Mã số 34

40 năm chưa một ngày được "sống"

22/04/2012 06:00
Văn Định
(GDVN) - Gần 40 năm qua, kể từ khi sinh ra người đàn bà bất hạnh ấy chưa được sống một cuộc sống bình thường như bao người khác.
Gần 40 năm qua, kể từ khi sinh ra người đàn bà bất hạnh ấy chưa được sống một cuộc sống bình thường như bao người khác, cuộc đời chị là những chuỗi ngày dài bất hạnh khi bệnh tật đeo bám, sống đơn độc trong ngôi nhà tàn tạ không có bàn tay chăm lo. Đó là hoàn cảnh thương tâm của chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Đức Long 3, xã An Nông, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Hồng, chúng tôi thấy từ trong nhà một người phụ nữ dáng người nhỏ bé, khuôn mặt cau xì, ú ớ giữa khoảng không lẩng cẩng bước ra.

Đôi bàn tay chị bị co dúm lại vì bệnh tật và không có khả năng lao động
Đôi bàn tay chị bị co dúm lại vì bệnh tật và không có khả năng lao động


Người chị tên Nguyễn Thị Vân, lấy chồng người làng bên kể cho chúng tôi nghe về nỗi thống khổ gia đình mà kêu không ai thấu của mình. Rưng rưng nước mắt vừa nhìn người em gái chị Vân nói với chúng tôi về cuộc đời bất hạnh của người em gái.

Bố chị là ông Nguyễn Đình Thục (SN 1923) lập gia đình cùng bà Lê Thị Hải ( SN 1930) và lần lượt sinh được 3 người con gái đầu là Nguyễn Thị Sơn ( SN 1960), Nguyễn Thị Vân ( SN 1966), Nguyễn Thị Bích ( SN 1967).

Bỏ lại người vợ trẻ, con thơ năm 1968 ông Thục lên đường nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị cho đến ngày giải phóng trở về đoàn tụ với vợ con, mang trong mình bệnh tật và bị thương binh nặng, sau đó có với nhau thêm hai mụn con là Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Tươi.

Nhưng không may Nguyễn Thị Hồng sinh ra lại không bình thường như các chị của mình, càng lớn Hồng càng có những biểu hiện khác thường, cứ suốt ngày ú ớ, mê dại, gần 10 tuổi mà Hồng vẫn chưa biết đi, miệng thì cứ co dúm nói không nên lời.

Thương con, hai ông bà đưa con đi chữa trị khắp nơi, hàng xóm bảo ở đâu có thể chữa được cũng tìm đến nhưng bệnh tình của Hồng không hề thuyên giảm mà ngày càng có biều hiện nặng thêm, tay co rúm lại.

Ông Thục thì vất vả lo chạy từng bữa, bà Hải thì một tay chăm sóc con ốm, một tay cáng đáng gia đình, Chị Vân nhớ lại: “Gia đình tôi ngày ấy khổ phải nhất, nhì cái làng này, cả gia đình sống trong ngôi nhà tranh tạm bợ không may năm ấy tự nhiên lửa ở đâu mà cả ngôi nhà bị thiêu rụi, bố mẹ vội vàng ôm mấy chị em tôi sang nhà hàng xóm tránh nạn, cứu được con chứ không cứu được nhà nên toàn bộ nhà cửa bị thiêu dụi hoàn toàn, giấy tờ thương binh của bố tôi định cũng sẽ làm chế độ chất độc da cam cho Hồng những cũng bị cháy theo nên gia đình đành chịu.”

Cả gia đình nương tựa nhau mà sống, vay mượn anh em, hàng xóm ông Thục gắng gượng xây tạm ngôi nhà cấp 4 để gia đình có chỗ chui ra, chui vào. Và rồi con gái đến tuổi gả chồng, lần lượt 4 chị gái, mỗi người đi lấy chồng một phương, vì đau ốm, lại không bình thường nên Hồng cứ ở vậy với cha mẹ. Và rồi tuổi già sức yếu, ông bà cũng bỏ người con gái tật nguyền ở lại một mình trong ngôi nhà tàn tạ ấy mà đến lúc xuôi tay nhắm mắt ông bà không không yên tâm.

