Bánh mỳ, bơ và nền dân chủ

25/11/2017 14:38
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc là làm thế nào mà tân Tổng thống có thể mang được nhiều bánh mì và bơ đến cho người dân.

Hãng tin CNN hôm 24/11 đưa tin, ông Emmerson Mnangagwa đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Zimbabwe vào chiều tối cùng ngày, tại sân vận động quốc gia Harare, chính thức chấm dứt 37 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Robert Mugabe - người đã từ chức hôm 21/11.

Ông Mnangagwa sẽ đứng trên cương vị lãnh đạo cao nhất Zimbabwe cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống của nước này vào tháng 8 năm sau, mà ông cũng sẽ là một trong những ứng viên tranh cử chức Tổng thống vào thời điểm đó.

Khung cảnh buổi lễ tuyên thệ của nhậm chức của ông Mnangagwa (Ảnh: Guardian)
Khung cảnh buổi lễ tuyên thệ của nhậm chức của ông Mnangagwa (Ảnh: Guardian)

Phát biểu tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Mnangagwa đã thề sẽ trung thành với đất nước và nhân dân Zimbabwe, thực hiện nghiêm hiến pháp và pháp luật để đưa đất nước Zimbabwe nhanh chóng ổn định và phát triển.

Với tư cách là Tổng thống của Zimbabwe, tôi xin thề sẽ trung thành với đất nước và nhân dân.

Tôi cam kết sẽ tuân thủ, duy trì và bảo vệ hiến pháp cũng như tất cả các luật lệ khác của Zimbabwe để đảm bảo cho một nền dân chủ và sự phát triển của đất nước”, ông Mnangagwa nói. [1]

Chứng kiến thời khắc lịch sử của đất nước Zimbabwe trong ngày ông Mnangagwa nhậm chức có các nhà lãnh đạo một số nước châu Phi, các quan chức trong chính phủ Zimbabwe và hàng chục ngàn người dân ủng hộ ông đứng chật kín Sân vận động Thể thao quốc gia ở Thủ đô Harare.

Nhiều người dân đã mang theo ảnh của ông Mnangagwa và hô vang các khẩu hiệu thể hiện sự ủng hộ của mình đối với vị Tổng thống mới của đất nước.

Ông Mnangagwa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Zimbabwe, ảnh: AP.
Ông Mnangagwa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Zimbabwe, ảnh: AP.

Tân Tổng thống Zimbabwe năm nay 75 tuổi, từng giữ chức vụ Phó Tổng thống dưới thời ông Mugabe trước khi bị sa thải hôm 6/11 và phải rời khỏi đất nước để đảm bảo an toàn tính mạng.

Sau chính biến quân sự và trước sức ép khủng khiếp của người dân, ông Mugabe buộc phải từ chức hôm 21/11 và ông Mnangagwa đã trở về đất nước một ngày sau đó.

Ngay sau khi đặt chân xuống Thủ đô Harare, ông Mnangagwa đã cảm ơn người dân vì sự ủng hộ của họ đối với ông, đồng thời kêu gọi về một sự đoàn kết để đưa đất nước Zimbabwe bước vào một “kỷ nguyên mới”.

Hôm nay chúng ta đang chứng kiến ​​một sự mới mẻ của nền dân chủ ở đất nước này.

Tôi kêu gọi tất cả những người Zimbabwe chân chính, yêu nước hãy cùng nhau đoàn kết để xây dựng đất nước phát triển phồn thịnh”, ông Mnangagwa nói. [2]

Tổng thống Mnangagwa đang thể hiện quyết tâm rất cao nhằm làm hồi sinh đất nước trong sự kỳ vọng rất lớn của hầu hết người dân, nhưng ông cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức khổng lồ cả về kinh tế, chính trị và xã hội.

Hiện tại, các phương tiện truyền thông Zimbabwe đang tràn ngập những bài viết phản ánh những “việc cần làm và không nên làm” để hy vọng chính phủ mới có thể tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ cho đất nước.

Người dân Zimbabwe mang theo những tấm hình của vị tân Tổng thống để thể hiện sự ủng hộ đối với ông (Ảnh: CNN)
Người dân Zimbabwe mang theo những tấm hình của vị tân Tổng thống để thể hiện sự ủng hộ đối với ông (Ảnh: CNN)

Thậm chí, nhiều người dân còn viết thư ngỏ gửi đến vị tân Tổng thống của họ để khẩn cầu ông hãy phục vụ người dân tốt hơn vị Tổng thống tiền nhiệm để cho người dân bớt khổ đau và bất hạnh.

