Hà Nội và TP. HCM: Tìm giải pháp giảm ùn tắc trước cổng trường

06/04/2012 05:56
Trần Thị Hậu, Báo in K31b, HVBC&TT
(GDVN) - Nhiều sáng kiến giảm ùn tắc trước cổng trường đã được đưa ra trong buổi Tọa đàm về công tác giao thông trong trường học giữa hai thành phố lớn.
Ngày 5/4/2012, Bộ GD-ĐT đã tổ chức buổi Tọa đàm về công tác giao thông trong trường học đối với hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại buổi tọa đàm, đại diện Sở GD-ĐT của hai thành phố đã cùng nhau chia sẻ một số kinh nghiệm trong triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trước cổng trường học.

TP Hồ Chí Minh: lùi cổng trưởng

Báo cáo tại buổi tọa đàm, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (HSSV), Bộ GD&ĐT cho biết: Trung bình mỗi ngày có hơn 30 người chết và hàng chục người bị thương nặng do tai nạn giao thông, chủ yếu tập trung trong độ tuổi từ 15 đến 49, gây nhiều tổn thất về người và của cải.
Hưởng ứng "Năm an toàn giao thông 2012", Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch về thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học". Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục về việc chấp hành Luật Giao thông cho HSSV, Bộ đã yêu cầu các đơn vị chỉ đạo quyết liệt việc nghiêm cấm học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đến trường. 
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm (ảnh: Trần Hậu)
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm (ảnh: Trần Hậu)
Về phía TP. Hồ Chí Minh, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Ngành giáo dục thành phố thực hiện đổi giờ học từ năm 2006. Không những thế, sở cũng yêu cầu các phòng phải ký cam kết hàng năm với 5 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí quan trọng nhất đó là trong mỗi quận, huyện phải có ít nhất 98% các cổng trường không được ùn tắc quá 30 phút. Hàng năm, trong lễ ra quân, giám đốc sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng ký với tất cả các trưởng phòng giáo dục, Trung tâm giáo dục thường xuyên…. về vấn đề này". 
Đặc biệt, theo bà Thanh, năm học 2011-2012, sở GD&ĐT đã bàn với Uỷ ban An toàn giao thông (UBATGT) thành phố về việc lùi cổng trường để tạo hành lang cho phụ huynh gửi xe. Kinh phí của việc này do UBNDTP chi trả. 
Bà Thanh cũng cho biết thêm: “Ở tất  cả các cổng trường trong thành phố đều có khẩu hiệu: “Cổng trường em xanh, sạch đẹp, an toàn”. Khẩu hiệu này không chỉ nhắc nhở học sinh, giáo viên trong trường mà còn để nhắc nhở người dân sống xung quanh có ý thức giữ gìn  môi trường quanh trường học. 
Việc phối hợp với các lực lượng trong giảm ùn tắc giao thông trước cổng trường được TP. Hồ Chí Minh thực hiện khá toàn diện. Lực lượng dân phòng, lực lượng công an, lực lượng sinh viên, thanh niên tình nguyện là những “trợ thủ” đắc lực giúp cho ngành giáo dục thực hiện tốt được mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trước cổng trường. 

Hà Nội: tạo hành  lang thông thoáng cho cổng trường

Cũng như TP Hồ Chí Minh, thời gian vừa qua, Hà Nội thực hiện đổi giờ học, giờ làm. Đánh giá về vấn đề  thực hiện điều chỉnh giờ học tập, làm việc, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội và một số trường học trên địa bàn Hà Nội đều khẳng định đã có tác dụng đáng kể trong việc cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố thời gian qua. 
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Điều chỉnh linh hoạt giờ vào học và tan học của các trường trên cùng một tuyến đường; bố trí các điều kiện phục vụ cho việc quản lý học sinh trong thời gian giao giữa hai ca học sáng- chiều hoặc trong thời gian chờ phụ huynh đến đón; chủ động ký kết với đơn vị vận tải công cộng phục vụ việc đưa, đón học sinh…" 
Tuy nhiên, để các giải pháp này đạt hiệu quả như mong muốn, các ý kiến cũng thống nhất đề xuất một số kiến nghị như tăng cường các biển cấm đỗ xe khu vực cổng trường; tăng tính nghiêm khắc khi xử phạt học sinh vi phạm Luật giao thông; ngăn chặn triệt để tình trạng trông giữ xe của học sinh khu vực gần trường  học… 
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Huyền, Trưởng phòng giáo dục quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết: “Hoàn Kiếm là quận có diện tích rất nhỏ của Hà Nội, chỉ 5,3km2 nhưng có tới trên 30.000 học sinh. Trong đó, học sinh tiểu học, THCS phần lớn lại được cha mẹ đưa đón. Điều này đã gây sức ép lên giao thông trong quận. Ngay tại phố Nhà Chung, dù chỉ ngắn vài trăm mét nhưng có tới 3 trường tiểu học, một trường mầm non, một trường THCS"
Không những thế, điều bà Huyền quan tâm đó là gần cổng trường, sở giao thông thành phố cho cắm biển xe bus hoặc các điểm trông giữ ô tô. Ví dụ như ở ngay cổng trường tiểu học Võ Thị Sáu và Trần Nhật Duật là hai bến xe bus.  Điều này ảnh hưởng tới trật tự tại cổng trường mỗi giờ tan trường…
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý khẳng định: “Giáo dục an toàn giao thông cho HSSV vừa là nhiệm vụ trước mắt để bảo đảm tính mạng cho các em, vừa là nhiệm vụ lâu dài để hình thành một thế hệ công dân tương lai có ý thức chấp hành pháp luật, có văn hóa ứng xử và kĩ năng tham gia giao thông an toàn. Lực lượng HSSV chấp hành tốt Luật Giao thông sẽ góp phần không nhỏ trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông trên cả nước, trong  đó có việc xây dựng nét đẹp văn hóa giao”.
Trần Thị Hậu, Báo in K31b, HVBC&TT