Cần giáo dục nhận thức, lý tưởng sống cho sinh viên

22/09/2011 09:38
(GDVN) - Sinh viên đang ngồi trên ghế của trường Đại học - có bao giờ chúng ta tự vấn là chúng ta tồn tại trên cuộc đời này vì lý do gì?
I.Nhận thức về cuộc sống

Để trả lời một cách có trách nhiệm cho điều quan trọng nhất này cần thiết phải giải đáp hàng loạt câu hỏi, bắt nguồn từ mục đích của cuộc sống. Triết lý sống hay mục đích của cuộc sống cũng chính là lý tưởng sống của mỗi người.

Lý tưởng sống xuất phát từ việc xác định mục đích của cuộc đời và để đạt được mục đích mà mình đã chọn, cần có những ước mơ hoài bảo vươn tới mục đích cao nhất mà mình đã chọn. Didlro – nhà tư tưởng lớn đã từng cho rằng “Bạn sẽ không làm được điều gì nếu bạn không có mục đích và bạn cũng không làm được điều gì vĩ đại, nếu mục đích của bạn là tầm thường”.

Mỗi một người có thể bắt đầu từ những mục đích khác nhau, đi trên những con đường khác nhau, nhưng ai cũng mong muốn đạt đến đích cuối cùng của cuộc sống mà mình lựa chọn. Để có thể đạt đến mục đích cuộc sống tốt đẹp, cần thiết phải có những trăn trở, những ước mơ và hoài bão, có khi cháy bỏng, và phải có nghị lực và niềm tin để tưới tắm cho những ước mơ đó.

Tuy nhiên, vì lý tưởng của mỗi người không chỉ được xây dựng trên những ước mơ và hoài bão, và những ước mơ hoài bão đó lại dựa trên nền tảng của nhân sinh quan, tức là đạo làm người, nên nhân sinh quan khác nhau sẽ hình thành lý tưởng khác nhau, ứng với các mục đích sống khác nhau.

Rõ ràng, lý tưởng chính là ước mơ sống cao đẹp, là ý nghĩa cuộc đời của mỗi một người, được xây dựng trên cơ sở xác định đạo làm người. Như vậy lý tưởng, khi đã được hình thành, có khả năng dẫn dắt sự nghiệp, tăng thêm niềm tin và sức mạnh của mỗi người, và để đạt đến thành công trong sự nghiệp – lý tưởng giúp ta sức mạnh để vượt qua khó khăn và thử thách trong cuộc sống.

Có người thường quan niệm lý tưởng là những gì rất lớn lao. Sự thực lý tưởng của mỗi người bắt nguồn từ những con người bình dị, như một câu nói nỗi tiếng “Một người quét đường hãy quét những con đường như nhạc sĩ thiên tài Beethoven đã soạn nhạc, hãy quét những con đường như văn hào Shakespeare đã làm thơ”.

Một câu danh ngôn nổi tiếng: “Cuộc sống giống như một dòng sông. Hạnh phúc cho ai là giọt nước của dòng sông đó và đáng buồn cho ai chỉ là cộng rác vật vờ trôi theo dòng sông”. Để mãi mãi là giọt nước của một dòng sông vĩ đại, mỗi một người phải xác định rõ lý tưởng cuộc sống của mình là gì? Sống cho ai? Vì ai?

Thật rõ ràng, đã là thanh niên sinh viên của các Trường Đại học và đang ngồi trên ghế nhà trường, chắc chắn là chúng ta ai cũng mong muốn là giọt nước của dòng sông, mà nhất định không cam chịu là một cộng rác vật vờ.

Mặc dù, tự nguyện biến cuộc đời mình như là một giọt nước của dòng sông, nhưng như vậy không phải là lý tưởng sống của mỗi người đều đã được xác lập.

Lý tưởng sống phải bắt nguồn từ mục đích cuộc sống, được xây dựng trên nhân sinh quan của mỗi người, và bị chi phối bởi một số hoàn cảnh cụ thể: Trong những năm chiến tranh, lớp lớp sinh viên trong các trường Đại học tự nguyện rời bỏ ghế nhà trường Đại học để gia nhập vào những đoàn quân tiến ra mặt trận.

Vậy điều gì quyết định họ có sự chọn lựa đó, phải chăng được giải đáp bằng một triết lý của cuộc sống, đó là học để xây dựng đất nước, nhưng chưa giành được độc lập thì làm sao có đất nước để mà xây dựng và phải chăng lý tưởng cao đẹp nhất của sinh viên trong lúc này không có gì khác hơn phải là sự dấng mình vào cuộc đấu tranh sống mái với kẻ thù để giành độc lập cho Tổ quốc và sự tự do cho đồng bào của mình.

