tốt mối quan hệ kinh doanh của mình để tiếp cận HLV Henrique Calisto, cựu Chủ tịch Hội đồng HLV bóng đá Bồ Đào Nha để mời ông về nắm vai trò "kiến trúc sư trưởng" của công cuộc cải tổ CLB bóng đá Long An dưới tên gọi mới - Gạch Đồng Tâm Long An.

Mùa giải hạng Nhất 2001-2002, Gạch Đồng Tâm Long An cũng giành được tấm vé thăng hạng V.League cùng với Hoàng Anh Gia Lai. Thế là bắt đầu từ V.League 2003, người ta chứng kiến cuộc đua ngầm giữa 2 ông bầu Đoàn Nguyên Đức - Võ Quốc Thắng trong công tác đầu tư thương hiệu thông qua 2 CLB bóng đá. Cuộc đấu "Gạch - Gỗ" mau chóng mang ý nghĩa "derby" doanh nghiệp, hấp dẫn không thua gì những trận derby kinh điển của BĐVN trong quá khứ giữa CAHN với Thể Công tại phía Bắc hay CATPHCM với Cảng Sài Gòn tại phía Nam.
Những 'ông bầu' tỷ phú của bóng đá Việt Nam (phần 1) ảnh 3
Ông Võ Quốc Thắng ưu tư cùng bóng đá.
Khác với HA.GL (áp dụng "chiêu" thưởng nóng cho toàn đội sau mỗi trận đấu bên cạnh mức lương rất cao so với mặt bằng chung), Gạch Đồng Tâm Long An, với sự dẫn dắt của Giám đốc kỹ thuật Calisto có cách làm riêng để khích lệ cầu thủ: Xác lập hệ thống tính điểm trên cơ sở đóng góp của các cầu thủ tới chuyên môn của đội bóng để tiến hành các mức thưởng cá nhân trọn mùa. Điều khác biệt đáng kể nữa so với bầu Đức là: bầu Thắng chủ trương không bỏ ra những khoản tiền lớn để mua cầu thủ đã thành danh mà tận dụng khả năng nhìn người của "thầy Tô" để biến các cầu thủ ít tên tuổi trong làng bóng đá thành những "chiến binh" dày dạn. Không phải tự nhiên mà người ta từng ví HLV Calisto như ngài Alex Ferguson, tất cả xuất phát từ chính cách làm này.

Vậy nên sau khi chấp nhận nhường bước cho HA.GL vô địch V.League 2003 và 2004, Gạch Đồng Tâm Long An đã vươn lên mạnh mẽ với hàng loạt tên tuổi mà trước đó không lâu còn bị xem là "làng nhàng": Nguyễn Minh Phương, Phan Văn Tài Em, Phan Văn Giàu, Võ Phi Thường, Nguyễn Hoàng Thương, Santos, Antonio… Dưới bàn tay của "phù thủy" Calisto, các cầu thủ ĐT.LA không chỉ luôn thi đấu với đấu pháp khôn ngoan mà còn hừng hực chất "lửa".
Những 'ông bầu' tỷ phú của bóng đá Việt Nam (phần 1) ảnh 4
"Bầu" Thắng và HLV Calisto.
Đằng sau thành công của ĐT.LA cần nhấn mạnh vai trò của giám đốc kỹ thuật (thực chất ông kiêm nhiệm luôn cả chức danh HLV trưởng) Calisto. Bằng chứng là kể từ khi thầy Tô rời CLB để làm việc chuyên trách ở ĐTQG (2008), cùng với việc bầu Thắng quá bận rộn với công việc kinh doanh, ĐT.LA đã bắt đầu một thời kỳ thoái trào cho tới khi đau đớn nhận tấm vé rớt hạng sau V.League 2011.
Theo PLXH