Ừ thì Mourinho là tai họa, nhưng…

21/05/2013 12:48
Trần Công Hưng
(GDVN) - Có người nói Real đã “bán linh hồn cho quỷ dữ” khi mời Mourinho về làm huấn luyện viên. Phó chủ tịch Barca xem Mou như “một tai họa”.
Real bất chấp dư luận, giữ Mourinho ở lại và sau 3 năm, giờ thì tất cả, vị chủ tịch, các cầu thủ, cổ động viên đội bóng hoàng gia đều căm ghét “người đặc biệt”. Tại sao thế?

Bị Mourinho lừa?

Trước khi ký hợp đồng, Real biết quá rõ Mourinho là người thế nào. Người này từng bị Barca từ chối vì tính cách kiêu ngạo không phù hợp với văn hóa của câu lạc bộ xứ Catalan. Sau khi rời Porto sang Chelsea, ông này nói: “Các cổ động viên Lisbon rất quý tôi, vì tôi đi họ mới có cơ hội đoạt cúp”. Vừa đặt chân sang Anh, Mourinho muốn cả thế giới biết đến mình với tuyên bố: “Tôi là Người đặc biệt. Tôi chỉ nổi tiếng sau Chúa”. Ở Anh, quan hệ với báo chí căng thẳng đến mức muốn nói gì ông này phải quay về Bồ Đào Nha để tâm sự. Khi sang Inter, xung đột với báo chí và các huấn luyện viên khác cũng chẳng tốt đẹp hơn. Tóm lại, ở đâu Mourinho cũng thế! Kiêu ngạo, coi trời bằng vung, tất cả phải theo ý mình, đó là tính cách mà chẳng vị chủ tịch nào ưa. Hình ảnh Mourinho cao ngạo chạy ra giữa sân ăn mừng cũng sẽ không bao giờ được Perez thích thú nếu điều đó không diễn ra ngay tại Nou Camp.

Bản chất hung hăng của Mourinho đã có từ trước khi đến Real.
Bản chất hung hăng của Mourinho đã có từ trước khi đến Real.

Kết luận, Real biết rõ đội bóng của Mourinho sẽ phải mang “tính cách” thế nào, nên đừng nói Mourinho làm hỏng hình ảnh của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha. Chính vì hình ảnh “cao sang” ấy bị Barcelona của Pep giày xéo đến mức không chịu nổi, Real Madrid mới cầu cứu Mourinho.

Lối chơi không đẹp?

Sau khi vô địch UEFA Cup và Champions League cùng Porto với lối chơi chắc chắn, Mourinho đưa phòng ngự phản công thành một nghệ thuật tại Chelsea, đoạt cú ăn 3 vĩ đại tại Inter Milan cũng nhờ hàng thủ siêu hạng. Những đội bóng này đều có các cầu thủ ghi bàn xuất sắc, nhưng nền tảng làm nên thành công vẫn là phòng ngự. Phòng ngự thì chẳng bao giờ đẹp bằng tấn công cả, Real biết rõ điều đó, nên nếu có ai đó làm họ chơi tấn công thắng được Barca của Pep thì Mourinho chẳng bao giờ đến lượt. Và thế là Perez bắt tay với “quỷ dữ”. Chấp nhận chơi với quỷ, thì đừng than mình xấu.

Quan hệ không tốt với các cầu thủ?

Khi đến Real, Mourinho biết mình sẽ phải dẹp loạn phòng thay đồ khủng khiếp nhất. Người đàn ông này có cơ sở để tự tin vào bản thân. Tại 2 đội bóng được tập hợp từ rất nhiều ngôi sao - Chelsea và Inter, gần như tất cả các cầu thủ, trong đó có các thủ lĩnh đều thuần phục Mourinho. Materazzi - một trong những “tên đồ tể” xấu xa nhất của thế giới bóng đá và cũng không nhiều khi được đá chính trong các trận quan trọng, đã đứng khóc tiễn Mourinho khi ông này rời sân Giuseppe Meazza. Khi Mourinho chia tay Stamford Bridge, nhiều cầu thủ Chelsea cũng thế. Nhưng sắp tới đây, chẳng có ai ở Real luyến tiếc ông thầy của mình.

Iker Casillas là "ông kẹ" trong phòng thay đồ.
Iker Casillas là "ông kẹ" trong phòng thay đồ.

Ông trao băng đội trưởng và đội phó của Real cho 2 cầu thủ bản xứ là Casillas và Ramos vì hy vọng sẽ thành công như trường hợp của John Terry và Frank Lampard trước đây. Nhưng Mourinho đã nhầm, tuy sự ảnh hưởng trên sân và tài lãnh đạo đội bóng của Casillas chẳng bao giờ bằng được John Terry (thời đỉnh cao) nhưng về khoản ghê gớm thì không ai bằng những người đứng đầu phòng thay đồ Real thời hậu Raul Gonzalez. Ramos thì đúng là đội phó dỏm nhất thế giới. Những cầu thủ ngổ ngáo một thời như Terry hay Steven Gerrard đều trưởng thành vượt bậc cả về nhân cách lẫn tài năng khi được giao trọng trách lãnh đạo đội bóng, Ramos thì không chút xíu thay đổi, không ngại phạm lỗi thô thiển và gây sự khi nóng đầu. Có 2 đội trưởng như vậy, nội bộ Real không loạn mới lạ.