Ngày nay khi mà đất nước đã độc lập, giang sơn liền một dãy thì lý tưởng cao đẹp của thanh niên và sinh viên phải chăng là học thành tài để từ đó có cơ hội cống hiến nhiều hơn, xứng đáng hơn với những gì mà thế hệ đi trước đã khẳng định.

Điều quan trọng muốn được đề cập ở đây và cũng để kết luận cho những gì được diễn đạt ở trên, phải chăng là mỗi một thanh niên sinh viên chúng ta, trong thời đại ngày nay, không ai cho phép mình có thể đứng ngoài cuộc, tách mình ra khỏi cuộc sống đang cuồn cuộn trôi, mà phải lao cuộc đời mình vào dòng chảy vĩ đại của cả dân tộc.

II. Những trăn trở và việc xác định lý tưởng cho sinh viên trong các trường Đại học

2.1. Những trăn trở Nhìn vào thởi đại mà chúng ta đang sống, một bộ phận thanh niên sinh viên đã tự xác định cho mình mục đích cao đẹp là được cống hiến, góp phần nhỏ bé của mình vào ước mơ ngàn đời là xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ đã từng mơ ước.

Thanh niên, sinh viên trong các trường Đại học ngày nay, khác với cha ông của họ, những người buộc phải cầm súng trong cuộc đấu tranh sống còn với những kẻ thù, có tiềm,lực kinh tế và quân sự bậc nhất của thế giới, để giành lấy phẩm chất cao quý nhất của con người quyết không chấp nhận cuộc sống nhục,nhã như người nô lệ, mà luôn vươn lên làm chủ đất nước độc lập và tự do, “Thà chết chứ không chịu sống quì”.

Do vậy, thanh niên và sinh viên ngày nay bằng nhiều con đường khác nhau phải nâng cao chất lượng, thể lực và trí tuệ của chính mình, nâng cao trình độ học vấn, tiếp cận với khoa học kỷ thuật hiện đại, vv…Sứ mệnh xây dựng đất nước trở thành một nước công ngiệp hiện đại, đuổi kịp với các nước phát triển trên thế giới và khu vực, đưa đất nước thoát khỏi các nước kém phát triển, đang đặt lên vai của thanh niên chúng ta, trách nhiệm hết sức nặng nề.

Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, một bộ phận không ít trong thanh niên, sinh viên sống không mục đích, theo đuổi lối ăn chơi, đua đòi, hút chích và đặc biệt, một bộ phận thanh niên, sinh viên chưa chứng tỏ đầy đủ vai trò, trọng trách của mình trước vận mệnh của của dân tộc. Với họ, lý tưởng sống còn hết sức mơ hồ.

Dưới tác động xấu của nền kinh tế thị trường, một số thanh niên, sinh viên theo đuổi lối sống thực dụng, bị tác động bởi mặt trái của thế lực đồng tiền, chạy theo lối ăn chơi, hưởng thụ, dẫn cuộc đời của mình vào các tệ nạn xã hội.
Theo điều tra mới nhất cho thấy rằng trong số những người nghiện ngập chất ma túy thì có đến 70% Cả nước có 63 ngàn người nhiễm HIV thì 61% trong số họ, là thanh niên. Hằng năm có 1,2 đến 1,4 triệu ca nạo phá thai thì thanh niên chưa kết hôn chiếm đến gần 25%. Sinh viên nam và nữ ở các thành phố, trong đó khoãng từ 70,1% nam và 62% sinh viên nữ coi sinh hoạt tình dục là trò chơi giải trí, có đến 20 - 30% có quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Một điều hết sức nhức nhói là tội phạm trong con cái của những người có chức, có quyền nguy cơ gia tăng rất mạnh, bởi sự nuông chiều của bố mẹ, thiếu sự giáo dục, cậy thế bố mẹ có quyền chức, giàu sang nên sống buông thả, rất đáng chê trách.

Bên cạnh các tệ nạn nói trên, thì nạn chảy máu chất xám trong thanh niên rơi vào lứa tuổi thanh niên trí thức cũng hết sức bức xúc. Có những thanh niên sinh viên sau khi được nhà nước cho đi học ở nước ngoài bằng vốn của ngân sách nhà nước đã định cư ở nước ngoài, hoặc có trở về thì làm việc ở các tổ chức kinh tế nước ngoài để có thu nhập cao, đối với họ đồng tiền là tất cả.

Tất nhiên, nạn chảy máu chất xám trong giới thanh niên trí thức bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân thuộc về kinh tế còn có những nguyên nhân chủ quan là do ta chưa biết trọng dụng nhân tài (1), và còn lại là do việc họ chưa xác định mục đích sống, biến họ trở thành những kẻ vong quốc nô, những người cầu vinh mà sẵn sàng quên đi Tổ quốc và nhân dân đang kỳ vọng ở họ.

