Tổng thư ký hội du học sinh Pháp và lời hứa về VN khởi nghiệp

04/03/2012 10:13
Theo Thủy Nguyên (Infonet)
28 tuổi, 2 bằng thạc sĩ của các ĐH danh giá nhất nước Pháp, Võ Xuân Hoài khẳng định du học sinh thời nào cũng nghèo, nhưng chắc chắn anh sẽ về nước khởi nghiệp.
Vào cuối năm 2011, các hoạt động của du học sinh Việt tại Pháp trở nên sôi động và nhận được sự quan tâm đồng loạt của báo giới trong nước. Và người kết nối được điều đó là – thạc sĩ Võ Xuân Hoài.


Thạc sĩ Võ Xuân Hoài.
Thạc sĩ Võ Xuân Hoài.

Năm 2008, tốt nghiệp ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, chàng trai xứ Nghệ được nhận vào học khóa thạc sỹ xây dựng tại Đại học Sư phạm Cachan (École Normale Supérieure de Cachan), đây là một trong ít những trường thuộc hệ thống “trường lớn – Grande Ecole" của Pháp, đứng đầu trong việc đào tạo những nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc cho quốc gia và thế giới.

Sau đó, anh là một trong những người Việt trẻ hiếm hoi xuất thân từ ngành xây dựng  nhận được học bổng thạc sỹ kinh tế - tài chính tại trường ĐH Paris 1 Pantheon Sorbonne của Liên minh châu Âu (Erasmus Mundus). Anh tốt nghiệp top 3 trong khóa đào tạo này.
Ngoài ra, Võ Xuân Hoài còn là Tổng thư ký Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp. Là người điều hành chung cho các hoạt động của 22 chi hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, với số lượng du học sinh là 6.000 người.

Dưới đây là những chia sẻ của Võ Xuân Hoài về cuộc sống của du học sinh ở Pháp và những dự định cho tương lai của mình:

Du học sinh chẳng ai giàu cả

- Nhiều người chia sẻ rằng đời du học sinh chẳng sung sướng gì, vậy cuộc sống của anh trong thời gian đầu tại Pháp như thế nào?

- Phải nói là thời gian đầu vừa đi học vừa đi làm ở bên đó rất vất vả.  Đi làm từ 6h30 tối tới 11h đêm, lúc nào làm quá 11h thì ông chủ lái xe chở về.  Về đến nhà khoảng  12h30 đêm -1h sáng, vào phòng thí nghiệm với đầy đủ sách vở, máy tính… thì tôi học luôn ở đấy từ 3-4h sáng. Sau đó về phòng, đi ngủ và 8h sáng đến trường học, bắt đầu một ngày mới.

3 tháng đầu, tôi biết rất ít tiếng Pháp, vì chương trình học của tôi là tiếng Anh, cho nên tôi còn phải tranh thủ học  tiếng Pháp với bác bảo vệ của tòa nhà nơi tôi ở.
Vào mùa đông tuyết rơi rất dày và lạnh nên lại càng vất vả hơn. Các năm sau thì tôi biết sắp xếp hơn nên đỡ cực nhọc.

- Công việc làm thêm của anh ở bên đó là gì?

-  Tôi làm chân phục vụ tại một nhà hàng, một công việc rất phổ biến của du học sinh Việt Nam tại Pháp.  Một điều may mắn nữa là cách làm việc của tôi được lòng ông chủ - một người Nhật Bản, cho nên một thời gian sau thì ông cho tôi quản lý cửa hàng. Đó là quãng thời gian khá thú vị, vì với vị trí này, tôi học hỏi được rất nhiều điều. Tuy nhiên, cũng được khoảng một năm thì tôi phải nghỉ công việc tại đây để tập trung cho việc tốt nghiệp.

- Khó khăn là vậy thì có lẽ không phải ai cũng tiêu tiền hoang phí, nhất là ở Paris, một thành phố đắt đỏ trên thế giới?

- Đúng thế, chi tiêu ở Pháp rất đắt đỏ. Mà du học sinh chả ai giàu cả, đến giờ vẫn vậy. Do đó du học sinh Việt rất tiết kiệm. Ví dụ như, bên đó chất lượng sản phẩm như nhau nhưng siêu thị cao cấp thì đắt hơn, siêu thị bình thường rẻ hơn, nên sẽ mua đồ ở siêu thị bình thường, người ta ăn được thì mình cũng ăn được, có sao đâu. Rồi thì chọn những đợt khuyến mãi để mua hàng, từ thực phẩm cho tới quần áo.

Ở thì cùng nhau thuê một phòng rồi chia tiền, đi lại thì dùng phương tiện công cộng. Cắt tóc thì đơn giản là cắt tóc cho nhau, hoặc có bạn học nghề cắt tóc thì liên hệ với hội để tổ chức những buổi cắt tóc miễn phí. Đại loại là cái gì tiết kiệm được thì tiết kiệm.

