Khát vọng sống của cô bé "17 tuổi chưa một ngày thành thiếu nữ"

26/09/2012 14:15
Thu Hòe
(GDVN) - "Nhiều khi mệt mỏi và kiệt sức nhưng chỉ cần thấy con khỏe lên một chút, tôi lại có thêm sức mạnh. Dù biết con không thể sống bên mình đến hết cuộc đời nhưng còn nước còn tát; có phải còng lưng, gãy xương, tôi cũng quyết chạy chữa cùng con…”, mẹ của Tươi tâm sự.
“Em biết mình sẽ chết như bố và 2 anh…”

Đặng Thị Tươi, cô bé 17 tuổi chưa một ngày được trở thành một thiếu nữ, chưa được trải qua những cung bậc cảm xúc của cái tuổi cập kê như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Trước những giày vò của bệnh tật, Tươi đã hơn một lần muốn tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình…

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo khó ở vùng đất Kiến Xương – Thái Bình, tuổi thơ của cô bé Đặng Thị Tươi là chuỗi ngày tháng chập chờn trong những cơn mộng mị, nỗi đau bệnh tật, sinh ly tử biệt người thân. Người bố thân yêu đã bỏ lại 4 mẹ con Tươi nheo nhóc trên cõi đời này vì căn bệnh ung thư máu. Sau sự ra đi đột ngột của bố, 4 mẹ con Tươi bao bọc, nương tựa lẫn nhau để sống. Cuộc sống nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy tiếng cười và tình yêu thương.

Thế nhưng, bất hạnh chồng chất bất hạnh. Những sóng gió và nỗi đau tiếp tục ập đến với gia đình bé nhỏ ấy. Hai người anh trai cũng lần lượt rời bỏ mẹ con Tươi vì những căn bệnh hiểm nghèo. Anh trai cả mất vì viêm não cấp. Anh trai thứ hai chết vì bệnh tim. Chị gái Tươi vì thương mẹ, thương em cũng sớm rời bỏ ước mơ đèn sách lên Hà Nội làm thuê… 

Tháng 4/2012, một tai họa nữa lại ập đến. Mọi thứ dường như sụp đổ khi Tươi nhận về tờ kết luận của bác sỹ, em bị ung thư máu, di truyền từ bố.

Lần lượt phải đối diện với những mất mát người thân từ khi tuổi còn quá nhỏ, giờ đây, chính bản thân em lại tiếp tục đối diện với căn bệnh hiểm nghèo đang từng giờ, từng phút tàn phá đi sức sống xanh tươi của một cô gái 17.

“Em chỉ thèm một lần được nghe tiếng bố mắng em nhưng không còn được nữa rồi. Hai anh cũng thay phiên nhau rời bỏ mẹ con em. Em biết rồi một ngày không xa nữa, em sẽ chết như bố và hai anh. Em biết mình bị bệnh giống bố. Nhiều khi em chỉ muốn tự tìm đến cái chết để kết thúc cuộc sống đau khổ này… Thế nhưng, em chỉ thương mẹ một mình phải bơ vơ sống trên cõi đời. Chị gái em lấy chồng xa không thể sớm tối bên mẹ được”, Tươi nghẹn ngào nói.

17 tuổi, em không được trở thành thiếu nữ

Những hàng nước mắt cứ thi nhau lăn dài trên khuôn mặt non nớt, nhợt nhạt ấy. Ánh mắt cô bé luôn hướng nhìn ra xa xăm rồi lại đỡ đẫn nhìn vào một góc nào đó. Tươi tâm sự, 17 tuổi rồi nhưng cô bé chưa kịp thấy rung động trước một chàng trai nào. Em chưa được một lần trải qua những cảm xúc đẹp đẽ nhất của cái tuổi cập kê như nhiều bạn bè của mình. 

“Lúc ở nhà đi học, em chỉ biết học hành chăm chỉ và cố gắng hết mình để sau này thi đỗ được vào Đại học. Em mơ ước trở thành một nữ phóng viên. Mẹ em bảo, chỉ có học mới giúp gia đình em thoát nghèo khó. Thấy bạn bè có bạn trai em cũng thích lắm nhưng lại không dám nghĩ đến. Bây giờ em bệnh tật như thế này, xấu xí như thế này ai còn dám thích nữa…”, Tươi bẽn lẽn nói.