Lẽ ra, đối với họ phải chung sức chung lòng xây dựng đất nước thì họ lại làm điều ngược lại, là chạy theo lối sống cá nhân ích kỷ, hưởng lạc, quên đi những người đã từng cưu mang đào tạo họ và đặt niềm tin vào chính họ, thậm chí một số quay lại phê bình, chê bai, chưởi bới những gì từ đó đã sản sinh ra họ.

Những gì đã đề cập sơ lược ở trên cho ta một ví dụ phản diện về việc phải không ngừng nâng cao, hun đúc lý tưởng, trên cơ sở nhân sinh quan đúng đắn của mỗi thanh niên, sinh viên.

2.2. Xác định lý tưởng cho sinh viên trong các trường đại học và cao đẳng

Những trăn trở nói trên xuất phát từ thực trạng trong một bộ phận thanh niên và sinh viên nước ta. Đối nghịch với những suy đồi đạo đức và lối sống của một bộ phận thanh niên sinh viên là sự hy sinh thầm lặng của biết bao bạn bè cùng lứa đang ngày đêm sáng tạo xây dựng, học tập không mệt mỏi, những chiến sĩ ngày đêm chấp nhận gian khổ, nơi đầu súng ngọn gió để bảo vệ từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc là sự tha hóa của bộ phận thanh niên sinh viên, bằng các biểu hiện nói trên.

Sự đối nghịch tương phản đến mức khắc khoải đau lòng đó ngoài những nguyên nhân bắt nguồn từ việc chưa tự xác định lý tưởng, trên cơ sở đạo làm người của mỗi thanh niên, còn có nguyên nhân quan trọng khác là thuộc về xã hội, trường học và gia đình, vì lên án các hành vi trong thanh niên, sinh viên chỉ là một mặt, còn mặt khác, có khi là rất quan trọng, đó là vai trò của Nhà trường, gia đình, đoàn thể và bè bạn, đặc biệt là việc xây dựng các chương trình giáo dục nhân cách cho thanh niên, sinh viên hiện nay.

Đối với bản thân của từng đoàn viên thanh niên, sinh viên phải tự mình xác định lý tưởng cuộc sống phải luôn trăn trở với một câu hỏi không mới nhưng luôn canh cánh bên ta “Sống để làm gì? Sống như thế nào cho phải đạo làm người”, tức phải xác định cho mình một nhân sinh quan sống, để từ đó xác định và hình thành cách sống tích cực và có trách nhiệm: Trách nhiệm với gia đình, với xã hội, với bè bạn và với chính mình.

Lý tưởng thật ra là những điều cao đẹp mà con người có trách nhiệm với chính mình luôn khao khát vươn tới. Con người sinh ra ở trên đời luôn mong muốn có cuộc sống thật hạnh phúc, sống bằng những niềm vui có được, mong muốn có được những may mắn, hơn là nổi khổ đau, và khi cần, sẵn sàng hy sinh chấp nhận khổ đau để mong thực hiện được lý tưởng.

Để đạt được niềm khao khát đó đòi hỏi mỗi người, với hoàn cảnh cụ thể của mình, mà đặt ra những phương cách khác nhau. Chính vì có chung nhận thức đó và để có thể hạn chế, đi đến mục đích mà mình mong muốn, thiết nghĩ cần có những tác động tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, giáo dục lý tưởng cho thanh niên, sinh viên.

2.3. Về phía cá nhân

Do tồn tại nhiều cách khác nhau để người ta chọn lựa cho sự nghiệp của mình, bản thân thanh niên, sinh viên phải tự xác lập lý tưởng cụ thể, cần phải sống không chỉ cho bản thân, cho gia đình, cho bạn bè mà cao hơn là cho Tổ quốc thân yêu – nơi mà ta sinh ra, là điểm xuất phát cho sự trưởng thành, và hơn thế nữa là cho cả nhân loại. Thế hệ chúng tôi trước đây, không mấy ai không nhớ và thuộc lòng một câu nói nổi tiếng của Paven Coocsaghin “Cái quí nhất của con người là cuộc sống.

Đời người ai cũng chỉ sống có một lần. Phải sống sao để khỏi phải ân hận vì những tháng năm phải sống hèn, sống phí.

Để khi ta nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào mà nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta đã hiến dâng trọn đời cho một sự nghiệp vĩ đại. Sự nghiệp “ giải phóng loài người”.

Người thanh niên nói chung và sinh viên trong các trường Đại học nói riêng cần phải sống có tâm hồn. Chúng ta sẽ hết sức thất vọng nếu trong một đất nước với những con người sống không có chí hướng, không tự hoạch định được mục tiêu cho cuộc đời của mình.

