Cạnh tranh không lành mạnh làm tổn thất giá trị giáo dục

08/05/2018 11:15
Văn Bắc
(GDVN) - “Thị trường giáo dục” đã trở thành cơ hội cho những kẻ đầu cơ lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cạnh tranh không lành mạnh...

Không thể phủ nhận những đóng góp lớn và bền vững của giáo dục ngoài công lập đối với nền giáo dục quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh… khi mà lượng di dân do nhu cầu lao động, phát triển tăng nhanh, gây áp lực lớn lên hệ thống giáo dục.

Tại các trường công lập tại Hà Nội, tình trạng quá tải mỗi mùa tuyển sinh là nỗi đau đầu với biết bao nhọc nhằn của các bậc cha mẹ.

Để tìm một ngôi trường cho con mình, các gia đình trẻ chưa có sự ổn định về nơi ở (hộ khẩu, nhà ở) phải đối mặt với những vấn đề nan giải, chưa nói đến: trái tuyến, lớp học quá đông (50 - 60 học sinh).

Không có mối quan hệ quen biết và nhiều thứ khác nữa, các ông bố, bà mẹ trẻ mới nhập cư ở Hà Nội khó có thể tìm một trường công lập tốt phù hợp cho con mình.

Hàng trăm phụ huynh chen chân xếp hàng từ 3 giờ sáng để “đặt gạch” xin học cho con. ảnh: Hà Nội Mới.
Hàng trăm phụ huynh chen chân xếp hàng từ 3 giờ sáng để “đặt gạch” xin học cho con. ảnh: Hà Nội Mới.

Sự phát triển của các trường tư thục cả về số lượng và chất lượng trong hơn 20 năm qua trên địa bàn Hà Nội đã góp phần giúp giáo dục thủ đô giải quyết được tình trạng bế tắc đó.

Có thể khẳng định, nhiều ngôi trường tư thục có truyền thống do các nhà giáo dục tâm huyết sáng lập nên đã tạo nên bản sắc của giáo dục Thủ đô trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế như: Lương Thế Vinh, Marie Curie, Đoàn Thị Điểm, Newton, Đinh Tiên Hoàng, Lô-mô-nô-xốp…

Trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh sau gần 3 thập kỷ hình thành và phát triển.
Trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh sau gần 3 thập kỷ hình thành và phát triển.

Mỗi ngôi trường có những triết lý và mục tiêu không hoàn toàn giống nhau nhưng đều có những điểm chung: tinh thần sáng tạo, đổi mới, nhân văn, vì sự tiến bộ của cộng đồng.

Ngoài ra, có thể kể đến những ngôi trường mới thành lập chưa đầy một thập kỷ như Pascal, Ngôi Sao Hà Nội… nhưng đã khẳng định được chất lượng giáo dục và nhận được sự tin yêu của phụ huynh, học sinh.

Tinh thần “Tự chủ - Yêu thương - Sáng tạo” của học sinh Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Pascal trong tất cả các hoạt động.
Tinh thần “Tự chủ - Yêu thương - Sáng tạo” của học sinh Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Pascal trong tất cả các hoạt động.

Chính sách giáo dục của Nhà nước đang khuyến khích các trường tự chủ về chương trình, về kinh phí để giảm bớt gánh nặng ngân sách.

Trường tư thục tại Hà Nội là môi trường giáo dục tạo cơ hội cho đông đảo học sinh được tham gia vào nền giáo dục tiên tiến và có đột phá về giáo dục kỹ năng, giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ, giáo dục nghệ thuật (điều mà giáo dục công lập còn chưa thể đáp ứng một cách rộng rãi được).

Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều những thông tin trên cộng đồng mạng và cả trên báo chí làm phụ huynh hoang mang, đặt nhiều dấu hỏi về các trường tư thục tại Hà Nội: Cuộc tranh luận dậy sóng về kỷ luật “hà khắc” của trường Lương Thế Vinh, những thông tin về trường “ma” trên 14 tỉnh thành trong đó có Newton…

Trường Newton nơi có nhiều học sinh yêu thích.
Trường Newton nơi có nhiều học sinh yêu thích.

