Bắt giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề, ông Lê Quán Tần muốn gì đây?

13/01/2019 07:20
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Những tấm bằng thạc sĩ, đại học, cao đẳng sư phạm đã đủ cơ sở là chứng chỉ hành nghề của nhà giáo rồi.

Trước khi trở thành giáo viên đứng lớp, những sinh viên sư phạm đã hoàn thành chương trình đào tạo ở các trường sư phạm theo đúng quy định pháp luật hiện hành và được cấp bằng tốt nghiệp.

Điều này đã đáp ứng "yếu tố cần" để hành nghề làm giáo viên. Khi được tuyển dụng thành viên chức ngành giáo dục thì hàng năm giáo viên được đánh giá, xếp loại với rất nhiều loại công cụ khác nhau.

Ngoài ra, giáo viên còn phải bồi dưỡng thường xuyên, phải tập huấn chuyên môn.

Vậy nhưng, khi theo dõi những diễn biến của ngành giáo dục vừa qua, chúng tôi thấy có nhiều những “đề xuất lạ” đối với giáo viên- những đề xuất ấy càng tạo thêm áp lực cho người thầy mà xem chừng đang vi phạm các quy định pháp luật hiện hành đối với nhà giáo hiện nay.

Mới đây, có ý kiến đề xuất là giáo viên Trung học phổ thông phải có bằng thạc sĩ nên đã có nhiều ý kiến không đồng tình bởi thực tế nó chẳng thiết thực mà vô tình đẩy giáo viên vào việc chạy theo bằng cấp.

Yêu cầu giáo viên cần có chứng chỉ hành nghề chỉ làm tăng thêm áp lực cho giáo viên ( Ảnh minh họa: TTXVN)
Yêu cầu giáo viên cần có chứng chỉ hành nghề chỉ làm tăng thêm áp lực cho giáo viên ( Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngày 10/1 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị xin ý kiến về Chính sách nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lại thêm một “đề xuất lạ” nữa là yêu cầu giáo viên cần có chứng chỉ hành nghề của ông Lê Quán Tần, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học.

Theo ông Tần thì việc đào tạo giáo viên hiện nay đang có phần “thả nổi”.

Điều này dẫn đến một điều đau khổ là người học giỏi chưa chắc đã có việc làm, người kém thì vì một lý do nào đó vào ngồi chỗ đó. Dẫn đến ngành giáo dục, thầy không giỏi và trò thế nào thì chúng ta biết rồi”.

Chúng tôi không hiểu nổi với thực trạng đang diễn ra ở ngành giáo dục như vậy mà ông Tần lại quy trách nhiệm cho giáo viên được.

Việc đào tạo giáo viên bị “thả nổi” là do ai, “người học giỏi chưa chắc đã có việc làm, người kém thì vì một lý do nào đó vào ngồi chỗ đó” là do ai?

Bởi, trách nhiệm Bộ Giáo dục và lãnh đạo của các địa phương là đào tạo và tuyển dụng.

Như vậy, thay vì đề xuất là siết chặt đầu vào các trường sư phạm và hướng tới việc đào tạo thực chất, tuyển dụng người đúng năng lực cho ngành thì ông Tần lại đề xuất giáo viên cần có chứng chỉ hành nghề!

Trong khi, đào tạo sư phạm được làm công khai trong cả nước mà còn “thả nổi” thì những cái giấy thông hành ông Tần gọi là chứng chỉ hành nghề mà thực chất là những “giấy phép con” đó thì ai quản được?

Liệu nó không “thả nổi” chăng và ai dám chắc là không có tiêu cực trong việc cấp phép chứng chỉ hành nghề để giáo viên lại phải tốn thêm một mớ tiền để hợp thức hóa văn bằng, chứng chỉ như lâu nay mà Bộ đã và đang triển khai?

Ông Tần còn chia sẻ thêm: “Có một điều mà hiện luật giáo dục cũng chưa đề cập là có hay không có chứng chỉ hành nghề dạy học.

Ở Nhật Bản những người được đào tạo sư phạm để trở thành giáo viên tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, nhưng muốn đi dạy phải có chứng chỉ hành nghề sư phạm. Chứng chỉ này sẽ có hiệu lực trong vòng 10 năm”.

Tại sao nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học lại không so sánh giáo viên Việt Nam và giáo viên Nhật Bản về thu nhập, về những chính sách tuyển dụng, về những loại hồ sơ sổ sách, những hội thi mà lại đi so sánh chứng chỉ hành nghề nhỉ?