Trong khi những người khác lại gửi gắm những lời nhắn nhủ của mình qua các phóng viên báo chí với hy vọng cũng sẽ mang được tiếng nói của họ đến với vị Tổng thống mới của đất nước.

Anh Martin Zengeni, kỹ sư cơ khí làm việc tại Harare nói với các phóng viên Tân Hoa Xã rằng:

"Chúng tôi không quan tâm đến các đòi hỏi của đảng đối lập về một cuộc bầu cử dân chủ gì đó.

Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc là làm thế nào mà tân Tổng thống có thể mang được nhiều bánh mì và bơ đến cho người dân".

Anh Zengeni còn nói thêm, ông Mnangagwa cần phải cắt giảm các chi tiêu không cần thiết trong chính phủ cũng như hạn chế các chuyến du lịch nước ngoài để tiết kiệm ngân sách và ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng công chức nhằm phục vụ cho người dân tốt hơn.

Điều quan trọng nhất là ông Mnangagwa nên tiết kiệm ngân sách bằng cách hạn chế các chi tiêu trong chính phủ và cắt giảm số chuyến đi nước ngoài, vì đây là một sự lãng phí các nguồn lực của nhà nước.

Chúng tôi cũng cần ông ấy tiến hành tinh giản bộ máy sao cho nhỏ gọn và hiệu quả hơn để sẵn sàng phục vụ người dân tốt hơn.

Đồng thời nên chấm dứt tình trạng chỉ định đưa những người thân của các quan chức vào các cơ quan công quyền”, anh Zengeni nói.

Đề cập đến vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài cũng như tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, một người dân có tên Peter Chengeta nói rằng:

Ông Mnangagwa sẽ có ít nhất một năm để chứng minh giá trị của mình và do đó nên đưa ra các chính sách kinh tế thân thiện hơn với nhà đầu tư, đề cao dân chủ và tạo ra bầu không khí hòa hợp trong cộng đồng.

Chúng ta hãy hướng tới một thời kỳ mới, mà trong đó ông Mnangagwa không chỉ cần phải tạo ra sự ổn định và đồng thuận trong xã hội, mà còn phải giải quyết triệt để các vấn đề yếu kém về chính sách kinh tế đã tồn tại từ lâu trong quá khứ nhằm thu hút đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế phát triển”, ông Chengeta nói.

Tổng thống Zimbabwe Mnangagwa và phu nhân tuyên thệ nhậm chức (Ảnh: Guardian)
Tổng thống Zimbabwe Mnangagwa và phu nhân tuyên thệ nhậm chức (Ảnh: Guardian)

Trong khi đó, nhiều người lại đưa ra những đòi hỏi đối với chính phủ mới là cần phải cải thiện chất lượng các dịch vụ y tế cũng như tạo ra nhiều việc làm cho người dân, nhất là sinh viên mới ra trường.

Ông Amos Muduva, 61 tuổi, nói rằng, chính phủ nên giảm bớt các vấn đề đang tồn tại ở các cơ sở y tế, nơi bệnh nhân không được điều trị theo yêu cầu vì thiếu nguồn lực.

Bạn đi đến các phòng khám hoặc bệnh viện nhưng bạn không nhận được đủ các loại thuốc theo yêu cầu do bác sĩ kê toa, và khi bạn đến các hiệu thuốc tư nhân, bạn nhận ra rằng bạn cũng không thể mua được thuốc, bởi vậy, các bệnh viện cần phải được nâng cấp kịp thời”, ông Muduva nói.

Ông Muduva nói thêm:

Đối với vấn đề việc làm, chúng tôi muốn thấy những sinh viên tốt nghiệp đại học kiếm được công việc thực sự, chứ không phải chờ đợi vào những lời hứa suông”. [3]

Ngoài những ý kiến đề xuất chính sách và thể hiện những kỳ vọng của người dân đối với vị tân Tổng thống Mnangagwa, vẫn có những người lại tỏ ra hoài nghi về một tương lai tươi sáng của Zimbabwe.

