Bình luận: Tam giác Mỹ-Trung-Nga sẽ định hình lại trật tự thế giới?

13/08/2015 13:39
Nguyễn Hường
(GDVN) - Cách duy nhất để Moscow giành được lợi thế từ mối quan hệ này là hy vọng rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông leo thang khiến Mỹ, Nhật...

Ngày 11/8 hai học giả Mỹ Mathew J. Burrows và Robert A. Manning bình luận trên Nikkei Asian Review cho rằng, việc Nga-Trung thắt chặt quan hệ trong thời gian gần đây đã đẩy nước Mỹ vào một tình huống bất lợi nhất, phá vỡ tam giác chiến lược đã giúp duy trì trật tự thế giới trong nhiều thập kỷ qua.

Hai chuyên gia này gọi việc tái lập quan hệ hiện nay giữa Nga và Trung Quốc là "cơn ác mộng Henry Kissinger", người cùng Tổng thống Richard Nixon trong năm 1971 đã chủ trương bắt tay với Bắc Kinh để chống lại Liên Xô. Động thái này đã góp phần vào việc tạo ra một tam giác chiến lược cho Mỹ khi Trung - Xô quay lưng chống lại nhau.

Căng thẳng giữa Nga-Mỹ đã tạo cơ hội cho Moscow và Bắc Kinh thay đổi trật tự thế giới theo hướng họ muốn?
Căng thẳng giữa Nga-Mỹ đã tạo cơ hội cho Moscow và Bắc Kinh thay đổi trật tự thế giới theo hướng họ muốn?

Tại thời điểm này tình hình đã thay đổi. Căng thẳng giữa Moscow và Washington đã đẩy Mỹ vào một tình huống tồi tệ, đưa hai cường quốc còn lại trong tam giác chiến lược xích lại gần nhau để chống lại nước Mỹ và tạo cho họ cơ hội thay đổi trật tự thế giới theo hướng họ muốn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng hiện nay, dù Bắc Kinh có thân với bên nào đi chăng nữa thì tình hình cũng có chút thay đổi. Thế chủ động đang được đặt trong tay Bắc Kinh chứ không phải là Moscow hay Washington. Trong bối cảnh hai con hổ Nga-Mỹ đấu nhau, Trung Quốc vượt lên trở thành "ngư ông đắc lợi".

Trong xu hướng tập trung vào sự khác biệt về lịch sử, chủng tộc và cạnh tranh địa chính trị, việc Nga-Trung thắt chặt quan hệ trên thực tế đem lại cho họ nhiều lợi ích hơn là thuật ngữ mà phương Tây hay dùng để mô tả là "một cuộc hôn nhân giả" hoặc bất cứ ai trong giới chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ thừa nhận.

Sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc đã được phản ánh trong cuộc thăm dò gần đây của Pew, trong đó 79% người Nga đánh giá tốt về Trung Quốc. Và trái với xu hướng toàn cầu với cái nhìn tiêu cực về Nga và Tổng thống Vladimir Putin, 51% người Trung Quốc được hỏi nói rằng họ yêu quý nước Nga và nhà lãnh đạo hiện nay của nó.

Cũng không phải ngẫu nhiên khi gần đây Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng chỉ trích Mỹ tăng cường quân sự ở châu Á và kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ-Nhật-Hàn. 

Hai cường quốc còn lại trong tam giác chiến lược xích lại gần nhau để chống lại nước Mỹ và tạo cho họ cơ hội thay đổi trật tự thế giới theo hướng họ muốn.
Hai cường quốc còn lại trong tam giác chiến lược xích lại gần nhau để chống lại nước Mỹ và tạo cho họ cơ hội thay đổi trật tự thế giới theo hướng họ muốn.

Những yếu tố gắn kết Nga với Trung Quốc bao gồm từ cả phương diện kinh tế và chính trị. Tương lai năng lượng của Trung Quốc nằm ở Nga và hàng nghìn tỷ USD giao dịch dầu khí với Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Nga đang bị khủng hoảng.

Bên cạnh đó, sự thắt chặt quan hệ Nga-Trung sẽ giúp cả hai củng cố vai trò chi phối trong trung tâm Á-Âu của mình thông qua các dự án "một con đường, một vành đai", các tổ chức hợp tác kinh tế như BRICS, cũng như củng cố ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các khu vực châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Khi xét tới sự tăng cường quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, hai nhà phân tích cũng không thể không lưu ý tới một số vấn đề rào cản, đặc biệt là những khác biệt về kinh tế, có thể phá vỡ mối quan hệ này.

Thứ nhất, trong khi Nga đang tìm cách lấy lại vị thế từ nền kinh tế toàn cầu như trước khi Liên Xô sụp đổ thì Trung Quốc lại đặt cược tương lai của mình vào nền kinh tế toàn cầu, tiến hành các cải cách hướng đến hình thành một nền kinh tế sáng tạo.

