Cậu bé suýt bị chôn theo mẹ sắp trở thành thầy giáo

04/04/2018 06:34
Thủy Phan
(GDVN) - Từng suýt là nạn nhân của hủ tục “mẹ chết chôn con theo”, Đinh Đường nay đã lớn và sắp sửa trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng dạy dỗ các em học sinh.

May mắn thoát khỏi hủ tục rùng rợn

Nguyễn Văn Vinh (hay còn có tên là Đinh Đường), sinh năm 1995, cậu bé là người dân tộc Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) - xã miền núi khó khăn nhất tỉnh Quảng Bình.

Đinh Đường từng suýt nữa là nạn nhân của hủ tục “mẹ chết chôn con theo”, một trong những hủ tục rùng rợn nhất ở nhiều xã biên giới tỉnh Quảng Bình.

Ngày mẹ Đinh Đường, chị Y Xoang mang thai, nhưng do quá thiếu thốn về cái ăn nên chị bị suy dinh dưỡng nặng. Lúc sinh, chị Y Xoang đã kiệt sức và qua đời.

Cũng như nhiều đứa trẻ không may mất mẹ trong lúc sinh nở, đồng bào Ma Coong đã chuẩn bị mọi thủ tục để chôn đứa bé cùng.

Đinh Đường, cậu bé từng suýt là nạn nhân của hủ tục “mẹ chết chôn con theo” của đồng bào người Ma Coong.
Đinh Đường, cậu bé từng suýt là nạn nhân của hủ tục “mẹ chết chôn con theo” của đồng bào người Ma Coong.

Theo lời kể của nhiều người dân, hôm đó dân bản kéo đến rất đông để chuẩn bị đưa tiễn mẹ con Y Xoang về với Giàng (trời). Bên xác chị là đứa bé đỏ hỏn đói sữa khóc ngặt nghẽo.

Đúng vào giờ đã định, con trai Y Xoang được già làng đưa xuống dưới chân mẹ rồi từ từ đưa chân người mẹ đã chết chặn lên cổ họng cháu bé mặc cho đứa bé gào khóc. Đến khi nào tắt thở, thi thể cháu bé sẽ được mang đi chôn cùng mẹ.

Giữa đám đông lúc đó bất ngờ xuất hiện một anh chàng miền xuôi tên là Nguyễn Diệu. Lần đầu chứng kiến cảnh tượng dã man này, Nguyễn Diệu đã không thể đứng yên và xông vào đám đông giằng lấy đứa trẻ rồi một mực cầu xin mọi người đừng giết hại đứa bé.

Bị dân làng phản đối, Nguyễn Diệu đi cầu xin từng người một và thề độc: “Có chuyện gì xảy ra, tôi xin chịu tội chết”.

Cuối cùng họ cũng nghe theo ông một lần và để ông chăm sóc đứa trẻ. Nguyễn Diệu nuôi nấng cậu bé Đinh Đường cho đến tận bây giờ.

Nguyễn Diệu vốn sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thừa Thiên – Huế. Khi học hết trung học phổ thông, ông theo bạn bè đi làm kinh tế thu mua mây song xuất khẩu tại xã Thượng Trạch.

Rồi ông bén duyên, ở lại lập nghiệp, lấy vợ sinh con ở vùng đất này.

Nuôi hoài bão phát triển quê hương

Trải qua bằng ấy thời gian, cậu bé Đinh Đường nay lấy họ của bố nuôi với cái tên là Nguyễn Văn Vinh. Cậu được bố mẹ nuôi yêu thương, chăm sóc chu đáo như con đẻ của mình.

Nay, cậu bé ấy đã là sinh viên năm cuối, khoa Sư phạm tiểu học, Trường đại học Quảng Bình. Trở thành sinh viên đại học là điều mà rất ít ai làm được ở vùng đất Thượng Trạch. Số người đi học đại học chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Đinh Đường đang trải qua kỳ thực tập để chuẩn bị tốt nghiệp. Nhìn cậu khác hẳn về mọi mặt so với những thanh niên ở cùng địa phương. Cậu tâm sự rằng, thấy mình rất may mắn khi được lên thành phố học và được học lên cao như vậy.

