Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đồng bào tái mù chữ là có

13/08/2018 10:57
Đỗ Thơm
(GDVN) - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ lo lắng này từ câu hỏi chất vấn của đại biểu Đinh Thị Phương Lan.

Sáng nay, trong khuôn khổ phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu tiến hành chất vấn nội dung liên quan việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại đây, đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người được đặc biệt quan tâm trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cơ sở vật chất, giáo viên chưa đạt yêu cầu

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan – đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đặt câu hỏi, giáo dục dân tộc vùng thiểu số còn khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan. (Ảnh: Quochoi.vn)

“Qua đi giám sát, chúng tôi thấy điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên chưa đạt yêu cầu.

Tình trạng dồn ghép các điểm trường một cách cơ học ở một số nơi dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu chất lượng.

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số mù chữ vẫn đáng lo ngại, đặc biệt là chương trình giáo dục còn một số chưa phù hợp.

Chúng tôi lo chương trình mới sắp tới, với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ như thế thì sẽ rất khó khăn.

Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp”, đại biểu Phương Lan chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước hết chính sách giáo dục miền núi đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Thứ nhất là ưu tiên để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Thứ hai là ưu tiên đối với giáo viên và thứ 3 là các chính sách liên quan đến vấn đề chế độ đối với giáo viên, học sinh, người tham gia.

Thực tế đại biểu nêu có thể nói là diễn ra ở rất nhiều địa phương. Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm, Bộ đã tham mưu với Chính phủ có chính sách cấp tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non.

Đối với giáo viên dạy tích hợp liên môn được hỗ trợ trên 400 nghìn đồng/tháng.

Tuy nhiên với yêu cầu của phát triển giáo dục miền núi thì rất khó khăn.

Một là cơ sở vật chất, trang thiết bị, cho đến nay nhiều tỉnh miền núi như: Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum, tỷ lệ trường lớp kiên cố chưa được 50%, còn lại là bán tạm, nhiều trang thiết bị hầu như không có.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Vietnamnet)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Vietnamnet)

Đối với dạy tiếng dân tộc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, Bộ đã biên soạn 8 tiếng dân tộc cơ bản để giảng dạy, còn một số dân tộc rất ít người (dưới 1.000 người) Bộ đang tiếp tục nghiên cứu

Bộ trưởng cho biết, vừa rồi thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, một số địa phương có tình trạng dồn dịch các điểm trường một cách cơ học, dẫn đến tình trạng là một số cháu xa trường lớp có hiện tượng bỏ học.

Đây là vấn đề chúng tôi đã có ý kiến.

Về các giải pháp sắp tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu, trước hết là về mạng lưới cơ sở trường lớp, chúng tôi đã có hướng dẫn các địa phương.

Dù có tinh giảm các đầu mối nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện học – dạy cho thầy, trò và Chính phủ đã có quyết định vẫn đảm bảo giáo viên theo cơ số.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay một số tỉnh giáo viên cho mầm non rất ít. Số giáo viên mầm non biên chế cho 1 lớp ở nhiều tỉnh là rất khó khăn, trong 3 năm nay không có sự thay đổi ví dụ như Gia Lai.

“Chúng tôi cũng đã làm việc với Bộ Nội vụ để trong năm học tới phải kiên quyết bố trí giáo viên đủ để các lớp vận hành”, Bộ trưởng nói.

Về tỷ lệ mù chữ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Hiện tượng tái mù là có.

Hiện nay chúng tôi đang rà soát và dạy song ngữ với tiểu học và tăng cường dạy tiếng Việt, tiếng dân tộc.

Chúng tôi quan điểm rằng, đối với cấp 1, thì tiếng Việt cho đồng bào là phải tăng cường, khi các cháu nói tốt tiếng Việt thì sẽ hạn chế được việc bỏ học và tiếp cận được giáo dục tốt hơn”.

Liên quan đến chương trình, chúng tôi có chương trình song ngữ về tiếng Việt và tiếng dân tộc. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cấp sách giáo khoa cho vùng khó khăn.

Đối với biên soạn chương trình, chúng tôi có chương trình giáo dục địa phương, trong đó đặc biệt vấn đề dân tộc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, những vấn đề đại biểu nêu phản ánh đúng thực trạng của miền núi.

Chúng tôi cũng có các giải pháp. Gần đây nhất, chúng tôi làm việc với Văn phòng chính phủ để kiến nghị Chính phủ xem xét phê duyệt đề án kiên cố hóa trường lớp để thực hiện chương trinh mầm non và phổ thông khi áp dụng chương trình mới.

Đặc biệt là nội dung chương trình này là phục vụ cho vùng khó khăn.

Dự án được đề nghị mấy năm nay, các Bộ đang có ý kiến.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đồng bào tái mù chữ là có ảnh 3Hôm nay, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ trả lời chất vấn

Chúng tôi cũng xin được làm việc sâu thêm với Bộ tài chính để làm sao dự án sớm được thông qua, để đủ điều kiện thực hiện trường lớp kiên cố, nước sạch vệ sinh cho các trường này.

