Bàn về văn hóa vỗ tay

21/03/2015 07:40
QUỐC THƯỜNG
(GDVN) - Hành động vỗ tay thì thật giản đơn, nhưng hãy suy nghĩ cho thấu đáo trước khi vỗ tay; vỗ tay ở đâu, khi nào, vỗ như thế nào là thích hợp ...

LTS: Quý bạn đọc đang đọc bài báo của thầy giáo Trần Quốc Thường, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Biểu, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Mỗi chúng ta, chắc chắn đều nhiều lần vỗ tay, nhưng để hiểu và có "vỗ tay đúng lúc" không phải đơn giản. Bằng kinh nghiệm của mình, thầy Thường đã nêu lên vấn đề văn hóa vỗ tay. Và, dù là góc nhìn của riêng ông, nhưng cũng khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Thử nhìn xem các cuộc biểu diễn  văn nghệ, hội nghị, nếu có người nước ngoài, cho dù họ chưa hiểu về tiếng Việt, văn hóa nghệ thuật của nước nhà nhưng cái vỗ tay của họ thật chân thành và đúng mực.

Còn thực trạng chuyện vỗ tay của chúng ta thì sao?

Hiện nay tệ văn mẫu thời học sinh đã lan sang Diễn văn mẫu khi tổ chức hội nghị. Chẳng hạn đoạn Diễn văn mẫu này ở đâu cũng có: Tới dự hôm nay chúng tôi trân trọng giới thiệu đồng chí… (dừng) vỗ tay. Lời đầu tiên cho phép tôi thay mặt…, xin nhiệt liệt chào mừng…(dừng) vỗ tay.  Xin trân trọng cảm ơn…. Xin gửi lời chúc sức khỏe đến đống chí… (dừng) vỗ tay. Cho nên mọi người dự hội nghị đã thành lệ, hệ thấy một khoảng trống không có âm thanh là lại đồng loạt… vỗ tay.

Chính phủ ra hẳn một nghị định chế tài rằng trong hội nghị chỉ cần “kính thưa” một bác “to” nhất. Thế nhưng nhiều năm qua, kể từ khi cái nghị định ấy ra đời, phần kính thưa tại hội nghị, hội thảo, tổng kết vẫn hơi bị dài. 

Bàn về văn hóa vỗ tay ảnh 1Gia đình thần thánh và “tứ gia đồng đường”

(GDVN) - Gia đình từ chỗ là một tế bào xã hội đã dần dần trở thành “Gia đình thần thánh” theo nghĩa nó nằm trên cả luật pháp và đạo lý.

Sau mỗi lần giới thiệu, khổ chủ đứng lên, ngoái xuống, người giơ tay vẫy, vái, kẻ gật đầu chào. Dĩ nhiên sau màn đứng lên thụp xuống đáp lễ gượng gạo ấy lại là…vỗ tay. 

Khổ nhất cho mấy vị có chức vụ be bé cũng được giới thiệu, thường là sau cùng, vì thế chỉ được lộp độp vài ba tiếng vỗ tay rời rạc, nghe rất thảm.

Gần đây nhiều ca sỹ, có hạng hẳn hoi, khi hát, một tay họ vỗ vào micro ngỏ ý xin được mọi người vỗ tay cùng hoặc chỉ trỏ bốn phương, tám hướng xuống khán giả để tìm fan hưởng ứng,  rốt cuộc cũng chỉ để  xin một tràng pháo tay cho xôm trò mà thôi. 

Rồi các MC từ tổ chức sự kiện lớn lao, hoành tráng  đến tổ chức đám cưới, cũng  xin quý vị và mọi người một tràng vỗ tay có được không ạ,…

Không phải chỉ có giải trí mới xin vỗ tay mà trong một số cuộc họp, hội nghị, khi lãnh đạo hoặc người dẫn chương trình muốn “xin ý kiến hội nghị” thì việc vỗ tay ở ta còn biểu thị thái độ đồng ý, đồng tình. 

