Ai bồi thường tuổi thanh xuân cho 434 giáo viên nếu bị đuổi việc?

30/07/2018 10:56
Trinh Phúc
(GDVN) - “Các giáo viên đang thuộc diện lao động không thời hạn nay chấm dứt hợp đồng thì phải được bồi thường thỏa đáng và phải có hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp”.

Việc 434 giáo viên ở Thanh Oai (Hà Nội) bị huyện thanh lý hợp đồng đứng trước nguy cơ bị thất nghiệp, ra khỏi ngành đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Câu hỏi đặt ra, tại sao nhiều giáo viên hơn 20 năm theo nghề nhưng nay lại bị cho thôi việc một cách đơn giản như vậy, liệu có uẩn khúc nào chăng?

Để làm rõ hơn sự tình đằng sau câu chuyện của 434 giáo viên này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với các thầy cô trong diện này và thật ngạc nhiên khi biết sự thật nhiều giáo viên bám trụ theo nghề gần 20 năm nhưng những gì mà họ nhận được thì vô cùng ít ỏi.

Nhiều thầy cô đang trông đợi về những chính sách phù hợp để được dạy học hoặc chuyển đổi nghề nghiệp (ảnh do bạn đọc cung cấp).
Nhiều thầy cô đang trông đợi về những chính sách phù hợp để được dạy học hoặc chuyển đổi nghề nghiệp (ảnh do bạn đọc cung cấp). 

Trò chuyện với thầy Lê Hùng, giáo viên dạy văn Trường Trung học cơ sở Xuân Hòa, thầy tỏ ra rất thất vọng vì tới đây thầy sẽ có nguy cơ không còn được đứng trên bục giảng nữa.

Thầy Hùng mong rằng, huyện Thanh Oai có chính sách cho những giáo viên hợp đồng đã lâu năm, có cống hiến đóng góp cho ngành.

Chia sẻ thêm, thầy Hùng bộc bạch: “Tôi đã bám trụ với ngành từ năm 1998 đến nay. Bây giờ, nếu không còn được đi dạy nữa thì thiệt thòi quá. Ở cái tuổi 40 nếu không còn làm giáo viên thì tôi chưa biết phải làm nghề gì để sống.

Mong muốn cấp trên sẽ tạo điều kiện để những giáo viên như tôi được dạy học và đóng thêm bảo hiểm.  Cố gắng thêm vài năm để bám trụ với nghề chứ dừng lại thì chơi vơi quá”.

Ai bồi thường tuổi thanh xuân cho 434 giáo viên nếu bị đuổi việc? ảnh 2"Được trả lương bằng thóc lép chúng tôi vẫn lên lớp, sao nay lại cắt hợp đồng"

Kể về sự nghiệp theo đuổi nghề giáo của mình, thầy Hùng sụt sùi chia sẻ, suốt gần 20 năm nay, thầy đã dạy học trong hoàn cảnh rất vất vả.

Qua trao đổi có thể thấy, công tác giáo dục vốn nhiều khó khăn thách thức, nhưng với giáo viên diện hợp đồng lại khó khăn hơn gấp bội.

Đồng lương mà những người như thầy Hùng nhận được chỉ là lương tối thiểu. Tức, thời điểm năm 2003 thầy chỉ nhận được 160 nghìn đồng/tháng, các năm tiếp theo tăng lên 350 nghìn đồng/tháng và đến nay nhận được 1 triệu 150 nghìn đồng/tháng.

 “Với mức lương đó, nhiều người đã bỏ hết. Mình tuổi đã lớn nên cứ cố bám trụ với nghề. Hiện, đã đóng bảo hiểm được gần 20 năm nhưng giờ sợ rằng không được duy trì nữa.

Giáo viên như mình đi dạy là để duy trì bảo hiểm, chỉ mong muốn điều này để tuổi già có cái mà sống”.

Cùng hoàn cảnh như thầy Hùng là thầy Trần Văn Thảo, Trường Trung học Cở sở Xuân Hòa. Gần 20 năm theo nghề với bao trông đợi, hy vọng nhưng đang đứng trước viễn cảnh “đứt gánh giữa đường”.

Mấy ngày này, các thầy cô thuộc diện bị chấm dứt hợp đồng đang rất buồn và thất vọng (ảnh do bạn đọc cung cấp).
Mấy ngày này, các thầy cô thuộc diện bị chấm dứt hợp đồng đang rất buồn và thất vọng (ảnh do bạn đọc cung cấp).

Có thể thấy, trái ngược với những giờ dạy đam mê cháy hết mình trên bục giảng thì cuộc đời của giáo viên hợp đồng như thầy Thảo chỉ nhận lại được những đồng lương ít ỏi và đến nay đang đứng trước nguy cơ “về vườn” sớm.

Thầy Thảo mong muốn, cấp trên cần có chính sách hỗ trợ cho  giáo viên đã bám trụ với nghề lâu năm. Hiện nay, số giáo viên bám trụ với nghề  gần 20 năm ở huyện Thanh Oai thuộc diện chấm dứt hợp đồng là rất nhiều.

