Cần phải nghiêm minh và công bằng vụ "Công an gạt tay trúng má phóng viên"

04/10/2016 14:48
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - bà Lê Thị Nga cho rằng "đừng biến một sự việc nhỏ thành to, đơn giản thành phức tạp".

Bà Lê Thị Nga thẳng thắn đề cập tới sự việc này vào sáng nay (4/10) khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân năm 2016 của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao.

Bà Nga nói: “Theo như thông tin trên báo chí, Công an Hà Nội đã kết luận vụ việc, cho rằng Thượng sĩ Ngô Quang Hưng – cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh đã bị kỷ luật khiển trách vì 'gạt tay trúng má phóng viên, giơ chân đá nhưng không trúng phóng viên'.

Còn một chiến sĩ khác có hành vi đập máy quay, nhưng không gây hậu quả cụ thể nên bị kiểm điểm. Trong khi đó, Phóng viên Quang Thế của Báo Tuổi trẻ bị Công an quận Tây Hồ ra quyết định xử phạt hành chính với mức tiền hơn 14 triệu đồng.

Sự việc đã khiến dư luận vô cùng bức xúc nên việc xử lý như vừa qua cũng phải xem xét".

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, trong bất cứ vụ việc nào, không nên để từ cái nhỏ mà trở thành cái to, từ cái đơn giản lại biến thành sự việc phức tạp.

“Chúng tôi ủng hộ quan điểm, định hướng của Chính phủ. Đó là một sự việc đừng biến nhỏ thành to, đơn giản thành phức tạp. Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng đã có quan điểm thẳng thắn về việc này, như sáng nay Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã nói, chúng tôi rất ủng hộ”, bà Nga nêu quan điểm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, để không gây ra sự hiểu lầm trong dư luận thì mọi việc phải xử lý nghiêm minh và công khai.

“Gây ra vụ việc phức tạp thế thì Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hà Nội, cả Ủy ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội cũng phải có ý kiến để xử lý nghiêm minh, công bằng, thuyết phục, xử sao cho cả người trong cuộc và ngoài cuộc tâm phục khẩu phục, để trấn an và tạo niềm tin cho dư luận”, bà Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, quan điểm là không bênh vực bên nào, nhưng phải xử lý công minh, đừng tạo điểm nóng và gây phản ứng trong dư luận.

Bà Lê Thị Nga cho rằng, không nên biến một vụ việc đơn giản thành phức tạp. ảnh: quochoi.vn
Bà Lê Thị Nga cho rằng, không nên biến một vụ việc đơn giản thành phức tạp. ảnh: quochoi.vn

Trên tờ Tiền phong, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Pháp luật đã có những quy định rõ ràng, không phải anh là công an thì muốn làm gì thì làm.

Chưa có văn bản pháp luật nào quy định cột mốc di động. Bí mật nhà nước cần phải được cảnh báo bằng biển báo, căng dây, phải có thông tin để người ta tránh. Anh bảo cột mốc di động là di động kiểu gì, mà người dân không nhận biết được. 

Cột mốc di động cách hiện trường là bao nhiêu mét? Anh nói cột mốc di động, anh chạy từ hiện trường về tới nhà thì người ta phải tránh hết ra hay sao?”.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương dẫn ra Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ hướng dẫn rất rõ về khu vực, địa điểm thuộc phạm vi bí mật nhà nước như sau: “Những khu vực, địa điểm được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải đánh số, đặt bí số, bí danh, ký hiệu mật hoặc cắm biển cấm và thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, bảo mật theo quy định của nghị định này”.

Như vậy, những địa điểm, khu vực không có biển cấm, bí số như hiện trường vụ việc không thể thuộc bí mật nhà nước. Ngoài ra, theo quy định tại điều 9 Luật Báo chí 2016 quy định, các trường hợp cấm phóng viên, nhà báo tác nghiệp cũng không quy định cấm việc chụp ảnh và đưa tin về vụ án.

Cần phải nghiêm minh và công bằng vụ "Công an gạt tay trúng má phóng viên" ảnh 2

Người chiến sĩ công an nhân dân tử tế, không ai hành xử như thế!

“Khi sự việc xảy ra, phóng viên tác nghiệp có những người ngăn cản không xưng là Công an, nên phóng viên nói rằng đó là những đối tượng lạ mặt.

Hơn nữa, nếu nói rằng phóng viên vi phạm hành chính thì các lỗi vi phạm ấy có được lập biên bản ngay tại hiện trường không?

Căn cứ vào đâu để ra quyết định xử lý vi phạm hành chính? Nếu không đảm bảo những yếu tố như vậy thì việc xử lý vi phạm hành chính là trái luật”, Đại biểu Cương nói.

Ông Cương cũng nói thẳng rằng, hình ảnh một cảnh sát hình sự hành hung  phóng viên được Công an Hà Nội kết luận là “gạt tay trúng vào má” chắc chắn cũng không phù hợp với các quy tắc ứng xử của ngành Công an.

Nếu Công an Hà Nội vẫn quyết định giữ kết quả giải quyết như vậy thì tôi chắc chắn là dư luận không đồng tình.

Phóng viên Quang Thế bị đuổi đánh trên cầu Nhật Tân. ảnh: HN.
Phóng viên Quang Thế bị đuổi đánh trên cầu Nhật Tân. ảnh: HN.

Trước đó, tờ VTC đưa ý kiến của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bình luận về trả lời của Công an Hà Nội đánh giá đó là hành vi “gạt tay trúng má phóng viên” là có sự biến báo về ngôn từ.

“Nói thế để giảm nhẹ trách nhiệm của một chiến sĩ công an. Chắc chắn điều này sẽ để lại ấn tượng xấu trong người dân. Lúc này, đáng nhẽ Công an Hà Nội cần thành khẩn, hợp tác với các cơ quan báo chí để tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra”, ông Quốc nói.

Cũng trên tờ Tiền phong, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, Công an Hà Nội xử phạt trên 14 triệu đồng đối với phóng viên Trần Quang Thế, báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh là cứng nhắc.

Theo ông Quân, đối với việc vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, vi phạm tiếp theo thì tuyên truyền rồi mới tiến tới xử phạt.

“Tôi không trực tiếp đến hiện trường, không trực tiếp tiếp cận hồ sơ vụ việc, nhưng ở trường hợp này không nên xử phạt phóng viên Quang Thế”, Thiếu tướng Quân nói. 

Theo Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), đối với các vụ án, phóng viên vẫn có quyền tác nghiệp chụp ảnh, quay video clip hiện trường nhưng không được xâm phạm vào khu vực đã được phong tỏa.

Khu vực phong tỏa có thể là căng dây, cắm biến cảnh báo hoặc lực lượng chức năng cảnh báo... Phóng viên đứng phía ngoài khu vực phong toả vẫn có quyền sử dụng các thiết bị kỹ thuật, như máy ảnh có ống kính tele, máy quay zoom lại… để tiếp cận hiện trường.

Ngọc Quang