Du ký ở bản Nước Ruộng

07/04/2012 15:56
Nguyễn Xuân Hoàng (Báo In k29a2, HV BC&TT)
(GDVN) - Bản Nước Ruộng hằng trăm năm nay vẫn đốt đuốc, thắp đèn dầu khi đêm xuống. Cuối năm 2011 điện mới về bản. Đó là "văn minh đầu tiên ở đây.
Ở xã Nam Thượng (Kim Bôi, Hòa Bình) có một bản bé xíu, buồn tẻ. Hàng trăm năm nay, cái bản ấy gần như cô lập với thế giới văn minh. Không điện, không sóng điện thoại, không giao lưu với bên ngoài. Phụ nữ ở nhà bế con, giã gạo. Đàn ông lên rẫy phát nương trồng ngô, trồng lúa, chăn thả gia súc. Sau dự án điện lưới quốc gia về bản từ năm 2010, đến ngày 21/12/2011, bản mới chính thức có điện. Đây được xem là "hiện tượng" đưa văn minh về bản đầu tiên ở Nước Ruộng.

Vượt cổng trời vào bản

Ngược dòng thời gian, cách đây bảy năm, vào bản Nước Ruộng chỉ có một con đường chính. Con đường ấy mới được mở năm 2006, do công sức của các cấp chính quyền, cùng hàng trăm bà con phía sau cổng trời chưa biết đến hình tròn của bánh xe ô tô. Bây giờ, con đường ấy vẫn chênh vênh trên các sườn núi hiểm trở, như một vạch đỏ kẻ tận chân trời.

Đường đồi hiểm trở dẫn vào bản Nước Ruộng (ảnh: Xuân Hoàng)
Đường đồi hiểm trở dẫn vào bản Nước Ruộng (ảnh: Xuân Hoàng)

Trước khi vào bản, một cán bộ xã nói với chúng tôi: “Các anh vào đó nhớ cho chúng tôi gửi lời hỏi thăm bà con”. Tất nhiên chúng tôi cũng nhận được cảnh báo rằng: đường rất hiểm trở và  mọi thông tin liên lạc điện thoại đều vô hiệu, vì không có sóng.
Từ đầu xã bắt đầu vào bản, ngay lập tức chúng tôi bắt gặp một con dốc ngược thẳng lên trời. Tiếp đó đường bị nuốt chửng trong cánh rừng u tịch.  Qua cánh rừng, men theo một con suối nhỏ rồi đi hết con suối, đường bắt đầu uốn mình vòng vòng như hình xoắn ốc, liên tục qua những quả đồi án ngữ. Có đoạn đường như muốn dúi mình đâm hẳn xuống vực. Có đoạn đường chổng ngược hẳn lên xẻ đôi quả đồi. Rồi đường xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn lau sậy. 
Từ ngọn núi cao của xã Nam Thượng nhìn xuống đường như một dải lụa mềm vắt qua những quả đồi, vách núi cheo leo với những ô vuông đủ màu sắc của những nương ruộng bậc thang. Đó là màu xanh của cải đồi. Màu trắng bạt ngàn của muôn triệu bông lau nở rộ đu đưa trong gió. Duy chỉ có những cột điện bằng bê tông theo chúng tôi suốt chặng đường là đứng im bất động. Qua rừng lau sậy, con đường bước vào vùng núi đá cao vòi vọi. Đó là những khối đá khổng lồ, xám xịt, bị lộ thiên do việc xẻ núi làm đường. 

Từ trên đỉnh núi cao, bất ngờ đường gãy gập, chúi mình như muốn lao xuống vực. Đó là quãng đường đất nhão nhét, lầy lội dẫn chúng tôi xuống bản. Trông Nước Ruộng lúc này đẹp như một bức tranh bích động, nằm lọt thỏm giữa tứ bề là núi. Bây giờ chúng tôi mới nhận ra rằng, những người dân sống ở đây đã được tận hưởng cái vẻ đẹp hoang sơ. Nhưng chính vẻ hoang sơ ấy khiến con người đã phải đấu tranh rất nhiều để sinh tồn. Đó là cuộc đấu tranh khắc nhiệt giữa con người với thiên nhiên.

