Nữ GS tiên phong của ĐH tư và chuyện về thời 'mặc quần trái'

12/02/2013 07:00
Quyên Quyên
(GDVN) - Trong thời buổi hiện tại, giá cả leo thang mà lương giáo viên cũng chỉ được 3, 4 triệu một tháng là quá khó khăn, GS-TSKH-NGND Hoàng Xuân Sính nói.
LTS: Một trong những vấn đề nan giải, nóng bỏng nhất của giáo dục Việt Nam hiện nay là tiền lương giáo viên. Ở khắp các diễn đàn báo chí, khi rải rác lúc tập trung, hầu hết các quan chức quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo... đều nêu ra thực trạng lương giáo viên thấp là điều quá phi lý, đồng thời là một trong vài nguyên nhân "gốc" của tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan, nhức nhối trong xã hội. 

Về phía cơ quan quản lý, trong phát ngôn mới nhất, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD&ĐT cùng Công đoàn Giáo dục đã có đề xuất, kiến nghị về vấn đề tiền lương và thu nhập của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Vấn đề này sẽ được xem xét, xử lý trong tổng hòa các mối quan hệ và tương quan với các ngành nghề khác (xem chi tiết bài viết).
Trong buổi trò chuyện với Giaoduc.net.vn nhìn lại năm Nhâm Thìn - hướng sang năm Quý Tỵ, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo nhân dân (GS-TSKH-NGND) Hoàng Xuân Sính, một trong vài người tiên phong của mô hình đào tạo đại học ngoài công lập, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, đã kể lại những câu chuyện không thể quên về đời sống gian khổ của người giáo viên thời trước. Đó là thời mà sự vất vả, tất tả, thiếu thốn vật chất của người thầy có thể diễn tả bằng chính câu chuyện "mặc quần trái" qua lời kể của bà... 
Giáo viên thời nào cũng khổ
"Giáo viên thế hệ chúng tôi ngày ấy chỉ cặm cụi soạn bài, chuẩn bị lên lớp, tối về đọc sách, ai giỏi thì làm khoa học, bằng đó việc cũng đã đủ hết ngày, hết đêm rồi", GS-TSKH-NGND Hoàng Xuân Sính bắt đầu câu chuyện. Nhiều năm sống trong môi trường sư phạm, bà chia sẻ: Giáo viên thời nào cũng khổ, giáo viên ngày xưa lương thấp cũng là do khung lương toàn xã hội cùng thấp. Lương giáo viên ngày xưa ăn cơm rau là chuyện thường, ăn cơm thịt là chuyện hiếm. Một năm mỗi viên chức được 6 thước vải, nếu là nữ thì có thể mua được 2 quần lụa đen hết 4 thước, 2 thước còn lại may áo sơ mi. Lương giáo viên ngày đó nuôi gia đình bằng tem phiếu, mỗi tháng được 13 cân gạo, thịt 3 lạng, đường 3 lạng. Vì vậy mới có câu chuyện thật rằng, trước năm 1975, nhiều người không biết cái tủ lạnh là gì.
GS-TSKH-NGND Hoàng Xuân Sính: Giáo viên thời nào cũng khổ
GS-TSKH-NGND Hoàng Xuân Sính: Giáo viên thời nào cũng khổ
Bà cho biết thêm: Những năm 1980 của thế kỷ trước, nhiều giáo viên ở Hà Nội khổ lắm. Có những người phải rang lạc, làm bánh rán rồi đạp xe đi đổ cho các quán suốt từ trường cho tới Bạch Mai, Văn Điển. Có người còn bị dầu mỡ bắn lên bỏng hết cả ngực, thương vô cùng... Bản thân GS Hoàng Xuân Sính cũng đã trải qua thời gian khó, vất vả: "Ngày nào tôi cũng đều đặn đạp xe 40km để đi dạy học, ngày mưa cũng như ngày nắng, đó là chuyện bình thường. Tôi nói vui với bạn bè rằng, có lẽ đã đi hết cả vòng trái đất bằng xe đạp". Đời sống giáo viên còn vô vàn khó khăn nhưng chuyện dạy thêm để lấy tiền học trò là