Áp lực của nghề giáo là đương nhiên!

21/12/2018 06:51
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Trần Bá Trình - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, áp lực là một phần tất yếu ở bất kì ngành nghề nào, trong đó có nghề giáo.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm áp lực giáo viên, Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu vấn đề: Giáo dục là lĩnh vực được toàn xã hội, từng gia đình, từng cá nhân quan tâm sát sao và ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng toàn diện.

Vì vậy, dù một hiện tượng rất nhỏ cũng tác động rộng lớn trong toàn xã hội. Mỗi hiện tượng bất thường xảy ra thì có cách nhìn rất khác nhau, tạo nên các luồng ý kiến, thậm chí là phán xét nhiều chiều, nhất là trong thời kỳ phát triển của công nghệ số, mạng xã hội.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay giáo viên đang phải chịu áp lực từ nhiều phía: Phụ huynh, học sinh, xã hội…

Theo Tiến sĩ Trần Bá Trình - Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nghiệp vụ sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, áp lực là một phần tất yếu ở bất kì ngành nghề nào, trong đó có nghề giáo.

Tiến sĩ Trần Bá Trình nhấn mạnh, áp lực vừa đủ là động lực phấn đấu vươn lên trong hoàn thiện bản thân và phát triển nghề nghiệp. Áp lực quá lớn thì dẫn đến ức chế, làm việc kém hiệu quả; ức chế tích lũy, dồn nén ở mức độ nào đó sẽ dẫn đến hành vi bộc phát, tiêu cực.

Ngược lại, nếu không có áp lực thì có thể dẫn đến tự bằng lòng, ngại thay đổi, nhất là ở những lĩnh vực nghề nghiệp như giáo dục, có bề dày truyền thống hàng trăm năm, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa – xã hội của người Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Trần Bá Trình - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, áp lực là một phần tất yếu ở bất kì ngành nghề nào, trong đó có nghề giáo. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo Tiến sĩ Trần Bá Trình - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, áp lực là một phần tất yếu ở bất kì ngành nghề nào, trong đó có nghề giáo. (Ảnh: Thùy Linh)

"Khi bàn về áp lực của giáo viên, có người đặt ra câu hỏi: Tại sao một nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể là áp lực cao với giáo viên này nhưng lại là áp lực vừa phải với giáo viên khác? 

Tại sao, trước áp lực, có giáo viên chủ động xác định và thực hiện giải pháp; lấy chính áp lực là động lực phát triển nghề nghiệp; nhưng lại có giáo viên thụ động trông chờ các giải pháp của ngành, của lãnh đạo nhà trường. Như vậy, cần có cái nhìn mở, đa chiều về nguyên nhân của áp lực đối với giáo viên" – Tiến sĩ Trần Bá Trình nêu vấn đề.

Tiến sĩ Trần Bá Trình nhấn mạnh, đổi mới giáo dục phổ thông hướng đến nâng cao chất lượng học của học sinh; đổi mới lần này là “toàn diện” vì đổi mới từ mục tiêu giáo dục phổ thông đến phương pháp giáo dục, đánh giá là “căn bản” vì yêu cầu mức độ cao hơn về chất lượng của sản phẩm giáo dục, đó là sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, chứ không dừng lại ở trang bị kiến thức.

Công cuộc đổi mới này lường trước là sẽ rất khó khăn và cần thời gian. Không chỉ cộng đồng khoa học mà cả cộng đồng xã hội đều thừa nhận và gắn trách nhiệm: Chất lượng dạy (dạy “chữ” và dạy “người”) của người giáo viên sẽ quyết định chất lượng học của học sinh.

Theo đó, năng lực nghề của người giáo viên quyết định thành công của đổi mới giáo dục phổ thông. Và nếu thực tế diễn ra theo chiều ngược lại thì phải chăng lỗi là do năng lực của giáo viên?

Áp lực của nghề giáo là đương nhiên! ảnh 2Một học sinh đến trường, 6 người giám sát giáo viên

Yêu cầu về năng lực nghề đối với giáo viên hiện nay không chỉ bó hẹp trong năng lực dạy học; giáo viên không chỉ là người dạy học mà còn đảm nhiệm nhiều chức năng hơn như: Nhà giáo dục, Nhà văn hóa – xã hội, người nghiên cứu và người học suốt đời.

Tiến sĩ Trần Bá Trình cho rằng, yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông đã và đang đặt ra vấn đề cấp thiết đối với giáo viên trong thích ứng và phát triển năng lực nghề nghiệp. Việc chậm thích ứng và đổi mới của giáo viên (vì các nguyên nhân chủ quan và khách quan) sẽ tạo ra áp lực và áp lực này sẽ ngày càng tăng dần nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời.

Nhìn từ góc độ phát triển nghề nghiệp, người giáo viên được đào tạo nghề từ các trường sư phạm; sau đó trải qua quá trình thích ứng nghề nghiệp trong những năm đầu công tác; trở thành giáo viên có kinh nghiệm (với mô hình và chương trình giáo dục phổ thông hiện hành).

Trong cả sự nghiệp, người giáo viên sẽ trải qua một vài lần đổi mới lớn của ngành giáo dục mang tính định kì và nhiều đổi mới thường xuyên ở quy mô nhỏ hơn. Nếu thích ứng tốt và đổi mới kịp thời thì một bộ phận giáo viên sẽ trở thành cán bộ giáo dục cốt cán, dẫn dắt sự đổi mới liên tục và định kì của giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Từ những dẫn chứng đã nêu, Tiến sĩ Trần Bá Trình cho rằng, đào tạo nghề ban đầu ở trường sư phạm cần rất chú trọng vào phát triển tiềm năng, năng lực phát triển nghề suốt đời và giá trị nghề cốt lõi.

Đây có thể là giải pháp căn cơ, lâu dài cho vấn đề áp lực đối với mỗi giáo viên trước các yêu cầu đổi mới, sẽ càng diễn ra thường xuyên và ở mức độ cao hơn trong sự nghiệp giáo dục của bản thân. 

Hơn nữa, phát triển nghề nghiệp diễn ra trong suốt quá trình lao động sư phạm của giáo viên ở trường phổ thông và người giáo viên sẽ gặp áp lực thường xuyên do khoảng cách giữa năng lực nghề hiện tại và yêu cầu mới về năng lực nghề của đổi mới giáo dục. 

Ngoài tiếp cận tích cực trước áp lực và sự tự vận động của giáo viên thì vấn đề bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cần tiến hành một cách thiết thực, hiệu quả như là một giải pháp then chốt, cấp thiết trước các áp lực đổi mới đặt đặt lên vai người giáo viên. 

Trong đó, chú trọng tăng cường năng lực và sự tham gia của các trường sư phạm trong bồi dưỡng giáo viên, qua đó nâng cao năng lực giáo viên đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Thùy Linh