Bangladesh trang bị tàu hộ vệ Trung Quốc từng chiếm đá Gạc Ma của Việt Nam

29/01/2015 09:14
Việt Dũng
(GDVN) - Tàu hộ vệ Othman được cải tạo từ tàu Tương Đàm 556 Type 053H1 từng tham gia vụ cướp đá Gạc Ma của Việt Nam do giới bành trướng Trung Quốc tiến hành.
Tàu hộ vệ Tương Đàm số hiệu 556 Type 053H1 thuộc Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc từng tham gia vụ cướp đá Gạc Ma của Việt Nam do giới bành trướng Bắc Kinh tiến hành vào năm 1988
Tàu hộ vệ Tương Đàm số hiệu 556 Type 053H1 thuộc Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc từng tham gia vụ cướp đá Gạc Ma của Việt Nam do giới bành trướng Bắc Kinh tiến hành vào năm 1988

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 27 tháng 1 năm 2015 có bài viết cho rằng, sau khi độc lập vào năm 1972, Bangladesh tìm cách độc lập tự chủ trong xây dựng quốc phòng. Trên hướng biển, Bangladesh có không gian phát triển rất lớn.

Bangladesh là quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương, nguồn lợi thủy sản phong phú, nhu cầu phòng thủ biển gần, tuần tra bán quân sự rất lớn. Đi ra biển sâu một chút là tuyến đường hàng hải chủ yếu của Ấn Độ Dương và kết nối Âu-Á.

Do đã thấy được tầm quan trọng của biển, Bangladesh từ thập niên 1990 đã tập trung kinh phí quốc phòng cho lực lượng trên biển.

Tuy nhiên, Bangladesh là một nước nghèo, nền tảng kinh tế yếu, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lượng mưa quá dư thừa, sản xuất nông nghiệp không dễ dàng, đến nay Bangladesh vẫn là một trong những nước nhập khẩu lương thực chủ yếu trên thế giới.

Vấn đề chi tiêu quân sự luôn là trở ngại chính chi phối phát triển Hải quân Bangladesh. Năm 2009, Bangladesh tuyên bố sẽ tiến hành đổi mới lớn về trang bị hải quân, nhưng cuối cùng chi phí mua sắm trang bị vài năm tới chỉ 1,9 tỷ USD.

Rõ ràng, đây là khoản chi bạo tay, bởi vì GDP của Bangladesh năm 2013 chỉ có 140 tỷ USD, số tiền ngân sách quốc phòng hàng năm (bao gồm mua sắm trang bị, tiền lương cho binh sĩ, huấn luyện diễn tập của 3 quân chủng hải, lục, không quân) không vượt quá 3 tỷ USD.

Hiện nay, Hải quân Bangladesh có tổng cộng 25.000 quân, khoảng 80 tàu chiến, như vậy quy mô quân số và số lượng tàu chiến là không nhỏ.

Nhưng, về chất lượng trang bị, kể từ khi thành lập vào ngày 10 tháng 12 năm 1971 đến nay, tàu lớn mà Hải quân Bangladesh mua sắm và nhận được viện trợ của nước ngoài đã trải qua hơn 40 năm hầu như được sử dụng cho tới nay.

Năm 1989, Trung Quốc đã bán tàu Tương Đàm 556 cho Hải quân Bangladesh, đổi tên là F18
Năm 1989, Trung Quốc đã bán tàu Tương Đàm 556 cho Hải quân Bangladesh, đổi tên là F18

Năm 2014, trang bị tàu chiến chính của Hải quân Bangladesh bao gồm: 7 tàu hộ vệ, 11 tàu tuần tra biển gần, 9 tàu tên lửa, 8 tàu săn ngầm, 11 tàu pháo cỡ nhỏ và 11 tàu đổ bộ. Trong 7 tàu hộ vệ có:

Một là, 2 tàu mua của Trung Quốc – được cải tạo từ tàu hộ vệ tên lửa Type 053H2 đã nghỉ hưu của Hải quân Trung Quốc, bàn giao năm 2014.

Tàu hộ vệ tên lửa Type 053H2 được phương Tây gọi là lớp Giang Hồ II, vũ khí chủ yếu là pháo 100 mm và tên lửa chống hạm, việc cải tạo tàu này chủ yếu là dỡ bỏ một số thiết bị điện tử và thông tin, không dỡ bỏ vũ khí.

