Cần loại những người đi làm mà chỉ biết đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên

06/01/2019 00:46
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo ông Lưu Bình Nhưỡng:“Nếu cứ tiếp tục giữ quan điểm cứng nhắc về nhân sự sẽ không bảo đảm về chất lượng. Người xứng đáng không đưa kịp vào".

Công tác nhân sự cho nhiệm kỳ 2021 – 2026 của Đảng đang được dư luận cả nước quan tâm.

Sau một thời gian khi nhiều cán bộ bị kỷ luật, bị hầu tòa vì sai phạm đã lộ ra nhiều điểm bất cập trong công tác nhân sự thì việc làm sao để lựa chọn người đủ tài, đủ tầm ngồi vào các vị trí lãnh đạo của Đảng và nhà nước là bài toán thời cuộc đặt ra cần có lời giải chuẩn xác.

Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết cứng nhắc chọn nhân sự theo diện quy hoạch hay ràng buộc về độ tuổi.

Thậm chí, có người còn thể hiện quan điểm, cán bộ diện quy hoạch cũng có thể bị loại nếu vi phạm kỷ luật trong khi người đã vượt qua độ tuổi lại có thể được chọn nếu đáp ứng các điều kiện để trở thành một lãnh đạo xuất sắc.

Ông Lưu Bình Nhưỡng Phó Ban dân nguyện (ảnh nguồn quochoi.vn).
Ông Lưu Bình Nhưỡng Phó Ban dân nguyện (ảnh nguồn quochoi.vn).

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện của Thường vụ Quốc hội cho rằng “Làm nhân sự phải động và mở”.

Giải thích ý kiến của mình, ông Nhưỡng nói: “Sở dĩ phải động và mở là vì nhân sự bây giờ phải làm có chất lượng.

Nếu cứ tiếp tục giữ quan điểm cứng nhắc về nhân sự sẽ không bảo đảm về chất lượng. Người xứng đáng không đưa kịp vào các vị trí dẫn đến chỗ thiếu nhân sự buộc lấy theo quy hoạch cũ.

Mà chọn nhân sự phải gọi là so "bó đũa, chọn cột cờ". Cần có thái độ quyết liệt sẵn sàng đưa những nhân tố vượt trội, điển hình vào.

Bất cứ cái gì cũng cần có khâu đột biến tại sao công tác nhân sự lại không? Cần ủng hộ cái đột biến chứ không nhất thiết đi theo cái cũ như kiểu quy hoạch ai thì người đó mới được”.

Có người năng lực yếu, phẩm chất kém nhưng lại đứng trên vũ đài chính trị

Cũng liên quan đến công tác nhân sự, ông Lưu Bình Nhưỡng còn cho rằng, cần phải xem xét lại vấn đề quy hoạch cán bộ từ trước đến nay.

Quan điểm về quy hoạch cần có thay đổi và thay đổi. “Không chỉ thay đổi về hình thức mà cần quyết liệt thay đổi về mặt nội dung” – ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Cụ thể theo vị Phó Ban dân nguyện: “Phải lấy những người đã trải nghiệm, được rèn luyện qua thử thách.

Đặc biệt, những người mà tinh thần không ngại đấu tranh, sẵn sàng đối mặt với thử thách, có thái độ biểu lộ rất rõ tinh thần vì nước, vì Đảng vì dân.

Cần loại bỏ những người xu nịnh hay những người chỉ biết im lặng, đi nhẹ, cười tươi nói khẽ vào bộ máy. Đặc biệt, cần chú ý đến đội ngũ đã tham gia vào cơ quan dân cử, tham gia vào Quốc hội, những người có chính kiến, quan điểm rõ ràng, có sáng tạo, có lòng dũng cảm.

Cần cơ cấu những người như vậy vào bộ máy để cáng đáng công việc phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”.

Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng: “Cần phải đưa ra khỏi danh sách những người không đủ năng lực, phẩm chất kể cả những người trong quy hoạch nhưng có dấu hiệu, ý kiến, dư luận cho rằng nhầm lẫn đưa vào thì lập tức rà soát lại.

Kể cả các đối tượng luân chuyển nếu có lùm xùm nọ kia, hoặc do trước đây xử lý chưa đến nơi đến chốn thì cũng xem xét lại hết”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin,  ông Lê Thanh Vân Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Trước hết cần có tổng kết sâu sắc công tác nhân sự trong nhiệm kỳ XII vừa rồi để tìm ra nguyên nhân vì sao có nhiều người vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc ở một lượng lớn cán bộ các cấp như vậy”.

Theo ông Lê Thanh Vân: “Cần phải đánh giá sâu sắc để tìm ra nguyên nhân chất lượng cán bộ như vậy có phải do quy định lỏng lẻo hay đã có quy định chặt chẽ nhưng chính các cá nhân có quyền, có trách nhiệm bóp méo”.

Ai bợ đỡ cho Vũ “nhôm” dùng trò “cáo mượn oai hùm” để lộng hành?

Ngoài ra, theo vị này, muốn có nhân sự tốt còn cần phải đặt ra yêu cầu đối với công tác nhân sự với sứ mệnh mới trong bối cảnh mới và xác định được các tiêu chí, mục đích, quy trình lựa chọn đội ngũ cán bộ.

“Việc đặt ra tiêu chuẩn phải có tính kế thừa, đối với những trường hợp đặc biệt, cụ thể, không nhất thiết phải ràng buộc về độ tuổi.

Vì, đưa ra độ tuổi để hạn chế việc tái cử hay giới thiệu nhận sự mới đã thể hiện tính bất lực trong đánh giá con người. Các cụ ta có câu, “tài không đợi tuổi” hay người có tài, có đức, có sức khỏe thì là “gừng càng già càng cay” – ông Vân góp ý.

Trinh Phúc