Mã số 8:

Nơi nỗi đau còn mãi

08/03/2012 06:00
Trần Phạm - Nguyễn Bình
(GDVN) - Hai tấm lưng, mặc dù đã còm cõi, gầy mòn lắm rồi vẫn ngày đêm bươn trải nuôi con, còn muốn lo lắng cho con đến hơi thở cuối cùng…
Đã 36 năm qua cả xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, ai cũng biết đến gia đình vợ chồng ông Phan Chân Kính và bà Trần Thị Hiên xóm 17 đã ngoài 80 nhưng hai ông bà vẫn ngày đêm bươn chải để nuôi một đứa con tật nguyền. Hai tấm lưng ông bà mặc dù đã còm cõi, gầy mòn lắm rồi vẫn ngày đêm bươn trải để kiếm sống, nuôi con, còn muốn lo lắng cho con đến hơi thở cuối cùng…

Nỗi đau còn mãi

Nỗi khổ cực của đôi vợ chồng già nuôi con điên loạn
Nỗi khổ cực của đôi vợ chồng già nuôi con điên loạn
Năm 1966 ông Kính đi làm dân công hỏa tuyến, hoạt động ở mặt trận B5, chiến trường Quảng Trị. Ông đã đóng góp công sức, cống hiến cho cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước và có nhiều thành tích. Ông từng được tặng các loại Huân, Huy chương kháng chiến hạng Nhì và được công nhận là gia đình có công với cách mạng. 

Hoàn thành nhiệm vụ ông trở về quê sinh sống cùng vợ là Bà Trần Thị Hiên. Năm 1979, ông bà sinh người con trai Phan Xuân Quyết, vợ chồng mong mỏi từng ngày con được khoẻ mạnh, khôn lớn nhưng rồi họ mong chờ kỳ vọng bao nhiêu thì họ lại thất vọng, đau khổ bấy nhiêu.

Khi Quyết được 3 tuổi vẫn như một đứa trẻ vừa lọt lòng, không biết nói biết bò, chỉ nằm một chỗ đôi mắt ngơ ngác, càng lớn lên càng thể hiện rõ trên khuôn mặt của con. Hơn nữa, Quyết còn thường lên những cơn co giật, điên loạn, hành động theo bản năng… 
Đã hơn 80 tuổi, đáng ra ở cái tuổi này ông đã được nghỉ ngơi vui vầy cùng con, cháu. Vậy nhưng ông Kính vẫn phải cặm cụi lo từng bát cơm, bữa cháo cho người vợ bệnh tật và đứa con điên dại. Sức khỏe của ông 10 năm trở lại đây đã yếu đi rất nhiều, đôi mắt của ông không còn nhìn thấy rõ với khoảng cách 2m.
Cuộc sống còn đầy rẫy gánh nặng cơm áo bấp bênh mỗi ngày đè nặng lên đôi vai gầy còm của ông, “Đã 36 năm nay, tôi sống với hai sào ruộng, chỉ mong kiếm đủ bữa cơm, bữa cháo mà nuôi nó, nhiều lúc nghĩ mà cũng cực. Khi trái nắng trở giời, nửa người tôi dường như không có cảm giác, nếu không có bà con láng giềng giúp đỡ chắc chỉ biết ôm nhau nằm nhìn ra mà chờ…” - ông Kính trầm ngâm nén một tiếng thở dài.
Hôm chúng tôi đến, bước vào căn nhà tranh dột nát của gia đình ông Kính, chúng tôi bắt gặp ngay cảnh tượng đau thương khi mà hai vợ chồng ông Kính đang cố giữ người con trai đang lên cơn điên loạn. Nhìn khắp căn nhà chúng tôi không thấy gì ngoài bộ chõng tre ọp ẹp và chiếc giường gần như đã lung lay. Trong căn nhà tuềnh toàng ấy, tất cả vật dụng không có gì là giá nổi 50.000 đồng. 
Bà Trần Thị Hiên (vợ ông Kính) năm nay đã 83 tuổi thường xuyên đau yếu, đôi mắt dường như đã mờ hẳn, chân bà đi lại khó khăn, có nhiều lúc bà còn không tự chăm sóc được cho bản thân mình. Trên mái đầu đã bạc trắng tóc, khuôn mặt gầy gò nhăn nhúm của bà hằn sâu, khắc khoải một nỗi lo.