Hai là, 2 tàu tuần tra cũ do Anh chế tạo, những năm gần đây được cải tạo hiện đại hóa và gọi là tàu hộ vệ hạng nhẹ.

Ba là, 1 tàu hộ vệ tên lửa Type 053H1, tiền thân của tàu này là tàu Tương Đàm số hiệu 556, tàu này từng tham gia chiến tranh xâm lược đá Gạc Ma (của Việt Nam) do Trung Quốc tiến hành vào năm 1988 (có tin cho là đã bắn chìm tàu vận tải HQ605 của Việt Nam), sau khi nghỉ hưu Trung Quốc đã bán cho Bangladesh (năm 1989), được đặt tên là Othman (F18).

Báo Trung Quốc gọi con tàu từng tham gia chiến tranh xâm lược đá Gạc Ma gây bao đau thương và cướp mất một phần lãnh thổ của Việt Nam này là có “chiến công hiển hách”, nhưng theo bài báo, tính năng của tàu này tương đối lạc hậu, bởi vì khi chế tạo thì công nghệ của Trung Quốc đang ở giai đoạn thử nghiệm, do đó, tỷ lệ sự cố tương đối cao.

Bangladesh đã trang bị tên lửa chống hạm C-802 cho tàu này, để hỏa lực của nó đạt trình độ của tàu Type 053H3.

Tàu hộ vệ Othman F18 Hải quân Bangladesh
Tàu hộ vệ Othman F18 Hải quân Bangladesh

Bốn là, 1 chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton cũ của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, sau khi Mỹ cho nó nghỉ hưu đã bán cho Bangladesh, từ đó gọi là tàu hộ vệ. Tàu này tuy cũ kỹ, nhưng lượng giãn nước đầy gần 4.000 tấn, là tàu chiến đấu có trọng tải lớn nhất của Hải quân Bangladesh hiện nay. Tàu này tuy cũ nhưng trọng tải lớn, lại dùng tua bin chạy ga, tốc độ khá cao, vẫn có giá trị nhất định đối với Hải quân Bangladesh.

Năm là, 1 tàu hộ vệ Banga Bandhu do Hàn Quốc chế tạo, tàu này là tàu hộ vệ lớp 2.300 tấn do Saudi Arabia cho vay 130 triệu USD để công ty Daewoo Hàn Quốc chế tạo cho Banglesh vào đầu năm 1999, nhằm cảm ơn Bangladesh đã hỗ trợ về chính nghĩa cho thế giới Ả rập.

Tàu này năm 2002 phải nghỉ hưu vì chất lượng kém, sau đó lại được công ty Daewoo tu sửa, đến năm 2004 sử dụng trở lại. Tàu này lắp 2 loại tên lửa chống hạm (8 quả tên lửa chống hạm tầm gần và 4 quả tên lửa chống hạm tầm xa Italia), nhưng khi hạ thủy không lắp tên lửa phòng không.

Nhìn vào nguồn gốc của tàu hộ vệ, đặc điểm lớn nhất trong trang bị của Hải quân Bangladesh là chủng loại phức tạp, tính năng tương đối lạc hậu. Đây là do kinh phí của hải quân thiếu thốn. Nhiều tàu hộ vệ đều là tàu nghỉ hưu của nước khác, được Bangladesh mua lại với giá “hữu nghị”, rẻ mạt. Có 1 tàu hộ vệ lớp 2.000 tấn hoàn toàn mới, nhưng nếu không có sự trợ giúp của Saudi Arabia thì Bangladesh cũng không có khả năng chi trả.

Là một quốc gia có kinh phí hạn chế, kế hoạch đổi mới tàu chiến với tổng kinh phí 1,9 tỷ USD do Bangladesh đưa ra 5 năm trước đã là “chương trình lớn” chưa từng có. Trung tâm của kế hoạch này là mua 4 - 6 tàu hộ vệ mới để thay thế vài tàu hộ vệ cũ với chủng loại phức tạp. Trung Quốc cuối cùng đã giành được đơn đặt hàng tàu hộ vệ - một chương trình mua sắm vũ khí lớn nhất của Hải quân Bangladesh, trị giá hợp đồng gần 1 tỷ USD. Thời gian xác định đơn đặt hàng này vào năm 2010.