Một người dân có tên Tendai Lesayo cầm trên tay một lá cờ Zimbabwe nhỏ, đứng bên ngoài sân vận động chia sẻ với phóng viên tờ The Guardian với tâm trạng đầy trăn trở và hoài nghi rằng:

Tôi cũng đến đây để chào mừng cho một khởi đầu mới của đất nước, nhưng tôi nhận thấy phía trước, cuộc sống vẫn còn đầy rẫy những khó khăn mà không dễ gì vượt qua ngay được”.

Cũng cùng tâm trạng tương tự, một người có tên Amon Mutora nói:

Ngay bây giờ, không có gì đã thực sự thay đổi đối với tôi. Tôi vẫn không thể rút được tiền mà tôi đã gửi vào ngân hàng từ nhiều năm nay”. [4]

Trong khi đó, giới học giả lại lần tìm về quá khứ của ông Mnangagwa để đưa ra những nhận định về những khó khăn mà ông sẽ phải đối mặt liên quan đến vấn đề đoàn kết dân tộc và nhân quyền.

Nhà hoạt động xã hội Marshall Shonhai cho rằng, ​​quá khứ của ông Mnangagwa liên quan đến các vụ thảm sát hơn 20.000 người ở Matabeleland mà chủ yếu là dân thường vào những năm 1980, trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các phe cánh, sẽ là một “di sản” đau đớn mà không thể nào xóa nhòa được và nó có thể tác động tiêu cực đến ông ấy.

Chúng ta cần phải đối đầu với vấn đề của Matabeleland để chúng ta cố gắng có thể chữa lành vết thương đó.

Vì vậy, cần phải thành lập một ủy ban hòa giải để chúng ta có thể giải quyết vấn đề này, bởi những người dân ở miền nam Zimbabwe vẫn đang bị tổn thương trong hơn 30 năm qua”, ông Shonhai nói.

Ông Dewa Mahvinga, nhà phân tích chính trị của tổ chức Human Rights Watch ở Nam Phi cũng tỏ ra thận trọng khi cho rằng:

Thật khó để biết làm thế nào có thể tiến xa hơn trong việc tôn trọng nhân quyền bởi những ám ảnh lịch sử, vì vậy, Zimbabwe vẫn đang có nguy cơ nghiêm trọng về dân chủ theo hiến pháp.

Đồng hành với những suy nghĩ đó, ông Morgan Tsvangiriai, lãnh đạo đảng đối lập MDC-T chia sẻ:

Tôi biết Mnangawa và tính cách của ông ấy, bởi vậy, ông ấy cần phải làm việc cật lực để thay đổi những suy nghĩ không hay về quá khứ của ông ấy.

Khi đó, ông ấy mới có thể xác định được tương lai lâu dài của đất nước, cũng như xác định được tương lai của chính ông ấy như là một người dân chủ và là một nhà cải cách.

Cố nhiên, tôi vẫn còn nghi ngờ”. [5]

Zimbabwe đã có một vị Tổng thống mới và hầu hết những người dân của đất nước này đang tin tưởng và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước của họ.

Mặc dù hiện tại, vẫn còn nhiều người tỏ ra quan ngại về một sự đổi thay của đất nước Zimbabwe mà chủ yếu liên quan đến quá khứ những năm 1980 của vị tân Tổng thống, bởi điều đó có thể sẽ có tác động tới vấn đề đoàn kết dân tộc - một yếu tố nền tảng cho sự hồi sinh của đất nước này.

Tuy nhiên, với quyết tâm rất cao mà ông Mnangagwa đã thể hiện cả trước và trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, cùng những bài học kinh nghiệm của cả thành công và thất bại mà người tiền nhiệm để lại chắc chắn sẽ giúp ông Mnangagwa rất nhiều.

Để ông có thể tự tin và đứng vững trước những thách thức khổng lồ trên mọi phương diện của đất nước, từ đó từng bước đưa Zimbabwe đứng dậy và tiến vào một “kỷ nguyên mới” không còn đói nghèo và đau khổ.

Tài liệu tham khảo:

[1] CNN/ Zimbabwe's 'Crocodile' Emmerson Mnangagwa sworn in as new leader.

[2] Xinhua News/ Spotlight: Zimbabwe embraces new president, int'l community urges stability.

[3] Xinhua News/ Highlights: High expectations Mnangagwa hold the position Mugabe defender Zimbabwe.

[4] The Guardian/ Emmerson Mnangagwa sworn in as Zimbabwe's president.

[5] The Guardian/ Emmerson Mnangagwa: The ‘Crocodile’ taking power in Zimbabwe.

PHẠM DOÃN TÌNH