Chiến lược Vành đai và Con đường đang bị chệch hướng?

07/03/2019 08:18
Thanh Bình
(GDVN) - Tổng thống mới đắc cử của Maldives gọi BRI là một trò lừa đảo lớn và một cái bẫy nợ mà phải được từ bỏ hoặc đàm phán lại.

Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc ở nước ngoài trong chiến lược Vành đai và Con đường (BRI) do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đang vấp phải những rào cản lớn.

Phải chăng chiến lược đầy tham vọng này của Bắc Kinh đang bị chệch hướng?

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc báo cáo của chính phủ tại kỳ họp quốc hội khai mạc ngày 5/3/2019 (Ảnh: Reuters).
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đọc báo cáo của chính phủ tại kỳ họp quốc hội khai mạc ngày 5/3/2019 (Ảnh: Reuters).

Kỳ họp quốc hội Trung Quốc khóa 13 khai mạc ngày 5/3/2019 thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế bởi nó diễn ra vào năm Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập nước, nhưng cũng là thời điểm Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng thấy.

Báo cáo của chính phủ được Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc tại lễ khai mạc kỳ họp quốc hội cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội chính trong năm qua, như GDP vượt 90.000 tỷ nhân dân tệ, tăng 6,6% so với năm trước; tỷ lệ thất nghiệp được giữ ở mức 5%; các công cuộc cải cách chính quyền trung ương và địa phương diễn ra thuận lợi. [1]

Nhưng điều không được nhắc tới trong báo cáo là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc ở nước ngoài trong chiến lược Vành đai và Con đường (BRI) do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đang vấp phải những rào cản lớn.

BRI chỉ mới được 5 năm nên chưa thể đánh giá được những kết quả đầy đủ của nó. Tuy nhiên, một đánh giá sơ bộ có thể được đưa ra về các dự án BRI ở Nam Á và Đông Nam Á. Đây là khu vực được các nhà lãnh đạo Trung Quốc mô tả là trục chính của BRI.

Chính ở đây, đầu tư BRI mạnh mẽ nhất và tồn tại lâu nhất. Hàng trăm tỷ USD được chi ở các nước này đã không tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư, cũng như lợi ích chính trị cho đảng.

Chiến lược Vành đai và Con đường đang bị chệch hướng? ảnh 2Vành đai và Con đường - "sáng kiến chinh phục lân bang" bằng phụ thuộc kinh tế?

Vẫn còn là một dấu hỏi lớn về việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực sự tìm kiếm lợi nhuận tài chính từ BRI hay không?

Nợ công của 27 nước trong BRI được 3 cơ quan xếp hạng lớn cho là uy tín thấp trong khi 14 nước khác hoàn toàn không nằm trong bảng xếp hạng uy tín. [2]

Các quyết định đầu tư dường như thường được thúc đẩy bởi nhu cầu địa chính trị thay vì ý nghĩa tài chính lành mạnh. Việc phát triển cảng tốn kém ở Nam Á và Đông Nam Á là một ví dụ điển hình.

Một báo cáo đã đánh giá rằng không một dự án cảng Ấn Độ Dương nào được tài trợ thông qua BRI có nhiều hy vọng thành công về mặt tài chính. Chúng có khả năng được ưu tiên vì hữu dụng về địa chính trị.

RWR Advisory Group lưu ý rằng 270 dự án cơ sở hạ tầng BRI trong khu vực (chiếm 32% tổng giá trị) đã bị đình chỉ vì các vấn đề về tính thực tiễn hoặc khả năng tài chính. [3]

Có một khoảng cách lớn giữa những gì Trung Quốc tuyên bố sẽ chi và những gì Trung Quốc đã thực sự chi.

Mặt khác, Bắc Kinh mô tả đầu tư BRI vào lục địa Á-Âu là nằm dọc các hành lang kinh tế được xác định mà sẽ kết nối trực tiếp Trung Quốc với các thị trường và người dân ở các khu vực khác của lục địa.