không có, mà học trò cũng chẳng có tiền để học thêm như bây giờ. Bản thân GS Hoàng Xuân Sính cũng quan niệm: Dạy thêm không sung sướng gì đâu, rất khổ là đằng khác. Ai ở trong hoàn cảnh phải dạy thêm mới hiểu rõ được. Thời gian người ta được nghỉ ngơi mình lại cặm cụi đi dạy. Đó là còn chưa kể, nhiều khi giáo viên dạy thêm không được học sinh kính trọng. Trong thời buổi hiện tại, giá cả leo thang mà lương giáo viên cũng chỉ được 3, 4 triệu một tháng là quá khó khăn. Vì vậy, GS Hoàng Xuân Sính đề nghị nên tăng mức lương giáo viên, tối thiểu phải là 10 triệu đồng/tháng, sau đó tùy theo chất lượng công việc để trả thêm.Tình thầy trò ấm áp thời chiến
Theo mạch câu chuyện, GS Hoàng Xuân Sính hồi tưởng về những năm 1960. Khi đó, Trường Đại học Sư phạm có xin được 9ha đất của nông trường Cửu Long ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình để giáo viên và sinh viên lao động theo chương trình giáo dục thời ấy. Năm 1963, trong một tháng lao động với sinh viên ở nông trường, cô giáo Hoàng Xuân Sính đã có một kỷ niệm đẹp ấm áp tình thầy trò mà bà nhớ mãi. "Ngày đó chúng tôi đều ngủ ở lán. Mỗi buổi sáng thức dậy tôi đều thấy trên đầu giường của mình có bánh sữa. Thời đó bánh sữa là thứ của ngon, hiếm có. Không biết ai mang đến cho mình, tôi bèn đi hỏi sinh viên, hỏi đồng nghiệp. Nhưng ai cũng lắc đầu không biết"... Mãi đến năm 1975, bà đi từ Pa-ri qua Tiệp Khắc, nói chuyện cùng các đồng nghiệp tại Praha, có nhắc tới câu chuyện bánh sữa của hơn 10 năm về trước. Một trong số những người tại Praha vô tình biết chuyện, kể: Ngày còn là phụ trách đoàn thanh niên ở huyện Lương Sơn, anh đã gặp những sinh viên nam trường sư phạm hàng ngày đi mua thức ăn cho nhà bếp, tới cửa hàng mậu dịch trên huyện mua bánh sữa. Đó là một cửa hàng chỉ có thưa thớt đồ trong cái đìu hiu thời chiến tranh. Tò mò về việc tại sao sinh viên lại mua bánh sữa, anh bèn hỏi thì được các nam sinh viên trả lời mua bánh sữa về cho cô giáo.Như vậy, mãi tới hơn 12 năm sau, khi chiến tranh đã kết thúc, GS Hoàng Xuân Sính mới tìm được một chút thông tin về câu chuyện “bánh sữa”. Sau đó, GS đã đăng tin tìm sinh viên mua bánh sữa cho bà vào năm 1963 trên báo, nhưng không có ai hồi âm cả. “Tôi chỉ lo sợ, sinh viên đó đã đi bộ đội, và hi sinh…”, bà ngậm ngùi. Cũng trong hồi ức về thời chiến tranh, GS Hoàng Xuân Sính kể: Có thời gian bà ở nhà dân, nhà có 3 gian, gian giữa là nơi thờ tổ tiên, người chồng và con trai ở một gian bên, gian còn lại nhường cho giáo viên, còn người vợ ở dưới trái bếp. "Ngày đó, tôi phải đi bộ hàng chục cây số mới tới được lớp học, nên mỗi buổi sáng phải dậy từ lúc 4h, khi trời tối om để xuống chuồng trâu thay quần áo. Có một lần, trong khi tôi đang giảng bài thì có một sinh viên nữ nhất định thưa với cô giáo, mong cô ra ngoài "để em nhờ chút việc", nhưng vì đang giảng nên tôi bảo rằng em có thể nói ngay tại lớp. Khi đó, cô sinh viên kia mới lí nhí: Cô ơi, cô mặc quần trái"...  "Đây là chuyện khi kể ra thì cũng xấu hổ, nhưng đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ gắn liền với một thời gian khổ, gắn liền với thế hệ học trò đáng yêu", nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam mỉm cười...

