Thư viện ngoài trời tại công viên thiếu nhi ở Cộng hòa liên bang Đức

27/01/2018 06:09
Đinh Tuyết Mai
(GDVN) - Tôi hy vọng rằng, mô hình “Thư viện ngoài trời” này sẽ là một chủ đề thử nghiệm để ứng dụng cho các nhà chức trách nước nhà.

LTS: Là một nhà giáo đã về hưu tại Cộng hòa Liên bang Đức, tác giả Đinh Tuyết Mai tiếp tục gửi đến độc giả những chia sẻ về “Thư viện ngoài trời” ở các công viên thiếu nhi tại quốc gia này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tại mỗi thành phố lớn hoặc nhỏ ở Cộng hòa liên bang Đức, nơi tập trung dân cư, nhà nước đã xây dựng đầy đủ các công viên vui chơi cho trẻ em.

Theo quy định chung, mỗi công viên thiếu nhi phải có đầy đủ cây xanh, đường đi dạo sạch đẹp, ghế ngồi nghỉ và các phương tiện vui chơi cho trẻ em như ghế đu, ghế quay, cầu trượt, bãi cát, cầu leo trèo, thú vật gỗ để bé ngồi nhún nhảy...

Trẻ em vui chơi ở công viên (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trẻ em vui chơi ở công viên (Ảnh: tác giả cung cấp).

Vào những ngày nghỉ, công viên thiếu nhi luôn là nơi thu hút mọi người từ già đến trẻ. Nhiều gia đình đến cắm trại tại công viên bởi vì đây là hình thức giải trí vui chơi, nghỉ ngơi tiết kiệm và đơn giản nhất cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là cho những gia đình có thu nhập thấp.

Những năm gần đây, ở Đức đã lần lượt xuất hiện các “Thư viện ngoài trời” tại công viên thiếu nhi.

Khi đi dạo ở công viên thiếu nhi vào những ngày nghỉ, bạn sẽ nhìn thấy một quang cảnh cực kỳ thú vị. Nhiều ông bố, bà mẹ trẻ và một số ông bà hưu trí đưa trẻ đến chơi ở công viên.

Trong khi trẻ vui chơi tại các ghế đu, cầu trượt hoặc đào cát xây dựng các công trình theo trí tưởng tượng của các em, thì người lớn ngồi tắm nắng, thư giãn và đọc sách.

Một nhóm trẻ mở hộp trên các cột gỗ để tìm truyện tranh. Khi đã tìm được một cuốn sách có tranh màu hấp dẫn, các em reo lên vui sướng và cùng nhau ngồi đọc.

Thiếu nhi đọc sách ở công viên (Ảnh: tác giả cung cấp).
Thiếu nhi đọc sách ở công viên (Ảnh: tác giả cung cấp).

Nhờ tiếng hò reo của trẻ, tôi đã phát hiện ra một điều rất mới mẻ và thú vị. Xung quanh công viên, ở gần những nơi đặt các ghế dài cho khách ngồi nghỉ ngơi, nhiều cột gỗ mộc được dựng đứng song đôi.

Nếu không quan sát kỹ bạn sẽ nghĩ, những cột gỗ đứng song đôi này chỉ để trang trí cho công viên theo thiết kế của kiến trúc sư.

Cột gỗ với các hộp đựng sách song đôi trong công viên (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cột gỗ với các hộp đựng sách song đôi trong công viên (Ảnh: tác giả cung cấp).

Thực ra mỗi cột gỗ mộc mạc, giản dị này là một giá sách nhỏ của thư viện ngoài trời ở công viên.

Phía trong mỗi cột gỗ có từ 4 đến 5 hộp đựng sách với các độ cao khác nhau. Mỗi hộp đựng sách được che đậy bằng một cánh cửa nhựa trắng trong và dày khoảng 5 mm để chống mưa gió, bảo vệ sách.

Người lớn, trẻ em tự giác tìm sách để đọc theo sở thích của mình. Những hộp ở vị trí thấp là giá sách cho thiếu nhi và trong những hộp ở vị trí cao là sách và tạp chí cho người lớn.

