Sáu năm đùa giỡn với tử thần

19/11/2012 11:48
Đắc Chuyên
(GDVN) - Sáu năm là 2190 ngày chị sống trong sợ hãi, lo âu, buồn tủi. Đã có lúc tưởng chừng như ngục ngã, nhưng với nghị lực, tình yêu thương chồng, con vô bờ bến chị đã gượng dậy, vượt qua nỗi đau để trở thành chỗ dựa cho cả gia đình.

Con mắc bệnh ung thư, chồng tâm thần

Sinh con ra, nuôi con lớn, chị Đặng Thị Thơm (trú ở số nhà 15, ngõ 178, nghách 80/36, ngõ chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) đâu có ngờ một ngày ông trời bắt con chị phải gánh kiếp nạn tai ương. Như lẽ thường, khi con trai Nguyễn Văn Cường (sinh năm 2000) bị sưng các khớp chân tay, chị Thơm nghĩ ngay đến bệnh thấp khớp. Chị cho con đi khám và nhận được kết quả giống như dự đoán của mình. Sau một thời gian điều trị ngoại trú, tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ bệnh tình của Cường không những không thuyên giảm, mà còn có xu hướng tăng nặng.

Cháu Nguyễn Văn Cường
Cháu Nguyễn Văn Cường

Có bệnh thì vái tứ phương. Nghe tin ở đường Láng có một ông thầy “cao tay” chữa bách bệnh bằng thuốc nam, chị Thơm ngay lập tức cho con tới khám. Ròng rã mấy tháng trời, cháu Cường trong tình trạng chân tay đắp lá. Oái ăm thay, đáp lại sự kỳ công của người mẹ, niềm hy vọng đến cháy ruột của người cha là tình trạng bệnh của Cường càng ngày xấu đi. Biểu hiện là cháu Cường thường xuyên sốt, các khớp sưng, phù nề, nổi hạnh toàn thân. Làn da nhờ nhợ của Cường cộng với một vài vùng tìm trên cơ thể đã mơ hồ dự báo điều chẳng lành. Nhìn thấy con thơ mỗi ngày héo hắt vì bệnh tật lòng người mẹ trẻ như cắt từng khúc ruột.

Nguyên nhân gây bệnh của cháu Cường được giải mã khi vợ chồng chị Thơm cho con lên Bệnh viện nhi Trung ương xét nghiệm máu. “Ngay sau khi xác định được bệnh của cháu các bác sĩ đã chuyển cháu lên tầng 5. Nhìn những cái đầu nhỏ bé rụng hết tóc vì phải điều trị hóa chất tôi thương vô cùng, quay sang nhìn con mà xót xa”.

Điều trị ở Bệnh viện nhi Trung ương được một thời gian, cháu Cường được chuyển lên Bệnh viện K cơ sở hai ở Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Cũng trong thời gian này, anh Nguyễn Văn Thắng chồng chị Thơm phát bệnh tâm thần. Anh cho rằng do cháu Cường đi học nên mới bị bệnh ung thư máu. Thế nên anh Thắng cấm tiệt các con đi học. Cô con gái thứ hai của vợ chồng chị Thơm là cháu Nguyễn Thị Phương Dung (sinh năm 2002) cứ khóc ngằn ngặt khi bố cấm đi học và không cho chơi với các bạn trong xóm. Chị Thơm cho biết từ ngày phát bệnh tâm thần anh Thắng cứ tràn từ cơn say này sang cơn say khác. Nhiều lúc mẹ con chị Thơm phải hứng chịu những trận đòn say của chồng. Vừa cho con đi chữa bệnh ung thư, vừa đưa chồng đi chữa bệnh tâm thần, chị Thơm tâm sự rằng những lúc ấy đầu chị như nổ tung. Chị bảo giá mà được chết cho đỡ khổ chị cũng xin chết ngay. Nhưng khổ nỗi là còn chồng ốm, con đau chị chẳng đành lòng.

