Giáo dục và đào tạo cho người tàn tật ở Cộng hòa Liên bang Đức

08/10/2017 10:21
Đinh Tuyết Mai
(GDVN) - Nhà nước, các bộ, các ngành liên quan kết hợp với cha mẹ trẻ tàn tật, tạo mọi điều kiện có thể để giúp các em vượt qua sự rủi ro của cuộc đời.

LTS: Những người tàn tật là đối tượng cần được xã hội đặc biệt quan tâm, đặc biệt là ở lĩnh vực giáo dục.

Với mong muốn những người tàn tật sẽ có cuộc sống tốt hơn, nhà giáo Đinh Tuyết Mai từ Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ bài viết về giáo dục đào tạo cho người tàn tật ở Đức.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau chuyến đi du lịch 3 tuần ở Việt Nam trở về, mấy người bạn hưu trí Đức và tôi lại hội ngộ tại quán cà phê quen thuộc ở Stuttgart.

Được nghe các tiến sĩ bình luận về vẻ đẹp và những điều thú vị của quê hương, nơi mình được sinh ra và trưởng thành, tôi rất vui và tự hào.

Song, khi nghe các bạn trao đổi về thực tế diễn ra trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn và các điểm du lịch khác: nhiều người tàn tật lê lết đi ăn xin ngoài đường, trong đó có nhiều trẻ em tàn tật…, tôi rất đau lòng và cảm thấy xấu hổ…

Do vậy, tôi muốn gửi tới bạn đọc bài viết này với hy vọng: người tàn tật ở Việt Nam sẽ nhanh chóng được Nhà nước và xã hội quan tâm giúp đỡ nhiều hơn, để họ có cuộc sống ổn định “không bị xã hội bỏ rơi”.

Tôi muốn biết rõ: Hiện nay ở Việt Nam có bao nhiêu người tàn tật? Trong đó, số người tàn tật do hậu quả bị nhiễm chất độc hóa học thời kỳ chiến tranh chống Mỹ 1968-1974 là bao nhiêu?

Nhà nước Việt Nam đã có những biện pháp gì đề giúp đỡ họ?

Giáo dục và đào tạo cho người tàn tật ở Cộng hòa Liên bang Đức ảnh 1

Giáo dục có dành cho tất cả?

Mặc dù nền Y học thế giới phát triển rất nhanh, song vẫn không khống chế được hiện tượng trẻ em bị tàn tật bẩm sinh.

Một trong số những nguyên nhân chính là: môi trường bị ô nhiễm cao do khí thải công nghiệp ngày một tăng, khí thải của các đông cơ, máy móc trong ngành giao thông vận tải…

Một nguyên nhân khác nữa là nước thải, rác thải không được xử lý đúng và kịp thời, xả bừa bãi nơi dân sinh và ngoại ô của các thành phố lớn, tập trung nhất là ở các nước chậm phát triển.

Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nữa.

Thêm vào đó là một số lượng không nhỏ người bị tai nạn nặng, sau khi được cứu chữa kịp thời, họ không bị bỏ mạng nhưng tàn tật suốt đời... Giúp đỡ người tàn tật là một vấn đề nan giải toàn cầu.

Người tàn tật ở Cộng hòa Liên bang Đức:

Theo điều tra thống kê, hiện nay ở Cộng hòa Liên bang Đức có khoảng 7,6 triệu người lớn và trẻ em bị tàn tật.

Nhà nước Đức có rất nhiều cố gắng trong lĩnh vực này và đã phát hành điều luật cơ bản riêng cho người tàn tật. Mức độ tàn tật sẽ được hội đồng bác sỹ chuyên ngành xác định.

Nếu mức độ tàn tật từ 50% trở lên, người tàn tật sẽ được cấp “Chứng minh thư tàn tật”. Với chứng minh thư này, họ có quyền đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng với giá thấp hơn.

Họ còn được giảm tiền vé vào xem phim, rạp hát, bể bơi, viện bảo tàng, danh lam thắng cảnh… Đặc biệt, người mù đi tàu và xe công cộng không mất tiền.

Tất cả các trẻ em tàn tật Đức và con em người nước ngoài định cư ở Đức đều có quyền được giáo dục và đào tạo như trẻ em bình thường khác, nhưng ở các trường đặc biệt dành cho trẻ tàn tật.

Trừ các trường hợp ngoại lệ, tất cả trẻ em tàn tật cũng bắt buộc phải đến trường.

