Brexit: Nước Anh không sốc sao chúng ta phải sốc?

25/06/2016 07:12
Ngọc Việt
(GDVN) - Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào bởi Brexit thì có lẽ phải hàng năm nữa mới có thể nhận diện kết quả.

Ngày 24/6, hầu hết truyền thông quốc tế đã đưa tin về kết quả chính thức cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 ở nước Anh, theo đó phe ủng hộ phương án rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã giành chiến thắng.

Như vậy là cuộc chia tay giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra, dù lãnh đạo EU và chính phủ Anh đã làm hết sức mình để ngăn chặn việc chia tách ấy, nhưng hoàn toàn bất lực. 

Theo Bnews thì có hơn 17 triệu phiếu (tương đương 51,9%) ủng hộ Brexit, đủ để đảm bảo chiến thắng của phe này trong cuộc trưng cầu dân ý và những người ủng hộ Brexit đã ăn mừng trước khi kết quả được công bố.

Trong khi đó, chỉ có khoảng 15,86 triệu phiếu phản đối Brexit (tương đương 48,1%) và nước Anh đã chính thức rời ngôi nhà chung EU sau 43 năm với bao sóng gió. Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã lên tiếng tuyên bố sẽ rời chức vụ của mình.

Như vậy, Brexit đã trở thành hiện thực, bản đồ của EU sẽ phải vẽ lại với việc thu hẹp diện tích, giảm dân số và đặc biệt là vị thế của EU sẽ thay đổi rất lớn trong bộ ba “10.000 tỷ USD”, đó là Hoa Kỳ - EU - Trung Quốc.

Điều ấy là một sự tất yếu khi EU mất đi một thành viên quan trọng hàng đầu như nước Anh. Khi Brexit trở thành một sự kiện chấn động thế giới thì sự tác động tiêu cực của nó đối với thế giới cũng không nhỏ, nhất là với nền kinh tế toàn cầu.

Brexit có thể bị khai thác bởi những hành động té nước theo mưa, gây thiệt hại cho nhiều thực thể kinh tế – chinh trị, nhiều nhà đầu tư và người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Metro.co.uk
Brexit có thể bị khai thác bởi những hành động té nước theo mưa, gây thiệt hại cho nhiều thực thể kinh tế – chinh trị, nhiều nhà đầu tư và người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Metro.co.uk

Tuy nhiên, sự nguy hại nhất mà Brexit gây ra đó chính là những hành động té nước theo mưa, trầm trọng hoá Brexit, từ đó giúp cho những nhà đầu cơ cơ hội như George Soros hay Ruperd Murdoch làm gia tăng giá trị tài khoản thông qua việc làm teo tóp tài khoản, bốc hơi tài sản của nhiều thực thể kinh tế, nhiều nhà đầu tư và cả người dân ở hầu khắp các nước trên thế giới.

Vì vậy, nhận diện nguy cơ và phòng tránh là việc hết sức cần thiết thời hậu Brexit.

Thế giới sốc, nhưng kinh tế Anh không sốc

Người viết cho rằng không có cú sốc cho kinh tế nước Anh bởi chấn động của hiệu ứng Brexit. Kinh tế nước Anh cũng sẽ không rơi vào khủng hoảng hay trì trệ thời hậu Brexit.

Có thể thấy rằng, việc người dân nước Anh chọn không tham gia vào eurozone, mà giữ đồng bảng làm phương tiện thanh toán của mình khiến cho nền kinh tế xứ sở sương mù như có hàng rào bảo hộ, nên có thể hạn chế tới mức thấp nhất một cú sốc trên thị trường tài chính nước này.

Không biết có phải khi chọn không gia nhập eurozone là người Anh đã nghĩ tới ngày sẽ diễn ra Brexit hay không, nhưng rõ ràng đây là điều đầu tiên nhất khiến cho những người ủng hộ Brexit yên tâm với lựa chọn của mình.

Bởi lẽ nó sẽ không gây nên hiệu ứng mua dây buộc mình với cuộc sống của người Anh thời hậu Brexit. Cho dù là thành viên “lâu đời” của EU nhưng mối dây liên hệ Anh quốc – EU luôn mỏng manh, thậm chí còn không bền chặt bằng những gương mặt mới.

