Bắt cô giáo quỳ gối là có dấu hiệu của tội Làm nhục người khác

06/03/2018 08:17
Hưng Long
(GDVN) - Luật sư Hồ Nguyên Lễ phân tích về hành vi bắt phạt cô giáo quỳ là có dấu hiệu của tội “Làm nhục người khác” và cần phải nghiêm trị.

Ngày 06/03, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh xung quanh vụ việc phụ huynh bắt phạt cô giáo quỳ xảy ra tại trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Luật sư Lễ đánh giá, ông bà có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”...

Luật sư Hồ Nguyên Lễ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Luật sư Hồ Nguyên Lễ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thời trước, vẫn có chuyện việc thầy cô phạt học trò bằng cách bắt quỳ hoặc đánh bằng roi là bình thường. Bởi, phụ huynh đã giao việc dạy dỗ học trò cho thầy cô thì phải tôn trọng thầy cô dạy dỗ con em mình. Học trò có hư hỏng thì thầy cô mới răn đe.

Luật sư Lễ nói, còn bây giờ, con cái được cha mẹ cưng chiều nhiều nên mới có chuyện nghe lời con mà có những phụ huynh hàng động không đúng với thầy cô như báo chí đã phản ánh.

Về mặt đạo đức là chưa phải, muốn con hay chữ mà không “yêu lấy thầy” thì ai dạy dỗ con mình?

Về mặt pháp luật đã qui định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Môi trường giáo dục là tất cả các điều kiện về vật chất và tinh thần có ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, học tập, rèn luyện và phát triển của người học.

Môi trường giáo dục an toàn là môi trường giáo dục mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần. Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe.

Không được có hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ nhấn mạnh, cần phải phòng và chống bạo lực học đường. Đối với hành vi cô giáo phạt quỳ gối thì theo qui định pháp luật hiện nay là không được áp dụng vì có dấu hiệu có hành vi gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học.

Ngay cả trong giới giáo viên cũng có người phản đối hành vi phạt học trò quỳ gối ở lớp. Nếu phát hiện học sinh vi phạm nội quy thì thầy cô cần thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình người học để phối hợp có hưởng xử lý kịp thời và nhân văn.

Luật sư Lễ phân tích, hành động ứng xử của nhóm phụ huynh trên là vượt giới hạn quyền của cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh của Luật giáo dục.

Hành động của phụ huynh vào trường tìm gặp để làm áp lực bắt cô giáo phải quỳ gối trước nhiều người là có dấu hiệu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. 

Trường Tiểu học Bình Chánh. (Ảnh: H.L)
Trường Tiểu học Bình Chánh. (Ảnh: H.L)

Đây là hành vi cấu thành tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng, phải xây dựng, công khai và thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục có sự tham gia của người học.

Đó là nền tản để các giáo viên áp dụng trong quá trình dạy học. Khi xảy ra sự cố, có sự phản ánh của phụ huynh thì Hiệu trưởng là người đứng ra giải quyết đảm bảo hài hòa giữa các bên. 

Bắt cô giáo quỳ gối là có dấu hiệu của tội Làm nhục người khác ảnh 3

Cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ, huyện họp khẩn 

Điều đáng tiếc, hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Chánh đã không giải quyết đến nơi đến chốn, nửa chừng đã bỏ đi, bỏ mặt giáo viên giữa vòng vây áp lực của phụ huynh. Từ đó, cô giáo phải xuống nước bằng cách quỳ gối trước mặt phụ huynh, gây nên sự bất bình trong giáo viên, phụ huynh và dư luận.

Ban giám hiệu nhà trường cũng có phần trách nhiệm khi để xảy ra việc đáng tiếc nêu trên.

Luật sư Lễ khẳng định, để xảy ra vụ việc như trên đều có lỗi các bên. Học trò vi phạm nội qui, cô giáo xử phạt vượt quá qui định, nhà trường xử lý tình huống kém, phụ huynh ứng xử vượt giới hạn quyền của cha mẹ học sinh.

Đây là nguyên nhân “cốt lõi” để dẫn đến hậu quả môi trường giáo dục không tốt.

Hưng Long