Ai đang gây áp lực lên giáo viên?

31/05/2018 07:58
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Nhà giáo đang chịu quá nhiều áp lực, các áp lực nhà giáo đang chịu chẳng thua kém học trò là mấy.

LTS: Từ gánh nặng sổ sách đến việc, "chạy" vượt chuẩn giáo viên, thi nâng hạng giáo viên... có quá nhiều thứ đang đè nặng lên giáo viên khiến họ không thể tập trung vào chuyên môn.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy giáo Sơn Quang Huyến về vấn đề này.

Nhà giáo đang chịu quá nhiều áp lực, các áp lực nhà giáo đang chịu chẳng thua kém học trò là mấy.

Đầu tiên phải kể đến sổ sách của một giáo viên, dù có quy định các loại sổ cần thiết của giáo viên như: giáo án, sổ dự giờ, sổ hội họp, sổ chủ nhiệm,…

Thế nhưng khi về đến các trường thì sổ cái lại đẻ ra các sổ con khác như: sổ rút kinh nghiệm tiết dạy, sổ minh chứng thi đua, sổ tự học tự rèn, sổ bồi dưỡng thường xuyên, sổ kế hoạch lao động, sổ sinh hoạt tổ nhóm, sổ kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học, sổ kế hoạch cá nhân… Kính thưa các loại sổ!

Chỉ có những thiên tài quản lý mới nghĩ ra được nhiều loại sổ như thế. Còn giáo viên chỉ biết ghi, ghi để hoàn thành sổ…khổ.

Giáo viên hiện nay đang chịu quá nhiều áp lực. (Ảnh minh họa: sggp.org.vn).
Giáo viên hiện nay đang chịu quá nhiều áp lực. (Ảnh minh họa: sggp.org.vn).

Trong các loại sổ trên thường có nội dung chồng chéo nhau, rất nhiều giáo viên đề nghị nên “tích hợp” các loại sổ để cho giáo viên “dễ thở”, thế nhưng làm như vậy thì khó cho cán bộ quản lý khi kiểm tra.

Vì vậy giáo viên vẫn phải “kính thưa các loại sổ”.

Những tưởng, cứ dạy thật tốt, làm đủ sổ là yên thân, giáo viên lại bắt đầu với cuộc đua “chuẩn nghề nghiệp”.

Từ khi chuẩn nghề nghiệp giáo viên ra đời,  không ít giáo viên phải đi học “đạt chuẩn”.

Đạt chuẩn vẫn chưa ổn, mà phải “vuợt chuẩn”. Muốn trường “đạt chuẩn” thì phải có tỷ lệ giáo viên vuợt chuẩn theo quy định.

Thế là phong trào “vượt chuẩn” rầm rộ phát động khắp các trường học.

Để đáp ứng cho cái “vượt chuẩn” đó mà các loại hình đào tạo từ xa, tại chức… trăm hoa đua nở.

Giáo viên mình “giỏi thật”, chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” vài tháng là có ngay bằng cấp đạt chuẩn.  

Phần lớn giáo viên tham gia những khóa học này đều biết sự thật là đi học, đóng tiền, để lấy “bằng cấp” đúng quy trình, học giả bằng thật mà thôi.

Ai đang gây áp lực lên giáo viên? ảnh 2Đã có yêu cầu chương trình, chuẩn giáo viên dạy ở trung tâm ngoại ngữ, tin học

Khi “chuẩn” nguôi ngoai, các trung tâm “từ xa, tại chức” vắng bóng giáo viên thì một áp lực mới đang bao trùm giáo viên với một tên mới “thăng hạng”.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp bậc mầm non, phổ thông công lập phải đáp ứng các điều kiện:

Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi thi;

Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp…

Bên cạnh đó, giáo viên phải dự thi các môn kiến thức chung, chuyên môn, tin học, ngoại ngữ.

Để thăng hạng không phải dễ, phải làm 4 bài kiểm tra, để vượt qua bốn bài “giấy trắng mực đen đó” thì số giáo viên đăng ký chắc... không có.