“Tôi chỉ mong trời cho sống thêm được ngày nào hay ngày đó, để còn có bữa cơm, bữa cháo cho nó thằng Quyết ăn, tôi sợ rằng khi tôi không còn nữa thì không biết nó sẽ ra sao…” Bà Hiên đưa bàn tay nhăn nheo lên đôi mắt hằn sâu vết sẹo thời gian quệt những giọt nước mắt còn lại lăn trên má, tâm sự.
Dưới mái nhà tranh rách nát ấy không lúc nào có được một phút giây yên tĩnh mà lúc nào cũng đầy những thứ âm thanh hỗn độn là những tiếng chửi, tiếng khóc, tiếng cười, tiếng đập phá, la hét…

Vẫn khuôn mặt khắc khổ nhăn nheo, ông Kính rầu rĩ nói: “Lo cho nó tôi cực lắm, tôi hầu nó như vậy nhưng mà khi cơn điên loạn bốc lên, nó có cho mình “hầu” đâu. Có những lúc tôi cho nó ăn cơm vung vãi, nếu vớ được là úp luôn bát cơm lên đầu tôi...”.

Dưới mái tranh buồn 

Ông Kính luôn phải giữ chặt tay đứa con khờ dại mỗi khi nó lên cơn.
Ông Kính luôn phải giữ chặt tay đứa con khờ dại mỗi khi nó lên cơn.
Nhiều hôm trời nóng nực, khi Quyết đang vật lộn chỏng trơ trên chiếc chõng trên người không một tấm vải ông Kính lấy áo mặc cho con. Không chịu mặc áo, thế là Quyết túm được tóc cứ đè ngửa ông ra mà đấm cật lực. Những cú đấm như trời giáng xuống tấm lưng gầy còm của người cha đã 81 tuổi, vậy mà sau khi cho cha một “trận đòn” thừa sống thiếu chết, lúc nhả tay ra Quyết cứ hềnh hệch cười. Chuyện cứ mỗi lần phật ý là Quyết lại đè cha ra lấy sức mà đánh như vậy xảy ra như cơm bữa.
Mỗi lần có người lạ đến nhà là Quyết lại lồng lộn lên chửi, la hét, vớ được cái gì là ném, đập phá. Suốt ngày nằm vật lộn không quần áo, chăn gối hễ thấy là Quyết xé tứ tung vứt hết, lăn xuống đất cào cấu. Chiếc chõng tre ọp ẹp còn phải đeo thêm sợi dây xích (loại dùng để xích chó) mà ông Kính mua về để xích mỗi khi Quyết lên cơn điên loạn. 
Sau cái đợt mà Quyết lên cơn lăn xuống khỏi chõng rồi cào cấu khắp nhà cả ngày khiến cả hai ông bà phải vật lộn mãi mới “bế” được đứa con lên. Những đêm mùa đông lạnh cóng là vậy mà ông bà chưa bao giờ được ngủ một giấc trọn vẹn.

Trên gò má nhăn nheo, nước mắt chảy nghèn nghẹn ông Kính kể: “Nó có chịu mặc quần áo gì đâu, tôi phải thức tận một hai giờ sáng chờ cho nó ngủ để lấy chăn đắp lên người, nhưng khi tỉnh dậy là nó lại chửi rồi lấy tay xé nát rồi vứt hết. Nhiều lúc nhìn con mà lòng tôi đau như đứt từng ruột...” 
Vậy là hai vợ chồng ông bà đã “cõng” con suốt chừng ấy năm, hai tấm lưng đã còng gập xuống gối, nay đã đứng bên kia đỉnh dốc của đời người, sức đã nhọc nhằn lắm. Nhưng cả hai vợ chồng ông còn phải gắng gượng, còn phải sống để tiếp tục “cõng” người con điên. Ở cái tuổi 83 đã gần đất xa trời, bà Hiên bảo chẳng đêm nào bà ngủ được vì nghĩ về con, nói dại, nhỡ mà ông bà nằm xuống bây giờ thì không biết nó bấu víu vào ai? 
Huy chương kháng chiến mà ông Kính được tặng
Huy chương kháng chiến mà ông Kính được tặng
Thế nên hai tấm lưng ông bà mặc dù đã còm cõi, gầy mòn lắm rồi vẫn ngày đêm bươn trải để kiếm sống, nuôi con, còn muốn lo lắng cho con đến hơi thở cuối cùng.

Rời ngôi nhà tranh rách nát của gia đình ông Kính, chúng tôi thầm tự hỏi liệu mai này khi ông bà không còn trên đời này nữa thì cuộc đời của con người bất hạnh đó sẽ ra sao.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Ông Phan Chân Kính và bà Trần Thị Hiên, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh

Mã số 8

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy. S

- Swift Code: VBAAVNVX

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn


Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Trần Phạm - Nguyễn Bình