Cuộc chiến bản quyền truyền hình VPF - VFF - AVG

VPF đã khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ

17/02/2012 10:42
B.B (tổng hợp)
(GDVN) - Hôm qua (16/2), ngay sau khi có kết quả chính thức thanh tra, VPF đã gửi đơn khiếu nại tới Thanh tra Chính phủ về Kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL trong việc thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình VFF-AVG.
VPF khẳng định, kết luận của Thanh tra về việc “chỉ VFF mới có quyền sở hữu và toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp do VFF tổ chức” là chưa đúng với pháp luật hiện hành. Trong đơn, VPF nêu rõ Khoản 2, Điều 53 Luật Thể dục Thể Thao: "Liên đoàn thể thao quốc gia, các CLB thể thao chuyên nghiệp, và các tổ chức cá nhân khác tổ chức giải thành tích cao, và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao, và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức".
Đơn khiếu nại của VPF.
Đơn khiếu nại của VPF.
Còn Khoản 1 điều 64 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2011: “VFF chia sẻ và thống nhất cùng CLB, đội bóng khai thác quyền thương mại hiện có trên nguyên tắc đạt hiểu quả cao nhất. Nếu có những vấn đề chưa thỏa đáng, CLB được quyền kiến nghị VFF xem xét giải quyết. Trong trường hợp không nhất trí với quyết định của VFF thì CLB được khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của VFF” . Khoản 3 điều 69 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2011: “Đối với nguồn thu thực tế tiền BQTH từ các giải bóng đá của VFF trên các đài truyền hình, VFF sẽ chia cho các CLB tham dự giải theo tỷ lệ như sau: VFF hưởng 50% và các CLB hưởng 50%...”; Khoản 1, 2 điều 169 Bộ luật Dân sự… Như vậy, theo các điều khoản này thì Liên đoàn Bóng đá Việt Nam không phải là chủ sở hữu duy nhất các Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Bầu Kiên quyết đi tới cùng vụ bản quyền truyền hình. Ảnh: VSI
Bầu Kiên quyết đi tới cùng vụ bản quyền truyền hình. Ảnh: VSI
Đồng thời, VPF khẳng định sự thiếu hợp pháp của hợp đồng VFF - AVG : “Căn cứ các quy định của pháp luật (khoản 3, 4 điều 35 Luật Thể dục, Thể thao; Điều 1 Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước), việc VFF bán toàn bộ thương quyền của các ĐTQG không thông qua đấu giá là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành về bán tài sản Nhà nước”. Và cuối cùng, VPF cũng thể hiện sự bất hợp lý trong hợp đồng này: “Mặc dù theo pháp luật hiện hành chưa có quy định nào hạn chế thời hạn hợp đồng, nhưng việc VFF chỉ thu được 6 tỷ đồng/năm cho tất cả các Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và các trận đấu của các ĐTQG và hàng năm chỉ tăng 10% trong suốt 20 năm. Theo chúng tôi đây là một sự thiệt hại rất lớn cho bóng đá Việt Nam vì việc thực hiện bán thương quyền này không được thông báo công khai, minh bạch, rộng rãi cho tất cả các đối tác có nhu cầu”.
B.B (tổng hợp)