Real luôn cho rằng mình là câu lạc bộ “cao quý” hơn các câu lạc bộ khác, nên họ có văn hóa khác: không ai được phép lớn hơn câu lạc bộ, không một ngôi sao nào được coi là sáng nhất. Vì thế khi có một người, đặc biệt là “người ngoài” quá nổi bật, người đó sẽ bị ghét. Họ chỉ nhìn thấy thái độ kênh kiệu và thích nổi bật của Mourinho hay Ronaldo chứ không thấy những gì 2 con người này làm đều vì chiến thắng của đội bóng. Với 2 người này, chiến thắng bằng mọi giá đã nằm trong máu, một phần lý do là vì giá trị bản thân, nhưng thành quả có được thì cả đội được hưởng. Chelsea và Inter có thể ngưỡng mộ Mourinho, Manchester United có thể chịu đựng Ronaldo vì những gì hai người này làm được cho đội bóng, Real thì không-bao-giờ, hay với những người như Casillas hay Ramos thì không bao giờ. Vậy nếu nói đặt đội bóng lên tất cả, thì tư tưởng của các cầu thủ Real còn lại liệu có đúng.

Có lẽ vì “lây” bệnh của thủ lĩnh và nghĩ mình thuộc câu lạc bộ hoàng gia nên các cầu thủ đến Real gần đây cũng rất dễ “hư”. Những người Real mua trong vài năm đổ lại phần nhiều chưa phải là “siêu sao”, hoặc khi đến chưa đóng góp được gì nhiều nhưng xử sự thì như những ngôi sao hạng nhất. Higuain đã ghi được bàn quyết định nào trong một trận đấu quan trọng. Ozil kiến thiết nhiều, nhưng không phải trong trận cầu lớn. Benzema có cảm thấy mình xứng với Real... Còn nhiều người nữa, tài năng không phát triển thêm nhưng đều như những “ông tướng” không ai được đụng đến.

Thành tích nghèo nàn?

Năm 2010, khi đang trên đỉnh vinh quang cùng Inter, dù có rất nhiều con đường nhưng cuối cùng Mourinho chọn cho mình nhiệm vụ khó khăn nhất thế giới thời điểm đó. Vì theo ông “đến Tây Ban Nha để chống lại Barcelona là một thử thách thú vị”. Đáng chú ý, lương tại Real thấp hơn ở Inter.

Real chỉ cần một HLV là Florentino Perez.
Real chỉ cần một HLV là Florentino Perez.

Real nên nhớ lại hình ảnh thảm hại của họ trước khi Mourinho đến. Đội bóng hoàng gia đã trắng tay 3 mùa trước đó và 6 mùa liên tiếp thất bại ở vòng loại đầu tiên của Champions League - một kỷ lục với đội bóng giàu thành tích nhất đấu trường này.

Năm đầu tiên của Mourinho, Real có Cúp Nhà vua -  chiếc cúp không danh giá, nhưng có được nhờ thắng Barcelona, điều mà trước đó nằm mơ cũng không thấy. Vì một đội quân ô hợp được hình thành “vội vã” lại không đoàn kết thì sao có thể thắng được những người cùng thấm nhuần một triết lý từ khi còn bé.

Năm thứ hai, Real đã làm được một việc vĩ đại: vô địch La Liga. Đừng cười vội nếu nghĩ rằng La Liga cũng chỉ là 1 giải vô địch quốc gia. La Liga khi đó đang có một trong những câu lạc bộ mạnh nhất mọi thời đại, bạn có thể thắng họ trong một trận đấu cụ thể, nhưng vượt qua họ trong một cuộc đua đường trường là việc không tưởng. Nó giống như một việc một đội bóng đang khủng hoảng vẫn có thể vô địch giải đấu cúp, nhưng không bao giờ có thể vô địch quốc gia được.

Trong 3 năm liền Real đều vào đến bán kết Champions League, một điều không dễ đối với giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới. Để lên ngôi ở giải đấu cúp bạn cần phải có may mắn nữa, Mourinho cũng chưa thể toại nguyện ở Chelsea dù ở đây người ta coi ông là Thánh.

Nếu hiểu thực tế ở Real, thì đừng lấy số chiếc cúp ra để chê bai “người đặc biệt”.

Đơng giản là Mourinho không hợp với Real?

Vậy thì mẫu người nào hợp với đội bóng Hoàng gia? Trong 10 năm qua, ngoài Mourinho, không huấn luyện viên nào có thể làm việc ở Real quá 1 mùa. Capello bị chê là thực dụng và cứng nhắc. Nhưng “hiền lành” như Luxemburgo, Juande Ramos hay Pellegrini thì lại càng làm cho dàn Galacticos tác oai tác quái. Sau khi ra đi, Juande Ramos cay đắng nói “Barca là một đội bóng, còn Real thì không bao giờ”. Xem ra, 3 năm làm việc liên tục tại Real đã là thành tích đáng tự hào rồi.

Đội bóng thủ đô Madrid sẽ có thuyền trưởng mới vào mùa sau, nhưng liệu người này sẽ chịu đựng được bao lâu? Đừng tìm huấn luyện viên mới nữa, Real! Vì chỉ có một huấn luyện viên làm hài lòng các cầu thủ của họ, đó chính là ngài chủ tịch Flo Perez!
Trần Công Hưng