Trong ký ức tuổi thơ của Đinh Đường là những chuỗi ngày đi chân đất giữa những con suối, những cánh rừng già để mò cua bắt cá, lấy củi… mưu sinh.

Hàng ngày, Đinh Đường vẫn đang cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức để đóng góp, xây dựng quê hương nơi mình sinh ra.
Hàng ngày, Đinh Đường vẫn đang cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức để đóng góp, xây dựng quê hương nơi mình sinh ra.

Giờ đến ở nơi thành phố phồn thực, cậu ấp ủ biết bao hoài bão và dự định. Cậu mong muốn quê hương mình cũng phát triển như dưới đồng bằng, để người dân quê mình đỡ vất vả hơn.

“Em muốn sẽ có nhiều bạn trẻ ở địa phương được lên thành phố học như em, để được mở mang tầm mắt và có vốn hiểu biết về xã hội, cuộc sống nhiều hơn.

Các bạn được tiếp xúc nhiều với dưới đồng bằng, được học nhiều hơn thì các bạn sẽ có ước mơ cho riêng mình để theo đuổi, để phát triển bản thân hơn”, Đinh Đường nói.

Theo Đinh Đường, từ khi cậu đi học ở thành phố, mỗi lần về nhà là bạn bè lại tập trung đến nhà rất đông để nghe cậu kể về cuộc sống thú vị nơi đồng bằng.

Bên cạnh đó, cậu cũng thường đi đến các bản làng nằm sâu trong rừng, nói cho dân bản nghe về chuyện học hành, về lợi ích của việc học, về cách mà người đồng bằng làm ăn để người dân ở địa phương học hỏi theo.

Cậu bé suýt bị chôn theo mẹ sắp trở thành thầy giáo ảnh 3Nơi người thầy phải học tiếng của đồng bào dân tộc Ma-Coong

Đinh Đường 23 tuổi, nhưng cậu tỏ ra rất chững chạc và có chí lớn. Những tâm tư, nguyện vọng của em đều hướng về nơi mà em được sinh ra.

Sự trái ngược hoàn toàn giữa nơi rừng núi em sinh ra và thành phố phồn hoa cậu theo học đã gieo vào tâm trí cậu bé một ước nguyện rằng, một ngày nào đó, quê hương của cậu cũng sẽ phát triển phồn thực như dưới đồng bằng.

“Học xong, em mong muốn có được công việc ổn định, để em có cơ hội dạy cho con em xã mình. Lúc đó, em sẽ thu xếp thời gian rảnh để dạy thêm cho các em, để các em tiến bộ, dần theo kịp với các bạn ở dưới xuôi.

Trẻ em chỗ em còn thiệt thòi nhiều lắm. Nên em mong muốn quê hương mình phát triển nhiều hơn nữa”.

Đinh Đường cũng cho biết, trong thời gian học đại học, khi học chung với các bạn ở dưới đồng bằng, cậu tiếp thu có phần hạn chế hơn các bạn. Vì vậy, nhiều môn, sau mỗi buổi học cậu phải hỏi lại các bạn mới hiểu bài.

Đinh Đường đang trải qua kỳ thực tập và đã được đứng trên bục giảng dạy cho các em học sinh ở Trường Tiểu học Hải Thành (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình).

Đinh Đường trong kỳ thực tập ở Trường Tiểu học Hải Thành (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình).
Đinh Đường trong kỳ thực tập ở Trường Tiểu học Hải Thành (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình).

Để tạo thân thiện với các em học sinh, cứ đến giờ ra chơi Đinh Đường lại tổ chức trò chơi cho các em. Cậu nói rằng, điều này khiến các em học sinh rất thích thú.

“Em được giao chủ nhiệm lớp 5. Mới đầu, khi đứng trước các em học sinh em thấy run lắm. Nhưng sau đó cũng quen dần, hơn nữa các em học sinh thành phố cũng khá thân thiện và dễ gần”, Đinh Đường chia sẻ.

Ấp hoài bão lớn, cậu bé Đinh Đường hàng ngày vẫn đang cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức để đóng góp, xây dựng quê hương.

Thủy Phan