Nhiều cuộc họp lấy “ biểu quyết” đơn giản chỉ là “Nếu hội nghị  đồng ý xin mọi người cho  một tràng vỗ tay”. Như vậy cái vỗ tay còn đại diện cho tính dân chủ, thống nhất, công khai và đoàn kết cao độ.

Nhiều đại biểu đứng trên lễ đài, sân khấu khi phát biểu xong đã gương mẫu tự vỗ tay, tự tán thưởng mình trước, và như để  bắt nhịp nhắc khán giả đừng quên mất cái … vỗ tay!

Có nhiều lần tôi chứng kiến sau lời phát biểu của diễn giả, hay xem xong một tiết mục văn nghệ, không chỉ người bị cụt tay mà nhiều người còn lành lặn nhưng họ chỉ góp phần “ âm thanh” qua việc dùng một tay vỗ vào đầu gối hoặc mặt bàn. 

Có kẻ lại lấy ngay bút viết gõ lên mặt bàn hoặc cuốn sổ tay để thay cho vỗ tay.

Nhớ lần cùng mấy người bạn mua vé xem biễu diến nghệ thuật, sau tiết mục của một SAO ca nhạc, mọi người võ tay râm ran, cậu bạn tôi khoanh tay im lặng. 

Nghe tôi hỏi vì sao cậu không vỗ tay tán thưởng ca sĩ? Cậu ta tỉnh bơ nói: Vỗ tay được tính trong giá vé cả rồi đấy.

Một số vụ án, khi quan tòa truyên án, bị can tái mặt, rụng rời chân tay, nhiều kẻ ngất xỉu trong lúc tiếng vỗ tay nổi lên râm ran của mọi người.

Trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, khi tòa tuyên phạt Nghĩa án tử hình, một loạt tiếng vỗ tay trong hội trường vang lên. 

Tiếng vỗ tay ấy tán dương cho quyết định đúng đắn của hội đồng xét xử về cái giá mà kẻ tử tù phải nhận? Hay đơn giản chỉ là tiếng vỗ tay một cách vô thức của những người có mặt tại phiên tòa? 

Dù mang ý nghĩa gì đi nữa thì vỗ tay trước cái chết của một con người, phải chăng là một hành động thiếu nhân đạo?

Khi vỗ tay “nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, các vị khách quý” trong một chương trình, một buổi lễ, một cuộc họp,…là đúng. 

Nhưng ngay cả khi đại biểu, khách quý đến muộn cũng vỗ tay mới vô lối và khó hiểu. Vỗ tay chào đón như thế khác nào đồng ý với sự tùy tiện, sai giờ giấc của cấp trên? 

Việc đặt ra nội quy đi học đúng giờ đối với học sinh, sinh viên, đi làm đúng giờ với công nhân, viên chức còn có ý nghĩa gì khi sự chậm trễ của “các vị khách quý” lại luôn được vỗ tay tán dương..

Bàn về văn hóa vỗ tay ảnh 2Nghịch lý Tiền - Quyền

(GDVN) - Tiền và quyền vốn là đôi bạn đồng hành từ thủa loài người sáng tạo ra tiền, ngay từ khi ra đời, Tiền và Quyền đã tạo nên “Cặp đôi hoàn hảo” ...

Nhà văn Trần Nhương đã hài hước đánh giá về chuyện vỗ tay ở  Đại hội VIII Hội nhà văn Việt Nam là:“Đại hội có nhiều tiếng vỗ tay nhất. Có tới 90% tham luận được vỗ tay mời xuống. Điều đó chứng tỏ nhà văn chúng ta rất chịu khó tập thể dục nên chi trên khỏe mạnh”

Như vậy cái vỗ tay còn có ý nghĩa khác đó là sự “phản đối, triệu hồi”.

