Cần dẹp ngay sữa pha lại của Vinamilk, VPMilk, Milo, Fami Kid khỏi Sữa học đường

31/03/2019 08:56
Hồng Thủy
(GDVN) - Liệu có ai cả gan bất chấp, dám chống lại Quyết định của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế để thay ruột dự thảo thông tư về sữa tươi cho Sữa học đường chăng?

Sau loạt bài phân tích và phản ánh của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về các sản phẩm không phải sữa tươi vẫn chui vào trường học nhân danh Chương trình Sữa học đường, trái quyết định của Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương đã có sự điều chỉnh.

Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định sử dụng sữa tươi từ quý II 2019 cho Chương trình Sữa học đường sau khi đã chi mấy trăm tỷ đồng tiền ngân sách mua sữa bột pha lại của Vinamilk từ 2007 đến nay;

Nông dân nuôi bò sữa tại Bà Rịa - Vũng Tàu những năm qua đã lao đao vì khó khăn đầu ra, tỉnh sớm xây dựng và triển khai chương trình Sữa học đường từ 2007 để vừa cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, vừa tạo đầu ra ổn định cho sữa tươi nguyên liệu địa phương.

Học sinh Hà Nam phải sử dụng sữa bột pha lại khi tham gia Sữa học đường, mặc dù sữa tươi tại chính địa phương này không thiếu. Ảnh: hanamtv.vn.
Học sinh Hà Nam phải sử dụng sữa bột pha lại khi tham gia Sữa học đường, mặc dù sữa tươi tại chính địa phương này không thiếu. Ảnh: hanamtv.vn.

Do đó, quyết định sử dụng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường từ quý II 2019 là rất đúng đắn, nhưng thiết nghĩ chỉ bấy nhiêu chưa đủ.

Bà Rịa - Vũng Tàu cần có chính sách yêu cầu nhà cung cấp sử dụng nguồn sữa tươi nguyên liệu tại địa phương, giải quyết đầu ra cho nông dân như đúng cam kết, mục tiêu đặt ra ngay từ đầu.

Khánh Hòa cũng đã quyết định sử dụng sữa tươi trong năm học 2019, thay vì sữa bột pha lại của Vinamilk. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy sự cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo 2 tỉnh này. Hà Nam còn chờ gì nữa?

Phớt lờ Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ

Trong công văn số 687/UBND-KGVX ngày 19/3/2019 về việc phúc đáp Văn bản số 126/GDVN-HC của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết:

Ngày 20/12/2018, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế có công văn số 6173/ATTP-KN gửi xin ý kiến các bộ, ngành, các tổ chức liên quan, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về sản phẩm sữa tham gia Chương trình Sữa học đường.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam sẽ xem xét, điều chỉnh, hoàn thiện Quyết định 2459/QĐ-UBND theo chỉ đạo, quy định của Bộ Y tế tại Thông tư ban hành tiêu chuẩn sữa học đường.

Điểm a) Giải pháp cơ chế chính sách, khoản 3. Các giải pháp chủ yếu thuộc Điều 1, Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường, ghi rõ:

Cần dẹp ngay sữa pha lại của Vinamilk, VPMilk, Milo, Fami Kid khỏi Sữa học đường ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần hành động ngay để bảo vệ ngành chăn nuôi bò sữa

"Ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020; quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; quy định về định mức sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường."

"Điều 3. Tổ chức thực hiện Chương trình

1. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các chương trình, đề án liên quan.

- Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm."

Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng đã nói rõ sản phẩm cho Chương trình Sữa học đường phải là sữa tươi;

Ngay sau đó, Bộ Y tế đã kịp thời ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 quy định tạm thời về sản phẩm sữa tươi dùng cho Chương trình Sữa học đường.

Dự thảo thông tư của Bộ Y tế chỉ cụ thể hóa về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; quy định định mức sữa phù hợp với lứa tuổi, chứ tuyệt nhiên không được phép đi ngược lại Quyết định 1340/QĐ-TTg.

