Chỉ tiêu… không có tội

09/04/2017 06:42
Sông Trà
(GDVN) - Bản thân từ chỉ tiêu, đặt ra các chỉ tiêu trong nhà trường không có tội tình gì. Nó là cái định lượng, cụ thể, là cái đích cần hướng tới.

LTS: Trước ý kiến đề xuất về việc bỏ các chỉ tiêu trong giáo dục hiện nay mà cô giáo Phan Tuyết đưa ra trong bài viết “Có học trò dốt không, đau lòng mà nói là có!”, thầy giáo Sông Trà cho rằng chỉ tiêu không có tội.

Theo thầy Sông Trà, vẫn nên duy trì chỉ tiêu nhưng quan trọng là xây dựng chỉ tiêu như thế nào.

Bởi việc bỏ chỉ tiêu dễ dẫn đến việc thầy cô giáo lạm quyền tùy tiện trong việc chấm điểm học sinh, sẵn sàng chèn ép học trò.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 29/3, cô giáo Phan Tuyết có bài: “Có học trò dốt không, đau lòng mà nói là có!” nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. 

Ở phần cuối bài, tác giả nêu ra một số giải pháp để khắc phục tình trạng học yếu kém, trong đó nhấn mạnh: “Ngành giáo dục cần phải bỏ gấp các chỉ tiêu đang áp xuống các trường học hiện nay như chỉ tiêu lên lớp thẳng, hiệu quả sau 5 năm đào tạo, chuẩn phổ cập đúng độ tuổi...

Không áp chỉ tiêu để xét thi đua giáo viên, xét thi đua trường học hàng năm như hiện nay vẫn làm. Đừng vì chạy theo chỉ tiêu mà làm hại cả một thế hệ. 

Những đứa trẻ cần được học thật sự chứ không phải dạy cho xong và quẳng chúng ra ngoài đường là hết trách nhiệm”. 

Cũng là một nhà giáo, nhà quản lý giáo dục có hơn 20 năm công tác tại nhà trường phổ thông, tôi nhận thấy giải pháp của cô Phan Tuyết nêu ra có phần cực đoan, phiến diện, chưa hiểu đúng, đầy đủ ý nghĩa, bản chất của từ ngữ mang tên "chỉ tiêu". 

Chỉ tiêu không có tội mà quan trọng là xây dựng chỉ tiêu như thế nào cho đúng. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Chỉ tiêu không có tội mà quan trọng là xây dựng chỉ tiêu như thế nào cho đúng. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Theo tôi, việc các cơ sở giáo dục hình thành, xây dựng các chỉ tiêu cho học sinh, giáo viên, các bộ phận, ban ngành… làm căn cứ, cơ sở để nhà trường, thầy cô giáo, các em học sinh cùng nỗ lực, phấn đấu, hướng tới những thành quả tốt nhất là hoàn toàn đúng đắn và tích cực. 

Không riêng gì trường, lớp, ngành giáo dục đề ra các chỉ tiêu mà các ngành nghề, lĩnh vực, hoạt động khác cũng đều xây dựng và thực hiện chỉ tiêu đó. 

Cuối tháng, cuối quý, cuối năm, người nào không đạt chỉ tiêu được giao khoán thì phải bị phê bình, cắt bớt tiền thưởng, tiền lương, còn người làm vượt chỉ tiêu, vượt kế hoạch thì được thưởng xứng đáng, thế mới là công bằng, động lực cho sự phát triển. 

Mặc dù ngành giáo dục có đặc thù riêng, sản phẩm đào tạo là con người, học sinh, khó kiểm định, cân đo đong đếm được song vẫn cần có các chỉ tiêu ban đầu. 

Bản thân từ chỉ tiêu, đặt ra các chỉ tiêu trong nhà trường không có tội tình gì. Nó là cái định lượng, cụ thể, là cái đích cần hướng tới. 

Chỉ tiêu… không có tội ảnh 2

Đâu phải do nhà trường, là chỉ tiêu cấp trên ép xuống!

Chỉ tiêu cũng phải không là thứ bất biến, đầu năm sao, cuối năm vẫn vậy mà nó luôn được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, thực tế dạy học, chất lượng học tập của các em.  

Đáng tiếc rằng, một số địa phương, cơ sở giáo dục lại vô tình hay cố ý bóp méo, làm lệch vẹo đi bản chất, ý nghĩa tích cực của chỉ tiêu khiến giáo viên phản ứng, ca thán, không đồng tình. 

Thậm chí, có nơi từng biến chỉ tiêu thành “vũ khí” lợi hại để áp đặt, hù dọa, trừng trị giáo viên, nếu không đảm bảo chỉ tiêu thì bị cắt thi đua thế nọ, thế kia….

Những con số chỉ tiêu đúng đắn được xây dựng, bàn bạc một cách công phu, nghiêm túc, bám sát thực tế dạy học, chất lượng học sinh của cả hội đồng sư phạm. 

Phải dành nhiều thời gian, họp bàn cho các chỉ tiêu, mọi thành viên nhà trường đều có tiếng nói góp ý, xây dựng chân thành nhất, những biểu hiện áp đặt, duy ý chí của một số lãnh đạo, Ban giám hiệu về chỉ tiêu cần được đấu tranh triệt để. 

Có không ít giáo viên khi họp bàn, xây dựng chỉ tiêu thì bàng quan, im lặng, nể nang, sợ mất lòng, sao cũng được cả đến khi cuối học kỳ, cuối năm học thấy thực hiện không được, tỉ lệ, điểm số của mình đạt thấp lại kêu trời, quay sang đổ lỗi cho lãnh đạo nhà trường áp đặt, thiếu dân chủ… 

Chỉ tiêu… không có tội ảnh 3

Bệnh thành tích phải điều trị cho đội ngũ quản lý từ cấp trường đến Bộ

Trong quá trình triển khai, thực hiện, gặp trở ngại, khó có thể đạt chỉ tiêu, kế hoạch ban đầu đề ra thì nhà trường họp bàn, thống nhất điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thực tiễn. 

Lãnh đạo các nhà trường nên chủ động, linh hoạt, biện chứng khi đụng đến các con số, chỉ tiêu. 

Tôi cho đó là giải pháp khả thi, nhất định sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng tình lớn của các thầy cô giáo. 

Còn bảo loại bỏ hẳn các chỉ tiêu ra khỏi nhà trường hiện nay thì rất nguy hiểm, một số nguy cơ xấu có thể phát sinh. 

Bởi lẽ, ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận thầy cô giáo chưa cao, dẫn đến tình trạng tùy tiện, tự tung, tự tác trong đánh giá, xếp loại, ghi điểm. 

Một khi giáo viên được tự do, có “quyền” cho điểm bao nhiêu cũng được, tha hồ cho học sinh thi lại, ở lại lớp thì tình trạng dạy thêm tràn lan, chèn ép học sinh phải đi học thêm (vốn đang phức tạp hiện nay) càng thêm trầm trọng. 

Rồi đây, học sinh và phụ huynh sẽ phải phụ thuộc và khổ sở nhiều vào giáo viên chưa tốt, thiếu cái tâm với nghề.

Sông Trà