Quản lý, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa ở Cộng hoà Liên bang Đức

05/10/2017 06:54
Bài, ảnh: Đinh Tuyết Mai
(GDVN) - Ở Đức, Bộ Giáo dục và Đào tạo trao toàn quyền quản lý và xuất bản sách giáo khoa cho các tiểu bang.

LTS: Từ Cộng hoà Liên bang Đức, nhà giáo Đinh Tuyết Mai đã chia sẻ với bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều bài viết về nền giáo dục tại nước Đức.

Trong bài viết này, cô Mai sẽ làm rõ hơn về vấn đề quản lý, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa ở Cộng hoà Liên bang Đức.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ở Đức, Bộ Giáo dục và Đào tạo trao toàn quyền quản lý và xuất bản sách giáo khoa cho các tiểu bang.

Ví dụ: Ở tiểu bang Baden-Wuertemberg, thực hiện nhiệm vụ này là “Viện phát triển trường học” tại Stuttgart, dưới sự lãnh đạo của viện trưởng – Giáo sư Volker Gehlhaar.

Ở tiểu bang Sachsen (Đông Đức cũ), Bộ Văn hóa của tiểu bang có trách nhiệm quản lý nội dung và giám sát việc xuất bản sách giáo khoa.

Ở tiểu bang Niedersachsen, nhiệm vụ này được trao cho “Viện phát triển chất lượng trường phổ thông”… 

Quản lý, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa ở Cộng hoà Liên bang Đức ảnh 1

Bộ Giáo dục đào tạo và giáo viên ở Đức

Nguyên tắc chung cho việc điều hành, quản lý và xuất bản sách giáo khoa ở Cộng hoà Liên bang Đức là:

Tất cả sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, dùng ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học chất lượng cao (Gymnasium), đều phải xin giấy phép phát hành trước khi in ấn tại các nhà xuất bản.

Điều kiện bắt buộc để được cấp giấy phép xuất bản là: Tất cả sách giáo khoa phải được kiểm tra chi tiết nội dung từng môn học bởi các chuyên gia giáo dục - các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm giảng dạy chuyên môn của từng cấp, từ A đến Z.

Đồng thời, ngoài nội dung, các hình ảnh, biểu đồ và các bảng số liệu để minh họa cũng phải được đổi mới theo những thông tin mới nhất đang hiện hành…

Sách giáo khoa phải được kiểm tra, bổ sung định kỳ và khi cần thiết, có thể bổ sung hằng năm, đăc biệt là những sách chuyên môn về khoa học tự nhiên, sách kinh tế và thông tin học.

Tất cả sách giáo khoa cho từng khối (từ khối 1 đến khối 12) được công bố cụ thể, rõ ràng qua “Schulbuecherkatalog”- Bảng danh mục sách giáo khoa. 

Có 3 loại danh mục cho 3 loại trường: tiểu học, trung học cơ sở và Gymnasium. 

Ví dụ: Danh mục sách giáo khoa tiểu học phải đưa ra danh sách tổng hợp đầy đủ các môn học từ lớp 1 đến lớp 4… 

Các danh mục này được in và xuất bản miễn phí trên khổ giấy A4 và đồng thời cũng đăng trên mạng để các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh tiện theo dõi.

Sách giáo khoa ở thư viện của một trường trung học cơ sở tại tiểu bang Baden-Wuertemberg
Sách giáo khoa ở thư viện của một trường trung học cơ sở tại tiểu bang Baden-Wuertemberg

Sử dụng sách giáo khoa ở Đức thế nào?

Đầu năm học mới, mỗi trường học phải niêm yết bảng danh sách của tất cả sách giáo khoa dùng trong toàn bộ năm học cho từng khối.

Các thầy cô giáo chuẩn bị bài giảng phải tuân theo nội dung viết trong sách.

Nhà trường phải chuẩn bị đủ các loại sách cho học sinh theo số lượng đã được đăng ký, phù hợp cho các lớp, các khối học tại trường.

Được phép của cha mẹ, học sinh phải đăng ký ngay từ đầu năm học với giáo viên chủ nhiệm theo 2 hình thức: 

- Mua sách: Học sinh có thể mua một phần (chỉ mua sách cho các môn quan trọng) hoặc mua toàn bộ.   