Dự thảo góp ý Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đăng trên website Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (hết hạn lấy ý kiến từ 30/4/2018) cho thấy rất rõ điều này. [1]

Vậy Hà Nam còn chờ gì nữa?

Phải chăng Hà Nam đang trông chờ, hy vọng vào một "phép màu" nào đó nhằm "thay ruột" Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hòng thoát trách nhiệm trong việc sử dụng ngân sách mua sắm sữa bột pha lại trái quy định cho Chương trình Sữa học đường?

Cần dẹp ngay sữa pha lại của Vinamilk, VPMilk, Milo, Fami Kid khỏi Sữa học đường ảnh 3

Nghịch lý Hà Nam bán sữa tươi cho Vinamilk, mua sữa bột pha lại cho con trẻ

Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 26/11/2018 đã có công văn số 7162/BYT-BM-TE gửi ủy ban nhân dân các tỉnh.

Trong công văn này, Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Chương trình Sữa học đường Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhắc lại với các địa phương, rằng:

Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ Y tế còn chỉ rõ:

Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trước động thái vận động hành lang đưa thêm các loại "sữa dạng lỏng" khác vào Sữa học đường, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chấn chỉnh rất kịp thời, có lẽ không phải chỉ bởi sự mẫn cán và trách nhiệm với công việc, mà còn vì trái tim của một bà mẹ, Bộ trưởng Kim Tiến biết cái gì là tốt nhất cho trẻ em.

Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Y tế đã có quyết định rõ ràng, kiên định như vậy, Hà Nam còn trông chờ sự thay đổi nào?

Liệu có ai cả gan bất chấp, dám chống lại Quyết định của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế để thay ruột dự thảo thông tư về sữa tươi cho Sữa học đường chăng?

Cần loại bỏ ngay "sữa dinh dưỡng tiệt trùng ADM Gold" của Vinamilk, Milo của Nestlé, Fami Kid của Vinasoy, Grow+ của VP Milk khỏi Chương trình Sữa học đường

Ngày 17/4/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 2674/KH-UBND triển khai Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2017-2020 đã quyết định lựa chọn sữa tươi. [2]

Nhưng phải chăng do công văn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Chương trình Sữa học đường, nên cuối cùng Đắk Lắk đã chọn sữa Milo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé? [3]

Học sinh Trường Tiểu học Lái Hiếu, Ngã Bảy, Hậu Giang nhập viện sau khi uống sữa Milo, ảnh: Báo Nhân Dân.
Học sinh Trường Tiểu học Lái Hiếu, Ngã Bảy, Hậu Giang nhập viện sau khi uống sữa Milo, ảnh: Báo Nhân Dân.

Ngày 27/10/2017, gần 500 học sinh 2 trường tiểu học Lái Hiếu và Nguyễn Hiền, thị trấn Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang bị đau bụng, nôn ói phải vào viện cấp cứu sau khi uống sữa Milo do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé cung cấp miễn phí.

Milo không phải sữa tươi, cho dù Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo có gợi ý, chỉ đạo đi chăng nữa, các tỉnh cũng có quyền và cần từ chối để Milo vào Sữa học đường, bởi nó trái Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thiết nghĩ  đã đến lúc Đắk Lắk và 34 tỉnh thành còn lại cần đưa ngay Milo ra khỏi Chương trình Sữa học đường, đảm bảo tính nghiêm minh của kỷ cương phép nước, hiệu quả chương trình và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày 15/3/2019, 29 học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên phải vào trạm xá / bệnh viện sau khi uống sữa Fami Kid của Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) nhân danh Chương trình Sữa học đường.

Vụ việc này đã hé lộ sự thật việc Vinasoy được chính quyền tỉnh Thái Nguyên "cắt" cho địa bàn tham gia Sữa học đường ở thị xã Sông Công và 3 huyện Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên với tổng cộng 13.037 học sinh của 26 trường tiểu học.

Riêng địa bàn thành phố Thái Nguyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên giao cho Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VP Milk) đến giới thiệu sản phẩm và tham gia Chương trình Sữa học đường.