Điện thoại trừ những trường hợp cần thiết mới dùng. Chủ yếu dùng thư điện tử. Nhiều bạn có khi không dùng di động, như có lần tôi đi xuống tỉnh, mà không hiểu sao không ai gọi cho mình. Đến khi tới nơi thì các bạn ấy bảo là dưới này gần như chẳng ai nạp tiền điện thoại để gọi, mà chỉ để nghe thôi…


Kết nối quảng bá thương hiệu Việt

- Anh có thể chia sẻ những hoạt động thường niên của hội du học sinh Việt tại Pháp?

- Hội du học sinh Pháp thì có rất nhiều hoạt động. Tuần nào cũng có sự kiện, các hội thảo khoa học, các vấn đề văn hóa - xã hội, tài chính, xây dựng, chính sách thuế… Ngoài ra làm các sự kiện văn hóa lớn, với mục tiêu xuyên suốt là quảng bá du lịch – văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Đặc biệt là thời gian Tết Nguyên đán, chúng tôi gần như thức đêm thức hôm với nhau để có một chương trình lớn đón năm mới.

Võ Xuân Hoài cùng du học sinh Việt tổ chức quảng bá văn hóa Việt Nam tại Lễ hội báo Nhân dân (Pháp).
Võ Xuân Hoài cùng du học sinh Việt tổ chức quảng bá văn hóa Việt Nam tại Lễ hội báo Nhân dân (Pháp).

- Theo anh thì các doanh nghiệp và ban ngành ở trong nước có nên tận dụng du học sinh Việt tại Pháp để quảng bá sâu hơn du lịch Việt Nam hoặc tìm hiểu thị trường kinh doanh?

- Đó là điều rất tốt. Hàng năm các ban ngành ở trong nước có tham gia những lễ hội, triển lãm… tại Pháp để quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam. Nhưng tiền bỏ ra rất nhiều và hiệu quả chỉ ở một mức độ nào đó, chưa kể, giới thiệu chỉ một hai hôm thì người ta đã biết đến mình đâu.
Chính những du học sinh, những người ở đó, hiểu rõ thị hiếu, nhu cầu, có sự tương tác thường xuyên với cộng đồng người Pháp sẽ là cầu nối tích cực cho các hoạt động này.

Vì thế, hàng năm chúng tôi đều tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian ở trường đại học. Ở Pháp có những nhà ăn rất lớn, tại đó, sau khi làm việc với ban quan lý, chúng tôi tổ chức một buổi ăn Việt Nam, với những món ăn Việt cho các bạn sinh viên Pháp và quốc tế.

Hiện món nổi tiếng nhất của người Việt Nam ở Pháp là nem và phở. Nếu mình không nhanh chân thì người châu Á khác, họ rất nhanh nhạy với thị trường và có thể sẽ lấy để bán và thành thương hiệu của họ.

Tháng 5 năm ngoái, lần đầu tiên sinh viên Việt Nam tại Pháp đã mở một gian hàng tại Trung tâm hội chợ thương mại Pari, một trong những hội chợ lớn nhất thế giới. Chúng tôi đã liên lạc với các doanh nghiệp trong nước để mua hàng, thuê hàng bán, vừa có tài chính vừa quảng bá sản phẩm Việt Nam, với mục tiêu mỗi năm một thương hiệu vào thị trường Pháp.

- Năm ngoái, hội du học sinh Việt tại Pháp đã quảng bá được thương hiệu gì?

-  Năm ngoái là cà phê Trung nguyên, chè, lót giày hương quế. Điều khiến chúng tôi bất ngờ chính là sản phẩm lót giày Hương Quế. Lúc đầu chúng tôi chỉ coi nó là sản phẩm phụ thôi, nhưng khi bán thì nó rất được khách hàng quan tâm. Vì đặc điểm nổi bật của sản phẩm lót giày này là vừa ấm vừa khử mùi, phù hợp với người châu Âu. Sau đó thì chúng tôi đã liên lạc với doanh nghiệp lót giày Hương Quế ở Đà Nẵng để tiếp tục giới thiệu sản phẩm tại Pháp.

Năm nay chúng tôi cũng nhận được giấy mời và đang tìm hiểu các doanh nghiệp trong nước để được hỗ trợ việc cung cấp sản phẩm.


Nên và sẽ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất

Với hai bằng thạc sĩ trong tay, anh có dự định ở lại Pháp làm việc, hay trở về nước luôn?

- Tôi dự định sẽ về nước trong năm nay. Làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Hàng năm, khi về Việt Nam tôi có làm việc ở các ngân hàng, nghiên cứu về rủi ro, nghiên cứu các chiến lược, định hướng phát triển trong ngân hàng thương mại và ngân hàng nói chung. Sau đó nếu thực sự cần thì đi học cao hơn.

- Tại sao anh không ở lại bên đó làm việc mấy năm, có một số vốn nhất định rồi mới về nước để… đầu tư?