Ánh sáng mới nơi bản Mường

Vừa vào đến bản, ngay lập tức chúng tôi đã nghe tiếng karaoke hát vang khắp xóm. Hỏi thăm Trưởng bản Bùi Văn Xiêm, một bà cụ người Mường dẫn chúng tôi đến tận nhà. Lúc ấy ông Trưởng bản đang quay cái đầu chảo dò kênh. Ông rất lạ khi chúng tôi ghé thăm, vì xưa nay có mấy ai đến thăm bản đâu. Ông còn lạ hơn sao nhà báo biết việc bản vừa có điện. Vì có bao giờ người dân ra khỏi bản đâu mà đi khoe. Với lại, xóm chỉ mới có điện độ 4 tháng nay thôi. 
Đó là ông thấy lạ thì hỏi, chứ thật tình bà con thấy khách là quý lắm. Ông bảo, chuyện gì thì phải vào nhà làm vài cút đã nhỉ. Chúng tôi chưa kịp đáp thì vợ ông đã bê mâm. Người miền núi thường lấy rượu thay trà đãi khách, nếu từ chối xem như khiếm nhã, cho nên chúng tôi vui vẻ nhận lời.
Với 15 năm làm kế toán, 4 năm làm Trưởng bản nên ông nắm rất rõ mọi việc dân bản. Bao giờ vào việc ông cũng thể hiện động tác quen thuộc là hai tay chắp lại rồi báo cáo: “Báo cáo nhà báo, bản Nước Ruộng có 91 hộ, với hơn 246 nhân khẩu, 100% dân tộc Mường. Trong đó có 76 hộ đã có điện, hơn 70 hộ có ti vi màu, còn lại là đen trắng. Và có khoảng gần 20 hộ mua giàn karaoke với giá trị trung bình khoảng 4 triệu đồng, cao nhất là 7 triệu đồng”.
Có điện, nhiều gia đình trong bản Nước Ruộng đã sắm tivi, đầu karaoke... để giải trí (ảnh: Xuân Hoàng)
Có điện, nhiều gia đình trong bản Nước Ruộng đã sắm tivi, đầu karaoke... để giải trí (ảnh: Xuân Hoàng)

Ngoài tiếng karaoke ra, thì chúng tôi còn nghe thấy tiếng phim chưởng đánh nhau, tiếng cười của phim hài... lẫn lộn với nhau loạn xì ngậu. Hàng chục đầu chảo chổng lên trời cũng được gác khắp trên các mái nhà thôn bản.
Không nói đâu xa, ngay như nhà ông Trưởng bản cũng mua hẳn một giàn loa thùng, một cái ti vi màu, một đầu chảo, tất cả cũng gần 7 triệu đồng. Đặc biệt căn nhà sàn của ông rộng chỉ gần 60m2, thế mà thắp đến 7 bóng điện. Có bốn góc nhà thì mỗi góc mắc một bóng, giữa trung tâm một bóng, hai bên cửa sổ để hướng tầm nhìn ra bên ngoài cũng đều mắc cả. Trong nhà lúc nào cũng sáng trưng như ban ngày. Đó là chưa kể một số bóng được thắp dưới bếp để phục vụ cho việc nấu ăn. 
Quả thật điều ấy khiến tôi kinh ngạc. Nhưng tới lúc được tận mục sở thị gần 76 hộ dân nơi đây càng khiến tôi kinh ngạc hơn, vì phần lớn các hộ đều mắc trung bình từ 4 đến 5 bóng đèn. Có hộ nhiều nhất lên tới 8 bóng. Tôi hỏi một bà cụ tên là Bùi Thị Chệu, năm nay đã ở tuổi 85 rằng: sao bản mình thắp lắm bóng điện thế? Cụ bà thanh minh: “Không phải đâu cán bộ à! Tại hôm nay cán bộ đến thăm bản mới thắp nhiều bóng vậy đấy, chứ bình thường chỉ bật hai bóng thôi”. 
Trước ngày bản chuẩn bị có điện bà con đã cõng ngô, cõng lúa vượt núi ra phố để bán lấy tiền mua bóng điện, ổ điện, mua dây mà kéo điện từ đầu bản vào nhà. Thấy bảo bóng điện sáng lắm, sáng hơn cả bóng đèn, sáng bằng mặt giời ấy. Thế là bà con ai đấy đều háo hức. Họ bán được bao nhiêu tiền thì vét sạch túi mua hết bóng điện. 
Ngày có điện, bản còn làm thịt một con trâu mười triệu và một con lợn gần tạ rưỡi để ăn mừng. Riêng tại nhà văn hóa, cả bản góp tiền mua nguyên một giàn karaoke để phục vụ cho việc hát hò như: đám cưới, tiệc tùng…
Theo chân ông Trưởng bản, chúng tôi đi qua một con đường chỉ có thể đi chân đất. Phải cởi bỏ dép cầm tay rồi leo lên một cái gò đất hơi cao. Nơi ấy có vài chiếc nhà sàn lợp bằng lá cọ nằm lẩn khuất trong tán lá rừng, tỏa ánh sáng xanh của bóng điện. Thấy có người lạ, mấy đứa trẻ lấp ló trong các góc nhà ngó nghiêng nhìn khách. Người lớn thì hớn hở bắt tay bá cổ, tôi hỏi: Bà con từ ngày có điện vui không? Ai nấy đều rộn cười: “Ồ… ồ.., ấy dạ có chứ! Vui lắm cán bộ ơi. Từ ngày có điện mọi người biết bao nhiêu việc. Nào là xem tin tức. Nào là xem phim. Nào là nghe ca nhạc. Đặc biệt có điện mới mua được máy về xay sát, bà con chẳng phải cần giã lúa bằng tay nữa”. 
Văn nghệ mừng điện về bản (ảnh: Xuân Hoàng)
Văn nghệ mừng điện về bản (ảnh: Xuân Hoàng)