Hơn nữa Nga cũng không phải là đối tác kinh tế hàng đầu của Trung Quốc mà thay vào đó chính là Mỹ. Kim ngạch thương mại hàng năm hiện nay giữa Trung Quốc với Mỹ là 1,4 nghìn tỉ USD, trong khi với Nga chỉ chưa tới 1/10, 100 tỉ USD.

Thứ hai, Trung Quốc thấy không thoải mái với sự can thiệp của Nga tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nơi phong trào ly khai đang được khuyến khích, như ở Đông Ukraine. Bắc Kinh thường bị ám ảnh với vấn đề chủ quyền và có vẻ không ủng hộ nhiệt tình các động thái của Nga ở Ukraine.

Cho dù thế giới dịch chuyển theo hướng nào thì xu hướng toàn cầu hóa trật tự thế giới cũng vẫn phụ thuộc không hề nhỏ vào vai trò của nước Mỹ.
Cho dù thế giới dịch chuyển theo hướng nào thì xu hướng toàn cầu hóa trật tự thế giới cũng vẫn phụ thuộc không hề nhỏ vào vai trò của nước Mỹ. 

Trong khi đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm đi hiện nay ở Trung Quốc và giá dầu sụt mạnh, sức hấp dẫn của Nga như là một nhà cung cấp năng lượng đã giảm mạnh đối với Trung Quốc. Gần đây có những đồn đoán cho rằng Trung Quốc đang quay lưng lại với một thỏa thuận để xây dựng một đường ống thứ hai từ Siberia.

Nga vốn cũng không hài lòng với chính sách di dân tới vùng Viễn Đông của Trung Quốc. Hơn 100 triệu người Trung Quốc đã vượt biên giới sông Amur trái phép để sinh sống trong những năm qua. Trong khi đó, tại khu vực này, Nga chỉ có 7 triệu dân. Vấn đề này đã dấy lên các lo ngại ở Nga rằng có có thể là sơ sở cho Bắc Kinh đưa ra tuyên bố đòi chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này của Nga trong tương lai. 

Moscow đặc biệt cũng không hài lòng với những tuyên bố bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên cái gọi là "chủ quyền lịch sử" không có bất cứ cơ sở pháp lý nào của Bắc Kinh. Trong thực tế, Nga cũng đã từng bị nhà Minh của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở nhiều khu vực tại Viễn Đông trong thế kỷ 17 trên cơ sở tương tự.

Hai nhà phân tích cho rằng trong tình thế Nga đang cần Trung Quốc hơn Trung Quốc cần Nga, cách duy nhất để Moscow giành được lợi thế từ mối quan hệ này là hy vọng rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông leo thang khiến Mỹ, Nhật, và các đồng minh châu Á chống lại Bắc Kinh mạnh mẽ hơn nữa để từ đó đẩy Bắc Kinh vào vòng tay của mình. 

Những mâu thuẫn trên có thể khiến quan hệ Nga-Trung không thể bền chặt như một số tranh luận đã đưa ra? Nỗi sợ hãi lịch sử và cạnh tranh có giúp họ tái khẳng định được bản thân hay không? Có cơ hội nào để Mỹ tái tạo lại tam giác chiến lược Kissinger hay không? Để trả lời những câu hỏi này, hai nhà phân tích trên đã xem xét một số yếu tố liên quan tới khả năng của Mỹ.

Cho dù thế giới dịch chuyển theo hướng nào thì xu hướng toàn cầu hóa trật tự thế giới cũng vẫn phụ thuộc không hề nhỏ vào vai trò của nước Mỹ. Burrows và Manning thừa nhận rằng, vẫn chưa rõ liên minh này có thể dẫn Trung Quốc và Nga đi vào một thế giới lưỡng cực mới hoặc cho một trật tự thế giới cởi mở hơn hay không. 

Để tránh các tác động tiêu cực từ xu hướng này mang lại, Mỹ và Nhật Bản cần phải hành động nhanh chóng hơn, theo đuổi chủ nghĩa hiện thực thực dụng, từ bỏ những khuynh hướng đơn cực. Tất cả các ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ hiện nay nên hướng tới các giải pháp giúp Mỹ đối diện với một trật tự thế giới đang thay đổi và phân chia quyền lực mới thay vì những chỉ trích sáo rỗng.  

Mathew Burrows là Giám đốc Strategic Foresight Initiative của Hội đồng Đại Tây Dương. Ông từng có 28 năm làm việc tại CIA, Quốc hội Mỹ, Hội đồng tình báo quốc gia (NIC). Robert A. Manning là một thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương.

Nguyễn Hường