Cần dẹp ngay sữa pha lại của Vinamilk, VPMilk, Milo, Fami Kid khỏi Sữa học đường ảnh 5

Ai nhân danh Bộ trưởng tiếp tay cho Nestlé Milo "chui" vào Sữa học đường?

Thông tin trên website của VP Milk cho thấy, cho đến hiện tại đơn vị này mới chỉ có một loại sữa bột pha lại nhãn hiệu VP Milk Grow +;

Đây cũng là sản phẩm VP Milk mang đến Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Phú Yên để "ủng hộ Chương trình Sữa học đường" của Chính phủ.

Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa bột pha lại, sữa đậu nành, thức uống lúa mạch đã chui vào Chương trình Sữa học đường dưới sự giúp đỡ của chính quyền sở tại, bất chấp quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.

Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không hoa hồng lót tay cho một số quan chức địa phương để họ bất chấp quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Y tế cho các doanh nghiệp này đưa sản phẩm không đúng quy định vào Chương trình Sữa học đường?

Chương trình Sữa học đường mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lựa chọn sữa tươi;

Bởi lẽ sau sữa mẹ, sữa tươi là lựa chọn tốt nhất để cải thiện dinh dưỡng, tăng sức bật chiều cao cho trẻ em trong lứa tuổi vàng (2-12 tuổi) với đầy đủ dưỡng chất, vi chất thiết yếu được tạo ra một cách tự nhiên chứ không phải pha trộn từ sữa bột gầy và các nguyên liệu hóa tổng hợp khác.

Hơn nữa, sử dụng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường là một giải pháp chính sách để phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa vốn đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra ổn định, giảm "chảy máu ngoại tệ" nhập sữa bột gầy (sau khi tách béo làm pho mát, bơ) và các chất tạo ngậy tạo mùi về pha lại.

Chỉ còn một năm nữa là đến lúc tổng kết việc triển khai đề án Chương trình Sữa học đường của Chính phủ nhằm rút ra bài học cho chương trình phát triển bền vững trong tương lai.

Cần dẹp ngay sữa pha lại của Vinamilk, VPMilk, Milo, Fami Kid khỏi Sữa học đường ảnh 6

"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường?

Do đó chúng tôi thiết nghĩ đã đến lúc tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung giám sát, chấn chỉnh những chệch choạc trong triển khai Chương trình Sữa học đường;

Cần kiên quyết loại bỏ các sản phẩm không đúng quy định để giữ cho được mục tiêu nhân văn, giá trị thiết thực của chương trình này với sức khỏe trẻ em và sự phát triển bền vững của nông nghiệp.

Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cũng cần thu hồi ngay 2 công bố chứng nhận hợp quy cho sữa bột pha lại của Vinamilk dưới tên gọi "sữa dinh dưỡng" được gắn mác "học đường";

Làm như vậy là để tránh những hiểu lầm không đáng có cho cha mẹ học sinh và các địa phương khi triển khai  tham gia Chương trình Sữa học đường.

Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định nguồn sữa tươi nguyên liệu trong nước không thiếu, nhất là các doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào hệ thống trang trại bò sữa hiện đại như TH True Milk, Vinamilk, Mộc Châu, chưa kể nguồn sữa tươi nguyên liệu từ nông dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT về sữa tươi nguyên liệu.

Vì vậy, hãy dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, trước hết là việc loại bỏ ngay sữa bột pha lại và các sản phẩm khác không phải sữa tươi ra khỏi Chương trình Sữa học đường.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.vfa.gov.vn/du-thao-gop-y/thong-tu-quy-dinh-doi-voi-san-pham-sua-tuoi-phuc-vu-chuong-trinh-sua-hoc-duong-cai-thien-tinh-trang-dinh-duong-gop-phan-nang-cao-tam-voc-tre-em-mau-giao-va-tieu-hoc-den-nam-2020.html

[2]https://daklak.gov.vn/documents/10181/589604/2674.pdf

[3]https://daklak.gov.vn/widget/-/tinh-hinh-trien-khai-chuong-trinh-sua-hoc-uong-cua-tinh-ak-lak

Hồng Thủy