“Không nên áp dụng một chính sách chung với tất cả các giáo viên hợp đồng” – Thầy Thảo mong muốn.

Rơi vào hoàn cảnh tương tự, thầy Minh có 21 năm dạy tiếng Anh, gắn bó với giáo dục huyện Thanh Oai từ nhưng tháng ngày khó khăn nhưng khi biết mình thuộc diện bị thanh lý hợp đồng nên rất thất vọng.

Ai bồi thường tuổi thanh xuân cho 434 giáo viên nếu bị đuổi việc? ảnh 4434 giáo viên Hà Nội nguy cơ mất việc, có người cống hiến đã 23 năm

Thầy Minh buông lời trong thất vọng: “Ai cũng mong có việc làm ổn định nhưng giờ không còn cơ hội được là việc nữa thì rất thất vọng. Chủ trương như vậy thì chẳng còn gì để mà trông mong hay lưu luyến nữa rồi”.

Nói về kế hoạch cho tương lai, thầy Minh cho rằng, bây giờ tuổi đã ngoài 40, để tìm kiếm công viêc trong khả năng của mình sẽ rất khó. Chắc có lẽ phải đi học tiếp nhưng giờ vẫn không biết nên học gì để có được việc làm.

Qua trao đổi với thầy Hùng, thầy Thảo, thầy Minh … có thể thấy, bao nhiêu kỳ vọng bám trụ lại nghề nay nhận “hung tin” chấm dứt hợp đồng đã khiến họ quá hụt hẫng và trước mắt không biết đi đâu, về đâu.

Số phận của những giáo viên này có nguy cơ trở về với mức “số không”.

Cũng thuộc diện bị chấm dứt hợp đồng, một giáo viên xin giấu tên ở trường Trung học Cơ sở Thanh Thùy, Thanh Oai  cho biết, việc Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai đơn phương chấm dứt hợp đồng là không chấp nhận được.

Các giáo viên đang thuộc diện lao động không thời hạn nay chấm dứt hợp đồng thì phải được bồi thường thỏa đáng và phải có hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp.

“Một năm lương chúng tôi như thế nào thì phải bồi thường như thế ấy. Còn bao nhiêu năm ăn học nữa cũng phải bồi thường đầy đủ để có tiền học nghề khác, làm nghề khác chứ cứ đẩy ra đường thì lấy gì để sống, lấy gì nuôi con” – giáo viên này nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 19/7/2018 Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, Hà Nội ra văn bản số 1020/UBND-NV do bà Lê Thị Hà - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai ký về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Một trong những nội dung trong văn bản nêu: “Thực hiện việc phân cấp ký hợp đồng lao động tại các trường công lập thuộc các huyện:

Ủy ban nhân dân huyện chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được Ủy ban nhân dân huyện đã ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các trường do Hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền từ ngày 1/9/2018…”.

Ai bồi thường tuổi thanh xuân cho 434 giáo viên nếu bị đuổi việc? ảnh 5Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị đảm bảo quyền lợi cho 434 giáo viên Hà Nội

Khi văn bản này được ban hành, có đến 434 giáo viên của huyện Thanh Oai thuộc diện này đứng ngồi không yên lo lắng sợ mất việc.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết, hiện huyện Thanh Oai đang thiếu gần 100 giáo viên tiểu học trong khi có 85 giáo viên đang thuộc diện hợp đồng.

Những giáo viên này muốn được dạy học tiếp thì phải tham gia thi và phải đỗ trong kỳ thi biên chế.

Ở bậc trung học cơ sở huyện thiếu biên chế gần 100 giáo viên trong khi số hợp đồng hiên nay nhiều hơn 100 người. Do đó, số giáo viên hợp đồng phải tham gia thi tuyển.

Về giáo viên bậc mầm non, huyện Thanh Oai đang "thiếu" 43 người nên không thể tổ chức thi tuyển.

Do đó, với số giáo viên mầm non diện hợp đồng sẽ ra các nhóm tư thục làm việc. Bước đầu, dự kiến bố trí được khoảng 70 giáo viên, số còn lại phải tự lo việc.

Chia sẻ với các giáo viên sẽ mất việc tới đây, ông Dũng cho rằng, ông rất thương những giáo viên hợp đồng. Có người hợp đồng 22 năm, gắn bó với nghề và coi nó như cái nghiệp của cuộc đời.

Có giáo viên thi đến 9 lần rồi nhưng chưa trúng nhưng vẫn bám với nghề mặc dù lương chỉ có bậc 1.

Hỏi về các chính sách ưu tiên đối với các giáo viên diện hợp đồng có thâm niên dạy học lâu năm, ông Dũng cho rằng hiện không có một ưu tiên nào khác nếu họ đăng ký tham gia thi tuyển.

Trinh Phúc