Tình trạng tàn tật của trẻ được phân theo nhóm bệnh như: Nhóm mù, câm, điếc, bại liệt, thần kinh…

Giáo dục và đào tạo cho người tàn tật ở Cộng hòa Liên bang Đức ảnh 2

Chương trình mới chưa thấy đề cập đến giáo dục cho người khuyết tật

Nhà nước, các bộ, các ngành liên quan kết hợp với cha mẹ trẻ tàn tật, tạo mọi điều kiện có thể để giúp các em vượt qua sự rủi ro của cuộc đời.

Các tổ chức từ thiện cũng góp phần tích cực để giúp các em “không bị xã hội bỏ rơi”.

Tất nhiên, đây là một chủ đề rất khó và phức tạp, đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ rất nhiều về kinh tế - một công tác xã hội đầy tâm huyết và lòng nhân đạo.

Cha mẹ của trẻ em bị tàn tật sẽ nhận được trợ cấp của Nhà nước tùy theo mức độ tàn tật của trẻ và mức thu nhập của gia đình họ.

Hệ thống giáo dục và đào tạo trẻ em bị tàn tật bắt đầu từ vườn trẻ đến khi kết thúc ở trường học nghề. Đặc biệt có nhiều em bị tàn tật đã tốt nghiệp đại học.

“Vườn trẻ đặc biệt” dành cho bé bị tàn tật

Ở vườn trẻ đặc biệt này, mỗi lớp (nhóm) chỉ được phép có tối đa 7 em ở độ tuổi từ 3 đến 6. Mỗi nhóm phải có ít nhất 1 cô giáo có trình độ đào tạo phù hợp.

Các cô giáo và bé tàn tật trong giờ học ở vườn trẻ.
Các cô giáo và bé tàn tật trong giờ học ở vườn trẻ.

Buổi sáng có lái xe đón và buổi chiều sẽ đưa bé về tận nhà, các em được ăn sáng và ăn trưa tập thể ở đây.

Tùy theo mức độ tàn tật và nhóm tàn tật của trẻ, sẽ có những giờ học “điều trị” theo hướng dẫn của bác sỹ, ví dụ: học bơi, vẽ, hát, đi dạo cả nhóm ở công viên ….

Qua những giờ học như vậy, trẻ tàn tật sẽ được thầy cô, dựa trên cơ sở y học, giúp trẻ hạn chế được khó khăn do bệnh tật và phát triển thể chất có hiệu quả nhất.

Đặc biệt đáng khích lệ là nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (nhận bằng Abitur), đã tự nguyện làm việc 1 năm ở các vườn trẻ đặc biệt này.

Sau đó các bạn trẻ nộp đơn xin học đại học y khoa. Nhờ có chứng nhận 1 năm phục vụ trẻ tàn tật, các bạn sẽ có cơ hội ưu tiên để được nhận vào trường đại học danh giá này.

Điều trị tập bơi cho bé tàn tật ở vườn trẻ
Điều trị tập bơi cho bé tàn tật ở vườn trẻ

Tiền trợ cấp của Nhà nước cho trẻ tàn tật:

Từ 6 tuổi, trẻ em cũng được đến “trường học dành cho trẻ tàn tật”. Các em có thể ở nội trú hoặc ngoại trú tùy theo quyết định của cha mẹ.

Các học sinh tàn tật được hưởng “lương con- Kindergeld” đến 27 tuổi nếu như các em chưa học nghề xong.

Từ ngày 1/7/2017, các trẻ em mù được trợ cấp 590 Euro/tháng (50% là tiền tiêu vặt cho các em, 50% còn lại sẽ nộp cho trường nội trú).

Trẻ em vừa mù vừa điếc sẽ được trợ cấp 1.180 Euro/tháng... Nhờ đó các trường đặc biệt cho trẻ tàn tật mới có đủ kinh phí để chi trả, phục vụ các em.

Ngoại lệ, một số ít học sinh bị bại liệt rất thông minh, làm được Abitur và theo học đại học các ngành công nghệ tin học, toán kinh tế …

Trong thời gian học đại học, các em học chung với sinh viên khỏe mạnh, nhưng sẽ nhận được tiền trợ cấp đặc biệt cho người tàn tật.

Thời gian học đại học đối với các em sẽ không bị hạn chế 5 năm như sinh viên bình thưởng.

Trường phổ thông đặc biệt dành cho người tàn tật

Tùy theo từng tiểu bang, từng vùng, các loại trường này được tổ chức rất đa dạng và khác nhau.