Cử tuyển chưa gắn với đầu ra

Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rõ thêm về vấn đề sáp nhập, xê dịch trường có ảnh hưởng đến vấn đề học tập của học sinh. Bộ trưởng nói thêm về vấn đề cử tuyển đối với đồng bào dân tộc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, vấn đề dịch chuyển hiện nay do đặc điểm của vùng dân tộc ít người, các điểm lẻ phân bổ rải rác, định biên giáo viên/lớp và số lớp/trường rất ít.

Chúng tôi cũng đã có hướng dẫn các tỉnh dồn các điểm lẻ thành điểm chính, đảm bảo cho các cháu. Đặc biệt các trường tiểu học gần nhà tránh trường hợp dồn xa.

Đặc biệt chúng tôi khuyến khích các trường Phổ thông Dân tộc nội trú có hiệu quả và theo hướng không chỉ học sinh nội trú dân tộc mà cả học sinh không phải dân tộc có thể sống chung trong ký túc xá để có thể chia sẻ lẫn nhau.

Như vậy sự hội nhập giữa học sinh dân tộc thiểu số với các học sinh khác sẽ tốt hơn.

Rồi vấn đề liên quan đến việc sắp xếp những trường bán trú, các điểm trường chúng tôi cũng đang hướng dẫn các địa phương.

Về chính sách cử tuyển, Bộ trưởng nhận định, một thời gian, đặc biệt là những năm 2006, 2007 đến 2014 thì phát huy rất cao.

Các địa phương ở khu vực Tây bắc, Tây nam Bộ, Tây nguyên đã cử được những người rất tốt đi học.

Nhưng gần đây, chính sách cử tuyển không phát huy hiệu quả. Học sinh học xong không bố trí được việc làm.

Có nhiều nguyên nhân mà chúng tôi đã khảo sát.

Thứ nhất, người cử đi chưa trúng. Thứ hai chất lượng học cử tuyển của học sinh chưa cao.

Đặc biệt việc cử đi với việc sử dụng không khớp với nhau dẫn đến khi về không có việc theo như kế hoạch.

Do vậy, chúng tôi phối hợp với Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến rà soát lại để tư vấn, tham mưu với Chính phủ, các địa phương là phải cử nhưng người thực sự gắn với nhu cầu đầu ra.

Chúng tôi cũng nghiên cứu mô hình như trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Bắc, có thể liên tỉnh, 3-4 tỉnh mới có trường thật tốt để những người ấy ra trường sẽ là những hạt giống cho các địa phương.

Đề nghị Bộ trưởng cam kết với tính chân thực của tỷ lệ mù chữ

Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Đinh Thị Phương Lan tranh luận, đề nghị Bộ trưởng nói rõ thêm.

Đại biểu Phương Lan cho biết: “Tôi chia sẻ với Bộ trưởng. Tuy nhiên, tôi đề nghị Bộ trưởng có những chỉ đạo.

Thứ nhất tôi đề nghị Bộ trưởng cam kết với tính chân thực của tỷ lệ mù chữ. Theo báo cáo chính thống của Bộ hiện tại là trên 90% người dân biết chữ.

Nhưng theo thống kê điều tra chính thức của Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là trên 21% người dân ở độ tuổi 15 đến 60 không biết chữ. Riêng nội dung này Bộ phải rà soát lại.

Nội dung thứ hai là về sách giáo khoa. Tôi rất lo là trong điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trình độ học vấn của các em không đồng đều, bộ sách mới áp vào vùng như thế, tôi cũng chưa thấy Bộ nói.

Đặc biệt nguồn lực cơ sở vật chất còn hạn chế. Giai đoạn trước đầu tư còn thiếu. Tôi cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính trao đổi”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình: “Đúng là về tỷ lệ mù chữ, cách đây 8 năm số lượng chúng tôi thống kê là như vậy.

Cách đây 3 năm, chúng tôi có khảo sát sơ bộ, tỷ lệ tái mù là gia tăng. Chúng tôi đang phải rà soát lại để có giải pháp”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đồng bào tái mù chữ là có ảnh 4Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học

Về sách giáo khoa, Bộ trưởng nhấn mạnh, điều kiện thực hiện chương trình mới không chỉ với đồng bào dân tộc mà đối với rất nhiều địa phương khi thay đổi chương trình từ tiếp cận kiến thức sang phát triển năng lực, giải pháp thực hiện cần sự đồng bộ về giáo viên, cơ sở vật chất.

Bộ trưởng nói: “Đúng là đối với các tỉnh miền núi khó khăn hơn rất nhiều.

Chúng tôi đã có tính toán để có chương trình hỗ trợ.

Như chương trình 22, chương trình về sách giáo khoa địa phương. Một mặt sách giáo khoa phổ thông có 80% kiến thức cơ bản, 20% chương trình địa phương. Mặt khác, chúng tôi cũng biên soạn tài liệu phù hợp với các khu vực dân tộc.

Đây là vấn đề khó, chúng tôi cũng đang rà soát. Điều kiện tiếp cận giáo dục của giáo viên, học sinh miền núi có khăn khăn. Chúng tôi ghi nhận ý kiến này và tiếp tục làm sao khả thi hơn”.

Về nguồn lực, Bộ trưởng cho biết sẽ làm việc với các bộ liên quan như Bộ Tài chính như việc kiên cố hóa trường lớp để các cháu đảm bảo điều kiện học tập.

Đỗ Thơm