Nếu kinh tế nước Anh nằm trong eurozone thì có thể thấy rằng việc người dân xứ Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len chọn Brexit sẽ bị hạn chế rất nhiều. Chỉ riêng việc cho ra đời đồng tiền mới hay sử dụng lại đồng tiền cũ cũng khiến cho nền kinh tế nước này bất ổn đến mức nào.

Đặc biệt, việc đưa đồng nội tệ của mình hoà vào thị trường tiền tệ quốc tế cũng khiến cho kinh tế nước Anh phải gánh rất nhiều thiệt hại.

Khi thị trường tài chính èo uột, thị trường chứng khoán sẽ chao đảo thì hàng loạt những trụ cột của nền kinh tế sẽ nghiêng ngả, từ thị trường bất động sản đến thị trường hàng tiêu dùng sẽ ngập tràn trong những cơn sóng dữ.

Từ sản xuất hàng hoá đến thương mại, dịch vụ sẽ thiếu động lực, thiếu sức hấp dẫn. Cả nguy cơ lạm phát lẫn giảm phát đều chực chờ, nền kinh tế rơi vào trì trệ, đình trệ và kéo theo là thua lỗ, phá sản.  

Tuy nhiên, có thể thấy rằng kinh tế nước Anh đã gần như tránh được những ảnh hưởng dây chuyền ấy.

Cả hai cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây là Khủng hoàng tài chính Châu Á năm 1997 và Khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 đều có nguyên nhân là tỷ lê nợ công của các quốc gia khởi phát khủng hoảng hay chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng rất lớn.

Với nước Anh thì ngọn nguồn cho sự khởi phát một cuộc khủng hoảng kinh tế được nhận diện là không tồn tại. Nợ công của nước Anh không quá cao, khả năng chịu đựng của đồng bảng Anh đã tốt hơn rất nhiều trước cơn bão tài chính kiểu như cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1992.

Theo Economist thì nợ công của nước Anh chỉ khoảng 87,19%/GDP và theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới 2016 (WEF) thì nước Anh không nằm trong số 17 quốc gia có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới. 

Bên cạnh đó, việc đồng bảng Anh là 1 trong 5 đồng tiền phổ biến trong rổ tiền tệ của hệ thống thanh toán quốc tế khiến cho kinh tế Anh chỉ cần củng cố vị thế của mình khi độc lập với EU.

Brexit: Nước Anh không sốc sao chúng ta phải sốc? ảnh 2

EU nín thở trước giờ G, người Anh kiểu gì cũng hưởng lợi

(GDVN) - Nền tảng của sự gắn kết đã đến lúc cần phải được gia cố lại, mà nguyên tắc bất di bất dịch là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc không thể bị nhạt nhoà.

Nước Anh không cần phải tạo vị thế cho nền tài chính của mình trong thị trường tài chính toàn cầu, mà sự khắc khoải lại thuộc về người Trung Quốc. Bắc Kinh chờ đợi khả năng quốc tế hoá đồng nhân tệ đã cho thấy sự bất lợi kèm theo khó khăn bởi điều đó lớn như thế nào. 

Mặt khác, việc nước Anh có nhiều sự độc lập với EU trong quan hệ với các thực thể kinh tế - chính trị thế giới, với những định chề tài chính – kinh tế quốc tế được nhận diện như một sự chuẩn bị cho việc độc lập của mình.

Nước Anh có lợi ích riêng trong quan hệ với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nền tài chính nước Anh gần như miễn nhiễm với tác động của ECB – Ngân hàng Trung ương Châu Âu vì không nằm trong eurozone.

Nền tài chính nước Anh không bị ảnh hưởng quá lớn bởi tác động của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF vốn được xem là công cụ của riêng EU, khi nước Anh nhường sự chi phối cho nước Pháp.

Sự liên kết giữa nền tài chính nước Anh với nền tài chính nước Đức – nền kinh tế đầu tàu của EU, sau khi ra khỏi Cơ chế Tiền tệ Châu Âu (EMS), sau cuộc khủng hoảng 1992 cùng tất cả những điều nói trên khiến cho nền kinh tế Anh quốc chịu thiệt hại ở mức thấp nhất bởi Brexit.

