5 luận văn Thạc sĩ của Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh có sao chép

14/07/2017 05:22
Phương Linh
(GDVN) - 5 người có luận văn Thạc sĩ bị kết luận sao chép, thì 2 người hiện nay đã là Tiến sĩ.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được tố cáo của ông Phạm Thế Dân – nguyên giảng viên Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, về việc các luận án Thạc sĩ được thực hiện tại ngôi trường này đi sao chép từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau.

5 luận văn Thạc sĩ đi sao chép từ nhiều nguồn khác nhau

Cụ thể, theo ông Dân, các luận văn của ông Phạm Nguyễn Thành V., Trịnh Hoài V., Trương Trường S. (đều là giảng viên khoa Vật lý – Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh T., Đỗ Thị Thanh V. đều đã trích nguyên văn nhiều nội dung từ nhiều sách, luận văn, luận án của nhiều người khác nhau, mà không thực hiện đúng các nguyên tắc trích dẫn, dẫn nguồn.

Sau khi có tố cáo của ông Dân, tổ xác minh của nhà trường đã làm việc, xác định luận văn của ông Phạm Nguyễn Thành V. đã trích dẫn nguyên văn, mà không chú dẫn chi tiết là không phù hợp với quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Cũng liên quan đến luận văn này, Hội đồng thẩm định thì kết luận, việc trích dẫn tài liệu tham khảo còn nhiều sai sót, chưa theo chuẩn mực quốc tế.

Còn đối với luận văn của các ông/bà còn lại, cả tổ xác minh và Hội đồng thẩm định của nhà trường đều xác nhận, đều có thiếu sót trong việc trích dẫn tài liệu tham khảo, một số nội dung, bao gồm cả hình vẽ, bảng biểu có sự trùng lắp với luận án của các tác giả khác.

Toàn bộ các luận văn này đều đã được yêu cầu phải sửa lại, nhất là các phần trích dẫn cho đúng theo quy định.

Tuy nhiên, trong các văn bản kết luận của mình, Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh đều cho rằng, những việc làm này không vi phạm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, không đủ căn cứ để kết luận việc trích dẫn của người bị tố cáo đã vi phạm Quy chế đào tạo sau Đại học.

Trong tổng số 5 người bị tố cáo, cho đến nay, 2 ông Phạm Nguyễn Thành V. và Trịnh Hoài V. đã trở thành Tiến sĩ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Thế Dân khẳng định: Việc sao chép bất hợp pháp, sao chép gian lận trong luận văn Thạc sĩ của mình từ các luận văn, luận án và công trình khoa khọc của người khác là đã vi phạm nghiêm trọng quy chế trích dẫn trong Công ước Berne.

Trường Đại học Sư phạm thành phố, nơi có 5 luận văn Thạc sĩ bị kết luận sao chép (ảnh: CTV)
Trường Đại học Sư phạm thành phố, nơi có 5 luận văn Thạc sĩ bị kết luận sao chép (ảnh: CTV)

Đồng thời, việc này còn vi phạm Luật sở hữu trí tuệ, Nghị định 100/2006 của Chính phủ, vi phạm khoản 7 – điều 41 của Quy chế đào tạo sau Đại học, vi phạm điểm a, khoản 1, điều 22 của Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Cũng theo ông Phạm Thế Dân, việc Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (khi đó) – Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng hôm 22/32017 ký kết luận số 75, đề nghị tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân trong Hội đồng đánh giá luận văn của ông Nguyễn Thanh T.

Nhưng rồi tới ngày 31/5/2017, cũng chính Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng lại ký kết luận số 717 và 718, cho rằng, không có cơ sở khẳng định, ông Cao Anh T. và ông Lê Văn H. là Thư ký và Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận văn đã vi phạm vào khoản 4 – điều 41 của Quy chế đào tạo sau Đại học.

Việc này, theo ông Phạm Thế Dân, thầy Nguyễn Kim Hồng đã mâu thuẫn với chính mình, là sai trái và vi phạm pháp luật.

Ông H và ông T. phải chịu 1 phần trách nhiệm vì có sai sót

Với mong muốn được lắng nghe sự thật khách quan, đa chiều, sáng ngày 12/7, Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, về những ý kiến mà ông Phạm Thế Dân nêu ra.

Trước tiên, ông Nguyễn Kim Hồng thừa nhận, toàn bộ 5 luận văn mà ông Dân nêu lên đều mắc lỗi trích dẫn ở phần tổng quan nghiên cửu, mà đây cũng là lỗi mắc rất nhiều ở các luận văn hiện nay.

Theo đúng quy định, hiện nay đối với nguyên tắc trích dẫn, tốt nhất là người viết chuyển thành ý của mình, còn không thì phải thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có quy định rất rõ là dưới 3 dòng thì phải làm như thế nào, trên 3 dòng trích dẫn thì phải làm ra sao.

Ngoài ra, khi trích dẫn thì luận văn cần phải ghi rõ ràng nguồn được trích dẫn. Cũng theo ông Nguyễn Kim Hồng, học viên Cao học có thể có nhiều phương pháp tìm kiếm khác nhau, dù rằng có chung 1 đối tượng nghiên cứu, nhưng việc sao chép ở phần phương pháp là không thể.

Đối với việc chịu trách nhiệm đối với các luận văn có sai sót về mặt trích dẫn, thầy Nguyễn Kim Hồng nói rằng, trước tiên là tổ bộ môn của ngành có luận văn nghiên cứu phải chịu trách nhiệm chính, trong đó trực tiếp nhất là người hướng dẫn.

Sau đó, Chủ tịch hội đồng, thư ký, ủy viên, phản biện…cũng đều phải đồng chịu trách nhiệm liên quan đến sai sót này.

Ngay sau khi có đơn tố cáo của ông Phạm Thế Dân, Trường Đại học Sư Phạm thành phố đã thành lập 5 Hội đồng đánh giá lại 5 luận văn Thạc sĩ nói trên.

Mỗi Hội đồng đánh giá sẽ có 5 thành viên, bao gồm các chuyên gia có uy tín, nổi tiếng đánh giá độc lập về 5 luận văn Thạc sĩ mà ông Dân đề cập.

Kết quả: Toàn bộ các thành viên của 5 Hội đồng đều nhất trí, đồng ý cấp bằng Thạc sĩ cho các học viên Cao học, nhưng yêu cầu các luận văn này cần phải sửa lại các nội dung trích dẫn cho đúng quy định.

Cho tới nay, đã có 2 luận văn được sửa chữa lại, còn 3 luận văn thì vẫn đang được sửa chữa cho đúng quy định.

Cuối cùng, thầy Nguyễn Kim Hồng nhấn mạnh: Chắc chắn với vai trò là Chủ tịch và thư ký Hội đồng đánh giá luận văn, ông H. và ông T. phải chịu trách nhiệm 1 phần cho các sai sót của những luận văn mà ông Dân đề cập.

Thế nhưng, thầy Nguyễn Kim Hồng cũng nói thêm, hiện thầy không còn giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường nữa, nên trách nhiệm xem xét, xử lý vụ việc này sẽ do Hiệu trưởng mới của nhà trường thực hiện.

Phương Linh