Tàu hộ vệ Ưng Đàm số hiệu 531 Type 053 của Hải quân Trung Quốc cũng từng cùng với tàu Tương Đàm 556 ăn cướp đá Gạc Ma của Việt Nam
Tàu hộ vệ Ưng Đàm số hiệu 531 Type 053 của Hải quân Trung Quốc cũng từng cùng với tàu Tương Đàm 556 ăn cướp đá Gạc Ma của Việt Nam

Ngày 21 tháng 6 năm 2010, hãng tin Reuters Anh dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Bangladesh cho biết, Hải quân Bangladesh có kế hoạch “mở rộng hợp tác lĩnh vực quốc phòng với Trung Quốc”, trong khuôn khổ đồng thuận tăng cường hợp tác do cấp cao hai bên đạt được vào tháng 3 năm 2010, Bangladesh và Trung Quốc ký kết hợp đồng, giai đoạn thứ nhất mua 2 tàu hộ vệ của Trung Quốc.

Sau đó, thông tin đã được xác nhận, tổng số hợp đồng mua tàu hộ vệ hạng nhẹ là 6 chiếc, trong đó 2 chiếc đầu do Trung Quốc chế tạo, 4 chiếc sau do Trung Quốc cung cấp bộ kiện hệ thống quan trọng, lắp ráp chế tạo tại nhà máy đóng tàu của Bangladesh.

Khi truyền thông vừa tiết lộ hợp đồng, dư luận cho rằng, loại tàu hộ vệ hạng nhẹ này là tàu lớp nghìn tấn được thiết kế cho xuất khẩu, bởi vì, chiếc đầu tiên của tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 do Hải quân Trung Quốc sử dụng vào năm 2012 mới hạ thủy, vào năm 2010 truyền thông còn chưa có bất cứ thông tin gì về việc Hải quân Trung Quốc chế tạo hàng loạt tàu hộ vệ hạng nhẹ. Nhưng, sau khi tàu Type 056 và tàu hộ vệ của Bangladesh đều xuất hiện, hai loại này trông rất giống nhau, thực ra cùng một cấp độ.

Không những vậy, tàu hộ vệ hạng nhẹ của Bangladesh là hợp đồng được ký vào năm 2010, có nghĩa là, tàu hộ vệ Type 056 hầu như được đồng thời thiết kế, định hình với tàu hộ vệ hạng nhẹ của Bangladesh. Tức là dòng Type 056 ngay từ lúc ban đầu thiết kế đã có phiên bản xuất khẩu.

Máy bay chiến đấu J-7 Không quân Bangladesh mua của Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-7 Không quân Bangladesh mua của Trung Quốc

Ngoài đơn đặt hàng 6 tàu hộ vệ hạng nhẹ, trong kế hoạch đổi mới tàu chiến hải quân của Bangladesh, Trung Quốc còn nhận được đơn đặt hàng cải tạo tên lửa chống hạm hạng nhẹ, tên lửa chống hạm C-704 được tiến hành cải tạo hiện đại hóa cho tàu tuần tra cũ của Bangladesh. Đồng thời, tên lửa chống hạm tầm trung và xa C-802/803 ngoài trang bị cho tàu hộ vệ Type 056 của Bangladesh, còn có thể dùng cho tàu chiến mặt nước hạng trung khác hiện có của Hải quân Bangladesh.

Trên phương diện máy bay tuần tra trên biển, máy bay trực thăng, radar, hệ thống điện tử, Trung Quốc cũng đã ký kết nhiều hợp đồng hoặc bản ghi nhớ với Bangladesh. Báo Trung Quốc cho rằng, lấy Type 056 làm cơ sở, tàu chiến và hệ thống tác chiến của Trung Quốc đã xâm nhập thành công thị trường Bangladesh...

Bangladesh mặc dù là một quốc gia nghèo tài nguyên khoáng sản, nhưng nước này cũng có một số tài nguyên chiến lược quan trọng trên biển. Như trữ lượng khí đốt ở biển gần của Bangladesh không tồi, trữ lượng khí đốt đã công bố là 311,39 tỷ m3, ngoài dùng ở trong nước, Bangladesh còn xuất khẩu số lượng nhỏ. Cộng với lợi ích nghề cá ở biển gần, tăng cường sức mạnh trên biển là một chính sách quốc gia hợp lý của Bangladesh.

Đối với Bangladesh, mua sắm tàu hộ vệ Trung Quốc sẽ tăng cường thực lực hải quân, bảo vệ tài nguyên biển vịnh Bengal. Năm 2008, Myanmar bắt đầu thăm dò mỏ khí đốt thềm lục địa ở khu vực có tranh chấp lãnh thổ với Bangladesh, vì vậy hai nước đã xảy ra xung đột.