EU đã có đủ những yếu tố cần thiết có thể làm giảm thiệt hại bởi hiệu ứng Brexit

Brexit diễn ra đồng nghĩa với EU nhỏ hơn, yếu đi và chắc chắn đối mặt với nhiều bất ổn bởi hiệu ứng Brexit gây ra, mà nguy cơ có thể sẽ có những “Brexit” trong tương lai.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì không có dấu hiệu nào cho thấy một sự hỗn loạn sẽ diễn ra trong liên minh kinh tế lớn nhất thế giới này. Bởi lẽ, nước Anh vốn đã có những động thái độc lập khiến Brexit đã giảm đi phần nào những hiệu ứng tiêu cực của nó với EU.

Mặt khác, nguyên nhân của Brexit vốn đã thành hình nên chắc chắn EC, EP đã có những liệu pháp dành cho nó để có thể sớm chữa lành vết thương Brexit và tạo ra một diện mạo mới cho EU thời hậu Brexit.

Cho dù mức độ chấn động của Brexit có lớn thế nào đi chăng nữa thì điếu đó cũng chỉ như việc cái ung nhọt vỡ mủ sau bao ngày mưng mủ mà thôi. Khi rút ngòi là lúc đau đớn nhất, nhưng khi đã lấy hết mủ rồi thì sự đau đớn giảm dần và một lớp da mới nhanh chóng xóa nhoà đi vết tích của cái ung nhọt ấy.

Ngay sau khi có kết quả là Brexit, thủ lĩnh đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) chủ trương phản đối EU, ông Nigel Farage đã phát biểu: “Việc nước Anh chọn rời khỏi EU sẽ tạo ra một diện mạo mới cho cộng đồng Châu Âu.

Đó là một Châu Âu của các quốc gia có chủ quyền, không có một lá cờ chung, không có một cơ quan điều hành chung, không có những nhà lãnh đạo chung mà không phải do người dân bầu ra”, VTV ngày 24/6 dẫn lời. 

Cũng nên nhắc lại rằng, năm 1953, cố Thủ tướng Anh Winston Churchill đã tuyên bố: "Chúng tôi đồng hành với Châu Âu, nhưng không phải là một phần của nó. Chúng tôi có mối liên hệ với Châu Âu, nhưng không phải bị hòa vào nó”.

20 năm sau lời tuyên bố ấy, nước Anh mới gia nhập EU một cách đầy do dự và sau 43 năm sóng gió, "cuộc hôn nhân gượng ép" đã chính thức kết thúc khi Brexit 2016 diễn ra.

Như vậy là hai tuyên bố cách nhau 63 năm của hai lãnh đạo nước Anh cho thấy vấn đề cốt lõi nhất đảm bảo cho EU có thể trường tồn là vấn đề chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc không thể nhạt nhoà, hoà quyện trong cơ chế liên minh.

Và điều đó cho thấy, nước Anh vốn luôn như là một cô gái đỏng đảnh trước khi Brexit diễn ra, vì vậy, việc quốc gia này nằm trong EU có thể  giúp cho liên minh này lớn hơn, to hơn chứ chưa hẳn đã mạnh hơn.

Do vậy, việc tìm kiếm thành viên thay thế vị trí của nước Anh trong EU này trở nên dễ dàng hơn. Theo cá nhân người viết, Ba Lan là quốc gia phù hợp.

Dù tiềm lực kinh tế của Ba Lan chưa bằng 1/3 của nước Anh nếu xét về quy mô GDP, nhưng việc quốc gia này thay thế nước Anh hoàn toàn không khập khiễng.

Brexit: Nước Anh không sốc sao chúng ta phải sốc? ảnh 3

Putin có thể đưa nước Nga thoát khó khăn theo 3 dòng chảy

(GDVN) - Những quân cờ mới của Tổng thống Putin, trong đó đặc biệt là nhà kinh tế tài năng Kudrin hoàn toàn có thể giúp Putin đưa nước Nga khơi thông bế tắc.

