Chọn ngành gì khi du học?

28/06/2012 10:02
theo SGTT
(GDVN) - Một gia đình cho con đi du học phải đầu tư ít nhất 2 tỉ đồng trong bốn năm, một khoản không hề nhỏ. Quan trọng hơn, quyết định chọn ngành học nào sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con em mình. Chọn ngành phù hợp với sở thích các em, mang tính cạnh tranh và lâu bền là một bài toán khó mà các bậc cha mẹ nên xem xét kỹ.

Sở thích, sở trường hay thị trường?

Gần đây qua trao đổi với một số phụ huynh có con sắp đi du học, tôi được biết các gia đình thường quyết định chọn ngành cho con theo các phương thức sau: chọn theo ngành của bố mẹ, vì bố mẹ có công ty riêng hoặc các mối quan hệ trong ngành; chọn ngành không quá chuyên sâu hoặc không đòi hỏi tài năng nhất định; chọn ngành các em say mê nhưng mang tính thiết thực, nghĩa là không nằm trong thể loại âm nhạc nghệ thuật hay giải trí; chọn ngành quản trị kinh doanh hoặc tài chính ngân hàng, và số này chiếm một nửa các trường hợp mà tôi biết.
Chọn ngành học phù hợp với con em, mang tính cạnh tranh và lâu bền là bài toán khó với các bậc cha mẹ. Ảnh: Thanh Hảo
Chọn ngành học phù hợp với con em, mang tính cạnh tranh và lâu bền là bài toán khó với các bậc cha mẹ.
Ảnh: Thanh Hảo
Câu hỏi đặt ra là các phương thức chọn ngành trên đây có mang tính chiến lược không? Nếu bố mẹ không làm kinh doanh hay không có quan hệ rộng thì sao? Đến lúc phải quyết, các em nên chọn ngành mình yêu thích, phù hợp với khả năng hay chọn ngành có nhu cầu cao trên thị trường? Thêm nữa, nếu chọn ngành theo thị trường, các em làm thế nào để biết mình nên chọn ngành gì?

Số liệu từ tổng cục Thống kê cho thấy trong năm năm 2005 – 2010, Việt Nam có nhiều biến chuyển về tỷ lệ lao động trong các ngành nghề. Chẳng hạn như số lao động tham gia lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, công nghệ thông tin và truyền thông tăng gấp hai lần, số lao động trong ngành nghệ thuật và giải trí tăng gần gấp ba lần, còn các hoạt động kinh doanh bất động sản tăng đến năm lần. Riêng lao động tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế giảm đi hai lần và ngành tài chính, ngân hàng chỉ tăng 37%.

Sinh viên đi du học về nên quan tâm đến khu vực kinh tế hội nhập toàn cầu vì đây là các ngành có nhu cầu cao về nhân lực được đào tạo quốc tế. Tuy vậy, các em nên chú ý đây cũng là nơi thị hiếu của người tiêu dùng có thể thay đổi một cách nhanh chóng, dẫn đến thay đổi về nhu cầu của thị trường lao động. Những ngành thiếu người và có lương cao năm nay có thể không còn trong tình trạng đó 4 – 5 năm sau, khi các em ra trường.

Ông Steve Jobs, người sáng lập công ty Apple lừng danh, từng nói để cạnh tranh tốt trong bất kỳ nền kinh tế nào các mặt hàng hay dịch vụ phải có cả hai tố chất: độc đáo và có giá trị. Nếu chúng ta coi chuyên môn của mình là một “sản phẩm”, thì thử thách đầu tiên là phải đáp ứng được hai yêu cầu này khi tìm việc làm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy khi sinh viên xác định được ngành mình quan tâm, các em say mê và thấy được tính thiết thực của việc học. Tuy vậy, nhiều em theo đuổi sở thích, học kiến thức quan trọng và phát triển trí tuệ cao nhưng lại ra trường với một tấm bằng mà cơ hội xin được việc gần như không có. Nhưng chúng ta không thể chỉ dựa vào nhu cầu thị trường để chọn ngành vì mỗi cá nhân có học lực và sở thích khác nhau. Theo tôi, một quan điểm đáng chú ý mà nhiều nhà nghiên cứu hướng nghiệp và các giáo sư Mỹ đã đưa ra là: các em nên “kết hợp cả hai”.

Điều này có nghĩa là ngay khi vào đại học, các em nên nhạy bén với tình hình kinh tế bên ngoài và suy nghĩ kỹ về tính hướng nghiệp khi chọn ngành. Rất nhiều đại học ở Mỹ tạo cho sinh viên cơ hội học hướng nghiệp song song với phát triển kiến thức cơ bản và khả năng tư duy. Tận dụng những cơ hội này, các em có thể thiết kế cho mình một chuyên ngành phù hợp với sở thích và khả năng, lại đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Chưa học phải tính nơi hành.

Việc hướng nghiệp nên bắt đầu ngay từ bước chọn trường trước khi du học. Các trường đại học ở phương Tây mặc dù dạy đa ngành nhưng thường mạnh về một số ngành cụ thể. Phụ huynh và học sinh nên dành nhiều thời gian nghiên cứu về trường, các chương trình và phương thức đào tạo trước khi nộp đơn. Các gia đình có thể tham khảo thông tin từ trang web của trường, nói chuyện với những người đã và đang sống ở nước ngoài hoặc tìm hiểu qua các trung tâm tư vấn du học quốc tế.

Khi chọn ngành nghề du học, các em cũng nên nghĩ đến việc mình muốn làm việc ở đâu sau khi tốt nghiệp: ở lại nước mình du học, về Việt Nam hay sang một nước khác – bởi mỗi thị trường có nhu cầu lao động khác nhau. Chẳng hạn ở Mỹ việc chọn ngành cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng xin visa làm việc sau khi tốt nghiệp. Kể cả khi các em được một công ty nhận vào làm và bảo lãnh visa, Chính phủ Mỹ vẫn yêu cầu người nước ngoài làm đúng ngành được đào tạo và được trả lương bằng mức quy định của nhà nước.

Điểm nóng
TOP 50 trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu thế giới (P3). Tự kiếm tiền du học Nhật - Kỳ 1: Giọt mồ hôi trên đất khách.
Đào tạo trực tuyến: Xu hướng mới của các trường Mỹ. Cùng DHS Khám phá làng cổ Zaanse Schans, Hà Lan
Chứng minh tài chính du học không còn là nỗi lo. Tiêu chí xếp hạng 100 trường đào tạo MBA trên thế giới.
theo SGTT