Tàu tuần tra cỡ lớn do Trung Quốc chế tạo cho Bangladesh
Tàu tuần tra cỡ lớn do Trung Quốc chế tạo cho Bangladesh

Bangladesh lập tức triển khai lực lượng hải quân đến khu vực tranh chấp, do tàu chiến Myanmar triển khai còn ít, cộng với cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại đối với cuộc xung đột này, tiến hành hòa giải, Myanmar đã nhanh chóng tuyên bố tạm dừng thăm dò, Bangladesh cũng đã rút tàu chiến về, sự việc này có thể thấy được tầm quan trọng của hải quân đối với nước này.

Hiện nay, tàu chỉ huy của Bangladesh là tàu hộ vệ Banga Bandhu. Tàu này tuy do Hàn Quốc chế tạo, nhưng trình độ chế tạo tàu chiến của Hàn Quốc năm 1999 hoàn toàn không như hiện nay, không hoàn hảo về kinh nghiệm thiết kế và công nghệ chế tạo. Hơn nữa trên tàu thiếu hệ thống thông tin và chỉ huy tự động hóa, khả năng cải tạo cũng không lớn. Là tàu chỉ huy của hải quân một nước, tàu Banga Bandhu không đạt tiêu chuẩn.

Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc: Tàu hộ vệ Type 056 do Trung Quốc chế tạo có tính năng tổng hợp tốt hơn. Hỏa lực của tàu này không mạnh như Banga Bandhu, nhưng có không gian để cải thiện tiêu chuẩn ăn ở cho thủy thủ, tăng cường khả năng chạy liên tục, hệ thống vũ khí trên boong đơn giản hóa cũng đã làm giảm trọng tâm của tàu hộ vệ Type 056, làm cho nó có khả năng thích ứng tốt.

Trên phương diện hệ thống thông tin và chỉ huy, được lợi từ hệ thống thông tin vệ tinh đa năng tiên tiến và liên kết dữ liệu không gian-mặt đất, tàu hộ vệ Type 056 có tương đối nhiều kênh chỉ huy, nếu Trung Quốc chia sẻ công nghệ thì đây là một bước nhảy lớn về công nghệ đối với Hải quân Bangladesh.

Về vũ khí, tàu hộ vệ Type 056 phiên bản xuất khẩu trang bị tên lửa hạm đối không phòng thủ điểm tầm gần FL-3000N. Tên lửa này mặc dù có tầm bắn gần nhất trong hệ thống tên lửa hạm đối không của Hải quân Trung Quốc, nhưng đối với Bangladesh, lại là tên lửa hạm đối không tiên tiến nhất của hải quân nước này.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina ngồi lên máy bay huấn luyện/chiến đấu K-8W, Trung Quốc chế tạo cho Bangladesh
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina ngồi lên máy bay huấn luyện/chiến đấu K-8W, Trung Quốc chế tạo cho Bangladesh

Ngoài tên lửa FL-3000N, tất cả những vũ khí, hệ thống khác của tàu hộ vệ Type 056 đều đã sử dụng loại hoàn thiện đã được trang bị hàng loạt, chi phí khá thấp, năng lực tác chiến tổng hợp lại rất tốt. Radar tàu này gọn nhẹ nhưng có hiệu quả, các loại bộ cảm biến có năng lực dò tìm, nhận biết và tiêu diệt các mục tiêu mặt nước, trên không và trên bờ, trong tương lai sẽ trở thành tàu chiến mặt nước tiên tiến nhất của Hải quân Bangladesh, tàu "Độc lập" cũng rất có thể trở thành tàu chỉ huy mới của Hải quân Bangladesh.

Cùng với việc tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 do Bangladesh chế tạo, tự lắp ráp liên tục đi vào hoạt động, xuất phát từ tiết kiệm kinh phí, kiểm soát tổng chi tiêu hải quân, tàu hộ vệ trang bị trước đó của Hải quân Bangladesh có thể sẽ lần lượt nghỉ hưu. Đến lúc đó, Hải quân Bangladesh sẽ biên chế phần lớn vũ khí trang bị do Trung Quốc sản xuất, kể cả lực lượng hàng không như máy bay tuần tra trên biển và máy bay trực thăng – báo Trung Quốc ra sức tô vẽ cho vũ khí trang bị xuất khẩu của họ.

Việt Dũng