Vị thế mới của Ban Lan trong EU sẽ khiến cho liên minh này có cơ hội cho một diện mạo mới, có thể khắc phục những vấn đề được xem là nguyên nhân Brexit.

“Ba Lan là nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Âu tránh được suy thoái trong suốt khủng hoảng tài chính. Kinh tế vận hành trơn tru giúp tiếng nói của Ba Lan ở EU có trọng lượng hơn cả về kinh tế và chính trị.

Ba Lan được xếp vào nhóm các thành viên lớn hơn của EU, cùng với Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Mối quan hệ Đức – Ba Lan được coi là quan hệ song phương quan trọng thứ hai ở EU, chỉ đứng sau trục Pháp – Đức. Có tới 89% dân số nói họ muốn Ba Lan luôn thuộc về EU”, theo Economist ngày 9/8/2014.

Một vấn đề nữa đáng chú ý theo người viết là, nguyên nhân khiến phần đông người dân xứ sở xưng mù chọn rời EU, đó là gánh nặng dân nhập cư, mà nếu công bằng thì quota dân nhập cư dành cho nước Anh là không hề nhỏ.

Vấn đề đã phần nào nhẹ hơn khi EU được Thổ Nhĩ Kỳ gánh vác, đổi lấy quyền lợi kinh tế và một vị trí thành viên trong EU. Mặc dù vậy, với những gì Ankara thể hiện thì cho thấy vấn đề dân nhập cư vẫn chưa có giải pháp thực sự căn cơ.

Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề dân nhập cư lại được xem là lợi ích lâu dài cho EU khi giải quyết ổn thoả vấn đề này. Đó chính là sự bù đắp lực lượng lao động sẽ bị thiếu hụt khi dân số già và tỳ lê tăng dân số âm ở một số quốc gia.

Những chi phí mà EU dùng để giải quyết vấn đề mưu sinh cho người nhập cư được xem như “bỏ một đồng nhưng mang lại hai lợi ích”. Chỉ cần hiện thực hoá đóng góp của dân nhập cư tại Tp.Hồ Chí Minh thì cho thấy lợi ích lâu dài của vấn đề dân nhập cho EU lớn tới mức nào. 

Như vậy là những vấn đề cốt lõi cần sự chia sẻ của nước Anh hay nói cách khác là tác động tiêu cực từ Brexit đã có đủ những yếu tố có thể khiến cho Liên minh Châu Âu giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi người dân xứ sở sương mù chọn rời bỏ liên minh.

Đặc biệt, thời gian nước Anh hoàn tất thủ tục để chính thức không còn là thành viên EU có thể kéo dài tới 2 năm và trong thời gian đó những tiêu cực của Brexit chắc chắn sẽ giảm thêm nữa.
 
Quá nhạy cảm với Brexit sẽ dễ bị thiệt hại nặng nề

Có thể thấy rằng, Brexit xảy ra khiến cho những người ủng hộ EU thống nhất hụt hẫng, lo lắng, song cùng lúc đó lại là sự hồ hởi của những người ủng hộ Brexit, đối thủ của EU và đặc biệt là những người xem Brexit thời cơ cho họ làm lợi, thậm chí gây thiệt hại cho người khác qua sự kiện này.

Có thể những người ủng hộ Brexit ăn mừng sự kiện rồi nhanh chóng trở về với thực tại của cuộc sống thường ngày với những lo toan vất vả.

Có thể những đối thủ của EU muốn liên minh này suy yếu và Brexit đã làm cho EU suy yếu nhanh nhất. Khi EU suy yếu thì cũng là lúc các đối thủ mạnh lên và đương nhiên họ sẽ chuẩn bị kế hoạch để khai thác lợi ích từ Brexit.

EU thời hậu Brexit sẽ ra sao, những điểm yếu, điểm mạnh của liên minh kinh tế này là gì, sẽ được các đối thủ phân tích chi tiết để có hành động phù hợp. Nghĩa là những toan tính của các đối thủ EU cần phải có thời gian thẩm thấu tác hại.

Tuy nhiên, với những người xem Brexit là thời cơ làm giàu thì họ hành động ngay từ khi cuộc trưng cầu dân ý 23/6 còn chưa diễn ra và khi Brexit xảy ra thì họ nhanh chóng khai thác cơ hội để có lợi tối đa.