- Mượn sách: Muốn mượn sách, học sinh phải cam đoan tuân thủ theo điều lệ mượn sách của trường và nộp lệ phí. Có thể mượn một phần hay mượn toàn bộ sách giáo khoa.

Quản lý, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa ở Cộng hoà Liên bang Đức ảnh 3

Nước Đức đào tạo sư phạm như thế nào?

Mua sách: Ở trường tiểu học, số môn học ít, đơn giản, lượng sách giáo khoa ít, do vậy phụ huynh thường mua 100% sách mới cho các em.

Từ lớp 5 trở lên, số môn học tăng lên, vì vậy học sinh cần nhiều sách giáo khoa hơn.

Những gia đình có thu nhập cao thường mua một phần sách mới cho học sinh. Phần còn lại, các em có thể đăng ký mượn tại thư viện của trường. Học sinh đăng ký mua sách với giáo viên chủ nhiệm.

Sau đó, nhà trường sẽ tổng kết số lượng sách mỗi môn của từng khối và làm việc trực tiếp với nhà xuất bản hoặc đại lý để đặt mua, nhờ vậy sẽ có giảm giá cho học sinh, tiết kiệm được kinh phí và thời gian cho phụ huynh. 

Mượn sách: Có 2 hình thức mượn sách như sau: 

1) Mượn sách miễn phí 100%: Hình thức này áp dụng cho học sinh của các gia đình nghèo: cha và mẹ đều bị thất nghiệp hoặc mất sức lao động hoặc gia đình có tổng thu nhập thấp.            

2) Mượn sách phải đóng góp lệ phí: Lệ phí sẽ tuân theo qui định của từng tiểu bang và từng trường.

Tất nhiên tiền lệ phí mượn sách rẻ hơn nhiều so với việc mua sách mới.

Điều lệ mượn sách: Học sinh mượn sách phải khai đầy đủ họ và tên vào thẻ mượn sách, ngày mượn và ngày trả sách sau này.

Phải ký tên tuân thủ điều lệ mượn sách: không viết vào sách, không làm bẩn và làm rách v.v.

Khi trả sách, nhân viên thư viện của trường sẽ kiểm tra. Nếu học sinh vi phạm điều lệ mượn sách, sẽ phải nộp phạt theo qui định của trường.  

Nhân viên thư viện của trường Gymnasium
Nhân viên thư viện của trường Gymnasium

“Sách điện tử” - Digitale Schulbücher

Khái niệm OER “Open Educational Resources” được ra đời năm 2002 và được UNESCO sử dụng.

Từ thời gian này, với sự phát triển nhanh của công nghệ tin học, hằng năm, nhiều “sách điện tử” đã ra đời và được đưa vào sử dụng từng bước trong trường học phổ thông ở các nước tiên tiến.

Loại sách điện tử này được giáo viên và học sinh sử dụng, làm tăng hiệu quả học tập và giảm bớt thời gian sao chép, chuẩn bị…

“Sách điện tử” được trình bày qua các chương trình phần mềm phù hợp, cô đọng, súc tích, dễ đọc và dễ hiểu để giáo viên và học sinh tự học trên máy tính cá nhân.

Thay vì đọc sách trên giấy, thầy và trò đọc sách và luyện tập trên máy tính cá nhân. 

Điều kiện cần để sử dụng sách điện tử là: Máy tính cá nhân và trình độ hiểu biết cơ bản để sử dụng máy tính.

Quản lý, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa ở Cộng hoà Liên bang Đức ảnh 5

Giáo dục ở trường tiểu học tại Cộng hòa liên bang Đức 

Trong tương lai, với sự phát triển nhanh như tên lửa của nền công nghiệp thông tin điện tử, chắc chắn giá thành sản xuất máy tính cá nhân sẽ được giảm xuống rất nhanh và rất nhiều.

Qua đó sẽ tạo điều kiện để mỗi người lao động có thu nhập thấp và con em của họ đều có thể làm chủ một máy tính cá nhân. 

“Sách điện tử” được phát hành ở Đức từ năm 2012 và tuần tự đưa vào sử dụng ở các khối trên.

Nhà trường tạo điều kiện để có sách điện tử các môn cơ bản và đắt tiền cho giáo viên và học sinh được sử dụng.

Người muốn sử dụng phải đăng ký trước và được phép scan, sao chép sách này tại thư viện của trường theo yêu cầu phù hợp để sử dụng.

