"VFF là đơn vị tiên phong, là tấm gương..."

12/09/2011 14:17
Theo Bóng Đá
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn đã trò chuyện thẳng thắn về những thành tựu và tồn tại của BĐVN trong 11 năm qua.

Từng là cầu thủ, Giám đốc Sở TDTT Gia Lai, Ủy viên thường vụ VFF khoá IV, Trưởng ban Bóng đá phong trào của VFF khoá V và là người tiên phong trong chiến dịch xã hội hoá bóng đá để HAGL trở thành đại gia V.League sau này, ông Phạm Văn Tuấn, hiện là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, theo dõi sát sao và hiểu sâu sắc về tiến trình phát triển của bóng đá chuyên nghiệp VN. Ông đã trò chuyện thẳng thắn về những thành tựu và tồn tại của BĐVN trong 11 năm qua.


“Đừng vì một vài sai sót mà phủ nhận thành công của V.League”

PV: Ông đã dự Lễ Tổng kết mùa giải 2011 và Hội nghị Ban chấp hành VFF lần thứ 5, nhiệm kỳ 6, ông nghĩ gì sau chu kỳ 10 năm chuyên nghiệp của BĐVN?

- Ông Phạm Văn Tuấn: Đánh giá một vấn đề cần phải khách quan và toàn diện. Tôi đánh giá rằng BĐVN phát triển tốt trong 10 năm qua. Những ngày đầu vừa đi vừa dò đường cho đến ngày hôm nay, chúng ta có hệ thống bóng đá tương đối hoàn chỉnh. Từ nền bóng đá bao cấp, chúng ta đã thay đổi để hoà nhập tốt với khu vực, với châu Á và thế giới.

Sự phát triển ấy thể hiện ở khía cạnh nào, thưa ông?

- Điều đó phản ánh ở hệ thống bóng đá, các tuyến trẻ, giải đấu mà các nước đi trước chúng ta như Indonesia, Malaysia còn thất bại. Thai League gần đây mới chuyên nghiệp bởi nhìn chúng ta phát triển như thế nên người ta mới phải chạy. Việt Nam hay có tư tưởng “Bụt chùa nhà không thiêng”, người ta cứ nói đtqg, U.23QG thế này, thế kia nhưng khi ĐTVN sang Thái Lan, Malaysia, Singapore, khán giả đông đến nghẹt thở. Nó phản ánh sức hút, uy tín của BĐVN. Khi hoà nhập với AFF, AFC và FIFA, cán bộ của VFF đã tham gia giữ vị trí quan trọng. Các lãnh đạo của những tổ chức bóng đá lớn cũng rất tôn trọng lãnh đạo VFF. Đó là uy tín, vị thế được thế giới công nhận, đó là thứ không thể tự nhiên mà có được.
Cần công bằng khi đánh giá về V.League?
Cần công bằng khi đánh giá về V.League?

Ông đánh giá như thế nào về V.League ở tuổi 11?

- V.League mùa vừa rồi có chất lượng rất cao, kịch tính đến giây cuối cùng với “trận chung kết” nghẹt thở giữa SLNA – HN.T&T, điều mà chưa mùa giải nào có được. Cần biết rằng, tại World Cup, trọng tài cũng sai lầm, trận chung kết cũng có 13 thẻ vàng, 2 thẻ đỏ. Vậy thì mình chỉ nhìn phiến diện để nói V.League thất bại là không đúng, tôi không đồng tình. Sai sót của vài ba trọng tài, vài ba trận đấu mà các CLB đã đủ điểm, thoả mãn rồi làm cho NHM tức giận chỉ là những hạt sạn. Chúng ta không thể vin vào đó nói V.League thất bại mà V.League càng ngày càng tốt. Nếu nhìn lượng khán giả ít mà nói V.League giảm sức hút là không đúng. Khán giả đến sân giảm nhưng khán giả xem qua truyền hình thì tăng rất nhiều, và nếu khán giả xem qua truyền hình tăng như vậy thì phải nói là giải đấu tốt chứ?

Với tư cách là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông có chia sẻ gì với VFF?

- Tôi đề nghị VFF phải lắng nghe ý kiến của xã hội nhiều hơn nữa, từ Liên đoàn bóng đá thành viên, các CLB bóng đá hãy vì ngôi nhà bóng đá Việt Nam, trong không khí đoàn kết, dân chủ để thay đổi, bổ sung và hoàn thiện tổ chức của mình. VFF phải dũng cảm nhận trách nhiệm khi mình sai và dũng cảm thay đổi. Trước kia, rất nhiều người phản đối quyết liệt việc giao đội bóng cho doanh nghiệp nhưng tôi vẫn đứng ra chịu trách nhiệm, dám thay đổi bởi tôi hiểu rằng đó là con đường tất yếu để phát triển bóng đá.

Theo quan điểm của tôi, đã là lãnh đạo, được tín nhiệm bầu vào, phải phát biểu đúng nơi, đúng chỗ, có trách nhiệm và phối hợp hiệu quả với nhau. Tổng cục TDTT đã gửi nhiều văn bản đến VFF để kiểm soát hoạt động của các CLB, đặc biệt là về tài chính, về quản lý, giáo dục cầu thủ và xây dựng đội bóng có truyền thống, bản sắc… VFF cần chỉ đạo kiên quyết loại bỏ các biểu hiện tiêu cực, loại bỏ những con người dính chàm.

