Áp giá sàn vé máy bay là sai với tinh thần kiến tạo của Chính phủ

04/04/2017 07:12
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Trần Quốc Thuận đề xuất đưa ra giá sàn cho đường bay nội địa gây khó khăn cho doanh nghiệp hàng không và không đúng với tinh thần Chính phủ kiến tạo.

Cục Hàng không đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa. 

Đáng chú ý trong dự thảo này ngoài quy định về tăng khung giá trần vé máy bay hạng phổ thông thêm 7-16% tùy nhóm đường bay, Cục Hàng không đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa.

Theo các chuyên gia đề xuất quy định giá sàn cho đường bay nội địa không những triệt tiêu tính cạnh tranh trên thị trường hàng không mà nó còn gây khó cho các hãng hàng không giá rẻ. 

Gây khó khăn cho doanh nghiệp là đi ngược với tinh thần của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ.

Đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của dư luận - ảnh nguồn VnEconomy.
Đề xuất áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của dư luận - ảnh nguồn VnEconomy.

Không đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo

Theo dõi thông tin báo chí gần đây, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ông Trần Quốc Thuận bày tỏ ngạc nhiên, thậm chí khó hiểu với đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam về việc áp thêm giá sàn cho các đường bay nội địa.  

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Quốc Thuận cho rằng: “Giá chính là yếu tố để các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trên thị trường. Quy định giá sàn đồng nghĩa hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp”.

Đưa ra quy giá trần nhằm đảm bảo doanh nghiệp không bán sản phẩm, dịch vụ vượt quá khung nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Trong khi đó nếu quy định giá sàn doanh nghiệp dù muốn giảm giá cũng không được bán dưới giá sàn.

Thị trường hàng không quy định mức giá trần, nếu quy định thêm giá sàn thì khung giá đường bay nội địa sẽ nằm trong khoảng hẹp giữa giá trần và giá sàn. 

Ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ảnh: H.Lực
Ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ảnh: H.Lực

Theo ông Thuận nếu giá bán doanh nghiệp bị ép giữa khung giá trần và giá sàn sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh giữa doanh nghiệp.

“Cơ quan quản lý chỉ nên quản lý giá trần để tránh việc doanh nghiệp tăng giá bừa bãi, không nên quy định giá sàn vì sẽ hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. 

Nếu thấy rằng giá trần thấp doanh nghiệp thua lỗ có thể nâng mức giá trần để doanh nghiệp cân đối giữa chi phí, còn không nên quy định giá sàn”, ông Thuận nêu quan điểm.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, yếu tố cạnh tranh giữa doanh nghiệp hàng không những năm qua mang lại lợi ích cho người tiêu dùng với việc giá vé máy bay được kéo xuống phù hợp với túi tiền của người dân.

Áp giá sàn vé máy bay là sai với tinh thần kiến tạo của Chính phủ ảnh 3

"Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nhằm bảo vệ lợi ích của Vietnam Airlines"

Theo ông Thuận, trên thị trường hàng không mỗi doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh khác nhau, có doanh nghiệp dựa trên chất lượng dịch vụ, có doanh nghiệp dựa trên yếu tố giá.

“Với hãng hàng không giá rẻ thì giá thành chính là lợi thế cạnh tranh do đó nếu đưa ra quy định giá sàn đường bay nội địa sẽ ảnh hưởng đến các hãng hàng không giá rẻ. 

Ảnh hưởng đến phát triển của doanh nghiệp là thực hiện không đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra”, ông Trần Quốc Thuận cho biết.

Ngay trong phiên họp thường kỳ Chính phủ khóa mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân đã nêu thông điệp, hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là: “Chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ; quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí".

Ông Thuận khẳng định, chính tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ đã đặt nền móng cho tinh thần khởi nghiệp và là nguyên nhân chính đưa tới kết quả hơn 100 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2016.

Trở lại đề xuất quy định giá sàn đường bay nội địa, ông Thuận khẳng định, không nên áp biện pháp hành chính vào điều hành kinh tế. Nhất là khi biện pháp hành chính đó ảnh hưởng quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Không có cơ sở để quy định giá sàn

Ở góc nhìn chuyên gia hàng không, nguyên Trưởng bộ môn Hàng không (Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh) Phó Giáo sư –Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng: “Không có cơ sở để quy định giá sàn với đường bay nội địa”.

Phó Giáo sư –Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Trưởng bộ môn Hàng không (Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh) (ảnh: H.Lực)
Phó Giáo sư –Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Trưởng bộ môn Hàng không (Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh) (ảnh: H.Lực)

Vị chuyên gia này phân tích, quy định giá sàn được đưa ra chỉ khi cơ quan quản lý phát hiện nhiều doanh nghiệp bán phá giá, bán dưới giá thành sản xuất và thấy rằng cần có biện pháp can thiệp để bảo vệ quyền lợi của số đông doanh nghiệp khác.

Chiêu trò của doanh nghiệp bán phá giá thường là bán giá thấp kỷ lục tất cả các mặt hàng, bán giá thấp ở khắp nơi.

Sau khi bán phá giá để triệt tiêu doanh nghiệp khác, doanh nghiệp bán phá giá sẽ tăng giá bán sau khi chiếm lĩnh thị trường.

“Tuy nhiên hiện nay rõ ràng Cục Hàng không Việt Nam không đưa ra được vấn đề doanh nghiệp bán phá giá, không chứng minh được thì không có cơ sở nào để đề xuất quy định áp giá sàn cho đường bay nội địa”, ông Tống cho biết.

Theo Phó Giáo sư Tống, nếu cơ quan quản lý nhà nước thấy rằng hãng hàng không nào cố tình hạ giá, cạnh tranh không lành mạnh nên xử phạt thật nghiêm để đảm bảo thị trường lành mạnh.

Áp giá sàn vé máy bay là sai với tinh thần kiến tạo của Chính phủ ảnh 5

Ông Trần Đình Bá: "Lãnh đạo Cục Hàng không phải thay đổi tư duy..."

“Đề xuất giá sàn là vô lý, vi phạm Luật Cạnh tranh. Quy định giá sàn không những không vì quyền lợi chung của người tiêu dùng mà còn làm hạn chế năng lực cạnh tranh của các hãng có khả năng giảm giá vé.

Cần phải để các hãng tự do cạnh tranh, từ cạnh tranh dẫn đến giảm giá vé”, ông Tống nói.

Đề xuất khung giá sàn được xem là sẽ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hàng không tuy nhiên điều bất ngờ là Vietjet lại phản đối. 

Quan sát thị trường hàng không những năm qua, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống cho rằng, việc Vietjet phản đối vấn đề giá sàn bởi đây là doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt nhất trên thị trường hàng không.

Theo ông Tống, thị trường hàng không Việt Nam đã có sự thay đổi, vị thế độc quyền của Vietnam Airlines bấy lâu nay đã có sự thay đổi khi xuất hiện hàng không giá rẻ Vietjet.

“Với hàng không có hai yếu tố cạnh tranh là chất lượng dịch vụ và giá, giữa Vietjet và các hãng hàng khôngkhác chất lượng dịch vụ không mấy khác nhau nhưng giá vé rõ ràng Vietjet thấp hơn, đó là ưu điểm là sức hút với hành khách”, ông Tống đánh giá.

Mai Anh