5 câu hỏi dành cho các vị giáo sư

13/03/2017 07:18
Vũ Dương
(GDVN) - Những người đang làm công việc nghiên cứu khoa học và đào tạo hiện nay cần phải hết sức thận trọng, trong việc đào tạo tiến sĩ.

LTS: Tác giả Vũ Dương, một nhà giáo đang giảng dạy ở trường sư phạm chia sẻ đến bạn đọc một số câu chuyện liên quan đến những mặt trái trong việc giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh và những suy tư trong công tác đào tạo "tiến sĩ xịn".

Tác giả cũng đặt ra 5 câu hỏi dành cho các vị giáo sư để cùng trao đổi, thảo luận.

Tòa soạn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả!

Một giáo sư chia sẻ với tôi rằng ông rất sợ hướng dẫn nghiên cứu sinh, mặc dù ông dư sức hướng dẫn vài người ở cùng một thời điểm.

Lý do ông đưa ra là nếu một người thiếu khả năng và lòng đam mê, dẫu có làm xong luận án tiến sĩ thì cũng chẳng để làm gì.

Chưa kể có người chỉ cốt lấy bằng tiến sĩ, theo phong trào, rồi dùng nó để thăng tiến, thì thậm chí còn hại cho xã hội. 

Đặc biệt với những người xuất sắc ông lại càng không dám hướng dẫn. Bởi vì ông cho rằng với khả năng của ông và môi trường khoa học hiện thời, rất có thể vô tình sẽ làm hại họ.  

Ông bảo với tôi, ông thấy sợ, thấy phục, vì ông đã chứng kiến cái cảnh “bầu đàn thê tử”, người nọ hướng dẫn người kia “kiếm” bằng tiến sĩ. 

Ông còn chia sẻ thêm, người ta có thể chia sẻ cho nhau miếng cơm manh áo, cũng như nhà nước hay cơ quan có thể tạo điều kiện cho cán bộ có đời sống khá hơn bằng nhiều cách, chứ quyết không thể là con đường tạo điều kiện cho họ mau chóng có bằng cấp cao…

Có những loại bằng cấp mà giá trị đang bị nghi ngờ. (Ảnh minh họa trên vov.vn)
Có những loại bằng cấp mà giá trị đang bị nghi ngờ. (Ảnh minh họa trên vov.vn)

Lần khác, tôi được chứng kiến một chuyện xót xa. Cách đây đã nhiều năm, tôi đi nghe một báo cáo khoa học, một người đã bật cười bên cạnh tôi, làm tôi ngạc nhiên.

Ông ghé vào tai tôi mà rằng: “Thật là một bi kịch”.

Rồi ông kể, ngày trước tại một trường đại học ở xa trung tâm, người ta mời các nhà khoa học của một viện nghiên cứu báo cáo, trong đó có ông.

Khi đó trong báo cáo, như để che đậy sự hạn hẹp, ông đã nêu ra một vấn đề rất phiếm (!).

Tưởng rằng “lời nói gió bay”, nào ngờ bây giờ ông đang được nghe một báo cáo về những kết quả nghiên cứu cho vấn đề vô bổ đó - như chính ông tự thú nhận với tôi. 

5 câu hỏi dành cho các vị giáo sư ảnh 2

Đổi mới giáo dục - gợi mở từ học thuyết nhiều dạng trí khôn

Hơn thế nữa, báo cáo còn trích dẫn tên ông và vấn đề ông đặt ra, một cách rất trang trọng (!).

Lúc đó, tôi thầm nghĩ nếu một mình người báo cáo làm thì còn đỡ, chỉ e anh ta lại kéo theo một đám đông học trò, hay đồng nghiệp cùng lao vào thì thật là… 

Ngày nay bạn đọc có thể dễ dàng kiểm tra, không ít những “trường phái” dường như vang bóng một thời, với nhiều thành viên với bằng cấp cao, nhưng tổng số những gì họ đã công bố được trên các tạp chí có uy tín, thì lại là một thực trạng đáng buồn.             

Một người bạn tôi kể lại rằng con trai anh học ở một trường đại học nọ, theo hướng nghiên cứu của một giáo sư, và cháu được giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ ngay từ năm thứ 2.

Rồi cháu được ở lại giảng dạy cùng bộ môn với vị giáo sư ấy. Và cứ cái đà đó, thì chẳng mấy chốc cháu sẽ thành tiến sĩ, rồi phó giáo sư, giáo sư.

Tò mò, tôi tiếp xúc trực tiếp với cháu thì biết rằng gần như ngay từ năm thứ nhất, học và thi đối với cháu là rất phụ. Vì với cái bóng của giáo sư, thì không giảng viên nào không đặc cách cho cháu.

Mặt khác nghe giáo sư nói thì cháu như một thiên tài khoa học nay mai, nên ai cũng nể sợ.

Nhưng khi tôi hỏi cháu các kiến thức cơ bản ở bậc đại học, dường như cháu không biết, hoặc rất lơ mơ, và hơn thế nữa, cháu còn cho là không quan trọng lắm.

Quả thật, tôi cảm nhận và hình dung cháu như dốc toàn sức lực của tuổi trẻ, hướng vào một số thao tác kỹ thuật, để đào một cái ngách, nơi hang cùng ngõ hẻm.

5 câu hỏi dành cho các vị giáo sư ảnh 3

Công bố quốc tế có giúp giáo sư, tiến sĩ Việt Nam sánh vai cùng bạn bè năm châu?

Nhưng tôi tin rồi chẳng bao lâu, cháu sẽ đủ điểm bài báo, trở thành một giáo sư xịn hẳn hoi.

Nghĩ thế mà mừng, mà phục, nhưng cứ thấy lo lo…

Tôi cho rằng, những người đang làm công việc nghiên cứu khoa học và đào tạo hiện nay, kể cả những người được coi là nổi tiếng, thành danh, hay có uy tín, thì vẫn cần phải hết sức thận trọng, trong việc đào tạo tiến sĩ, và cần tự hiểu mình, để tự biết có nên làm hay không?

Cũng cần nói thêm, tác giả không có ý nói rằng, những hiện thực vừa kể trên là bức tranh toàn cảnh của đào tạo trình độ trên đại học, đào tạo ra các nhà khoa học, đã và đang diễn ra ở ta, nhưng chắc chắn đó là những thực tế không phải là hiếm.

Điều này không thể không khiến các nhà hoạch định chính sách cần phải nghĩ cách để kiểm soát.  

Cuối cùng tác giả xin nhắc lại một vài câu hỏi dưới đây, tuy không mới, nhưng rất cần được trả lời chính xác.

Những công việc cụ thể mà một giáo sư nhất thiết phải làm được là gì? 

Một giáo sư khác với một chuyên gia hay một nhà khoa học ở những điểm nào?

Một giáo sư có cần phải uyên bác ở một mức chuẩn nào đó không và làm thế nào để kiểm tra?

Có nên hạ thấp tiêu chuẩn luận án tiến sĩ để thêm nhiều tiến sĩ không? Cũng như vậy, đối với phó giáo sư và giáo sư?


Thế nào là một giáo sư hàng đầu? Có phải cứ đào tạo ra nhiều tiến sĩ, thì thành tích của giáo sư càng cao không?

Vũ Dương