Rất nhiều người tâm huyết nhưng vẫn có những phát biểu hết sức bất lợi cho việc phát triển bóng đá?

- Tôi trưởng thành từ một cầu thủ, làm bóng đá và tôi cho rằng tài sản lớn nhất của bóng đá là những người tâm huyết với nó. Điều đó không thể quy đổi bằng tiền được. Thiếu tiền, chúng ta có thể tìm tiền nhưng những người có năng lực, tâm huyết với bóng đá thì khác, phải trân trọng họ. Họ là những người có tài, có tâm mà mình phải bảo vệ và tôi đánh giá rất cao vai trò của những ông chủ đầu tư cho bóng đá. Phát triển bóng đá cần một sức mạnh tổng lực mà tinh thần tôn trọng luật và tham gia hoạt động bóng đá một cách có văn hoá đóng vai trò quyết định. Khán giả tới sân nên cổ vũ thật văn minh, trên tinh thần fair-play, cầu thủ ứng xử có văn hoá, HLV, lãnh đạo các đội cũng cần có những hành động, lời nói công bằng, chuyên nghiệp. Rất nhiều người nói họ tâm huyết với sự phát triển của bóng đá nhưng việc làm, lời nói của họ đang tàn phá bóng đá. Để phát triển bóng đá, chúng ta cần sự hợp tác của toàn xã hội một cách đúng đắn.

“Không thay đổi quy chế, bóng đá không thể phát triển”

Quan điểm của ông về tiến trình hoàn thiện Quy chế bóng đá chuyên nghiệp như thế nào?

- Năm 2000, tôi còn ở Gia Lai, V.League chưa chuyên nghiệp thế này đâu. 10 năm qua, quy chế bóng đá chuyên nghiệp vẫn thay đổi cho phù hợp với đòi hỏi thực tế. Hằng năm, quy chế được Hội nghị Ban chấp hành VFF thông qua, được các CLB góp ý và được Tổng cục TDTT thẩm định. Trong quá trình phát triển, chúng ta phải bổ sung để càng ngày càng hoàn thiện. Nói thật, nhiều bộ luật của Việt Nam, chưa ban hành đã lạc hậu rồi và cần phải bổ sung. Mà bộ luật ấy do Quốc hội, các nhà lập pháp chuyên nghiệp hàng đầu cả nước mà còn phải thay đổi thì quy chế bóng đá chuyên nghiệp phải thay đổi là đương nhiên và đó là điều FIFA vẫn đang tiến hành. Còn chúng ta, thử hỏi xem các đội bóng đã đóng góp cho sự hoàn thiện của quy chế chưa hay là các đội chỉ tìm kẽ hở để lách?

Quan điểm của Tổng cục TDTT về hoạt động của VFF như thế nào, thưa ông?

- Tổng cục TDTT đánh giá BCH VFF các nhiệm kỳ vừa qua chứ không riêng nhiệm kỳ này có nhiều tiến bộ, chuyên nghiệp và thực hiện đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. VFF là đơn vị tiên phong, là tấm gương cho các liên đoàn khác noi theo. Tổng cục TDTT luôn ủng hộ và đồng hành với VFF vì VFF đã đảm nhận toàn bộ hoạt động bóng đá. Nếu các liên đoàn khác cũng như VFF thì chắc chắn cơ chế quản lý nhà nước càng ngày càng hoàn thiện và TDTT Việt Nam ngày càng phát triển vượt bậc. Và tôi khẳng định đó là xu thế tất yếu để phát triển TTVN, tiến tới thể thao chuyên nghiệp, thể thao nhà nghề. Có như vậy, chúng ta mới có vị thế xứng đáng là một quốc gia mạnh về thể thao để thoả mãn nhu cầu của người dân và xứng đáng với tầm vóc người Việt Nam.

Xin ông cho biết thêm về chiến lược phát triển thể thao Việt Nam, trong đó có bóng đá?

- Một trong 10 đề án của chiến lược thể thao Việt Nam được Chính phủ phê duyệt tháng 11/2010 là phát triển bóng đá. Đừng nghĩ chiến lược này giống như chiến lược bóng đá trước đây vì chiến lược kỳ này, VFF có trách nhiệm soạn thảo, Tổng cục TDTT phối hợp sau đó thăm dò ý kiến rộng rãi từ BCH VFF, các CLB cho đến nhân dân và các chuyên gia bóng đá. Sau khi hoàn thành, Tổng cục TDTT sẽ trình Bộ VH - TT - DL thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành. Do đó, đề án kỳ này có tầm quan trọng, khi Chính phủ đã ban hành thì sẽ có những điều kiện tiếp theo để đề án này được thực hiện có hiệu quả như các chính sách tài chính, đất đai, định hướng phát triển, quan hệ đối ngoại….

- Xin cám ơn ông và chúc cho TTVN ngày càng phát triển.
Theo Bóng Đá