- Ở bên Pháp tôi chỉ học thôi, chứ không phải kiếm tiền. Hiện tại, tôi làm ở Trung tâm nghiên cứu kinh tế Sorbonne thuộc ĐH Paris 1. Nếu tiếp tục ở bên đó lâu dài thì là về châu Âu là chủ yếu, cho nên mục tiêu của tôi vẫn là trở về Việt Nam, làm việc trong một doanh nghiệp của Việt Nam.

Tôi xác định về nhà bây giờ là con số 0 hoặc âm. Bản thân tôi bây giờ đang âm. Nhưng tôi học được rất nhiều thứ, lớn lên rất nhanh và có những mối quan hệ tốt. Chính những thứ vô hình đó đã cho tôi một nền tảng tốt cho tương lai.

Hội học sinh Việt tổ chức giao lưu với giáo sư Ngô Bảo Châu.
Hội học sinh Việt tổ chức giao lưu với giáo sư Ngô Bảo Châu.
Võ Xuân Hoài trong buổi nhận bằng Thạc sĩ tại ĐH Paris 1.
Võ Xuân Hoài trong buổi nhận bằng Thạc sĩ tại ĐH Paris 1.

- Học về kinh tế, nghiên cứu nhiều về kinh tế Việt Nam, vậy theo anh thì giới trẻ nên đầu tư vào lĩnh vực nào để có hiệu quả lâu dài?

- Theo nghiên cứu và cũng là mong muốn của tôi thì đầu tư phát triển lương thực  - thực phẩm. Ví dụ như làm trang trại, chăn nuôi gà lợn. Có một mô hình trang trại, đầu tư đúng quy trình thì vẫn phát triển được.

Vì tôi thấy rằng, ở thời điểm nào, nhu cầu lương thực – thực phẩm cũng rất lớn. Lý do thứ 2 là hiện tại các ngân hàng, nhà nước rất ưu tiên về vốn, lãi suất cho các dự án ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ưu đãi trong khi các doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác bị hạn chế tối đa.

Thứ 3 là ở các địa phương rất hỗ trợ những dự án sản xuất nông nghiệp. Chưa kể các đơn vị cung cấp sản phẩm như con giống, phân bón… cũng có những chính sách tích cực, giúp chúng ta trả tiền sau.

- Tại sao không phải là một mảng dịch vụ, vừa ít rủi ro vừa nhanh thu hồi vốn, đúng như sức nóng của những người trẻ?

- Điều đầu tiên tôi nghĩ là hiện nay nhiều người đầu tư những cái không có thực. Ví dụ như bạn mua một miếng đất, không có tiền, rồi sau đó một người trả giá cao hơn cho miếng đất của bạn thì bạn vẫn có lời. Nhưng theo nguyên lý của kinh tế thì không có điều đó, tiền thì mới tạo ra tiền, còn không có tiền mà tạo ra tiền là sai quy luật.

Thứ 2 là nhìn môt cách tổng thể nền kinh tế thì nếu ai cũng làm dịch vụ cả thì dẫn đến sự chênh lệch. Chưa kể, dịch vụ của mình nói là nhiều nhưng chưa tốt, vì ai cũng muốn bỏ vốn ra không quá nhiều và muốn sớm thu hồi vốn.

- Vậy là anh dự định sẽ mở một trang trại chăn nuôi? Anh đã nghiên cứu “đường đi nước bước” của các bậc tiền nhiệm ở lĩnh vực này chưa?

- Tôi may mắn được biết một người anh, hiện làm chủ một ngân hàng rất lớn, anh ấy khởi nghiệp từ việc chăn nuôi lợn. Theo tính toán, thời kỳ đó, chỉ nuôi lợn thôi mỗi tháng thu nhập (đã trừ đi các khoản đầu tư), anh ấy thu về 60 triệu đồng.

Cũng theo tính toán của một người khác, chăn nuôi gà, thời gian đầu, mỗi ngày họ mất tận 2 triệu đồng tiền thức ăn cho khoảng 2.000 -3.000 con gà. Nhưng chỉ sau 4 tháng, mỗi tháng họ cũng thu về được khoảng 60 triệu đồng tiền lãi. Số tiền này, theo tôi thấy thì nó không phải là nhỏ đối với mức thu nhập của chúng ta.

Hiện tại, tôi đang nghiên cứu để lập một trang trại vài ha ngay tại quê nhà. Với mục tiêu ban đầu là sẽ nuôi lợn theo đúng quy trình chuẩn, để hạn chế các rủi ro.

- Đã có người nào trong số bạn bè của anh, là du học sinh trở về nước và khởi nghiệp với lĩnh vực sản xuất như thế chưa?

- Có chứ, đi học về, họ có cách nhìn giống với các nước phát triển, đó là nếu đầu tư sản xuất có sự bền vững hơn. Dù là phần vốn lớn. Có người đã đầu tư xưởng làm tôn, làm máy bán hàng tự động.

 




Theo Thủy Nguyên (Infonet)