Rõ ràng Brexit là một sự kiện chấn động, nhưng đó chỉ là xét về tính chất của sự kiện mà thôi, còn hiệu ứng của nó thì chưa hẳn đã tạo nên một sự kiện lịch sử. Vậy nhưng, từ khi kết quả sơ bộ cho thấy phe ủng hộ rời EU thắng thế thì Brexit đã như bom tấn.

Brexit được miêu tả với tất cả những lời lẽ, ngôn từ nhằm “khủng khiếp hoá” sự tác động của Brexit tới mọi mặt trong đời sống - xã hội tại hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới.

Thị trường chứng khoán đã bốc hơi 26.000 tỷ VND vì Brexit, cho dù ảnh hưởng thực tế của sự kiện lịch sử này với kinh tế Việt Nam không dễ nhận diện. Ảnh: VnEconomy.
Thị trường chứng khoán đã bốc hơi 26.000 tỷ VND vì Brexit, cho dù ảnh hưởng thực tế của sự kiện lịch sử này với kinh tế Việt Nam không dễ nhận diện. Ảnh: VnEconomy.

Và đương nhiên cùng với đó là hiệu ứng của Brexit ngay tức khắc gây hoạ tại bất cứ nơi đâu mà nó có thể làm thay đổi túi tiền hay tài khoản của những nhà cơ hội. Chỉ có điều tác hại của Brexit thì hết sức mơ hồ mà chủ yếu được gây nên bởi tâm lý và truyền thông.

Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào bởi Brexit thì có lẽ phải hàng năm nữa mới có thể nhận diện kết quả, vậy nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đóng góp 26.000 tỷ VND (hơn 1 tỷ USD) vào hậu quả của tác hại do Brexit gây ra ngay trong phiên giao dịch ngày 24/6, theo VTV.

Hàng loạt những thiệt hại từ thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ trên khắc thế giới đã liên tục được cập nhật với những khoản tài sản bốc hơi do chứng khoán sụt giảm hay đồng tiền mất giá.

Cá nhân người viết cho rằng những tác hại của Brexit chủ yếu do tâm lý quá nhạy cảm với sự kiện này của giới đầu tư, bên cạnh đó còn được cộng hưởng bởi những thông tin bất lợi mà không khó nhận diện là nó được tung ra bởi những nhà đầu cơ cơ hội.

Thị trường càng hỗn loạn, cơ hội càng lớn, vì vậy thông tin về sự nguy hại của Brexit càng dồn dập. Sẽ chẳng có gì lạ là trong những ngày sắp tới nguy hại của Brexit sẽ được bi thảm hoá ở nhiều góc cạnh khác nhau.

Và thế là hiện tượng “mua đắt bán rẻ” sẽ không ngừng diễn ra và tâm lý “cảng rẻ càng bán” sẽ bao trùm hầu khắp các thị trường. Rồi khi hiệu ứng Brexit lắng xuống, thị trường hồi phục thì cũng là lúc tài khoản của những nhà tài phiệt như George Soros hay Robert Murchdoc sẽ tăng thêm giá trị bằng một hai con số.

Vì vậy, thiết nghĩ dư luận nên bình tĩnh trước sự kiện lịch sử Brexit này để tránh những thiệt hại lịch sử, bởi lẽ hiệu ứng Brexit không thể gây tác hại lịch sử như tính chất của nó được.   

Tóm lại, việc người dân nước Anh chọn rời EU hay Brexit là một bước ngoặt, nhưng Brexit chưa gây hại ngay cho kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Việt Nam, vì vậy nếu quá nhạy cảm với sự kiện sẽ khó tránh khỏi những thiệt hại đáng tiếc.

Brexit được xem là sự kiện “ngàn năm có một” và đó cũng được nhận diện là thời cơ “ngàn năm có một” cho những nhà đầu cơ cơ hội. Do vậy, cẩn trọng để tránh những thiệt hại “ngàn năm có một” là lời cảnh báo rất giá trị và đầy tính nhân văn.

Ngọc Việt