Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục - Đào tạo:

Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ nhân cách người thầy

17/12/2011 07:00
Xuân Trung
(GDVN) - Các nhà Giáo dục cho rằng, đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT  phải đổi mới từ gốc, từ nền giáo dục quốc dân.
Các Giáo sư đầu ngành khi chia sẻ quan điểm về mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục có công nhận, những năm qua nền giáo dục nước nhà đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém. Những ý kiến cho rằng, chúng ta đã “hô hào” đổi mới, hỗ trợ cho giáo viên cách đây từ 10-20 năm trước nhưng cho tới nay vẫn chưa thực hiện được. 
Theo GS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, trong vấn đề đổi mới giáo dục phải coi trọng khâu đào tạo giáo viên. Theo ông thì, đào tạo giáo viên là xuất phát điểm của nguồn nhân lực.

Hiện nay chương trình đào tạo vẫn nặng lý thuyết, ít có sáng tạo các môn học mới. Từ đó, GS Phạm Hồng Quang cho rằng, mục tiêu đào tạo phải thay đổi, trí  thức  kết hợp thành phương pháp dạy học. “Ở tuyến cơ sở cần có một chương trình riêng và phải coi trọng yếu tố văn hóa địa phương để có phương pháp giảng dạy thích hợp. Trong thời gian  tới đào tạo giáo viên cần đánh giá sâu vào năng lực giáo viên hơn nữa” GS Phạm Hồng Quang cho biết.
Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD&&ĐT phải coi trọng chất lượng người thầy. Trong ảnh, TS. Nguyễn Quang Trung (là giáo viên dạy Văn và là tổ trưởng tổ Xã hội, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ thuộc Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN). Ảnh ĐHQG HN
Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD&&ĐT phải coi trọng chất lượng người thầy. Trong ảnh, TS. Nguyễn Quang Trung (là giáo viên dạy Văn và là tổ trưởng tổ Xã hội, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ thuộc Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN). Ảnh ĐHQG HN
Với ý kiến chia sẻ mong muốn góp ý cho mục tiêu đổi mới căn bản nền GD&ĐT, GS Phạm Tất Dong cho biết, đổi mới không được làm  theo kiểu ngẫu hứng, phải từng bước và cẩn trọng, tránh rơi vào tình trạng ngộ nhận.
“Một  xã hội học tập là không loại trừ ai, đó là nguyên tắc. Không được vận hành theo cơ chế thị trưởng mà phải có một nền giáo dục thực nghiệp (theo lời Cụ Phan Chu Trinh), phải mang được khẩu hiệu Dân tộc –Khoa  học – Đại chúng (theo lời Trường Chinh). Chúng ta phải cải tác lại hệ thống giáo dục, bên cạnh đó cũng cần đổi  mới cách dạy và học, đây là vấn đề cơ bản” GS Phạm Tất Dong thẳng thắn nhìn nhận.

Theo GS Phạm Tất Dong, một nền giáo dục không được chắp vá. Chắp vá như hiện nay chiếc áo giáo dục thậm chí còn nhanh rách hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, những yếu kém, bất cập của giáo dục vừa qua nên chăng quay lại thực hiện mục tiêu 2 tốt: thực học và thực nghiệp. GS Hạc thẳng thắn: “Hiện nay giáo dục đang bán chữ chứ không phải là dạy chữ, dạy người lao động. Nếu còn như vậy thì không bao giờ đổi mới được”.
Những luận điểm trên được nhiều vị tâm huyết với giáo dục bàn thảo sôi nổi. Theo ông Ngô Trọng Đề, nguyên Tổng thư ký Hội Khoa học Giáo dục tỉnh Nghệ An, nền  giáo dục chúng ta đang có nhiều sai lầm, thiếu sót dẫn đến tiêu cực  trong giáo dục. Mục dích, nội dung, phương pháp giáo dục đều đi chệch hướng. Ông cho rằng: “Mục tiêu của giáo dục làm cho mọi người biết chữ, dạy chữ, đó là dạy phương pháp, năng động, ứng dụng vào thực tế, đó mới là cái chính”.
Theo ông Ngô Trọng Đề, đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ cơ sở, đó là con người. GS Phạm Minh Hạc cũng chung quan điểm khi cho rằng, hiện đang có vấn đề tha hóa nhân cách người giáo viên, đã tha hóa nhân cách người thầy thì mọi vấn đề đổi mới, căn bản cũng ở con số không.
Hãy nhìn thẳng, nhìn thật vào giáo dục
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý Giáo dục TP Hà Nội nhìn thẳng: “Giáo dục chúng ta vẫn cực kỳ lạc hậu, nếu không đánh giá được sẽ dẫn đến chắp vá. Có thể do cơ chế quản lí ngành (nền giáo dục không có nhạc trưởng, không có người chịu trách nhiệm, thả nổi giáo dục, rồi để nền kinh tế thị trường nhấn chìm giáo dục”.
Theo TS Lâm, nhà giáo là người quyết định đến chất lượng giáo dục nhưng chưa được đối xử chu đáo, công bằng. Giáo dục phải đầu tư xứng đáng thì  mới có sản phẩm tương ứng. “Phải có một cơ chế đặc thù để quản lý giáo dục, người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm trước vấn đề giáo dục trên địa bàn của mình. Tôi cho rằng, đội ngũ vẫn là quan trọng, người giáo viên có thể quyết định thay đổi được tất cả, phải có quan điểm nhìn thẳng” TS Lâm cho biết.
Xuân Trung