Cán bộ kiểm lâm nhận hối lộ đối mặt với mức án 15 – 20 năm tù?

14/08/2014 06:33
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH YouMe cho rằng, cán bộ kiểm lâm nhận hối lộ 100 triệu đồng có thể bị phạt tù từ 15-20 năm.

Bắt quả tang cán bộ kiểm lâm nhận hối lộ

Theo đó, khoảng 21h ngày 31/7, đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy số 1 (Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa) nhận được tin báo xe ôtô 37C-06012 đang vận chuyển gỗ quý hiếm trái phép từ Nghệ An qua Thanh Hóa, lưu thông trên Quốc lộ 1A.

Không lâu sau đó, ông Lê Đức Hải làm tổ trưởng cùng 5 cán bộ khác gồm Nguyễn Xuân Vịnh, Lê Chí Thanh, Nguyễn Thế Vinh, Đỗ Đình Chung, Hà Lê Minh (lái xe) được phân nhiệm vụ theo dõi chiếc xe ô tô nói trên.

Đến 9 giờ 30 phút ngày 1/8, Tổ công tác do ông Lê Đức Hải làm Tổ trưởng phát hiện và yêu cầu chủ phương tiện điều khiển xe xe ôtô 37C-06012 dừng xe để kiểm tra ngay tại khu vực cầu sông Lý (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).

Cơ quan chức năng làm việc với cán bộ kiểm lâm (người mặc áo trắng) trong vụ 1/8 vừa qua
Cơ quan chức năng làm việc với cán bộ kiểm lâm (người mặc áo trắng) trong vụ 1/8 vừa qua

Quá trình kiểm tra, tổ tuần tra phát hiện ngoài có khoảng 1.5 m3 gỗ Giáng Hương không có trong hồ sơ lâm sản được phép vận chuyển. Tại thời điểm trên, ông Lê Đức Hải đã chỉ đạo lập biên bản hành vi vận chuyển gỗ trái phép đối với số gỗ Giáng Hương nói trên, đồng thời phân công cán bộ áp giải xe gỗ lậu đưa về đội kiểm lâm cơ động số 1. Tại đây, số gỗ Giáng Hương không rõ nguồn gốc đã được đưa vào kho chứa hàng để xử lý theo quy định.

Cùng thời điểm trên sau lập biên bản số gỗ nói trên, ông Lê Đức Hải đã đòi chủ hàng phải đưa 100 triệu đồng cho tổ công tác để “bỏ qua” lỗi vi phạm. Khi Hải đang nhận tiền của chủ hàng thì bị lực lượng Công an ập vào bắt quả tang.

Cán bộ kiểm lâm có thể nhận mức án từ 15 – 20 năm tù?

Trước đó, ngày 12/8, cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 ông Lê Đức Hải (trạm trưởng kiểm lâm thuộc đội kiểm lâm cơ động số 1 – Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa về hành vi nhận hối lộ.

Cũng liên quan đến vụ việc nói trên, Tiến sĩ – Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH YouMe (trụ sở Hà Nội) đã đưa ra những nhận định góc độ pháp lý.

Theo đó, khi được hỏi về những căn cứ để cơ quan chức năng đưa ra quyết định khởi tố trạm trưởng kiểm lâm nhận hối lộ 100 triệu đồng từ chủ gỗ lậu, Tiến sĩ – Luật sư Vũ Thái Hà viện dẫn; Theo điều 279 Bộ luật Hình sự quy định: Tội nhận hối lộ là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp theo luật định để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Như vậy, căn cứ theo quy định nói trên, có thể thấy, trạm trưởng trạm kiểm lâm thuộc đội kiểm lâm cơ động số 1 - Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa là người có chức vụ, quyền hạn và trực tiếp tham gia quá trình kiểm tra xe gỗ lậu đã có hành vi nhận 100 triệu đồng từ chủ xe với mục đích để tổ công tác “bỏ qua” lỗi vi phạm của chủ gỗ lậu. Đây có thể coi là hành vi cấu thành tội nhận hối lộ theo quy định của Điều 279 Bộ luật Hình sự.

Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Như vậy, trong vụ việc nói trên, cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự.

Như vậy, hành vi đưa, nhận hối lộ trong trường hợp nêu trên sẽ bị xử lý thế nào? Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ – Luật sư Vũ Thái Hà cho biết;  Điểm a khoản 3 Điều 279 Bộ luật Hình sự quy định người nhận hối lộ bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm trong trường hợp: a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng”. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 5 Điều 279, người phạm tội nhận hối lộ còn bị: “cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Đối với hành vi đưa hối lộ, theo quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 289 Bộ luật Hình sự thì: Người đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm. Ngoài ra người đưa hôí lộ còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ theo quy định tại Khoản 5 Điều 289 Bộ luật Hình sự.

Trong vụ việc nói trên, hành vi “đưa tiền” của chủ xe cần phải được làm rõ, trong trường hợp chủ xe bị ép buộc đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Trong trường hợp người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

QUỐC TOẢN