Hoàn chỉnh và kinh tế nhất là hình thức tổ chức từ A đến Z. Ví dụ điển hình là trường được kể ra dưới đây ở tiểu bang Baden-Wuertemberg:

Trường Helene-Schoettle Stuttgart cho người tàn tật về thần kinh-Geistigbehinderte

Trường nằm ở ngoại ô thành phố Stuttgart, thủ phủ của tiểu bang Baden-Wuertemberg.

Hiện nay, nhà trường có 157 học sinh gồm các lứa tuổi khác nhau. Học sinh được chia làm 3 cấp: Cấp cơ sở: 4 năm; Cấp cơ bản: 5 năm và Cấp học nghề: 3 năm.

Các cấp được tổ chức kết hợp rất chặt chẽ cùng nhau. Hằng ngày, học sinh được cha me tự đưa đón.

Trong trường hợp cha mẹ không có điều kiện, nhà trường sẽ điều xe buýt đến hỗ trợ.

Ngoài ra, nhà trường còn liên kết chặt chẽ với trường trung học chất lượng cao Elly-Heuss-Knapp-Gymnasium.

Khi có học sinh giỏi đột xuất, đủ tiêu chuẩn học ở trung học chất lượng cao, các em sẽ được gửi đến học tiếp ở trường Gymnasium này.

Học sinh tàn tật thần kinh trường Helene-Schoettle Stuttgart năm học 2016-2017
Học sinh tàn tật thần kinh trường Helene-Schoettle Stuttgart năm học 2016-2017

Cấp cơ sở:

Đây là trường dành cho những học sinh bị tàn tật về thần kinh. Mức độ khuyết tật được dựa vào “chứng minh thư tàn tật” và giấy giới thiệu của bác sỹ điều trị.

Bởi vì học sinh có nhiều hạn chế về sức khỏe, chương trình giảng dạy ở cấp cơ sở phải nhẹ nhàng và linh động hơn.

Trước khi nhận lớp, giáo viên phải tìm hiểu kỹ về từng em qua hồ sơ từ vườn trẻ gửi tới và qua trực tiếp trao đổi với phụ huynh.

Do thần kinh chậm phát triển nên sự tiếp thu của trẻ rất chậm. Thầy cô giáo phải kiên trì và nhẹ nhàng trong giờ học.

Các em được học chữ cái và số bằng hình ảnh. Mọi hoạt động giao tiếp, trật tự về đồ vật, trình tự thời gian, thầy cô phải kiên trì dùng các hình ảnh thực tế để giảng giải…

Thể dục và các trò chơi vận động cho trẻ tàn tật” được rất chú ý: Thể dục, bơi, chơi đuổi bắt và học hát là những môn học rất quan trong giúp cho sự phát triển thể chất của trẻ ở giai đoạn này.

Tùy theo số lương học sinh, có thể các lớp học phải ghép, ví dụ, lớp 1 và 2; lớp 3 và 4…

Giáo dục và đào tạo cho người tàn tật ở Cộng hòa Liên bang Đức ảnh 6

Cô bé tật nguyền dùng chân viết chữ, ước mơ được làm cô giáo

Một ngày học của bé bao gồm cả ăn sáng, ăn trưa và nghỉ giải lao. Các em sẽ được rèn luyện để có thể tự lập đi đến nhà vệ sinh, giữ vệ sinh thân thể, giữ gìn vệ sinh lớp học…

Cuối mỗi buổi học giáo viên tổng kết ngắn gọn và khen ngợi các học sinh có nhiều tiến bộ trong ngày. Do vậy đã khích lệ rất tốt cho sự phát triển của trẻ tàn tật…

Trong 4 năm học các em phải biết đọc, biết viết, làm toán.

Một nhiệm vụ không thiếu phần quan trọng là: Nhà trường thường xuyên tổ chức cho trẻ được tiếp xúc với trẻ khỏe mạnh ở vườn trẻ và các học sinh ở trường tiểu học trong các buổi dã ngoại v.v. 

Kết thúc cấp cơ sở, các em sẽ được giáo viên nhận xét và giới thiệu học tiếp ở cấp cơ bản. Nếu các em chưa đủ điều kiện để tiếp thu kiến thức cao hơn, sẽ phải kéo dài thêm một vài năm để luyện tập thêm ở cấp cơ sở.

Cấp cơ bản:

Nhà trường sẽ trang bị cho các em kiến thức cơ bản từ lớp 5 đến lớp 9.

Song song với quá trình đó, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là việc giúp đỡ trẻ tự lập, làm chủ được bản thân trong giai đoạn này: các em được luyện mặc quần áo, tắm rửa và tự lập trong việc ăn uống…

Đặc biệt các em được học để phân biệt rõ việc vệ sinh thân thể riêng cho nam và nữ, nhất là trong độ tuổi dậy thì.