Vì thế, ngày 30/11/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BGDĐT về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, giáo viên không phải dự thi thăng hạng mà chỉ cần nộp hồ sơ xét thăng hạng kèm phỏng vấn hoặc làm một bài kiến thức pháp luật.

“Vui thay thăng hạng giáo viên không cần thi nữa”, chỉ cần nộp chứng chỉ, minh chứng... mà thôi.

Ai đang gây áp lực lên giáo viên? ảnh 3Giáo viên nâng chuẩn học nhởn nhơ, giảng viên đào tạo hưởng bổng lộc

Thăng hạng ra đời như một “chất kích thích” cho các “trung tâm ngoại ngữ”, “tin học” phát triển.

Giáo viên vào cuộc đua với "thời đại 4.0” mới.

Các trung tâm ngoại ngữ, tin học cam kết là chỉ cần học hai tuần là có chứng chỉ theo yêu cầu cho giáo viên.

Có cung ắt có cầu, chỉ cần “cắn răng” bỏ ra vài chục triệu đồng là có ngay chứng chỉ ngoại ngữ, tin học “cực đẹp”.

Muốn thăng hạng, giáo viên phải trải qua lớp tập huấn với “học phí” nhẹ nhàng từ 2,5 triệu đồng đến … n triệu, “học” thì ít mà “phí” thì nhiều.

Nếu không có chứng chỉ này thì giáo viên không được xét hay thi thăng hạng.

Vì vậy muốn hay không muốn giáo viên phải tham gia lớp học này, kết quả đánh giá của khóa học cũng là một thành tố để xét thăng hạng.

Nhìn một cách sự thật, thực tế từ cơ sở thì những hình thức quy định trên đều không có tác dụng nâng cao chất lượng dạy và học; mà nó chỉ đẻ thêm tiêu cực cho xã hội.

Giáo dục với học sinh chúng ta đang “học để thi”, với giáo viên đang “đối phó” với quy định của ngành thay vì tập trung cho việc dạy học.

Những quy định với giáo viên như trên không hoàn toàn nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm mà chỉ làm cho căn bệnh thành tích ngày càng trầm trọng.

Vì mục đích của cá nhân mà giáo viên phải tổng kết “mưa điểm 9, 10”;

Nhà trường phải có tỷ lệ lên lớp, tốt nghiệp 100% để làm minh chứng cho “đạt chuẩn”, cho “thăng hạng”.

Sau “chuẩn”, “thăng hạng” chúng ta thấy chưa bao giờ đạo đức học đường có nhiều biểu hiện tiêu cực đến thế, nhiều yếu nhân đã phải thốt lên trên nghị trường về vấn nạn đạo đức xã hội, học đường hiện nay.

Thành quả giáo dục là sản phẩm của “hoạt động nhóm”, của các “mắt xích” liên kết với nhau.

Ai đang gây áp lực lên giáo viên? ảnh 4Vừa khóc vừa cười với đánh giá giáo viên cuối năm

Không thể vì mục đích giải quyết “công ăn, việc làm” cho ai đó mà chúng ta cứ “đẻ” thêm các quy định với đội ngũ giáo viên hiện hành, biến họ thành các “sinh viên sư phạm đóng phí”.  

Vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà, “chuẩn” hay “hạng” của mỗi giáo viên hãy để cho phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp đánh giá.

Một giáo viên không có “tâm” trong dạy học nhưng có hồ sơ “minh chứng” đẹp, có thể có hạng cao, nhưng phụ huynh học sinh đánh giá thấp.

Một giáo viên “chuẩn”, một giáo viên thứ “hạng” cao phải là giáo viên có tâm với giáo dục, phải là người “sống” trong trái tim của phụ huynh học sinh, trong lòng dân.

Ngành giáo dục cần có những giải pháp phù hợp giảm áp lực cho giáo viên để họ không vì thành tích, không vì chuẩn, không vì hạng, mà dạy thật, tổng kết đánh giá thật, và là tấm gương trung thực, đào tạo ra những học trò trung thực, biết liêm sỉ, biết xấu hổ mới là điều xã hội cần nhất hiện nay.

Sơn Quang Huyến