 Một anh chàng tầm 30 hớn hở: “Ngày trước không có điện phải thắp bằng đèn dầu, vừa tối lại vừa đắt, tháng cũng mất gần năm chục ngàn. Nên thường nhà nào có trẻ con học thì mới thắp, còn không tối đến chỉ biết ôm vợ về buồng mà... ngủ, thích làm gì thì làm cho đến sáng thì thôi”.

- Thế giờ đã biết sử dụng điện chưa? Tôi hỏi tiếp.


 - Ấy dạ, có chứ! Hồi mới có điện xã cũng cử người vượt núi vào hướng dẫn bà con. Nào là không được cắm điện khi tay ướt v.v... nhiều lắm không nhớ hết đâu. Giờ bản cũng có thợ điện rồi, đó là thằng Vui (sinh năm 1987) đi học sơ cấp điện mới tốt nghiệp về làm được hai tháng đấy.


Tôi liếc xéo thấy những chiếc đèn dầu nằm im ỉm trong tủ, có lẽ họ cất giữ để làm kỷ niệm vì giờ đã có ánh sáng mới rồi.

Khó khăn vẫn còn đó

Nếu tính những yếu tố quan trong nhất đối với xã hội hiện nay không thể thiếu đó là: điện, đường, trường, trạm, thì Điện được xem là nền văn mình duy nhất mà bản Nước Ruộng mới có. Mọi thông tin liên lạc từ bản ra bên ngoài chỉ vỏn vẹn một chiếc điện thoại EVN duy nhất được đặt tại nhà ông trưởng bản. Đây là chiếc điện thoại bắt sóng thông qua đường truyền của điện lưới. 

Ông Trưởng bản Bùi Văn Xiêm nói với chúng tôi: Để có được ánh sáng vào bản, hà nước đã phải bỏ ra 3,8 tỷ đồng. Đồng thời cho máy móc xẻ 5km đường núi để lấy lối đi tạm cho ba con. Những công việc còn lại địa phương phải tự gánh vác mới đúng. Tuy nhiên bà con còn quá khó khăn. Cả bản có 91 hộ thì đã gần hai chục hộ có sổ hộ nghèo. Con số đó là do nhà nước quy định, chứ còn những hộ không có sổ mà nghèo còn cao hơn nhiều.
Đặc biệt do địa hình bị cô lập nên hầu như đời sống bà con chủ yếu là tự cung tự cấp. Chỉ trừ một số hàng hóa lớn như: trâu, dê mới đem bán. Dù con đường vào bản được mở năm 2006 nhưng việc đi lại còn quá khó khăn. Để ra được phố bà con phải vượt núi đi bộ mất gần 5 tiếng đồng hồ. Do vậy hầu hết những thực phẩm mua về chủ yếu là: cá, moi, tép được phơi khô, mục đích để ăn lâu dài. Bởi 1-2 tháng bà con mới đi chợ một lần. 
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ” và tiểu mục “Nếu tôi là...": Cunglambao@giaoduc.net.vn

Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY

Cả bản cũng chỉ có duy nhất một lớp học tại nhà văn hóa, theo kiểu học dồn từ lớp một đến lớp năm, do một giáo viên cắm bản. Phần lớn các em cũng chỉ học hết cấp một là nghỉ, phần vì vượt cấp phải ra phố học xa nhà, phần vì không có tiền ở trọ. Trong khi đó trạm y tế chưa có, ốm đau bà con phải tự lên rừng tìm lá cỏ mà điều trị. Bình quân thu nhập của bà con chưa đầy 250 ngàn đồng/người. Bởi vì ngoài trồng trọt và chăn nuôi ra bà con không hề có thu nhập thêm.
Ước nguyện duy nhất của hàng trăm bà con phía sau cổng trời lúc này chỉ mong sao được nhà nước quan tâm hơn về: điện, đường, trường, trạm. Tôi nghĩ, ước nguyện đó có lẽ là nỗi khát khao chính đáng với một bản mà hàng trăm năm chưa biết đến văn mình bên ngoài.
Nguyễn Xuân Hoàng (Báo In k29a2, HV BC&TT)