Những loại sách điện tử có sẵn các bài tập để luyện trên máy tính (giá thành không đắt) và đặc biệt là sách ngoại ngữ, học sinh có thể tự mua hoặc mua tập thể để luyện tập.

Ví dụ: Sách điện tử cho môn tiếng Anh, dùng cho lớp 9, giá: 10,50 Euro

Audios online, English G 21. Sách điện tử cho lớp 9, có các bài để luyện tập
Audios online, English G 21. Sách điện tử cho lớp 9, có các bài để luyện tập

“Sách điện tử”, tùy theo từng chuyên môn, từng khối, bao gồm đầy đủ nội dung, hình ảnh, đồ thị, bảng số liệu, biểu đồ ...

Ưu điểm của sách điện tử là: Ai cũng có thể sao chép các thông tin cần thiết xuống máy tính cá nhân để đọc, học và làm bài tập trên máy tính.

Sau đó, họ có thể dễ dàng thay đổi, bổ sung nội dung trên các trang sách riêng của họ trên máy tính thành những ghi chép cá nhân của mình.

Nhờ đó các học sinh khối trên có thể làm bài tập trên sách điện tử, giảm thời gian sao chép hoặc sửa chữa, tăng hiệu quả học tập…

Ví dụ: Sách điện tử môn sinh vật, dùng cho lớp 7 và 8 trường Gymnasium của tiểu bang Baden-Wuertemberg; giá: 23,95 Euro

Natura, Biologie for Gymnasien: Xuất bản tại Baden-Württemberg
Natura, Biologie for Gymnasien: Xuất bản tại Baden-Württemberg

Sách điện tử cho lớp 7 và lớp 8 dùng cho trường trung học chất lượng cao, có các bài để luyện tập

Geographie 7/8 for Gymnasium, (Gía: 23,95 Euro)
Geographie 7/8 for Gymnasium, (Gía: 23,95 Euro)

Xuất bản 2016 tại Baden-Wuerttemberg: Sách điện tử Địa lý cho lớp 7 và 8, có các bài để luyện tập

Sử dụng phương tiện PowerPoint:

Thay cho phương pháp giảng dạy truyền thống như: Viết bố cục, nội dung bài giảng bằng phấn trắng trên bảng đen, dùng các bảng số liệu, chuẩn bị nội dung bài giảng trên giấy để theo dõi và giảng giải…, hiện nay giáo viên có thể chuẩn bị bài giảng theo từng chủ đề bằng cách sử dụng PowerPoint:

Tất cả nội dung cần thiết như số liệu chi tiết, hình ảnh minh họa, đồ thị, bảng số... đã được chuẩn bị theo bố cục bài giảng trên máy tính cá nhân.

Với sự giúp đỡ của PowerPoint, giáo viên tự tin hơn, nhờ đó bài giảng sẽ phong phú, linh hoạt, hấp dẫn và trôi chảy hơn.

Khi học sinh có thắc mắc, giáo viên dễ dàng tìm lại thông tin để minh họa và giải thích…

Quản lý, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa ở Cộng hoà Liên bang Đức ảnh 9

Giáo dục ở trường trung học cơ sở tại Cộng hòa liên bang Đức 

Vì vậy hạn chế được nhiều tranh cãi không cần thiết giữa thầy, cô giáo và những học sinh “cá biệt”. 

Phương tiện này đã được sử dụng đại trà từ nhiều năm ở các trường đại học trên toàn Cộng hoà Liên bang Đức.

Hiện nay, đã và đang tuần tự đưa vào sử dụng đại trà ở trường phổ thông tại Đức.

Sử dụng iPads trong phòng học

Trong tương lai, Apple sẽ tiếp tục nghiên cứu để viết iBooks, nhằm sử dụng cho mục đích giảng dạy và học tập trong phòng học ở các trường phổ thông.

Nhờ đó, thầy và trò sẽ có thể hỏi và đáp trên iPads trong phòng học.

Ví dụ: Giáo viên có thể nhận được cùng một lúc giải đáp của từng học sinh cho câu hỏi mà họ vừa đặt ra…

Cả thế giới đang hồi hộp chờ đợi sản phẩm mới - phương tiện giảng dạy và học tập hiện đại này.

Bài, ảnh: Đinh Tuyết Mai