Thực chất của vấn đề này là gì? Phải chăng có những làn sóng ngầm đằng sau cánh cửa của các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội?

Phải chăng, có những mục tiêu không phải vì giáo dục, không phải vì sự tiến bộ và vì con người ghen ăn tức ở đã can thiệp vào nhằm gây hoang mang và bức xúc cho phụ huynh?  

Phải chăng khi giáo dục đã trở thành lĩnh vực “đầu tư” của các tập đoàn, các công ty… họ đã tung tin bôi nhọ, họ dùng nhiều chiêu bài để mọi người tin đó là thông tin chính thống của nhà nước nhưng họ lại lộ rõ bản chất cạnh tranh không lành mạnh khi kết hợp cả chiêu bài đi rải truyền đơn như việc rải truyền đơn ở cổng trường Newton ngày 10/4/2018 và ngày 19/4/2018.

Có lẽ việc rải truyền đơn để phá hoại một nhà trường là điều suy đồi nhất trong giáo dục. Họ còn dạy dỗ được ai?

Ai dám cho con học vào một trường mà người đứng đầu có tư tưởng phá hoại trường khác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an nên có chính sách để ngăn ngừa những hành vi đạo đức xuống cấp này.

Xưa kia, là nhà giáo thì luôn biết khiêm nhường, luôn nỗ lực và luôn nền nếp để dạy dỗ học sinh nên người, việc sáng lập nên một ngôi trường cần dốc sức, dốc lòng vì học sinh.

Nhưng “thị trường giáo dục” đã trở thành cơ hội cho những kẻ đầu cơ lợi dụng chính sách, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cạnh tranh không lành mạnh, dùng thủ đoạn bôi nhọ.

Việc cố tình thổi phồng, giật tít thông tin về “trường ma” trên cộng đồng mạng và báo chí, xuyên tạc sự thật, phủ nhận những nỗ lực của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và tiết kiệm chi phí cho gia đình, cho Nhà nước.

Đề cập tới vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục là Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân Hoa chia sẻ: “Những vướng mắc về chính sách là có thật, những khó khăn của trường tư thục là có thật.

Các trường tư thục ra đời trong thời gian 20 năm qua hầu như không được sự đầu tư của nhà nước về cơ sở vật chất, không có chính sách hỗ trợ học phí, học liệu cho học sinh học trong loại hình tư thục…

Phụ huynh và nhà trường phải vượt qua tất cả những khó khăn này để đầu tư cho các con có cơ hội học tập tốt hơn.

Trường tư thục phải tự chủ về tài chính, về cơ sở vật chất nhưng lại không được tự chủ về nhiều vấn đề khác như: tuyển sinh, giới thiệu chương trình, đổi mới chương trình.

Nhà trường tư thục đồng thời lại luôn phải đối mặt với những áp lực của dư luận xã hội giữa câu chuyện giáo dục và câu chuyện kinh doanh.

Rất nhiều đối tượng không phải các nhà giáo dục bắt đầu nhìn giáo dục như một “miếng mồi” và can thiệp vào.

Giáo dục phải đối mặt với những con người “phản giáo dục” như vậy thực sự rất đau lòng và đầy khó khăn, nan giải”.

Làm thế nào để có một môi trường giáo dục thực sự lành mạnh, vì sự tiến bộ, vì con người và tránh được những sự cạnh tranh không lành mạnh làm tổn thất hình ảnh của giáo dục tư thục trong hơn 20 năm qua trên địa bàn Hà Nội?

Câu hỏi này chắc chắn vẫn còn làm đau đầu những người làm giáo dục thực sự tâm huyết.

Cần có sự thay đổi trong cả chính sách, cả biện pháp và mô hình quản lý đối với các loại cạnh tranh không lành mạnh trong môi trường trường học bao gồm cả công lập và tư thục trên cả nước và đặc biệt là ở Hà Nội.

Văn Bắc