Việc ông Tần lấy ví dụ về một số vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo vừa qua để yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề là khiên cưỡng vô cùng, ông nói:

Giờ có những giáo viên tát học sinh đến nỗi phải vào bệnh viện. Khi có chứng chỉ hành nghề thì chỉ cần rút chứng chỉ vì vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo, chứ không phải cứ thực hiện hành vi xong rồi nói xin lỗi do nóng nảy hay còn thiếu kinh nghiệm.

Cái này như là một luật vô hình, phi văn bản về những tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo. Có như vậy thì mới chọn ra được những người có trách nhiệm với xã hội, không làm ẩu, làm theo ý mình mà bỏ qua nghề nghiệp”.

Không biết, ông nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học có để ý đến hệ thống văn bản pháp luật của giáo dục Việt Nam đang áp dụng cho giáo viên không?

 Bởi, nếu ông “để ý” sẽ thấy khi giáo viên vi phạm sẽ có Luật viên chức xử lý. Hàng năm khi xếp loại viên chức có Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ.

Xếp tay nghề giáo viên có Chuẩn giáo viên; chất lượng giảng dạy; phiếu dự giờ của Ban Giám hiệu, tổ chuyên môn.

Nếu giáo viên là đảng viên thì còn có phiếu đánh giá, nhận xét của chi bộ Đảng nữa.

Như vậy, các công cụ đánh giá, xét thi đua, kỷ luật giáo viên đều có những văn bản cụ thể.

Nếu mà giáo viên vi phạm mà rút giấy hành nghề thì vô tình lại vi phạm các văn bản pháp luật hiện hành hay sao?

Việc yêu cầu giáo viên có chứng chỉ hành nghề phải chăng là đang phủ nhận việc đào tạo của các trường sư phạm và khâu tuyển dụng ở các địa phương hay sao?

Bởi, hai khâu này là then chốt nhất khi công nhận việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên hành nghề.

Đặc biệt là khâu tuyển dụng giáo viên mấy năm gần đây được làm rất nhiều bước. Các thí sinh phải thi về lý thuyết, thực hành, phỏng vấn, nộp văn bằng, bảng điểm, chứng chỉ...

Vì thế, yêu cầu giáo viên có thêm chứng chỉ hành nghề để làm gì?

Những tấm bằng thạc sĩ, đại học, cao đẳng sư phạm đã đủ cơ sở là chứng chỉ hành nghề của nhà giáo rồi.

Chứng chỉ khác thì giáo viên chúng tôi có nhiều vô vàn như: chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, quốc phòng, giáo dục thể chất…

Còn nếu cần thêm chứng chỉ hành nghề thì hãy làm từ Hiệu trưởng các nhà trường lên đến lãnh đạo Bộ Giáo dục trước đã.

Vì thời gian qua, dư luận đã chứng kiến vô vàn những chuyện còn kinh khủng hơn những vi phạm nhỏ lẻ của giáo viên.

Dù vẫn biết rằng, những trường hợp vi phạm đạo đức của một số nhà giáo vừa qua cũng đã là hồi chuông cảnh báo về đạo đức của một bộ phận giáo viên nhưng những sự việc đó có lẽ nó chẳng liên quan và cần gì đến chứng chỉ hành nghề.

Những giáo viên vi phạm đã có hệ thống pháp luật xử lý kỷ luật, nếu vi phạm lớn có thể buộc thôi việc và truy tố trước pháp luật.

Chứng chỉ hành nghề chỉ là tờ giấy lộn vô nghĩa nếu giáo viên không thường xuyên cố gắng học hỏi, trau dồi phẩm chất đạo đức.

Việc cần làm đối với giáo viên phổ thông bây giờ là ngành giáo dục, các lãnh đạo địa phương tạo được môi trường làm việc dân chủ, lành mạnh, tuyển dụng công khai, minh bạch.

Có những chính sách cởi mở giúp giáo viên phát huy vai trò, vị thế và khả năng của mình để sáng tạo và cống hiến.

Việc đề xuất chứng chỉ hành nghề chỉ làm tăng thêm áp lực cho giáo viên, tạo nên những tiêu cực và chỉ làm lợi cho một số người, một số cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ mà nó cũng chẳng thay đổi được cả lượng và chất của giáo viên.

NGUYỄN CAO