Bỏ kì thi tốt nghiệp là một thượng sách

16/05/2017 06:36
Thuận Phương
(GDVN) - Sau khi được chăm sóc từ A đến Z, các giám thị chỉ việc làm ngơ coi như mình không biết gì mọi việc tiếp theo để nhà trường sở tại tự lo hết.

LTS: Bàn về nội dung đánh giá học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trong Dự thảo chương trình tổng thể, cô giáo Thuận Phương chỉ ra việc có quá nhiều tiêu cực trong các kì thi tốt nghiệp từ trước đến nay.

Theo đó, tác giả cho rằng nếu không đảm bảo tính nghiêm túc, trung thực thì việc bỏ kì thi tốt nghiệp là một thượng sách.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được công bố thì thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được giao về cho các địa phương quản lý. 

Việc đánh giá định kỳ để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ do các cơ sở giáo dục thực hiện. 

Học sinh không phải trải qua kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như hiện nay mà hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được cơ sở giáo dục là các trường trung học phổ thông cấp bằng tốt nghiệp. 

Đã có không ít người e ngại “Thế cần gì phải nỗ lực phấn đấu học hành, thi thế có mà đậu hết à?

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại địa phương cần đảm bảo nghiêm túc. (Ảnh minh họa: Văn Lự)
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại địa phương cần đảm bảo nghiêm túc. (Ảnh minh họa: Văn Lự)

Trước đây, cấp tiểu học và trung học cơ sở cũng tổ chức thi tốt nghiệp.

Kì thi được tổ chức công phu như các trường đều thành lập Hội đồng coi thi, chấm thi, đề thi đưa từ Sở về bảo quản, đổi giáo viên từ nơi này đến nơi khác… thế nhưng kết quả cuối cùng hầu như trường nào cũng đậu 100% bởi học sinh được “trợ giúp” từ thầy cô của mình. 

Nhìn lại tỉ lệ tốt nghiệp tại các kỳ thi phổ thông trung học vài năm trở lại đây thường rất cao, nhiều địa phương con số này lên đến 98-99%. 

Có trường cả một kỳ thi với hàng trăm học sinh, tốn kém thời gian, tiền của rất lớn nhưng kết quả chỉ loại ra vài ba em là một điều quá lãng phí. 

Chưa nói đến, ở kì thi quốc gia này (trừ vài năm làm mạnh mẽ theo đúng tinh thần nói không với tiêu cực trong thi cử…) thì từ trước và hiện nay có quá nhiều những tiêu cực nảy sinh trong kỳ thi như việc thí sinh thì quay cóp tràn lan, phụ huynh thì đóng tiền “chống trượt” cho con, thầy cô dễ dãi, thậm chí có hiện tượng tiếp tay cho những hành vi tiêu cực.

Vô vàn cách gian lận

Bỏ kì thi tốt nghiệp là một thượng sách ảnh 2

1001 kiểu quay cóp, gian lận trong thi cử của học sinh

Trước hết là màn đón tiếp giám thị coi thi, thanh tra một cách long trọng của các trường sở tại.

Ngoài việc bỏ phong bì số tiền nhiều gấp nhiều lần tiền bồi dưỡng coi thi như quy định. 

Nhà trường, hội phụ huynh còn tổ chức những cuộc liên hoan hoành tráng ở nhà hàng, rồi tăng 2 tăng 3 được “hân hạnh đón tiếp”. 

Sau khi được chăm sóc từ A đến Z, các giám thị chỉ việc làm ngơ coi như mình không biết gì mọi việc tiếp theo để nhà trường sở tại tự lo hết.

Nhà trường thường chuẩn bị rất chu đáo việc “tiếp sức” cho học sinh. Có hiệu trưởng trước ngày thi còn dặn dò “Không làm được cứ ngồi im đợi sẽ có bài vào”. 

Và bao giờ cũng thế, một số thầy cô dạy Toán, Lý, Hóa, Anh văn khối 12 được “ưu tiên” không phải coi thi để ở nhà làm nhiệm vụ giải đề giúp đỡ học sinh. 

Khi phát đề xong cho học sinh, khoảng 15-20 phút sau nhân viên phục vụ mang nước uống cho giám thị sẽ là người chuyển đề ra ngoài. 

Và chính người này cũng là người chuyển bài làm vào các phòng thi khi thời gian còn khoảng dăm chục phút.

Hoặc cũng có khi chính học sinh đem đề thi ra nhà vệ sinh và khi thầy cô giải đề xong có em lại đi ra lấy bài làm vào. 

Ngoài ra, trách nhiệm còn được giao cho những học sinh giỏi trong phòng việc giúp đỡ các bạn. 

Thi kiểu gì thì giám thị và thí sinh vẫn việc ai nấy làm

(GDVN) - Kỳ thi chặt chẽ và nghiêm túc, an toàn và đúng quy chế nhưng chỉ có một lỗi rất nhỏ, rất bình thường là thả rông, không kiểm soát kết quả.

Khi nghe thầy cô nói “Kì thi tốt nghiệp không giống kì thi đại học là có sự cạnh tranh nên các em có thể giúp đỡ cho bạn mà không sợ mất cơ hội của mình. 12 năm học nếu để bạn bị trượt cũng thật tội”, chẳng em nào làm được bài lại không hỗ trợ cho những bạn bên cạnh.

Nếu là môn thi học thuộc lòng như Sử, Địa… học sinh thường quay tài liệu và giáo viên coi thi có nhiệm vụ tảng lờ như không thấy.

Có giám thị còn nhiệt tình đứng canh thanh tra để cho học sinh trong phòng tự do giở tài liệu chép vào giấy thi. 

Với cách tổ chức thi như thế hỏi sao học sinh không đậu 100%? Nhiều giáo viên nói rằng “Chỉ những em không biết viết, biết đọc mới không đậu”. 

Thi mà không nghiêm túc thì việc bỏ kì thi tốt nghiệp sẽ là thượng sách. Bởi như thế sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước một khoản tiền không hề nhỏ. 

Thuận Phương