Dù ngượng ngùng không nói nhưng tôi biết, cô bé khao khát được một lần trải qua những cảm xúc rung động, yêu thương đó biết chừng nào. Tươi vẫn thường hay khóc vì tủi thân mỗi lần được xuất viên về quê nhìn thấy bạn bè đi học. Em vẫn thường ôm lấy mẹ và thủ thỉ rằng: “Mẹ ơi! Mình không chữa bệnh nữa nhé! Con không muốn mẹ tiếp tục vất vả! Con chết rồi, một mình mẹ sẽ buồn lắm! Mẹ ơi! Đầu con trọc hết rồi, xấu lắm, sẽ không ai thích đúng không mẹ!...” Những lúc như thế, hai mẹ con Tươi lại ôm nhau và khóc nức nở.

Mẹ Na và em Tươi trong bệnh viện. Căn bệnh ung thư máu đang ngày đêm tàn phá sức sống và nét xuân của Tươi
Mẹ Na và em Tươi trong bệnh viện. Căn bệnh ung thư máu đang ngày đêm tàn phá sức sống và nét xuân của Tươi

Kiếp trước tôi đã làm gì nên tội?

Trò chuyện với chúng tôi, bác Đặng Thị Na, mẹ Tươi buồn rầu: “Cái số nó khổ. Từ nhỏ đã phải chịu bao thua thiệt so với bạn bè lại chứng kiến cảnh bố và hai anh mất sớm. Ở với mẹ và chị gái thì thiếu thốn đủ đường nhưng vẫn ngoan ngoãn, chịu khó học hành… Tôi không biết kiếp trước mình làm gì nên tội mà kiếp này bị trừng phạt lớn như thế. Chồng, con đều lần lượt rời bỏ tôi… Thấy con đau đớn từng ngày, tôi chỉ tiếc không gánh được thay cho con những đau đớn này thôi…”

Nửa năm nay, ngôi nhà ở quê của hai mẹ con Tươi khóa cửa bỏ đấy. Ruộng vườn cũng nhờ bên nội, bên ngoại chăm nom giúp. Nói về hoàn cảnh khốn khó của mình, bác Na không giấu được những giọt nước mắt, tay vân vê mãi những đồng tiền lẻ mua cơm còn thừa. 

Bác Na cho biết: “Nhà giờ chỉ còn có hai mẹ con. Lên đây điều trị thì khóa cửa nhà để đấy. Thi thoảng có hàng xóm sang quét dọn, thắp nhang cho 3 bố con. Gia đình tôi ngoài mấy sào ruộng ra không còn gì hết. Đứa con gái lấy chồng xa cũng khó khăn lắm! Tiền chữa bệnh cho Tươi toàn là tiền vay ngân hàng, anh em họ hàng bên nội, ngoại. Nhiều khi thấy mệt mỏi và kiệt sức quá nhưng chỉ cần nhìn thấy con khỏe lên một chút là tôi lại thấy có thêm sức mạnh. Dù biết con không thể sống bên mình đến hết cuộc đời nhưng còn nước còn tát. Dù có phải còng lưng, gãy xương tôi vẫn quyết chạy chữa cho con…”

Mong ước lớn nhất của bà mẹ nghèo khó ấy là con gái được tiếp tục sống, ăn uống thật nhiều, có niềm tin, hy vọng vào cuộc đời để tiếp tục giành giật lại sự sống…
1. Bác Đặng Thị Na
Địa chỉ: xóm 7 - Chi Lăng - Quang Minh - Kiến Xương - Thái Bình.
Hoặc: Phòng 618, tầng 6, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
ĐT: 01685662465

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam
- Địa chỉ: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội
- ĐT: 04.6261.0666 – 04.6261.0888
 
3. Qua Ngân hàng
- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam
- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy.
- Swift Code: VBAAVNVX
- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn 
Thu Hòe