Ấn Độ: Trung Quốc muốn khóa chặt khu vực Nam Á bằng "Chuỗi ngọc trai"

08/02/2013 07:00
Đông Bình
(GDVN) - Báo Ấn Độ tỏ ra lo ngại về việc Trung Quốc đẩy mạnh triển khai chiến lược “chuỗi ngọc trai” và tăng cường khả năng điều động binh lực đường không/biển.
Tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn 071 Tỉnh Cương Sơn của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn 071 Tỉnh Cương Sơn của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Ngày 3/2, tờ “The Pioneer” Ấn Độ có bài viết đánh giá cho rằng, Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát hoạt động cảng Gwadar của Pakistan, từ đó tăng cường ưu thế quân sự của Trung Quốc ở biển Ả rập.

Cứ điểm Ấn Độ Dương của New Delhi đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng – đặc biệt là trong bối cảnh khả năng tác chiến đường không và đổ bộ của Bắc Kinh đang gia tăng.

Theo bài báo, Trung Quốc có khả năng ngăn chặn bất cứ hành động nào, ở bất cứ chiến trường nào của Ấn Độ ở khu vực có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Khả năng vận chuyển binh lực đường không, đường biển một lượt đạt 70.000 người, trong khi đó, Ấn Độ chỉ có thể vận chuyển được 3.000 người trong một lần theo đường thủy.

Bài báo cho rằng, từ khi Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm máy bay vận tải cỡ lớn nội địa Y-20, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã cảm thấy lo ngại.

Bởi vì, tải trọng tối đa của máy bay vận tải Y-20 là 66 tấn, giúp Trung Quốc có khả năng triển khai toàn bộ quân đoàn nhảy dù (30.000 binh sĩ).

Quan chức Ấn Độ cho rằng, dựa vào đường bộ dọc “tuyến kiểm soát thực tế Trung-Ấn” (LAC) và các công trình hạ tầng cơ sở tốt như sân bay, khả năng vận chuyển binh lực quy mô lớn và nhanh chóng của Trung Quốc sẽ làm thay đổi cục diện “trò chơi” giữa hai nước.

Ngày 26/1/2013, Trung Quốc đã cho bay thử lần đầu tiên máy bay vận tải cỡ lớn Y-20
Ngày 26/1/2013, Trung Quốc đã cho bay thử lần đầu tiên máy bay vận tải cỡ lớn Y-20

Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 của Trung Quốc có kích cỡ tương tự như IL-76 do Nga chế tạo – sau khi Trung Quốc sử dụng kỹ thuật đảo ngược sao chép máy bay chiến đấu Su-27 của Nga, Moscow từ chối xuất khẩu máy bay vận tải IL-76 cho Trung Quốc.

Ngoài khả năng điều động đường không, Trung Quốc đang chế tạo 12 tàu chiến có lượng giãn nước trên 20.000 tấn, có thể vận chuyển 30.000 binh sĩ (3 sư đoàn), tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích chiến lược của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương.

Trung Quốc cũng đã chế tạo 2 tàu vận tải đổ bộ (LPD), có thể vận chuyển 10.000 binh sĩ (1 sư đoàn), xe tăng, máy bay trực thăng, triển khai tác chiến đổ bộ ở khu vực Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, Ấn Độ chỉ có 1 tàu vận tải đổ bộ, đó là tàu INS Jalashwa của Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ 5 năm trước, con tàu này chỉ có khả năng vận chuyển 3.000 binh sĩ (1 tiểu đoàn); hơn nữa Ấn Độ phải mất tới 5-6 năm nữa mới có được khả năng vận tải đường không quy mô lớn.

Ấn Độ sở hữu 12 máy bay vận tải IL-76, 90 máy bay vận tải An-32 và gần đây đã mua máy bay C-17 của Mỹ, tuy nhiên khu vực bang Arunachal và Ladakh còn thiếu sân bay, mạng lưới đường bộ không hoàn thiện, khiến cho Ấn Độ khó có thể duy trì tiếp tế hậu cần.

Tàu vận tải đổ bộ INS Jalashwa của Hải quân Ấn Độ, có lượng giãn nước 16.900 tấn, mua của Mỹ năm 2005, trị giá khoảng 48,23 triệu USD.
Tàu vận tải đổ bộ INS Jalashwa của Hải quân Ấn Độ, có lượng giãn nước 16.900 tấn, mua của Mỹ năm 2005, trị giá khoảng 48,23 triệu USD.

Quan chức Ấn Độ cho rằng, vận chuyển lực lượng và vũ khí tới dọc “tuyến kiểm soát thực tế Trung-Ấn” cần nỗ lực hết sức mỗi ngày, nhưng do hạ tầng cơ sở không hoàn thiện, cho dù mua được 10 máy bay vận tải C-17 Globemaster của Mỹ trong 5-6 năm tới, cũng sẽ không làm cho tình hình có sự thay đổi nhiều.