Các em được học về cách nhận biết và sử dụng tiền. Giáo viên thường dẫn các em đi mua các đồ dùng cho việc học tập (sách vở, bút mực…) và thực phẩm đơn giản như bánh, kẹo, hoa quả v.v.

Nhờ đó các em sẽ nhận thức được cách tiêu tiền, cách mua bán các vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày…

Trong giai đoạn cấp cơ bản, “Sport cho học sinh tàn tật” là môn học rất quan trọng.

Các em được học những môn thể thao cho phép, đặc biệt là môn bơi. Theo kết quả điều tra thống kê, bơi là một môn thể thao không thể thiếu được cho sự phát triển của trẻ tàn tật.

Hằng năm, nhà trường liên kết với các trường dành cho trẻ tàn tật khác, tổ chức ngày hội thể thao chung cho học sinh.

Hoạt động này đã khuyến khích, giúp đỡ các em rất nhiều về sức khỏe và tinh thần, đặc biệt là làm tăng lòng tự tin, giúp các em quên đi những mặc cảm về khuyết tật…

Trao giải cho các vận động viên chạy vào ngày hội thể thao 2017
Trao giải cho các vận động viên chạy vào ngày hội thể thao 2017

Sau khi kết thúc lớp 9, các em sẽ được chuyển đến cấp học nghề. Nếu trẻ tàn tật chưa đủ điều kiên hiểu biết để học nghề, các em được phép học đúp một vài năm ở cấp cơ sở này.

Cấp học nghề:

Mục đích cuả cấp học nghề là giúp cho các bạn trẻ tàn tật có thề tự lập trong cuộc sống, vì hầu hết các em đã ở tuổi vị thành niên (18 tuổi).

Các em được giúp đỡ định hướng để trở thành "người lao động” theo khả năng có thể của từng em.

Thầy cô giáo và nhà trường kết hợp với phụ huynh phân tích điểm mạnh cũng như phần hạn chế của mỗi em, qua đó sẽ định hướng việc học nghề cho học sinh.

Tất nhiên là các công việc đơn giản, không đòi hỏi nhiều về tư duy và thời gian…

Các em được giải thích, hướng dẫn và kèm cặp tại chỗ cho đến khi làm chủ công việc được giao. Người hướng dẫn các em được đào tạo chuyên môn phù hợp, rất nhẹ nhàng và kiên trì.

Ví dụ như: Lắp đồ chơi bằng gỗ cho trẻ em, lắp bút bi, gấp phong bì, gấp hộp giấy hoặc giúp việc làm vườn, căng - tin, nhà bếp…

Thầy cô phải giảng giải tỉ mỉ về các loại giấy tờ quan trọng và cần thiết cho mỗi em là: Chứng minh thư, thẻ bảo hiểm y tế và chứng minh thư tàn tật.

Nếu có sự cố xảy ra, các em phải gọi điện cho công an. Có như vậy, xã hội mới hạn chế được những sự cố không may xảy ra khi các em đi ngoài đường một mình, không có người kèm.

Đồng thời học sinh được luyện tập sử dụng các phương tiện giao thông công cộng: cách sử dụng tàu, xe, cách đọc bảng giờ, cách mua vé …

Nghĩa là: Các em phải tự lập được hoàn toàn trong việc đi lại xung quanh nơi ở và nơi làm việc sau này.

Các em còn được học về vấn đề xã hội rất quan trọng là quan hệ tình yêu nam nữ, các biện pháp phòng tránh thai cho nam và nữ. Qua đó sẽ hạn chế được hiện tượng có thai ngoài mong muốn của các bạn trẻ.

Trong thời gian học nghề, mỗi em được nhận 316 Euro/tháng “tiền học nghề”.

Ngoài ra các chi phí cho việc ăn, ở và sinh hoạt của các em ở nội trú hoặc ngoại trú sẽ được Nhà nước bảo trợ.

Qui định ưu tiên cho người tàn tật khi làm việc:

- Những nơi cấp việc làm cho người tàn tật sẽ được trợ cấp một phần của Sở lao động.

- Ngoài qui định chung 30 ngày nghỉ phép/1 năm, người tàn tật sẽ có thêm 3-5 ngày nghỉ phép đặc biệt tùy theo mức độ tàn tật.

- Mức thuế thu nhập phải nộp ít hơn so với người bình thường.

- Nơi cấp việc phải tạo điều kiện để chỗ làm việc cho người tàn tật ở tầng 1 (nếu có thể) và không để họ phải làm việc theo ca kíp.

Đinh Tuyết Mai