"90% nguyên nhân nhà lún, nghiêng là do con người"

13/04/2011 07:34
(GDVN)-Theo "thần đèn" Đỗ Quốc Khánh, nguyên nhân khiến nhà bị lún, nghiêng là so sự phát triển của trí tuệ không theo kịp thực tiễn. Để "chữa trị" cho những ngôi nhà này cần phải có sự kết hợp "Đông Tây y".

Theo ông, những nguyên nhân nào làm cho các ngôi nhà bị lún, nghiêng?

Ông Đỗ Quốc Khánh: Có hai nguyên nhân. Trước hết là do con người. Đó là sự hiểu biết trí tuệ của con người không theo kịp thực tiễn. Lỗi này thông thường thuộc về người khảo sát, thiết kế, thi công. 80-90% sự cố là do con người.

Thứ hai, đó là lỗi vượt qua sự hiểu biết của con người, là rủi ro bất khả kháng. Nguyên nhân này chỉ chiếm khoảng 10% nhưng nếu xảy ra thì lại hàng loạt và rất ghê gớm. Đó là tai nạn, thảm họa, sự cố thiên nhiên như mưa bão, sóng thần, động đất, nứt đất, hố tử thần...

Để giải quyết vấn đề nhà lún, nghiêng thì cần thực hiện như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi cần hai quá trình với nhiều bước để giải quyết vấn đề này. Đầu tiên là phải khám bệnh. Quá trình này chỉ cần dùng mắt nhìn, tai nghe, cảm nhận và trí tuệ. Sau đó phải tổng quát và hệ thống lại. Nó mang màu sắc như Đông y và mang tính chất định tính. Giai đoạn này máy móc không có vai trò gì bởi xét về điều khiển học, con người là cỗ máy hoàn thiện nhất. Mắt, tai, óc là những máy móc đặc biệt và con người có thể cảm nhận được những sóng đặc biệt như hình dung ra mối đe dọa nào đó.

 

"90% nguyên nhân nhà lún, nghiêng là do con người" ảnh 1

Thần đèn Đỗ Quốc Khánh chưa từng được đào tạo về xây dựng. Ông là một người đã có 10 năm nghiên cứu về điều khiển học. Ảnh: Hoàng Thùy.


Giai đoạn hai mới dùng đến kỹ thuật Tây ý nghĩa là công việc của các nhà khoa học, kỹ sư và máy móc. Các thiết bị như máy ảnh, thủy đình, lade, súng bắn bê tông, máy khảo sát đất, máy siêu âm được điều động để tiếp tục "thăm khám" cho ngôi nhà. Công việc này mang tính phiến diện và định lượng.

Sau đó, chúng tôi sẽ tổng hợp kết quả khám bệnh của cả Đông y và Tây y để đi đến kết luận cần phải làm những gì. Nếu kết quả của hai bên mà đối chọi, phản biện nhau, chúng tôi sẽ tiếp tục mổ xẻ, phân tích để tìm đáp án chung.

Ngay từ khi kiểm tra sơ bộ tôi đã hình dung ra những máy móc thiết bị mà mình cần, tổng số nhân lực và vật tư thi công. Trong quá trình xử lý, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, chỉnh sửa sơ đồ để sản phẩm được tròn trĩnh. Nếu kết quả bất ổn, lập tức sơ đồ khối (quy trình xử lý lún nghiêng) sẽ được sửa đổi phù hợp. Đây cũng là cách làm việc khác với cách làm truyền thống là tìm được nguyên nhân mới tiến hành sửa chữa. Với nhiều trường hợp, chỉ khi đã mổ xẻ mới biết được nguyên nhân.

Ông bắt đầu sự nghiệp chống lún nghiêng cho các ngôi nhà như thế nào?

Nói rằng tôi là người không được đào tạo một chút gì về xây dựng có lẽ nhiều người không tin. Nhưng tôi có thời gian 10 năm học tập về máy, điều khiển học, tự động và được cấp bằng Hệ thống tự động hóa. Khi về Việt Nam, tôi trở thành một người thất nghiệp vì thời điểm đó không ai hiểu đó là một nghề. Sau đó, khi xin được việc làm rồi tôi lại bị "ném" từ Bộ nọ sang Bộ kia. Mãi đến năm 1984, khi kê khai lý lịch là kỹ sư xây dựng tôi mới được nhận vào Viện Khoa học Công nghệ.

Những ngày đầu làm trái ngành, tôi gặp nhiều khó khăn về thuật ngữ và tiếng Việt. May là kiến thức về xây dựng tôi cũng có được từ khi còn làm nghiên cứu sinh tháng 3/1980 về đề tài "mô phỏng cháy của nhà máy điện". Tư duy của tôi không giống những kỹ sư khác mà là tư duy của một người được đào tạo bài bản về điều khiển học.

Cũng chính vì "mạo danh" là kỹ sư xây dựng nên tôi phải cố gắng học thật nhiều, đọc thật nhiều để không xảy ra sai sót trong bất cứ việc gì. Năm 1995, tôi cùng hai đồng nghiệp nữa nhận chống lún công trình đầu tiên của Việt Nam. Đó là công trình khách sạn La Thành. Từ thành công của lần thử sức ấy, tôi đã nghĩ ngay đến việc "điều khiển các tòa nhà", đúng chuyên ngành Điều khiển học mà tôi đã tốn 10 năm đèn sách.

Những khó khăn của ông khi bước vào con đường "điều khiển" các ngôi nhà là gì?

Đó là việc thiếu thực tiễn. Nhưng tôi chưa bao giờ chùn bước. Khó khăn trong vấn đề gì, tôi phải suy nghĩ đến khi tìm ra đáp án thì thôi. Có những lúc, tôi xắn tay áo cùng làm việc với anh em, phụ trách cả một đội công nhân. Việc làm tổ trưởng tổ công nhân đã cho tôi nhiều thứ, tôi hiểu được những nguyên tắc và phát hiện ra nhiều điều mới từ thực tiễn, những thứ mà dù có đọc nhiều sách đến mấy cũng không biết được.

Bí quyết để thành công của ông là gì?

Cho đến bây giờ tôi rất tự tin trước bất kỳ một sự cố nào về nhà bao gồm lún, nghiêng, nứt, di chuyển... Những nguyên lý về điều khiển học, năng lượng mà tôi có đã được áp dụng trong cơ thể của xây dựng rất thành công.

Tôi không đi theo lối mòn mà tự mày mò cho mình một hướng đi riêng. Tất cả những thiết bị thi công trong quá trình xử lý đều là do tôi tự thiết kế và chế tạo. Đó là kích thủy lực, đồng hồ đo chuyển vị, máy tự động, con lăn...

Nhiều khi thực tiễn cũng đánh lừa con mắt mình khiến tôi phải tập luyện phương pháp đối chọi, cùng lúc đóng nhiều vai khác nhau như kỹ sư xây dựng, nhà điều khiển học, nhà khoa học... để nhìn được vấn đề ở nhiều góc độ, phản biện những suy đoán của từng vị trí. Nguyên tắc là không được phép tư duy định kiến, chân lý cuối cùng sẽ nằm ở điểm giao nhau.

Theo VnExpress