GS-TSKH-NGND Hoàng Xuân Sính sinh ngày 8/9/1933, là người làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), tuy nhiên, suốt thời niên thiếu gia đình bà sống tại nhà số 102 phố Hàng Bông, Hà Nội. 

Bà từng du học đại học, cao học, bảo vệ luận án Tiến sĩ đệ tam cấp Toán học về "lý thuyết Gr-phạm trù", một phạm trù có phép toán và tính chất gần như một nhóm và Tiến sĩ quốc gia Pháp về "Cái nhúng của một phức một thứ nguyên vào một đa tạp vi phân hai thứ nguyên". Người hướng dẫn bà làm luận án là nhà toán học nổi tiếng thế giới Grothendieck. Theo Wikipedia, bà là nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam. 

Bà là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng khoa học Kovalevskaya ở Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chính sách khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hồi đồng Từ điển Bách khoa Việt Nam. Nhiều lần bà là Trưởng Đoàn học sinh Việt Nam đi dự Olympic Toán Quốc tế. 

Người tiên phong của mô hình ĐH ngoài công lập ở Việt Nam

Đặc biệt, GS Hoàng Xuân Sính là một trong những người sáng lập ra Trường Đại học Thăng Long, trường ngoài công lập đào tạo bậc đại học đầu tiên tại Việt Nam. Cũng theo Wikipedia, GS Hoàng Xuân Sính là chủ tịch kiêm Hiệu trưởng của trường từ khi thành lập đến nay. Trường ĐH Thăng Long cũng là nơi đầu tiên soạn thảo Quy chế Đại học dân lập tạm thời tại Việt Nam, mở đường cho hàng loạt trường Đại học và Trung học dân lập đã đăng ký xin phép mở sau này.

Một góc nhỏ cơ ngơi của Trường ĐH Thăng Long do GS Hoàng Xuân Sính góp phần quan trọng gây dựng nên. Xem chi tiết: Bấm vào đây!
Một góc nhỏ cơ ngơi của Trường ĐH Thăng Long do GS Hoàng Xuân Sính góp phần quan trọng gây dựng nên. Xem chi tiết: Bấm vào đây!

Trường có tên gọi ban đầu là Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long, được thành lập theo Quyết định số 1687/KH-TV ngày 15/12/1988 của Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Theo Quyết định số 411/TTg ngày 09/08/1994 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long trở thành Trường Đại học dân lập Thăng Long. Theo Quyết định số 1888/QĐ-TTg ngày 31/12/2007của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học dân lập Thăng Long được chuyển đổi sang loại hình trường đại học tư thục và mang tên là Trường Đại học Thăng Long.

Văn bằng của Trường Đại học Thăng Long nằm trong Hệ thống văn bằng Quốc gia.

Cùng với Trường ĐH FPT và một số trường khác, ĐH Thăng Long đang là ngọn cờ đầu, là mô hình thành công bậc nhất của khối ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam (hiện số trường ĐH, CĐ ngoài công lập chiếm khoảng 15% tổng số trường ĐH, CĐ cả nước). Chất lượng, phương thức đào tạo của những trường này rất tiên tiến, hiện đại nhờ cơ chế năng động và được điều hành bởi những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học hàng đầu. Thậm chí, có trường đang vươn ra đẳng cấp quốc tế, điều mà hầu như chưa một trường ĐH công lập nào ở Việt Nam làm được cho đến thời điểm này.
Quyên Quyên