Nghĩ cũng lạ, ở ta, cái nơi cần vỗ tay đúng chỗ đúng lúc thì được tự do; trong khi ở một không gian khác, rất cần sự thoải mái, tự do khoáng đạt thì lại chỉnh tề đến khắt khe. 

Tôi đang nói tới tiếng vỗ tay ở chương trình “Chúng tôi là chiến sỹ” trên VTV, ở đó mang màu sắc quân đội, nghiêm cẩn như duyệt binh. Đúng nhịp và đều tăm tắp như thế chắc chắn phải tuân thủ chương trình của đạo diễn, quy định của Ban tổ chức.

Có lần xảy ra chuyện “vỗ tay trong tang tóc” của tang chủ mới trớ trêu làm sao. 

Đó là lần nhạc sỹ Nguyễn Nam ra đi. Các nghệ sỹ bày tỏ lòng tiếc nhớ Nguyễn Nam bằng cách đồng thanh hát. Kết thúc cách hát độc đáo đó là một tràng vỗ tay vô duyên hết mức. Cả hai hành vi này đã tước đoạt mọi cảm xúc thương tiếc cần có của một sự kiện chia buồn trong tang lễ.

Các nghệ sĩ đến hát và … vỗ tay tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Nam)
Các nghệ sĩ đến hát và … vỗ tay tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Nam)

Trong một chương trình thi hát cổ nhạc trên HTV9, NSƯT Bạch Tuyết trước khi vào phần nhận xét thí sinh, đã xin khán giả đôi phút để bày tỏ sự tiếc thương đạo diễn Trần Kiên, vừa qua đời vì một tai nạn giao thông trên đường đi quay chương trình, mà Bạch Tuyết cũng có mặt trên chuyến xe đó. 

Nói xong, nữ nghệ sĩ cúi đầu trầm mặc. Đúng lúc đó, tiếng vỗ tay lại rào rào nổi lên. Máy quay cận cảnh, khán giả xem đài thấy rõ cái nhíu mày bực bội của Bạch Tuyết.

Có thể những khán giả dự phần trong hai chương trình trên vỗ tay như một phản xạ thường tình khi xem chương trình: MC giới thiệu ca sĩ, vỗ tay; ca sĩ chào khán giả, vỗ tay; ca sĩ hát xong, chẳng cần biết hay dở, vỗ tay

Những tiếng vỗ tay dần dà thành vô cảm một cách chuyên nghiệp. Giá như cái phản xạ tự nhiên đó có được sự kiểm soát cần thiết, để mỗi người biết vỗ đúng lúc và im lặng đúng lúc.

Nhớ lại có lần  cơ quan nọ có nhân viên mới đến, lãnh đạo giới thiệu thành viên mới, và ông ta cũng “đề nghị mọi người vỗ tay chào đón” cả cơ quan vỗ tay, nhưng âm thanh vỗ tay ấy nhỏ hơn tiếng vỗ tay khi chủ tịch công đoàn tuyên bố trưa nay mời tất cả anh em cùng ra nhà hàng X khai trương mùa thịt chó.

Thật là có muôn vẻ, đủ cung bậc của cái vỗ tay.

Khi sinh ra mới tập đi, ta được nghe, thấy ông bà, cha mẹ, các anh chị vỗ tay cổ vũ  bước đi  chập chững của  mình.

Khi lớn lên  xem biểu diễn nghệ thuật, tham dự nhiều  hội nghị, …. ta đều thực hiện động tác vỗ tay. 

Hành động vỗ tay thì thật giản đơn,  nhưng hãy suy nghĩ cho thấu đáo trước khi vỗ tay; vỗ tay ở đâu, khi nào, vỗ như thế nào là thích hợp thì chẳng dễ chút nào. 

Đã đến lúc, người Việt Nam chúng ta cần học vỗ tay sao cho lịch lãm, có văn hóa.

QUỐC THƯỜNG