Cần làm rõ động cơ phía sau của ông Đào Trọng Quy trong việc bổ nhiệm cán bộ

07/07/2018 07:41
XUÂN QUANG
(GDVN) - Ông Đào Trọng Quy để lại di sản cán bộ đáng buồn cho kế nhiệm với hàng loạt vụ tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trái quy định của pháp luật.

Hàng loạt các quyết định sai trái về công tác cán bộ dưới thời ông Đào Trọng Quy - nguyên Chủ tịch Ủy ban thành phố Thanh Hóa đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đề cập rõ ở bài viết trước

Cho đến khi những vi phạm trong việc tuyển dụng được phát giác (tuyển dụng viên chức thành công chức không qua thi tuyển, không báo cáo Sở Nội vụ, cũng như chưa có sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) vị này lấy lý do vì “yêu cầu nhiệm vụ”, “khối lượng công việc lớn”, để bao biện cho hành vi sai trái có liên quan trực tiếp tới bản thân mình.

Cần làm rõ động cơ phía sau của ông Đào Trọng Quy trong việc bổ nhiệm cán bộ ảnh 1Có cá nhân tự tung tự tác, chủ trò, thao túng công tác cán bộ để trục lợi

Bên cạnh đó, căn cứ theo báo cáo rà soát mới nhất của thành phố Thanh Hóa, ông Quy còn có trách nhiệm trong việc ký nhiều quyết định bổ nhiệm cán bộ quản lý chưa qua xét tuyển viên chức, công chức ở khối sự nghiệp, hành chính.

Điều đáng buồn là, trong suốt nhiều năm khi ông Quy còn tại vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, những vi phạm có tính hệ thống tại đơn vị không được cơ quan có thẩm quyền phát giác, xử lý kịp thời.

Vụ việc cũng cho thấy cơ quan có thẩm quyền có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong việc kiểm tra giám sát đối với cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ.

Và khi hậu quả về di sản công tác cán bộ dưới thời ông Đào Trọng Quy vẫn chưa được xử lý triệt để thì tháng 5/2017, ông Đào Trọng Quy bất ngờ được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa. 

Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa. Ảnh của Xuân Quang.
Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa. Ảnh của Xuân Quang.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong việc xử lý đối với những trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trái quy định, Lê Anh Xuân - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa (người kế nhiệm ông Đào Trọng Quy) cho biết, hiện tại đơn vị đã có rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét xử lý theo quy định. 

Bình luận về sự việc nói trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban pháp luật Quốc hội) cho rằng, cần làm rõ những nghi vấn xung quanh những quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng quy định của ông Đào Trọng Quy.

“Cơ quan có thẩm quyền cần làm hơn rõ động cơ phía sau những quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm có dấu hiệu trái luật của ông Đào Trọng Quy và tổ chức có liên quan.

Việc tuyển dụng, bổ nhiệm có tuân thủ quy trình hay không? Có thông qua ý kiến tập thể hay chỉ mình ông Quy quyết định việc tuyển dụng, bổ nhiệm đó?

Mặt khác nếu việc tuyển dụng, bổ nhiệm sai trái này không thông qua tập thể thì người ký quyết định trái luật phải bị xem xét trách nhiệm (chính) về hành vi của mình”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm

Vị Ủy viên Ủy ban pháp luật Quốc hội cũng cho rằng, dứt khoát phải thu hồi những quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm trái quy định để lập lại kỷ cương trong công tác cán bộ.

“Không chỉ riêng sự việc này mà thực tế trong thời gian qua, không ít nơi xảy ra việc bổ nhiệm cho nợ tiêu chuẩn.

Nếu việc bổ nhiệm sai thì cá nhân, tập thể có liên quan tới việc bổ nhiệm đó phải sửa sai và phải thu hồi quyết định bổ nhiệm. Phải làm việc này một cách đồng bộ để tạo sức răn đe chứ không thể làm qua loa rồi bỏ qua được.

Cần làm rõ động cơ phía sau của ông Đào Trọng Quy trong việc bổ nhiệm cán bộ ảnh 3Cô Hà được "nâng đỡ không trong sáng" là vi phạm có hệ thống

Mặt khác, theo quy định 102-QĐ/TW vừa được Ban Bí thư ban hành về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó nêu rõ, đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới bị phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, đối với người ký quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm sai trái, sau đó cán bộ này lại được bổ nhiệm vào vị trí mới thì vẫn có thể “hồi tố” để xem xét, xử lý trách nhiệm về mặt Đảng, chính quyền.

Trường hợp bổ nhiệm sai thì phải sửa sai và thu hồi quyết định bổ nhiệm", Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp cho rằng, những vụ bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn như nêu trên có dấu hiệu bất chấp.

Do đó trường bổ nhiệm cán bộ chưa đủ điều kiện thì phải hủy quyết định bổ nhiệm, trả cán bộ đó lại vị trí cũ.

"Nếu bổ nhiệm sai mà không sửa thì cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Nếu anh không tự hủy quyết định bổ nhiệm sai thì cấp trên có quyền hủy chứ làm gì có chuyện tùy tiện như vậy!", Tiến sĩ Lê Hồng Sơn nói.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cho rằng, những thiệt hại cho nhà nước, ngân sách do hành vi bổ nhiệm sai trái gây ra phải được xác định trách nhiệm bồi thường rõ ràng của chính người đưa ra quyết định sai trái đó.

“Tức là, nếu người ký quyết định bổ nhiệm sai trái, để cán bộ được bổ nhiệm được hưởng một số chế độ chính sách (lương, phụ cấp, chế độ xe cộ, phòng làm việc...) thì chính cá nhân người ban hành quyết định sai trái phải bỏ tiền túi ra để bồi thường thiệt hại chứ không thể đẩy trách nhiệm, thiệt hại đó cho nhà nước, cho ngân sách”, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cho biết.

XUÂN QUANG