Bằng biện pháp này, Bắc Kinh hy vọng sẽ chuyển vốn vào các khu vực nơi nó sẽ có lợi ích lâu dài lớn nhất và sẽ dần cải thiện có sở hạ tầng.

Điều này đã không xảy ra. Một phân tích về 173 dự án BRI đã kết luận rằng ngoại trừ Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), dường như không có mối quan hệ đáng kể nào giữa việc tham gia hành lang và hoạt động dự án.

Điều đó cho thấy, các nhóm lợi ích trong và ngoài Trung Quốc đang làm biến dạng tầm nhìn chính sách đối ngoại đặc trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình. [4]

Ảnh chụp một hoạt cảnh trong phim hoạt hình tuyên truyền về Vành đai và Con đường của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.
Ảnh chụp một hoạt cảnh trong phim hoạt hình tuyên truyền về Vành đai và Con đường của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.

Các dự án BRI không được chỉ đạo tập trung, thay vào đó các cơ quan nhà nước cấp thấp hơn như chính quyền tỉnh và khu vực đã được giao nhiệm vụ phát triển các dự án BRI.

Những vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt với BRI xuất phát từ những mâu thuẫn cố hữu trong mục đích của các nhà lãnh đạo về sáng kiến này và phương tiện họ cung cấp để đạt được chúng.

Các dự án BRI được lựa chọn thông qua một hệ thống quản lý dự án phi tập trung và sau đó, được tài trợ thông qua các khoản vay ưu đãi chủ yếu do các ngân hàng chính sách Trung Quốc đề xuất. Đây là một công thức làm gia tăng chi phí và tham nhũng. [5]

Việc dễ bị ảnh hưởng kéo dài trước tiến trình BRI đã thúc đẩy sự phản đối đối với đầu tư và ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc trên toàn khu vực.

Tại Maldives, Đảng Tiến bộ ủng hộ Bắc Kinh đã bị đánh bại bởi Đảng Dân chủ Maldives, hoạt động trên một nền tảng chống BRI.

Tổng thống mới đắc cử của Maldives gọi BRI là một trò lừa đảo lớn và một cái bẫy nợ mà phải được từ bỏ hoặc đàm phán lại.

Ông có một tinh thần tương tự như Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, người đã mô tả các dự án BRI của Bắc Kinh là một hình thức chủ nghĩa thực dân mới cần phải loại bỏ.

Còn ở Bangladesh, giới chức nước này gần đây đã đưa vào danh sách đen công ty Harbor Engineering Company, một trong những công ty xây dựng tích cực nhất thuộc BRI của khu vực này vì các cáo buộc tham nhũng.

Myanmar đã lo sợ các xu hướng khu vực tới mức họ đã tạm ngừng dự án cảng do BRI tài trợ ở Kyaukpyu cho đến khi Trung Quốc đồng ý cắt giảm 80% quy mô của nó.

Có lẽ BRI đang có dấu hiệu chệch hướng chiến lược. Không có bằng chứng nào cho thấy nó đã định hình lại thực trạng địa chính trị của châu Á.

Việc BRI mở rộng trên toàn cầu là hết sức đáng lo ngại, không phải vì mối đe dọa nó gây ra cho trật tự quốc tế mà vì những gì nó cho chúng ta biết về cách vận hành các dự án mang danh BRI.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/the-gioi/nhung-thach-thuc-trung-quoc-phai-giai-quyet-trong-ky-hop-quoc-hoi-3889665.html

[2] https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2018-10-24/why-democracies-are-turning-against-belt-and-road

[3] https://www.rwradvisory.com/rwr-statistics-targeted-chinese-state-run-tabloid-global-times/

[4] Tài liệu tham khảo số 008-TTX ngày 09/1/2019 của Thông tấn xã Việt Nam.

[5] https://www.asiatimes.com/2019/03/article/one-country-two-sessions-multiple-tweaks/

Thanh Bình