Bài báo cho rằng, để bảo đảm kiểm soát cảng Gwadar, duy trì cung ứng năng lượng liên tục đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, Trung Quốc đang tăng cường khả năng điều động lực lượng đường không, đường biển, bảo đảm cho lực lượng mặt đất có thể đến khu vực dự kiến triển khai hành động.

Trung Quốc sử dụng chiến lược “chuỗi ngọc trai” bao vây Ấn Độ - chiến lược này hầu như mở rộng tới tất cả các nước láng giềng, gồm Sri Lanka (Trung Quốc đang xây dựng cảng biển), Myanmar, Bangladesh, Maldives và Pakistan hiện nay.

Bắc Kinh đang cung cấp vốn cho cảng biển chính của Bangladesh, có tin cho biết Trung Quốc đã xây dựng trạm giám sát ở Maldives – kề sát tuyến đường hàng hải của họ.

Ngoài ra, Trung Quốc hy vọng tự do đi lại ở các tuyến đường hàng hải cần cho vận chuyển dầu mỏ. Hiện nay, tàu thuyền Trung Quốc chỉ có thể đi qua eo biển Malacca - vùng biển này kề sát quần đảo Andaman và Nicobar, trong khi đó Ấn Độ đã có sự bố trí chiến lược ưu thế ở đây.

Trung Quốc đã trang bị 2 tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn Type 071 là Côn Luân Sơn và Tỉnh Cương Sơn cho Hạm đội Nam Hải, đồng thời có tin cho biết đã hạ thủy thêm 1 tàu đổ bộ Type 071 thứ ba.
Trung Quốc đã trang bị 2 tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn Type 071 là Côn Luân Sơn và Tỉnh Cương Sơn cho Hạm đội Nam Hải, đồng thời có tin cho biết đã hạ thủy thêm 1 tàu đổ bộ Type 071 thứ ba.

Giành được quyền vận hành cảng Gwadar có thể giúp cho Trung Quốc vận chuyển dầu mỏ qua biển Ả rập sau khi mua được dầu mỏ ở vịnh Ba Tư.

Trên thực tế, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với một số nước duyên hải như Maldives, Seychelles - những nước này cũng ở khu vực Ấn Độ Dương, vì vậy tạo ra mối đe dọa cho lợi ích quốc gia của Ấn Độ.

Bài báo cho rằng, ưu thế lục địa của Trung Quốc quá lớn là một nguyên nhân gây sự quan ngại cho Ấn Độ. Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) sở hữu rất nhiều nhà máy chế tạo máy bay đủ để chiến thắng vấn đề độc quyền, hơn nữa những doanh nghiệp thương mại này đang cạnh tranh lẫn nhau với các sản phẩm riêng.

Tàu vận tải đổ bộ Type 071 do Trung Quốc chế tạo có lượng giãn nước gần 18.000 tấn, có thể sử dụng để thực hiện nhiệm vụ tác chiến đổ bộ.

Trong đó 2 chiếc đã đưa vào hoạt động, có thể vận chuyển hàng vạn binh sĩ và vũ khí. Hơn nữa, Trung Quốc đã bắt đầu chế tạo tàu đổ bộ trang bị trực thăng Type 081, loại tàu này có lượng giãn nước đạt 20.000 tấn, có kế hoạch chế tạo 12 chiếc.

Máy bay vận tải IL-76 của Không quân Trung Quốc, mua của Nga
Máy bay vận tải IL-76 của Không quân Trung Quốc, mua của Nga

Có tin cho biết, một khi những tàu vận tải này tuyên bố hạ thủy và bắt đầu hoạt động, khả năng vận tải của Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng gần 3 sư đoàn.

Có tin còn cho rằng, một trong những lý do Hải quân Trung Quốc chưa triển khai nhiệm vụ tác chiến lâu dài chính là trước đây Trung Quốc thiếu các tàu tiếp tế như tàu chở dầu.

Bài báo cuối cùng dẫn lời quan chức Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc có ưu thế khả năng chế tạo tàu thuyền đứng thứ hai thế giới, sau khi hải quân của họ có được khả năng vận chuyển binh lực quy mô lớn, sẽ triển khai các loại hành động ở vùng biển Ấn Độ Dương trong vài năm tới.

Sau khi tham gia các hành động chống cướp biển của các nước vịnh Aden, Hải quân Trung Quốc đã xâm nhập Ấn Độ Dương. Đến nay, Trung Quốc đã có 13 tốp lực lượng đặc biệt tham gia các hành động chống cướp biển. Điều này có lợi cho Hải quân Trung Quốc nâng cao khả năng hoạt động lâu dài cần thiết cho các hành động tầm xa.

Ấn Độ đã đặt mua máy bay vận tải chiến lược C-17 của Mỹ
Ấn Độ đã đặt mua máy bay vận tải chiến lược C-17 của Mỹ
Đông Bình