Sau khi đọc xong, mọi người đặt sách trở lại vị trí ban đầu trong hộp. Đây là hình thức hoạt động của một thư viện tiện dụng và đơn giản nhất.

Thư viện này đã khuyến khích mọi người đọc sách mà không phải trả tiền, không mất thời gian chờ đợi làm các thủ tục hành chính.

Không cần nhân viên thư viện giải thích, không cần thẻ mượn sách, chỉ cần quan sát kỹ hoặc học hỏi người đang đọc sách tại chỗ thì ai cũng có thể lập tức sử dụng sách ở “thư viện ngoài trời” một cách thuần thục.

Vào cuối tuần và những ngày nghỉ dài của học sinh, số lượng người lớn đưa trẻ em đến công viên vui chơi giải trí, thư giãn, hòa mình với thiên nhiên và đọc sách ở thư viện ngoài trời ngày một tăng.

Mô hình hoạt động văn hóa mới, đơn giản và không phải đầu tư kinh phí này đã và đang được phát huy rộng rãi khắp mọi miền tại Đức.

Mở cánh cửa nhựa để tìm sách ở "thư viện ngoài trời" (Ảnh: tác giả cung cấp).
Mở cánh cửa nhựa để tìm sách ở "thư viện ngoài trời" (Ảnh: tác giả cung cấp).

Trang bị sách cho thư viện ngoài trời thế nào?

Nhiều người đọc thường mua sách, tạp chí và tranh truyện cho con em ở các lứa tuổi khác nhau. Thêm vào đó, sách là món quà tặng sinh nhật và Noel rất thông dụng ở Đức.

Sau khi đọc sách xong và cảm thấy không cần phải lưu trữ sách này nữa, nhiều người lớn cũng như thiếu nhi tự nguyện đem sách đến tặng thư viện ngoài trời.

Rất đơn giản, chỉ cần tìm đúng vị trí để đặt sách vào hộp trong các cột gỗ là xong. Phương châm hoạt động của thư viện ngoài trời là “cũ người, mới ta”.

Qua đó, hiệu quả sử dụng sách được tăng lên rất nhiều và đồng thời lại khuyến khích, giúp đỡ được những người nghèo ham đọc sách.

Thư viện ngoài trời tại công viên thiếu nhi ở Cộng hòa liên bang Đức ảnh 5Vườn trẻ ở Cộng hòa liên bang Đức

Mặt khác nữa, khi ngồi trông trẻ ở công viên và nghỉ thư giãn, người lớn sẽ không cảm thấy đơn điệu nữa khi họ cùng hòa mình vào không khí đọc sách của “Thư viện ngoài trời”.

Hàng tháng, nhân viên thư viện của thành phố đến các cột sách để kiểm tra, sàng lọc và xếp đặt sách theo đúng tiêu đề trong từng hộp, duyệt và kiểm tra chất lượng cũng như tính thời sự của sách.

Nhờ đó thư viện ngoài trời cung cấp cho bạn đọc những cuốn sách có chất lượng và nội dung không kém gì sách ở trong các thư viện hiện hành.

Hiện nay, một số thành phố đã cải tiến, xây đặt các cột sách bằng xi măng cho thư viện ngoài trời tại các công viên thiếu nhi.

Bản chất người Việt rất ham đọc, ham học hỏi những điều hay và mới lạ trên thế giới. Tôi hy vọng rằng, mô hình “Thư viện ngoài trời” này sẽ là một chủ đề thử nghiệm để ứng dụng cho các nhà chức trách nước nhà.

Nếu ở Việt Nam tìm ra được biện pháp ứng dụng và triển khai “Thư viện ngoài trời” một cách phù hợp, hình thức hoạt động này sẽ khuyến khích và tạo điều kiện giúp đỡ những gia đình nghèo rất nhiều.

Đồng thời “Thư viện ngoài trời” sẽ giáo dục được tính trung thực, tự giác cho nhân dân và khích lệ truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.

Đinh Tuyết Mai