Mùa chuyển nhượng hè 2011: Niềm tự hào châu Á

02/09/2011 14:12
Minh Trường
(GDVN) - Hè này, châu Á đã có một mùa xuất khẩu bội thu...

Kỳ chuyển nhượng đã đi vào tháng cuối, những thương vụ cũng được xúc tiến mạnh mẽ hơn. Nhìn từ một khía cạnh nào đó thì nói riêng châu Á, đây được xem là mùa hè thành công. Vì dàn lính đánh thuê tóc đen da vàng cập bến châu Âu ngày một đông đảo hơn.

Giờ này, người ta không chỉ còn biết đến Park Ji-Sung, Ali Karimi hay Lee Young-Pyo như những đại diện tiêu biểu của bóng đá châu Á như thời cách đây 5, 6 năm về trước nữa. Vẫn còn đó Park Ji-Sung sừng sững tại Man United nhưng bên tiền vệ 30 tuổi này, các đàn em Lee Chung-Yong, Atsuto Uchida, Koo Ja-Cheol, Makoto Hasebe, K. Honda, Ki Sung-Yueng, Son Heung-Min, Shinji Okazaki hay Shinji Kagawa… đang ngày một chứng tỏ mình. Đặc biệt có Hasebe, một trong những nhân tố trụ cột mang lại chiếc đĩa bạc cho Wolfsburg hè 2009. Tương tự là Kagawa ở Dortmund mùa vừa qua.

Nhật đang nổi lên là một thị trường đầy hấp dẫn với lứa Nagatomo.
Nhật đang nổi lên là một thị trường đầy hấp dẫn với lứa Nagatomo.

Nhận thấy tiềm năng vô tận ở châu lục đông dân nhất, đặc biệt tại 2 quốc gia Hàn Quốc và Nhật Bản với mô hình phát triển sáng suốt và đầy tầm vĩ mô, các CLB châu Âu liên tục đánh tiếng và danh sách trên chính là sự đảm bảo. Họ đang dần khẳng định mình, cạnh tranh sòng phẳng với cầu thủ bản địa thể hình vượt trội, họ cũng khẳng định một điều rằng mình sang châu Âu không đơn thuần chỉ đóng vai trò đại sứ mở rộng thị trường, kiếm tiền quảng cáo hay bán áo đấu về cho CLB. Vừa rẻ, vừa trẻ, lại dễ mua, thực sự nguồn hàng tại châu Á đang tạo nên một trào lưu ở 5 giải đấu hàng đầu. Vấn đề đáng lăn tăn có chăng là thủ tục xin giấy phép lao động tại EU khá rắc rối mà thôi.

Nhưng chi tiết nhỏ ấy không thể cản trở châu Á thêm một năm được mùa. Hè này, lại thêm nhiều gương mặt tiềm năng khác được xuất khẩu. Công cuộc khai thác thị trường 3,8 tỷ dân nhờ thế mà thêm phần rộn ràng. Có thể kể ra một vài nét nổi bật như Bayern mua Takashi Usami và không quên gửi tiền vệ tài hoa 19 tuổi ở lại Gamba Osaka thêm 1 năm nữa. Arsenal chính thức đón Ryo Miyaichi về sau nửa năm cho đi rèn luyện tại Feyenoord. 24h trước giờ đóng cửa, họ còn kịp tậu về Park Chu-Young và trao cho tiền đạo người Hàn chiếc áo số 9 danh giá. Sunderland thì chi 2 triệu bảng mua về Ji Dong-Won, tiền đạo đã ghi 6 bàn sau 11 lần khoác áo ĐT xứ kim chi. Nhưng ấn tượng nhất phải là vụ chuyển nhượng Yuto Nagatomo sang Inter Milan. Khỏi phải nói, người Nhật tự hào về bản hợp đồng này đến nhường nào. Nó làm họ khuây khỏa đi cảm giác chạnh lòng khi nhìn sang người Hàn bởi từ sau thời Hidetoshi Nakata, nay mới lại có một cầu thủ Nhật khoác áo một CLB lớn. Và nhờ thế, họ có thể vỗ ngực mà nói với người láng giềng rằng, đã qua rồi cái thời mọi con mắt đều đổ dồn vào Park Ji-Sung.

Park Ji-Sung tạo ảnh hưởng rất lớn với các cầu thủ châu Á.
Park Ji-Sung tạo ảnh hưởng rất lớn với các cầu thủ châu Á.

Nhưng phải thừa nhận, tiền vệ đang khoác áo Man Utd vẫn là tượng đài hùng vĩ nhất, không chỉ vì thành tích anh gặt hái cùng Quỷ đỏ mà còn là cả tầm ảnh hưởng sâu rộng. Ngưỡng mộ lối sống, con người lẫn tinh thần thi đấu, nhiều cầu thủ châu Á đã nỗ lực vượt khó để trở thành đóa hoa nở rộ như ngày hôm nay. Park cũng chính là gạch nối giữa 2 thế hệ, thế hệ đi tiên phong và nay là thế hệ bùng nổ.

Có thể 1, 2 năm nữa thôi, Park sẽ lui vào quá khứ để nhường cho lứa Kagawa, Lee Chung-Yong, Nagatomo, Keisuke Honda… nhưng không ai đành lòng quên những gì anh đóng góp. Nhờ vậy mà châu Á mới có được dịp xuất khẩu được mùa như ngày hôm nay.

Minh Trường