Kể từ khi ông bà mất, đã hơn 10 năm nay, Hồng vẫn ở vậy, các chị gái thì mỗi người một phương, may chăng mỗi năm đến ghé qua thăm người em bệnh tật một vài lần.

Chị Nguyễn Thị Vân kể, “Cũng may tôi lấy chồng người gần làng, nên vẫn thường xuyên nấu cơm mang sang cho em, cũng muốn đón em về nhà chăm sóc, lo lắng cho em nhưng vì còn gia đình nhà chồng, trăm cái khó, thương em nhưng phận là chị gái theo chồng nên khổ lắm.”

Chị Hồng sống một mình trong ngôi nhà cũ cha mẹ để lại
 Chị Hồng sống một mình trong ngôi nhà cũ cha mẹ để lại


Giờ người đàn bà bất hạnh, tật nguyền ấy vẫn cứ lủi thủi trong ngôi nhà mà cha mẹ ngày trước để lại, tài sản đáng giá duy nhất trong ngôi nhà ấy là chiếc giường cũ nát và chiếc tủ để di ảnh cha mẹ mà khói hương đã nguội lạnh từ lâu.

Người đàn bà bất hạnh ấy sống được nhờ tình thương của người chị gái sống gần nhà, mang cơm sang cho em và bà con chòm xóm ai có gì thì giúp.

Chị Nguyễn Thị Vân chỉ biết ôm mặt khóc khi kể về em gái mình: “Cũng một kiếp người, tôi chỉ mong sao em tôi khỏe mạnh, đi làm ăn được thì tôi cũng mãn nguyện, nhà lại 5 chị em gái, mỗi người lấy chồng một phương, ai cũng túng thiếu nên cũng chẳng đỡ đần, lo cho em gái được là bao.”

“Ở quê kiếm tiền khó khăn nên cứ ăn tết xong tôi lại cùng các con tha phương vào Nam đi làm thuê, ai mượn gì làm nấy để vơi bớt nợ nần, họa chăng Tết mới dám về vì tiền xe cộ đắt đỏ, người em gái lại không có ai chăm lo, đi xa cũng không an tâm.”
Chị Vân nghẹn ngào.

Giờ đây, mỗi tháng chị Hồng sống nhờ vào số tiền trợ cấp của nhà nước là 180 nghìn đồng, số tiền ít ỏi ấy chẳng thấm vào đâu khi bệnh tật đeo bám cả cuộc đời chị, suốt ngày hết ở trong ngôi nhà nguội lạnh ít người ra vào, chị lại lang thang trên đường sống nhờ tình thương của xóm làng.

Ông Nguyễn Đình Hùng (Trưởng thôn Đức Long 3, xã An Nông, huyện Triệu Sơn) cho biết: “Chị Nguyễn Thị Hồng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, từ khi cha mẹ mất chị sống lủi thủi một mình, nương nhờ chị gái lấy chồng gần nhà chăm lo và sự quan tâm của hàng xóm, ai có gì thì cho nấy để giúp đỡ chị sống qua ngày. Chính quyền thôn, xã cũng đã nhiều lần thăm hỏi nhưng quả thật vì ngân sách của địa phương cũng khó khăn nên chỉ giúp đỡ chị được phần nào”.

Người đàn bà bất hạnh ấy cứ lủi thủi, gật gù ai cũng thấy thương tâm, cuộc đời chị cứ lăn vòng chạy đua theo nỗi khổ của bệnh tật đeo bám, rồi lang bạt để cầu thực nhờ tình thương của anh em, xóm làng.



Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Đức Long 3, xã An Nông, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Số điện thoại: 01686402861 (gặp chị Nguyễn Thị Vân, chị gái Hồng).

Mã số 34

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu
Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn



Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip





Văn Định