Ép con du học: Lợi bất cập hại

18/03/2012 11:03
Theo Phụ nữ Thủ đô
Không thể quản nổi những cậu ấm cô chiêu của mình, một bộ phận phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả đã đưa con ra nước ngoài du học.
Không thể quản nổi những cậu ấm cô chiêu của mình, một bộ phận phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả đã đưa con ra nước ngoài du học. Tuy nhiên, thực tế đôi khi biện pháp này lại hoàn toàn phản tác dụng.


Đứa con có tài phân thân

Đang đi mua sắm tại Vincom, chị Mai Anh (Ba Đình, Hà Nội) giật mình khi nhìn thấy Tú - cậu con trai cưng lẽ ra giờ này phải miệt mài học tập tận Singapore đang khoác tay bạn gái ở phía trước. Cứ nghĩ là mình hoa mắt, chị chạy lên để nhìn cho kỹ thì đích thị là cậu ấm mình. Khi chị định thần lại thì cậu ấm đã nhanh chân biến mất khỏi tầm mắt.
Chị lập tức lấy điện thoại gọi điện cho con thì nó trả lời đang ở trên lớp. Không tin, chị gọi cho cậu bạn cùng phòng để xác minh thì cũng được trả lời là cả hai đứa đang đi học. Hôm đó về đến nhà chị vẫn còn băn khoăn mãi chẳng lẽ lại có người giống nhau đến vậy.
Bán tín bán nghi, chị Mai Anh tìm đến văn phòng thám tử tư nhờ làm rõ thực hư chuyện con trai đang du học lại xuất hiện tại Hà Nội. Sau hơn 1 tháng ký hợp đồng, chị được công ty thám tử gọi đến nhận kết quả. Sự thực đúng là cậu con trai cưng của chị đã về Hà Nội hôm đó và điều đáng nói là nó đã dùng "thuật phân thân" ấy rất nhiều lần.
Người mẹ này càng thẫn thờ hơn khi biết được kết quả học tập của con báo về từ trước tới nay đều là giả, và đứa bạn cùng phòng mà anh chị tin tưởng làm tay trong cho mình cũng đã trở thành đồng minh của nó từ lúc nào. Thậm chí nó còn theo con trai chị bay về Hà Nội không ít lần.
Tú vốn là con thứ hai nhưng là "trai độc đinh" của gia đình nên từ nhỏ đã được sống trong sự chiều chuộng. Tú là đứa con ngoan cho đến khi vào cấp III thì trái tính trở nết. Mới 15 tuổi, Tú yêu đắm đuối một cô bé cũng thuộc gia đình có điều kiện kinh tế. Từ đó Tú thường xuyên bỏ học, sa vào chơi bời.
Xác định con hư là do yêu đương sớm, bố mẹ Tú dùng mọi biện pháp để ngăn cản nhưng đều thất bại. Cuối cùng, họ quyết định ép con du học hi vọng khoảng cách địa lý kia sẽ chia cắt đôi trẻ dễ dàng hơn. Anh chị còn tin tưởng với môi trường giáo dục ở nước ngoài con mình sẽ được giáo dục tốt hơn.
Không ngờ, cậu ấm tinh quái đã qua mặt bố mẹ bằng cách giả vờ đồng ý du học, sau đó thì trốn về nước tiếp tục gặp gỡ người yêu và tụ tập với đám bạn bè xấu. Một năm cho con du học, số tiền vợ chồng chị Mai Anh bỏ ra lên đến đơn vị tỷ đồng nhưng kết quả thu về là con số không.

Tiền mất mà tật… con vẫn mang

Theo ông Nguyễn Minh Long (giám đốc công ty thám tử VDT), hiện nay có không ít khách hàng tìm đến dịch vụ thuê thám tử kiểm tra các cậu ấm cô chiêu ra nước ngoài du học có chịu tu chí học hành hay không.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ông Long cũng cho biết đa số gia đình này đều khá giả nhưng thất bại trong việc quản con. Họ đưa con ra nước ngoài với hi vọng sang bên đó con cái mình vừa tách xa được đám bạn xấu, vừa phải chịu "kỷ luật sắt" của nền giáo dục tiên tiến sẽ nên người. Tuy nhiên, thực tế thì đây không phải là một giải pháp thành công như họ mong muốn.
Một bà mẹ khi đến “đặt hàng” kiểm tra cô con gái 18 tuổi đang du học ở Mỹ kể, gia đình bà đang ăn không ngon ngủ không yên vì đứa con gái bất trị. Mới 16 tuổi nhưng vũ trường nào nó cũng biết, thường xuyên tìm cách trốn học đi chơi. Vào lớp 12, nó tuyên bố bỏ học để cưới chồng khiến ông bà tá hoả.
Nghe mọi người khuyên chỉ còn cách đưa nó ra nước ngoài du học thì mới mong làm nó thay đổi. Ít ra thì thời gian và khoảng cách địa lý, môi trường bạn bè mới sẽ khiến cho cô con gái quên đi mối tình oái oăm với người đàn ông có vợ kia. Đi được vài tháng, mấy người quen bên đó báo về rằng cô chiêu này không học hành gì mà còn nhiều lần trốn về nước ăn chơi.
Sau khi thám tử tìm hiểu, hoá ra cô con gái sang Mỹ cặp ngay với một cậu bạn cũng thuộc dạng bị bố mẹ đẩy ra nước ngoài du học. Được bố mẹ chu cấp tiền thoải mái, chúng đã không ít lần bay về nước tụ tập bạn bè chơi bời.
Có kinh nghiệm theo chân các cậu ấm cô chiêu, thám tử Trần Văn B (Công ty VDT) cho biết, không phải những đứa con bị bố mẹ ép du học đều bất trị. Có những bạn trẻ phải đi du học là do sức học yếu không thi đỗ đại học trong nước. Việc du học của bộ phận này chủ yếu để giải quyết khâu oai cho bố mẹ hơn là xuất phát từ lợi ích của con cái.
Có những bạn trẻ đã thổ lộ rằng vì không thể theo nổi chương trình học ở nước ngoài nên đã chán nản, bỏ học hoặc đi học cho qua ngày.Việc kiếm bạn cùng cảnh ngộ trong môi trường du học không hề khó, chuyện trượt dần theo đám bạn xấu cũng rất nhanh chóng. Trong khi bố mẹ ở nhà lại lấy làm tự hào vì có con du học nước ngoài mà không biết rằng ở bên đó con mình học hành chẳng ra làm sao.
Bắt con đi du học không phải là một giải pháp giáo dục tốt để biến con hư thành con ngoan như một số bậc bố mẹ vẫn lầm tưởng. Bởi việc “đẩy” con đi du học mà không xuất phát từ mong muốn và ý thức tự giác học tập của con thì chỉ là giải pháp chữa cháy tạm thời cho chính bản thân bố mẹ.
Bố mẹ phải hiểu rằng không phải đứa con nào du học cũng đều thành công và môi trường giáo dục “ngoại” nào cũng đều tốt và ưu việt đối với con mình. “Với con cái, “quản gần” bao giờ cũng tốt hơn là “quản từ xa” - Ông Long khuyên.

Theo Phụ nữ Thủ đô