Sẽ là niềm kiêu hãnh của cả dân tộc nếu dân tộc đó có rất nhiều những thanh niên luôn sống có lý tưởng, biết tự đặt ra mục tiêu cao cả cho cuộc đời của mình.

Ngày nay, với việc đổi mới phương pháp giáo dục và đào tạo, chúng ta coi sinh viên chính là đối tượng, là chủ thể của quá trình đào tạo ấy, và với vai trò hướng dẫn của người thầy, thì việc sinh viên tự mình xác định mục tiêu cho cuộc đời của mình không còn là điều khuyến cáo mang tính lý thuyết mà phải biến thành hành động cụ thể, diễn ra trong đời sống học đường.

Là chủ thể của quá trình đào tạo, sinh viên của các trường đại học chính là người tiếp thu, sàng lọc, thử nghiệm các kiến thức thu nhận được bằng tư duy khoa học của mình. Điều này không có ai có thể làm thay cho sinh viên được.

Cùng với kiến thức khoa học tiếp nhận được dù là uyên bác đến đâu, thì việc rèn luyện đạo đức theo phương châm sống vì mọi người, sống có ích cho xã hội và cộng đồng trong sự thương yêu đùm bọc của đồng bào, đồng chí là đều không thể được coi nhẹ:

“Núi cao bỡi có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?

Trăm ngàn suối hẹp, sông sâu

Biển chê nước ít, biển đâu nước còn.”(2)

2.4. Về phần nhà trường và xã hội

Để có những “sản phẩm” đáp ứng nhu cầu của việc đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài trở thành một yêu cầu hết sức bức xúc.Vấn đề có quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa giáo dục, đào tạo và sử dụng là một đề tài lớn và chúng tôi đã có dịp được trình bày trước đây.

Ở đây, trong phạm vi bài viết này, thiết nghĩ những vấn đề lớn sau đây cần phải được đặt ra:

Phải quan tâm đến việc giáo dục lập trường tư tưởng cho thanh niên, sinh viên thật vững vàng. Điểm xuất phát về truyền thống gia đình, truyền thống anh hùng của dân tộc là một yếu tố hết sức thuận lợi, cần phải biết nâng niu gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

Trước sự biến động của tình hình thế giới và trong nước, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để lôi kéo, chia rẻ làm lung lay ý chí của lớp trẻ, trở thành một thách thức đối với chế độ, từ đó phải đặt vấn đề giáo dục lý tưởng, lập trường tư tưởng cho sinh viên một cách thường xuyên và không được coi nhẹ trong các trường Đại học và Cao đẳng.

Phải gieo vào lòng sinh viên tình yêu nghề nghiệp, yêu cộng đồng, yêu xã hội, yêu dân tộc. Trong một xã hội không có nghề nào cao quý và thấp hèn, mà chỉ có người cao quý và thấp hèn.

Từ nhận thức đó, việc tạo cho sinh viên lòng yêu nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một công việc mang tính thường xuyên của cả hệ thống giáo dục đào tạo và đó là nhiệm vụ quan trọng, không thể thoái thác được của bất kỳ trường đại học nào, thông qua các tổ chức Đoàn, Đảng, Hội sinh viên… Biến việc giáo dục ấy mang tính thường xuyên và phổ cập, trong suốt những năm sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường là nhiệm vụ trọng tâm trong việc giáo dục lý tưởng cho thanh niên, sinh viên làm hành trang vào đời.

Kết luận


Giáo dục Đại học hiện đại là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nền văn minh nhân loại. Tính vĩ đại đó sẽ mất đi nếu chúng ta cho ra đời những “sản phẩm” què quặt, kém chất lượng, kém tài, kém đức, thừa tài thiếu đức. Điều đó nếu xảy ra, có khi không còn là thành quả nữa mà chính là mối nguy hại cho bất kỳ quốc gia nào. Alexander Griboiedov một nhà soạn kịch Nga thế kỉ 19 đã từng cho rằng “Con người càng được giáo dục nhiều thì mức độ hữu dụng đối với đất nước và cộng đồng càng cao”.

Vào thời điểm này của văn minh nhân loại, chúng ta cần thêm một vế khác: Nếu con người có kiến thức cao nhưng không xác định được lý tưởng của cuộc đời, có khi không làm cho xã hội tốt đẹp hơn mà có khi là một hiểm họa đối với xã hội ấy.

Giáo dục thanh niên, sinh viên lý tưởng sống “Tri hành - Đạt nhân” là góp phần xây dựng nhận thức, bản lĩnh, đạo đức, tâm, tài cho thanh niên, sinh viên chúng ta ngày nay.

(1) Xem báo long An số 258/2009 ngày 28/12/2009

(2) Thơ Tố Hữu

TS. Lê Đình Viên - Chủ tịch HĐQT – Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế - Công nghiệp Long An