Gia cảnh bi đát

Nỗi sợ hãi bao chùm ngôi nhà rộng 12mmẹ con chị Thơm ngồi sát bên nhau như cố níu giữ khoảnh khắc này. Chị Thơm cho biết những ngày gần đây bệnh tình của Cường xấu đi nhiều. Mắt cháu đã lòa, những lúc không nhìn thấy gì Cường khóc thét lên vì sợ hãi. “Sợ hãi đến từ bệnh tật và sự hãi cũng đến từ số tiền chữa bệnh”, chị Thơm đã nói như thế khi tôi hỏi chuyện thu nhập của chị từ nghề bán nem chạo. Trước đây, với gánh nem chạo mỗi ngày chị cũng kiếm được vài chục ngàn, cộng với nghề xe ôm của chồng, tổng thu nhập của gia đình chị cũng ngót nghét 100 ngàn. Vào thời điểm năm 2006, với số tiền ấy cũng gọi là đủ tiền rau dưa cho một gia đình 4 người ăn.

Nhưng từ khi chồng, con ốm đau bệnh tật, nhà chị hầu như chẳng có khoản thu nào. Cũng chẳng có gì để “cấu véo”, ngoài mảnh đất 12m2 ông bà tổ tiên để lại. “Mỗi lần đi điều trị cho con hết khoảng chục triệu, mới đầu là vay anh em, hàng xóm nhưng sau rồi thì cũng chẳng biết vay ai”, chị Thơm cho hay. 6 năm chị quay cuồng với bệnh tật và tiền bạc. Kể từ năm 2007 đến nay chưa đêm nào chị được ngủ ngon giấc. Để có tiền trang trải cuộc sống, ngày chị gửi con trong bệnh viện để đi bán nem chạo, tối lại kỳ cạnh đạp xe vào viện ngủ với con.

“Có lần đang bán hàng thì chị hàng xóm gọi về nghe điện thoại gấp, chưa kịp alo tôi đã nghe giọng con khóc thất thanh gọi mẹ. Chạy vội vào bệnh viện mới biết là trong phòng vừa có cháu mất. Tôi ôm lấy con để cháu bớt sợ, nhưng chính trong lòng tôi lại đang dâng lên nỗi sợ hãi vô cùng”, chị Thơm nhớ lại.

Cháu Nguyễn Văn Cường ngồi nép bên mẹ là chị Đặng Thị Thơm
Cháu Nguyễn Văn Cường ngồi nép bên mẹ là chị Đặng Thị Thơm

Nhiều mẹ đi nuôi con trong bệnh viện thấy hoàn cảnh chị quá bi đát đã cho chị vay tiền nhưng chị chỉ giám nhận lòng tốt của mọi người còn tiền thì không giám vay bởi chị nghĩ vay thì không biết đến khi nào mới trả được. Nhưng khi đứng trước sự sống còn của các con, các bà mẹ đã không chịu “bó tay”. Mọi người an ủi, động viên nhau, rồi người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít cùng nhau giúp đỡ mẹ con Cường qua cơn khốn khó.

Để đảm bảo tương lai cho bé Phương Dung, cực chẳng đã chị đành phải gửi con vào làng trẻ SOS. Những lần vào thăm con, bé Phương Dung cứ nằng nặc đòi mẹ cho về nhà, chị đành dọa nếu về nhà bố sẽ không cho đi học. Thế là con bé đành nước mắt ngắn, nước mắt dài nhìn mẹ ra về.

Trong suốt cuộc trò chuyện, cháu Cường ngồi nép bên mẹ, thỉnh thoảng lại bắt mẹ xoa bóp chân tay. Nhìn bàn tay gầy guộc, nhẹ nhàng lướt trên làn da non nớt, tím ngắt vì bạch cầu cao, tiểu cầu thấp tôi bỗng thấy nhói lòng.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ:

Chị Đặng Thị Thơm
- Số nhà 15, ngõ 178, nghách 80/36, ngõ chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội.

- số điện thoại: 01687014769

hoặc

Quỹ Tấm lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam
- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888
- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy
- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Đắc Chuyên