Cổ tích bóng đá còn đâu!

01/04/2013 06:42
Hoàng Quân
(GDVN) - Toàn cầu hóa đang giúp bóng đá lên lỏi tới từng ngõ ngách trên hành tinh, nhưng cũng vì thế những kỳ tích càng khó xảy ra.
Trong chuyện làm ăn, dòng chảy tiền càng đổ về một công ty thì công ty đó càng giàu và càng sống lâu. Ta gọi đó là sự độc quyền.
Mùa giải Serie A 1977-78 kết thúc với Juventus đứng đầu BXH và đoạt Scudetto. Nhưng điều khiến người ta chú ý nhất, đó là đội Á quân với cái tên lạ hoắc: Lanerossi Vicenza. Tên đội này không phải ai cũng biết, nhưng tên của trung phong đá cho đội này thì lừng danh khắp thế giới: Paolo Rossi, Vua phá lưới World Cup 1982 với giai thoại ghi 5 trong 6 bàn thắng ở Espana 82' chỉ bằng những cú đá ở ngay chạm thứ nhất.
Những câu chuyện thành công như của Vicenza, dù không lâu bền, luôn để lại dấu ấn lớn trong lòng người hâm mộ bóng đá, bởi không dễ gì một đội bóng ít tiếng tăm lại có thể đạt được những thành tích như thế. Ngày nay, những "truyện cổ tích" như vậy có rất ít cơ hội xảy ra, bởi bóng đá đã trở thành một trật tự được thiết lập, và phá vỡ trật tự đó không dễ.
Những Barcelona, Manchester United, Bayern Munich, Juventus... sẽ còn tiếp tục thống trị giải VĐQG của mình lẫn đấu trường Champions League trong một thời gian dài nữa, bởi những đội bóng này có tất cả điều kiện cần để duy trì sự ổn định về mọi mặt: Họ có nguồn lực tài chính dồi dào từ tiền vé vào sân, tiền bán hàng hóa, tiền thưởng các giải đấu, tiền bản quyền truyền hình... Có tiền, họ dễ dàng thuê được HLV giỏi, mua cầu thủ chất lượng, và tuyển dụng những người giỏi nhất trong công tác huấn luyện. Thậm chí Sir Alex Ferguson còn bỏ tiền ra thuê hẳn đội tuyển trạch viên của Pini Zahavi, "siêu cò" nổi tiếng người Israel, để làm công việc là đi khắp chân trời góc bể và nhặt cho ra bằng được bất cứ cầu thủ nhí nào có triển vọng.
Tại sao bóng đá của cuối thế kỷ XX luôn hứa hẹn những bất ngờ, những truyện cổ tích thời hiện đại, nhưng nay đã trở nên ít ỏi hơn bao giờ hết?


Sự toàn cầu hóa của bóng đá là nguyên nhân. Nếu như trước kia, các CLB chủ yếu dựa vào tiềm lực của địa phương mình đang sống để tồn tại, hoặc trong lãnh thổ của quốc gia mình, thì nay họ đã có thể thỏa sức kiếm tiền từ các nước khác, hay thậm chí châu lục khác. Thị trường châu Á (Trung Quốc) và Bắc Mỹ đã nằm trong tầm tay với của các đội bóng lớn. Bóng đá đã len lỏi tới rất nhiều quốc gia nhờ công nghệ truyền hình, và đặc biệt trong hơn 10 năm trở lại đây là sự phát triển của Internet và các công cụ xã hội trực tuyến. Ở Madagascar, Manchester United trở thành đội bóng được yêu mến nhất tại quốc gia này, và thậm chí không một đội bóng nào khác trên thế giới thu hút sự quan tâm của người dân của quốc đảo này hơn Man Utd.
Thị trường mới cũng có nghĩa là miếng bánh mới, và với mỗi chiếc bánh, sẽ luôn có những kẻ được chia nhiều bánh nhất. Ở đây, những người được cắt bánh nhiều nhất chính là những đội bóng thành công. Nhưng không chỉ đơn thuần là những đội thành công trong suốt chiều dài lịch sử, mà họ phải thành công trong giai đoạn bùng nổ của truyền hình và Internet. Manchester United là giai đoạn thập niên 1990 cho tới nay, và Barcelona là 1992 - nay (đặc biệt là giai đoạn 2005 - nay). 
Điều này cũng chẳng khác gì ở những môn thể thao khác: Wilt Chamberlain giữ kỷ lục ghi 100 điểm tại NBA lập vào năm 1962, nhưng danh tiếng của Michael Jordan (1984 - 1998) nổi như cồn vì Jordan tỏa sáng trong giai đoạn mà truyền hình được phổ biến rộng rãi và bóng rổ đã lan tới các quốc gia bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Thậm chí đến nay người ta vẫn chưa tìm ra được bất cứ đoạn băng ghi hình nào ghi lại trận đấu 100 điểm của Chamberlain, nhưng bất cứ trận đấu nào có Michael Jordan cũng đều được ghi lại và những tài liệu đó tràn lan trên YouTube.
Một khi dòng chảy tiền chỉ đổ về một công ty hay một nhóm các công ty, thị trường càng lớn thì số tiền càng tăng, và số tiền càng tăng thì các công ty đó càng giàu hơn so với phần còn lại. Thực tế đó là tất yếu trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và đưa bóng đá cũng như nhiều thứ khác tới khắp năm châu bốn bể.
Do vậy, khả năng xảy ra những câu chuyện thần kỳ là rất khó. Những đội bóng như Tottenham hay Hoffenheim hoặc là nhờ sự quản lý tài tình hoặc là nhờ có sự đỡ đầu của những ông chủ giàu có nên mới có được vị trí như ngày hôm nay, Hoffenheim thậm chí còn đứng đầu BXH Bundesliga nửa đầu mùa 2008/09.

Nhưng đâu có dễ như vậy, đến Hoffenheim cũng phải bán đi Luiz Gustavo cho Bayern Munich, tức quỵ lụy một trong những đối thủ cạnh tranh, chỉ vì thiếu tiền đấy thôi? Biết làm sao được, khi Hoffenheim chỉ là một cái làng có hơn 3.300 người dân và trước đó vài năm vẫn chỉ là đội nghiệp dư...

Nhưng điều đó không có nghĩa những Wolfsburg 2009 hay Deportivo La Coruna 2000 không thể xảy ra.
Hoàng Quân